Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Tôi Cùng Bệnh Thương Hàn


Vào khoảng 7 hay 8 tuổi tôi vướng bệnh thương hàn rất nặng, thuở này chỉ có sulfamide, chưa có kháng sinh. 

Khởi đầu nội tôi cho tôi khám bệnh thầy thuốc bắc, uống thôi cả trăm thang mà không dứt bệnh, được nửa năm, bệnh bớt, đi học bằng xe lôi đạp, được tháng, bệnh lại, nghe ai đó điềm chỉ, nội đưa tôi sang Mỹ Thiện, một xã cách Vĩnh Long khoảng vài chục cây số, hướng đi Cái Bè, nằm điều trị tại nhà thầy thuốc chuyên trị ban bạch “ Bệnh thương hàn “ được hơn 4 tháng, số tiền mang theo đã hết, nội tôi về nhà lấy thêm tiền, nơi nhà thầy thuốc, không biết ông cho tôi dùng thang thuốc chi, khi nội tôi trở lại, thấy tôi đã đắp chiếu, nội tôi đứng chết trân và khóc nhiều lắm, thời gian sau từ từ tôi tỉnh lại, rồi tết sắp đến, mặc dù còn bệnh, nội cũng phải đưa tôi về lại nhà. 

Nơi Vĩnh long đã không còn thầy thuốc bắc điều trị cho tôi, nội đưa tôi đến bác sĩ Khương Hữu Long khám và trị bệnh cho tôi, sau thời gian dài không khá được bao nhiêu, bà lại thay thầy khác, lần này là bác sĩ Tây, ông Guy Le Sage, Tên Việt là Lê Huy Minh, sau lần đổi tiền năm 1975, tôi có nghe nói ông sang Phi Châu trị bệnh thiện nguyện. 


Trong công ơn to dầy dưỡng dục của nội, tôi lại được tái góp mặt cùng cộng đồng, lớn lên tôi có xem lại tư liệu y học về bệnh thương hàn, sau khi thuốc kháng sinh rất nhiều chủng loại đã được phổ biến rộng khắp trên thế giới, bệnh rất dễ trị và trị dứt một cách nhanh chóng mà không tái phát, hiện thời trẻ con được chủng ngừa các loại bệnh, trong đó có cụ thương hàn, nghiêm trọng nhất là thủng ruột vào thời chưa có kháng sinh. 

Trong chứng thương hàn, các cụ truyền tai nhau, không được ăn thức ăn cứng kẻo bị lủng ruột, thức ăn đến đây đã thành nhủ tương ở khu vực dễ bị lủng trong y khoa gọi là hồi tràng, chính điều này đã gây quan tâm lớn cho hai nhà nghiên cứu thuộc trường đại học y khoa của nước Pháp vào những năm 1935 – 1936 nhà Bác Học James Reilly và bác sĩ Phạm Hữu Chí. 
Hai ông mổ một con chó, sau đó trích lấy nọc độc của vi trùng thương hàn thoa lên mở chày của ruột non thuộc khu vực hồi tràng, hai ông đóng ổ bụng con chó, con chó sống được một thời gian rồi chết. 
Hai ông tiếp tục mổ bụng con vật và thấy chúng bị lủng ruột nơi khu vực thoa nọc độc thương hàn, hai ông kết luận, ruột lủng do nọc độc thương hàn. 

Thí nghiệm này làm nền tảng cho những nghiên cứu trong nhiều lãnh vực của y khoa, công lớn của hai nhà khoa học trong đó có một người Việt Nam – Bác sĩ Phạm Hữu Chí, người gốc Bà Rịa, ông mất rất sớm, hưởng dương 33 tuổi. Vào những năm 1935 đến 1937, ông có khám bệnh tại Pháp, các bà các cô thuộc đẳng cấp quý tộc thường chỉ đến khám bệnh với Savant Phạm, họ tin tưởng, tôn trọng ông và gọi với danh xưng như vậy. 

Ông Phạm hữu Diệc, em ông Chí “ Không rõ tại sao ba tôi gọi tên – Anh Điệc, không lẽ là tên thường gọi “, ông là Tham Tán, ông nhảy khiêu vũ rất đẹp, thường tới thăm ông anh nơi khám bệnh, không rõ ở Pháp hay ở Việt Nam, có lẽ ở Pháp thì đúng hơn, ông có quen một quý bà mà ba tôi gọi là Công Chúa Mốt Cơ Va “ Bà này có lẽ dòng hoàng tộc Nga cư ngụ, hoặc lưu vong ở Pháp “, theo lời của ba tôi, ông Điệc quen khi bà đến nhờ ông anh khám bệnh. 
Ba tôi lại kể theo lời ông Điệc - Khi bà Công Chúa này đến nghỉ mát ở Cap Saint Jacques “ Vũng Tàu “, trong thức ăn của bà thiếu một gia vị nào đó, bà sai tài xế đi xe hơi từ Cap đến Sài Gòn chỉ mua mỗi một món gia vị còn thiếu trong thức ăn đó. 

Chúng ta nghe chuyện trên, có lẽ nghĩ rằng các bà quý tộc kiểu cách, nhưng không phải, vì thức ăn theo tập quán, phong cách thường dùng của họ là vậy. so với thời hiện tại “ Chuyện đó là tồ phỏ “ chuyện nhỏ. 

Trương Văn Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét