Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Về Miền Tây Bài - Phần 9


Về phía Tây Bắc của Vĩnh Long là Sa Đéc. Sa Đéc các Sài Gòn 132 cây số về phía Tây Nam. Trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì một phần của Sa Đéc thuộc Vĩnh Long, một phần thuộc tỉnh Định Tường. Ngay khi xăm chiếm Nam Kỳ, Pháp nâng Sa Đéc lên hàng tỉnh, đặc tỉnh lỵ tại xã Tân Vĩnh Hòa, nằm bên hữu ngạn sông Cửu Long, đối diện với rạch Cao Lãnh. Về vị trí, phía Bắc giáp Hồng Ngự và Cao Lãnh (Kiến Phong), Nam giáp Cần Thơ, Tây giáp An Giang, và Đông giáp Mỹ Tho. Tổng diện tích Sa Đéc là 1.320 cây số vuông, tuy nhiên, phần đất nằm về phía Đồng Tháp Mười hãy còn hoang vu vì ủng phèn lâu năm. Tổng dân số Sa Đéc theo thống kê của La Cochinchine vào năm 1924 là 205.515 người, gồm đa số là người Việt, kế đó là người Hoa. Sa Đéc hầu như không có người Miên. Khí hậu tỉnh Sa Đéc cũng thuộc miền bán nhiệt đới, nóng và ẩm như các tỉnh khác trong vùng. Ngành trồng lúa nước vẫn là chính yếu của tỉnh Sa Đéc. Sau khi chiếm Nam Kỳ, người Pháp đã cho đào kinh Đồng Tiến, đi An Long và Hồng Ngự, xẻ dọc Tháp Mười theo hướng Nam Bắc, và một con kinh khác từ tỉnh lỵ Tân An vô Mộc Hóa. Họ cũng cho đào rất nhiều kinh chạy theo hướng Đông Tây, nhằm dễ dàng chuyên chở lúa gạo ra sông lớn, nhưng vô hình trung những con kinh này lại cũng giúp xả phèn và dẫn thủy nhập điền, nên khoảng đầu thế kỷ 20, đất đai vùng Sa Đéc trở nên tốt hơn và thu hoạch mỗi vụ mùa cũng cao hơn. Sa Đéc nổi tiếng với những vườn cau, vườn dừa, vườn cây ăn trái xanh mát, chạy dọc theo bờ sông Cửu Long từ Cái Tàu Thượng, xuống vùng Tân Vĩnh Hòa, Nha Mân, Cái Tàu Hạ... 
Từ khi được nâng lên thành tỉnh, Sa Đéc phát triển về mọi mặt, lúa sản xuất mỗi năm mỗi tăng, cây trái rau quả dư dùng cho toàn tỉnh, còn xuất cảng sang Cần Thơ hay đưa lên Sài Gòn. Cũng như Vĩnh Long, Sa Đéc được bao bọc hai phía Đông Bắc và Tây Nam bởi hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, nên ngành thủy sản của Sa Đéc phát triển rất mạnh, cá khô, tôm khô dư dùng trong tỉnh, đặc biệt là ngành bắt tôm nước ngọt phát triển rất mạnh ở Sa Đéc. Vào thời đệ nhất Cộng Hòa, chính quyền đã nâng đở thành lập nhà máy chế biến bánh phồng tôm Sa Giang, chẳng những nổi tiếng ở vùng Nam Kỳ, mà còn nổi tiếng trên toàn quốc, và ngày nay đã được biết tiếng trên khắp thế giới. Trong mỗi bữa tiệc, món ăn giáo đầu ít khi nào thiếu món bánh phồng tôm Sa Giang chiên. 

Ngay từ thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ, Sa Đéc đã có rất nhiều chợ rất phồn thịnh như chợ Phú Hữu, Phú Nhuận, Mỹ Long, Mỹ Xương, Mỹ Trà, Hội An, Lai Vung, Long Hưng, Mỹ An Hưng và Hòa An....Sau khi người Pháp chiếm Sa Đéc, họ cho xây cất khu hành chánh và khu vực cư trú cho nhân viên chánh phủ rất đẹp ở tiểu đảo, có con rạch nhỏ ngăn cách với đất liền mà họ gọi là Passe-Nord. Tuy nhiên, chỉ hơn trăm năm sau, toàn khu ấy đã bị nước cuốn đi gần hết, nó lở dần và lở dần, đến năm 1974 hầu như đã sụp lở gần hết. Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản sáp nhập tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Đồng Tháp, gồm hai tỉnh Sa Đéc, Kiến Phong, và một phần của Mộc Hóa để thành lập tỉnh Đồng Tháp. Về thắng cảnh, cách thị xã Sa Đéc chừng 3 cây số có vườn hoa Tân Quí Đông, nơi đây người ta trồng đủ các loại hoa và cây cảnh, đặc biệt là hoa hồng. 

Trong quận Lai Vung, đoạn sông Hậu Giang chảy qua xã Định Hòa, có một cồn cát trắng mịn, trông giống như một nàng tiên nằm phơi mình trong nắng, nên dân địa phương gọi đây là “Cồn Tiên”. Với không khí trong lành và cảnh thiên nhiên thơ mộng, không riêng người dân trong tỉnh Sa Đéc thường đến đây thưởng ngoạn mà từ từ dân chúng các vùng phụ cận cũng đổ xô đến đây nghỉ ngơi trong những ngày hè oi bức. Bên bờ Tiền Giang, khúc sông chảy ngang qua khu Cái Tàu Hạ và Nha Mân có một bãi sông thiên nhiên rất đẹp, cát ở đây mịn và trắng không thua gì cát biển Nha Trang, lại thêm phong cảnh làng quê bình dị và hoa trái sum suê, nên An Hòa là nơi tắm sông lý tưởng cho cư dân trong vùng. Trong quận Lấp Vò có chợ chiếu Định Yên, theo các bô lão kể lại thì chợ chiếu Định Yên đã có cách nay trên 150 năm, ngay trước thời kỳ Pháp chiếm Việt Nam. Điểm đặc biệt là chợ chỉ họp về ban đêm, có lẽ vì suốt ngày bà con trong vùng Định Yên lúc nào cũng bận rộn với việc đồng áng hay ruộng rẫy nên họ chỉ đi chợ về đêm mà thôi. Hàng hóa duy nhất torng chợ chỉ là chiếu hoặc nguyên liệu để dệt chiếu hay đệm mà thôi. Hàng năm người ta ước lượng có trên cả triệu đôi chiếu được bán ra tại chợ này. 


Về di tích đình chùa, tại thị xã Sa Đéc có chùa Kiến An do những người Hoa gốc Phước Kiến xây dựng vào năm 1924. Ban đầu chùa là nơi giảng dạy chữ Phước Kiến cũng như phong tục tập quán của người Phước Kiến, về sau này không riêng gì người Hoa trong tỉnh Sa Đéc mà người Hoa trong khắp miền Nam cũng thường xuyên tới lui lễ bái. Điểm đặc biệt là toàn bộ chùa không có kèo mà chỉ có đòn tay ráp mộng lại với nhau, và cảnh quang của chùa tuy thanh u nhưng không kém phần trang nghiêm và lộng lẫy của lối kiến trúc cổ. 

Tại thị xã Sa Đéc còn có chùa Hương hay Phước Hưng Cổ Tự, chùa được xây cách đây hơn 100 năm, đặc biệt tại chùa hãy còn một pho tượng phật bằng đất sét thếp vàng đã được đắp cách nay trên 100 năm. Cũng tại thị xã Sa Đéc còn có ngôi chùa Bà, đã được xây dựng cách nay trên 100 năm. Đây là nơi người Hoa thờ Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu Thánh Mẫu), hằng năm người ta tổ chức lễ vía Bà rất trọng thể vào hai ngày 23 tháng 3 và mồng 9 tháng 9 âm lịch. Ngoài ra, tại Cái Tàu Hạ thuộc quận Châu Thành, có đình Tân Phú Trung, được xây vào đầu thế kỷ thứ 19, đến năm 1858 được vua Tự Đức sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh. Đình có lối kiến trúc cổ, cột kèo được làm bằng toàn những gỗ quý, nên đã trên 200 năm nay mà vẫn còn nguyên vẹn. Trong đình có nhiễu bức liễn cũng được làm bằng gỗ quý và khắc chạm rất công phu. Hằng năm đến ngày 17 tháng 4 và 12, 13 tháng 5 âm lịch người ta tổ chức lễ cúng đình rất long trọng. Tại quận Lấp Vò có đình Định Yên, được xây từ năm 1909 để ghi nhớ công ơn ông Phạm văn An, người đã có công khai phá vùng đất này. 

Hằng năm người ta tổ chức lễ cúng đình rất lớn vào những ngày 16 và 17 tháng 4 cũng như ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Sa Đéc của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp. 

(Trang 40 - 42)
Người Long Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét