Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Giáo Dục, Dưỡng Dục

Bây giờ xin được trở lại với các từ mà thầy thắc mắc thêm Thầy nhé !
"....Nếu tiện, xin Anh cho thêm các chữ 'giáo dục' và 'dưỡng dục', ,tiết dục', diệt dục. "
Trước tiên là chữ GIÁO 教 thuộc dạng chữ Hội Ý, theo diễn tiến sau đây:


Theo Giáp Cốt Văn, ta thấy chữ GIÁO bên trái là hình một thằng người, có lẽ là nô lệ, bên trên có 2 dấu chéo, bên phải có một người cầm cây roi đưa lên dá dá, nên chữ Giáo có nghĩa là Dạy bảo, Răn đe. Những nghĩa phát sinh của chữ GIÁO như sau:
GIÁO 教 là DẠY, là Truyền thụ kiến thức hoặc kĩ năng cho người khác, như : Giáo Sư, Giáo Thụ, Giáo Sinh...
GIÁO là Đạo Giáo, Tôn Giáo, như: Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo...
GIÁO là Nơi truyền thụ hoặc Tập luyện, như: Giáo Đường, Giáo Trường...
GIÁO khi là Phó Từ có nghĩa là: Làm Cho... Như trong Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị có câu :
" Khúc bãi thường GIÁO thiện tài phục " 
Có nghĩa: 
Mỗi lần đàn xong một khúc thường LÀM CHO những người tài giỏi về đàn khâm phục.
Chữ DỤC 育: Thuộc chữ Hội Ý, gồm có chữ TỬ 子 là Con, được viết ngược ở bên trên, và chữ NHỤC 肉 là Thịt ở bên dưới, Hàm Ý: đút miếng thịt vào miệng đứa nhỏ, nên chữ DỤC là Cho Ăn, là Nuôi. Theo diễn tiến chữ viết như sau


Các nghĩa của chữ DỤC:

DỤC là Nuôi Nấng, như: Dưỡng Dục.
DỤC là dạy dỗ, như Giáo Dục.
DỤC là Nuôi dạy, Huấn luyện theo một mục tiêu mục đích nào đó , như : Thể Dục, Đức Dục, Trí Dục, MỸ Dục...
DỤC còn có nghĩa là Sinh Đẻ, như Bất Dục là những người không sinh sản được. TIẾT DỤC là Hạn chế sinh đẻ....
Cho nên...
GIÁO DỤC : nghĩa đen là Cho ăn bằng cách dạy dỗ, tức là Nuôi bằng phẩm chất, tinh thần. Nên, GIÁO DỤC có nghĩa là Dạy Bảo, Rèn Luyện là thế.
Về chữ DƯỠNG 養 : Thuộc chữ Hình Thanh ( Hài Thanh ). Phần trên chữ DƯƠNG 羊 chỉ ÂM, Phần dưới chữ THỰC 食 là ĂN chỉ Ý, theo diễn tiến chữ viết như sau:


Các ý nghĩa của chữ DƯỠNG:

DƯỠNG là cung cấp thục phẩm để nuôi sống, như : DƯỠNG GIA là Nuôi Gia Đình, DƯỠNG DỤC là Nuôi Nấng...
DƯỠNG là Nuôi trồng cây cối, như DƯỠNG HOA là Trồng Bông, DƯƠNG THỌ là Trồng Cây....
DƯỠNG là NUÔI khác với RUỘT, như : DƯỠNG TỬ là Con Nuôi, DƯỠNG PHỤ là Cha Nuôi....
DƯỠNG là Giáo dục huấn luyện, như BỒI DƯỠNG là Đào tạo vun đắp cho giỏi, GIÁO DƯỠNG là Dạy dỗ...
DƯỠNG là Nghỉ ngơi, thư giản, như: DƯỠNG LÃO, DƯỠNG BỆNH.....
Nên...
DƯỠNG DỤC là cung cấp thực phẩm để Nuôi cho lớn lên, nên có nghĩa là NUÔI NẤNG mà thôi.
DƯỠNG DỤC là Nuôi về mặt Vật Chất, Thể Chất. Còn GIÁO DỤC là Nuôi về mặt Phẩm Chất, Tinh Thần.

Ta lại có thêm 2 chữ DỤC nữa...

* DỤC 欲: là HAM MUỐN, như trong câu " KỶ sở bất DỤC, Vật thi ư nhân ", nghĩa là : " Cái gì mà mình không MUỐN, thì đừng có Làm ( hoặc Ban ) cho người khác.
* DỤC 慾: Chữ Dục nầy giống như chữ Dục trên, nhưng có thêm bộ TÂM 心 ở bên dưới, nên có nghĩa: Chỉ sự Ham Muốn ở Trong Lòng, Ham Muốn về THỂ XÁC. Ta có từ : NHỤC DỤC, DỤC HỎA là Lửa Dục ở trong lòng....

Từ 2 chữ DỤC trên, nên ta có đến 3 từ TIẾT DỤC như sau:

* TIẾT DỤC 節育: là Hạn chế Sinh Đẻ, là Sinh đẻ có kế hoạch.
* TIẾT DỤC 節欲: là Hạn chế Lòng Tham, là tiết chế, đè nén sự ham muốn.
* TIẾT DỤC 節慾: là Đè nén sự Ham muốn về Thể Xác, là Tiết chế Tình Dục.

Còn DIỆT 滅: là làm cho Mất Đi, như Tiêu Diệt, Tận Diệt... Ta có 2 từ DIỆT DỤC...
* DIỆT DỤC 滅欲 : là Tiêu Diệt sự Ham Muốn, làm cho sự Ham Muốn Mất đi.
* DIỆT DỤC 滅慾 : là Tiêu Diệt Tình Dục, làm cho mất đi sự Ham Muốn về Thể Xác.


Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét