Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Việt Nam Văn Học Sử Yếu - Dương Quảng Hàm.(Chương Dẫn Đầu)

DƯƠNG QUẢNG HÀM
VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU
BỘ GIÁO DỤC
TRUNG TÂM HỌC LIỆU XUẤT BẢN 1968
BIÊN TẬP ĐẠI Ý


Quyển này gồm có hai phần: 
1) Phần lược khảo về văn học lịch sử nước Việt Nam nhan là “Việt Nam văn học sử yếu” 
2) Phần trích lục những bài thơ văn cổ kim viết bằng Việt văn để dùng trong khoa giảng văn , nhan đề là “Việt Nam thi văn hợp tuyển”
Việc khảo cứu về văn học lịch sử nước Nam.
Ai cũng biết rằng hiện nay không có quyền sách nào chép về văn học lịch sử nước ta, không nói gì những sách tham khảo tinh thường cho các học giả dùng, ngay đến những sách tóm tắt các đại cương cho học sinh dùng cũng không có. Gần đây, các báo chi, thỉnh thoảng có những bài nghiên cứu về một tác giả, một tác phẩm hoặc một vấn đề thuộc về văn học sử của ta. Lại có mâý nhà khảo cứu người Pháp đã dịch những tác phẩm của ta sang Pháp văn hoặc theo các tài liệu trong sử sách của ta mà viết những thiên chuyên khảo về văn tịch nước ta. Nhưng các bài khảo cứu ấy còn tản mạn ở các sách, các báo và chưa thành hệ thống gì. Lại có nhiều vấn đề vì còn thiếu tài liệu để kê cứu nên chưa thể giải quyết được. 

Nay chúng tôi lấy tài sơ học thiển soạn ra quyển Việt Nam Văn Học Sử Yếu nầy, cũng tự biết là làm một việc quá bạo và chắc rằng tác phẩm của chúng tôi còn nhiều điều thiếu thốn, phải đợi công cuộc khảo cứu tra tầm của các học giả sau nầy mà bổ khuyết dần. 
Dù sao chăng nữa, trong việc biên tập, chúng tôi đã hết sức cẩn thận. Khi xét về vấn đề nào trước hết sưu tập các tài liệu tản mạn ở các sách các báo, rồi khảo sát, suy nghĩ: điều gì xác thực chắc chắn mới chép, điều gì còn hồ nghi thì để huyền, điều gì có nhiều thuyết tương đương thì giải bày rõ ràng để sau nầy có thể nghiên cứu thêm mà quyết định. 

Tóm lại, chúng tôi lấy sự thực làm trọng; không khi nào dám lấy ý riêng mà giải quyết một nghi vấn theo cách võ đoán, cũng không hấp tấp theo liêù những ý kiến thông thường nhiêù khi sai lầm hoặc thiên lệch. Bởi thế, mỗi việc quan trọng kể ra, mỗi cái chứng cớ dẫn ra, thường có chưa rõ xuất xứ. Cuối mỗi chương, đều có kể rõ các tác phẩm để kê cứu và các bản in, bản dịch để độc giả có thể theo đó mà kiểm điểm những điều đã chép ở trên. 
Về mỗi tác giả nói đến trong sách (trừ những tác giả còn sống) , chúng tôi có kèm theo một cái tiểu truyện: những điều nói trong tiểu truyện nầy (năm sinh, năm mất, năm thi đỗ, quê quán v.v...) chúng tôi đã kê cứu cẩn thận ở các sử ký liệt truyên đăng khoa lục, v.v. .. 
Cuối mỗi chương, thường có các bài đọc thêm, hoặc trích ở những tác phẩm đã xuất bản, hoặc tự chúng tôi biên dịch ra để độc giả được hiểu rõ một vấn đề quan trọng đã nói đến ở trong chương. 
Ở cuối sách, có một bản liệt kê tên các tác giả và các tác phẩm theo thứ tự A B C; sau mỗi tên có chứa số trang trong sách đã nói đến tác giả hoặc tác phẩm ấy để độc giả tiện sự tra cứu. 

Việc sắp đặt và lựa chọn các thơ văn trích lục

Việc học văn học sử phải căn cứ vào các tác phẩm: học trò không những cần biết những điều cốt yếu về thân thế và văn nghiệp của mỗi tác giả, lại cần đọc nhiều thơ văn của tác giả ấy mới có thể lĩnh hội được cái khuynh hướng về tư tưởng và cái đặc sắc về văn từ của tác giả ấy. Bởi thế phần thứ nhì quyển nầy, “Việt Nam thi văn hợp tuyển vừa là một tập hợp những bài thơ văn hay để dùng trong khoa giảng quốc văn, vừa là một tập khảo chứng cốt làm tỏ rõ những điều đã nói trong phần “Văn Học Sử Yếu”. Nên, muốn cho tiện việc đối chiếu, chúng tôi hợp các bài cùng một tác giả lại với nhau và sắp đặt các tác giả theo thứ tự thời gian, trừ các ca dao và các tác phẩm vô danh để lên đầu sách. 
Trong việc lựa chọn, chúng tôi chú ý đến những bài không những có giá trị về đường tư tưởng và đường văn từ mà lại có thể làm tiêu biểu cho công trình trứ thuật của tác giả. 

Việc khảo sát, dẫn giải, chú thích các thơ văn trích lục

Trước khi trích lục một tác phẩm trường thiên nào, chúng tôi có tóm tắt đại ý và lược thuật các tình tiết trong tác phẩm ấy để học trò được biết ý nghĩa của toàn thiên mới hiểu rõ các đoạn trích lục ở sau. 
Các bản in quốc ngữ những thơ văn cổ (trừ những bản đứng đắn do các học giả chủ trương) thường có nhiều chỗ sai lầm làm mất cả ý nghĩa nguyên văn, nên chúng tôi đã so sánh các bản và nhiều khi phải tra ở các bản Nôm cũ để khảo sát lại, rồi lựa bản nào xét ra đúng hơn cả in vào trong bài làm bản chính, còn các bản chép khác đều in ở dưới bài để tiện việc khảo cứu, trừ những bản hiển nhiên là sai lầm (hoặc in sai, hoặc phiên âm sai) không kể; ở một vài chỗ chúng tôi lại giải rõ cái lẽ sỡ dĩ đã chọn lấy một chữ khác với chữ vẫn thường thấy. 

Trong nguyên văn ,thứ nhất là trong các thơ văn cổ có những điển tích hoặc chữ khó nào, đều có chú thích kỹ lưỡng. Những từ ngữ gốc ở Hán tự, đều có chữ Nho bên cạnh và giảng nghĩa đen từng chữ để học trò được hiểu rõ. 
Đó là những phép tắc chúng tôi đã theo để soạn thành quyển sách nầy. Còn về việc ghi chép, chúng tôi lấy sự minh bạch làm trọng: đoạn mạch cốt sắp đặt rõ ràng, lời văn vụ bình thường giản dị, dù vậy quyển sách nầy có nhiều chỗ thiếu thốn sơ lược, sau nầy cần phải bổ khuyết hoặc giải thích thêm, chúng tôi cũng mong rằng quyển sách nầy sẽ là một bức bản đồ giản ước theo đó các bạn thanh niên biết được phương hướng và đường lối chính để đi vào khu vườn văn học của nước ta, ngõ hầu một ngày kia tìm thấy những hoa lạ, quả quý hiện nay còn ẩn khuất trong đám cành lá rậm rạp, thì thật là hân hạnh cho chúng tôi lắm. 
.
Hà nội, tháng sáu tây năm 1941.
***
VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU 

Chương dẫn đầu
Văn chương bình dân. 


Ở nước ta, cũng như ở các nước khác, trước khi các nhà học thức viết những bài văn theo khuôn phép hẳn hỏi, thì người bình dân trong nước đã biết đem tư tưởng tính tình mà diễn thành những câu tục ngữ, những bài ca dao theo giọng điệu tự nhiên. 
Văn chương bình dân ấy tuy không theo phép tắc nhất định như văn chương bác học , nhưng cũng có nhiều áng hay, đời đời do sự khẩu truyền mà lưu lại đến nay, rất phong phú; lại biểu lộ tính tình phong tục của dân ta một cách chất phác, chân thực; thật là một cái kho tài liệu quí hóa cho ta. Vậy ta phải xét trước tiên nền văn chương bình dân ấy (chương thứ 1) 

Ảnh hưởng của người Tàu 
– Dân tộc ta, sau khi chiếm lĩnh đất Bắc kỳ và phía bắc Trung kỳ và tự tổ chức thành xã hội – lúc ấy dân ta còn ở trong trình độ bán khai – thì bị nước Tàu chinh phục và đô hộ trong hơn một nghìn năm (từ 207 tr,Tây lịch đến 939 s. TL) 
Trong thời kỳ ấy, dân ta chịu ảnh hưởng của người Tàu về cả các phương diện: chính trị, xã hội. luân lý, tôn giáo, phong tục. Riêng về đường văn học, dân ta học chữ Nho, theo đạo Nho, thâu thập dần tư tưởng và học thuật của người Tàu. Bởi thế ta phải xét đến cái ảnh hưởng ấy và những duyên do khiến cho văn học Tàu truyền sang nước ta; đó là chủ địch các chương thứ II, III, IV, V và VI. 
Các chế độ: phép hịch, phép thi – Các ảnh hưởng của người Tàu rất là sâu xa, nên sau này tuy dân ta lấy lại được nền tự chủ về đường chánh trị mà về đường tinh thần, thứ nhất là đường văn học, dân ta vẫn phụ thuộc vào nước Tàu. 
Trong non một ngàn năm (từ năm 939 đến cuối thế kỷ thứ XIX) trải mấy triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý Trần, Hậu Lê và Nguyễn, chữ Nho vẫn được coi làm chữ của chánh phủ dùng: học hành, thi cử, luật lệ, dụ sắc, giấy tờ việc qua đều dùng chữ nho; các sĩ phu trong nước vẫn học các kinh truyện, sử sách của Tàu, đọc các thơ văn, tác phẩm của Tàu, rồi đến lúc ngâm vịnh, trứ thuật cũng viết bằng chữ Nho. Bởi vậy ta phải xét các chế độ do các triều vua đặt ra để qui định việc học, việc thi, và khuyến khích việc văn học trong nước thế nào; đó là chủ đích các chướng thứ VII, VIII, IX và X. 
Các thể văn – Tuy các sĩ phu học chữ Nho, thi chữ nho, viết văn chữ nho, nhưng một đôi khi, do cái bản tính thiên nhiên, cũng nhớ đến tiếng Nam là thứ tiếng hàng ngày vẫn và vẫn nghe, mà đem giải bày tư tưởng, tính tình bằng tiếng ấy, thứ nhất là những khi có mối cảm xúc băn khoăn ở trong lòng. Bởi thế, dù tiếng Nam không được Triều đình săn sóc đến. lại nhiêù khi bị phái nhà Nho khinh bỉ coi là “nôm na mách qué” mà vẫn sản xuất ra văn chương; không những thư văn bình dân như trên đã nói, mà từ khi Hàn Thuyên (hạ bán thế kỷ thứ XIII) biết phỏng theo Đường luật làm thơ phú bằng tiếng Nam, thì các học giả theo gương ông mà kế tiếp viết nhiều bài văn Nôm. 
Thành ra, không kể những tác phẩm viết bằng Hán văn, nay ta còn có nhiêù tác phẩm viết bằng Việt văn của các tiền nhân để lại. 
Tuy nhiên, ngay trong những tác phẩm viết bằng Việt văn ấy, các tác giả cũng vẫn không thoát ly ảnh hưởng của văn chương Tàu. 
Trừ mấy thể riêng của ta, phần nhiều các thể văn lắp phỏng theo của Tàu … Đề mục, văn liệu, điển tích phần nhiều cũng mượn của Tàu. Ngay thứ chữ dùng để viết văn tiếng nam ấy cũng do sự ghép các bộ phận của chữ Nho mà đặt ra: tục là chữ Nôm. 
Vậy ta phải xét các thể văn, hoặc mượn của Tàu, hoặc tự ta đặt ra mà các nhà làm văn nước ta đã viết bằng chữ Nôm: đó là chủ đích các chương XI, xIII, XIV, XV, XVI và XVII. 

Ảnh hưởng của người Pháp 
– Dân tộc ta chịu ảnh hưởng duy nhất của người Tàu mãi đến thế kỷ thứ XVII là lúc những người châu Âu sang nước ta hoặc để buôn bán, hoặc để truyền giáo, trong số các giáo sĩ, phải kể ông cố đạo người Pháp tên là Alexandre de Rhodes là người thông thạo ngôn ngữ, phong tục, lịch sử của nước ta lắm. Các giáo sĩ ấy đã mượn những tự mẫu La Mã đặt ra một thứ chữ để viết tiếng ta một cách giản tiện: tức là chữ Quốc ngữ. Nhờ có sự sáng tác ấy, dân ta có một thứ chữ có quy cũ để viết tiếng Nam và cũng nhờ đó mà nền quốc văn gần đây mới thành lập được. Bởi thế ta phải xét vấn đề đó trong chương thứ XVII. 

Vấn đề ngôn ngữ văn tự. 
- Nay người nước Nam ta cũng biết lấy tiếng nước Nam làm trọng, ai cũng mong cho quốc văn một ngày một phát đạt, vậy ta phải xét đến vấn đề ngôn ngữ văn tự của ta, thứ nhất là sự khác nhau của tiếng Bắc , tiếng Nam, để nhận rõ nguyên do, thể cách sự khác nhau ấy và tìm phương bổ cứu, ngõ hầu một ngày kia tiếng ta thành nhất trí và có chuẩn đích, khiến có thể trở nên một thứ văn tự hoàn toàn được. Đó là chủ đích chương thứ XIX. 

Dương Quảng Hàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét