Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Đề Đại Dữu Bắc Dịch - Tống Chi Vấn (636 - 712)

Về nỗi quê nơi đất khách , thêm một bài thơ đã được tôi đọc nhiều lần ,bài Đề Đại Dữu Bắc Dịch của Tống Chi Vấn, một danh tác đời Sơ Đường mà mỗi lần đọc là mỗi cảm xúc. Dù không thể diễn tả được nên lời muốn nói, tôi vẫn không cưỡng lại được chút "tham vọng" và "ngông cuồng " của tuổi già là muốn được chia xẻ một vài nét đẹp của chữ nghĩa trong thơ xưa. Vâng, chỉ là thế thôi. Mong được thông cảm và lượng thứ . PKT 06/10/2015

ĐỀ ĐẠI DỮU BẮC DỊCH
Tống Chi Vấn (636 - 712)

Dương nguyệt nam phi nhạn
Truyền văn chí thử hồi
Ngã hành thù vị dĩ
Hà nhật phục quy lai
Giang tĩnh triều sơ lạc
Lâm hôn chướng bất khai
Minh triêu vọng hương xứ
Ưng kiến lũng đầu mai

 ***
Tạm Dịch : Bài Thơ Đề ở Trạm Bắc Núi Đại Dữu

Tháng 10, trốn lạnh, đàn nhạn bay xuống phương nam/Nghe nói, không hiểu sao, trên đường bay lại quay ngược trở về/ Còn ta thì cứ đi mãi / Không biết ngày nào mới được trở lại / Mặt sông lặng sóng, nước triều vừa mới rút/ Rừng cây mờ tối , lam chướng chưa tan / Mai sáng trông về hướng quê nhà/ Chắc hẳn sẽ thấy được hoa mai (hoa mơ) nở ở đầu lũng.
Phụ Chú : Núi Đại Dữu, còn gọi là núi Mai (Mai Lĩnh), là một dãy núi lớn thuộc Triều Châu, tỉnh Quảng Tây, mênh mông rừng mai, triền núi bên này mai nở, triền núi bên kia mai tàn. Hồi nhạn, chỉ đàn nhạn, tháng 10 bay về nam trốn lạnh, bay qua khu rừng mai chỗ nở, chỗ tàn, có thể tưởng nhầm mùa lạnh đã dứt mà bay ngược trở lại chăng? 

Đề Đại Dữu Bác Dịch
Xuống nam, tháng trở lạnh
Sao nhạn ngược bay về
Còn khách phải đi mãi
Ngày nao trở lại quê
Sông yên triều mới rút
Rừng ám chướng chưa tan
Mai sáng, hướng làng cũ
Hẳn thấy lũng mơ vàng 

Phạm Khắc Trí
06/10/2015
  ***

Thơ Đề Nơi Trạm Núi

Đàn nhạn xuôi Nam trốn lạnh
Vì đâu bay ngược trờ về
Còn ta, đi hoài mải mê
Biết đến ngày nao trở gót
Sông lặng nước triều vừa rút
Rừng chiều sương khói mờ loang
Ngóng quê, chờ sáng trời quang
Hẳn thấy mai vàng dưới lũng.

Phương Hà phỏng dịch
  ***

Đề Nơi Trạm Bắc Đại Dữu
(1)
Sải cánh tháng mười nhạn ruỗi Nam
Nghe đâu quay lại lúc đông tàn
Sao ta cứ mãi chân lê bước
Không biết ngày nao trở lại làng?
Sông lặng thủy triều đang rút xuống
Rừng mờ chướng khí vẫn chưa tan
Sớm mai đứng ngóng về quê cũ
Mường tượng rừng mai lũng rực vàng 

Mailoc

(2)
Nhạn tháng mười về Nam cánh sải ,
Nghe đồn tới đó lại về ngay .
Sao ta lê bước chân hoài ,
Ngày nao không biết được quay về làng ?
Sông nước lặng triều đang rút xuống ,
Rừng thiêng mờ khí chướng chưa tan ,
Sớm mai đứng ngóng quê làng ,
Lũng sâu ngỡ thấy mai vàng ánh tươi ..

Mailoc
 ***
Dịch Thơ:

Thơ Đề ở Trạm Bắc Núi Đại Dữu 


Nhạn tháng Mười(*) di nam trốn lạnh
Gặp mùa xuân vỗ cánh quày ra
Còn mình mãi miết phương xa
Bao giờ mới được quê nhà về thăm
Sông yên tĩnh nước âm thầm rút
Chướng chiều rừng heo hút chưa lan
Sớm mai nhìn phía thôn làng
Nơi đầu non Lũng(**) ngập tràn những mai.

Quên Đi
(*) Dương Nguyệt: tháng 10 Âm lịch
(**) Lũng : - Tên gọi tắt của tỉnh "Cam Túc"
- Tên núi Lũng Sơn ở giữa hai tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc.
  ***

Thơ Đề Nơi Núi Bắc


Nhạn xuôi Nam tìm nơi lành trú lạnh
Có ngờ đâu,quay ngược lại bay về!
Còn thân ta, sao mãi chốn đam mê??
Đâu có biết ngày nao mình lui gót!
Sông lặng gió,nước triều dâng vừa rút
Cây mờ sương ,chướng khí vẫn chưa tan
Hướng quê nhà,mong ước sớm trời quang
Ắc sẽ thấy mai vàng phơi dưới lung

Song Quang Phỏng Dịch
  ***
Núi Mai Lĩnh

Xuôi Nam trốn lạnh nhạn bay đi,
Trở lại quay lui đố hiểu gì...
Chẳng trách người ta sao bước mãi,
Không phiền ai nỡ hỏi làm chi !
Sông sâu mực nước triều lên xuống,
Rừng thẳm sương mờ chướng khí quy.
Nhắm hướng quê nhà xa tít tắp,
Mai vàng dưới lũng nở li ti

Mai Xuân Thanh 
Ngày 11 tháng 06 năm 2015  ***
1. BẢN TIẾNG HÁN CỔ CỦA BÀI THƠ:

題大庾嶺北驛 ĐỀ ĐẠI DỮU LÃNH BẮC DỊCH

陽月南飛雁, Dương nguyệt nam phi nhạn,
傳聞至此回。 Truyền văn chí thử hồi.
我行殊未已, Ngã hành thù vị dĩ,
何日複歸來。 Hà nhật phục qui lai?
江靜潮初落, Giang tịnh triều sơ lạc,
林昏瘴不開, Lâm hôn chướng bất khai.
明朝望鄉處, Minh triêu vọng hương xứ,
應見隴頭梅。 Ưng kiến lũng đầu mai!

宋之問           Tống Chi Vấn

TỐNG CHI VẤN ( 656-712 ), tự là Diên Thanh, còn có tên là Thiếu Liên. Người đất Phần Châu ( thuộc huyện Phần Dương , tỉnh Sơn Tây hiện nay ). Còn có thuyết cho rằng, ông là người Hoằng Nông Hoắc Châu ( thuộc Linh Bảo, tỉnh Hà Nam hiện nay ). Ông là thi nhân nổi tiếng đời Đường.
Tống Chi Vấn là cậu của Lưu Hi Di, cả hai cậu cháu đều rất giỏi thơ và cùng đậu Tiến Sĩ năm Thượng Nguyên thứ hai đời Đường ( 675 ). Hai cậu cháu có một giai thoại về thơ rất thương tâm, sẽ kể hầu quí vị ở bài thơ sau.....
Tông Chi Vấn vì có dính líu đến vụ án Thái Bình Công Chúa, nên bị biếm làm Trường Sử Việt Châu. Khi Đường Tuấn Tôn lên ngôi, ông lại bị đày đến Khâm Châu ( thuộc Khâm huyện tỉnh Quảng Đông ngày nay ). Chính trên đường đi đày này, khi trọ ở bắc dịch quán ở biên giới Giang Tây và Quảng Đông , ông đã làm bài thơ thương cảm nầy .

CHÚ THÍCH:
ĐẠI DỮU LÃNH 大庚嶺 : là một ngọn núi trong Ngũ Đại Lãnh, đây là ranh giới giữa Bắc Nam nằm giữa tỉnh Giang Tây và Quảng Đông. Ngày xưa theo truyền thuyết : Khi nhạn phương Bắc bay về Nam để tránh lạnh, khi bay đến Nam lãnh nầy thì không bay nữa. có thể vì là giao giới giữa Bắc Nam nên khí hậu đã khá ấm áp rồi. Vì khí hậu ôn hòa ấm áp, tháng mười đã thấy nở đầy cả bạch mai và hồng mai, nên còn có tên là MAI LÃNH 梅嶺.

BẮC DỊCH 北驛: DỊCH là Dịch Quán, nhà trọ cho những công sai, quan viên đi lại nghỉ ngơi. BẮC DICH: là Dịch quán cuối cùng của đất Bắc được xây dưng giữa ranh giới Bắc Nam.
DƯƠNG NGUYỆT 陽月 : là tên gọi riêng của tháng Mười theo cách gọi của dân gian là : Chánh Đoan, Nhị Hoa, Tam Đồng, Tứ Mai, Ngũ Bồ, Lục Lệ, Thất Qua, Bát Quế, Cửu Cúc, Thập DƯƠNG, Thập Nhất Hà, Thập Nhị Lạp 「正端、二花、三桐、四梅、五蒲、六荔、七瓜、八桂、九菊、十 陽、十一葭、十二臘」( Tháng Giêng gọi là tháng ĐOAN, tháng hai gọi là tháng HOA, tháng ba gọi là tháng ĐỒNG... ) Hiện nay rất ít người biết gọi theo cách nầy, kể cả Hoa Kiều ở khắp nơi trên thế giới.

TRUYỀN VĂN 傳聞: Theo Truyền thuyết nghe thấy được . Ở đây có nghĩa là " Nghe nói rằng..."
THÙ 殊 : là Đặc Thù, là đặc biệt, là ngoại lệ.
HÔN 昏 : là Hôn ám, là Âm U. CHƯỚNG 瘴 : là Chướng Khí: Khí độc trong rừng thẳm, nơi ít người lui tới. BẤT KHAI là Không Mở Ra, Không mở ra. Nên câu 6 " Lâm hôn chướng bất khai " có nghĩa: " Rừng già âm U, ngập tràn cả chướng khí chưa mở ra được ! "
LŨNG ĐẦU 隴頭 : là Gò đất cao, ở đây chỉ những ngọn núi ở xa xa. Chữ LŨNG 隴 : khi là Danh từ riêng mới có nghĩa là tên riêng của tỉnh CAM TÚC, một tỉnh ở cực tây TQ, thuộc lãnh thổ của Lưu Bị thời Tam Quốc. Đây là nơi giáp giới giữa 2 dân tộc Hán Hồ mà tôi đã đề cập trong bài LƯƠNG CHÂU TỪ của VƯƠNG HÀN.

DỊCH NGHĨA:
CẢM ĐỀ NƠI DỊCH QUÁN PHÍA BẮC CỦA ĐẠI DỮU LÃNH

Trời tháng mười miền Bắc bắt đầu se lạnh, nên chim nhạn kết đoàn bay về phương Nam. Nghe nói rằng nhạn chỉ bay đến nơi nầy rồi dừng lại ( Vì nơi đây khí hậu đã ấm áp lắm rồi !). Còn hành trình của ta thì ngoại lệ, một kẻ đi đày, nên không thể dừng lại đây được. Và không biết ngày nào mới được trở về quê cũ đây. Hôm nay dừng chân nơi quán dịch giáp giới nầy , nhìn dòng sông phẳng lặng trong lúc thủy triều đang xuống và cánh rừng mờ mịt chướng khí của buổi chiều không tan đi được! Sáng ngày mai khi đứng trên ngọn núi nầy mà trông ngóng về quê nhà, thì chắc cũng chỉ thấy được rừng mai nở rộ phủ kín cả núi đồi mà thôi ! ( chớ đâu có thấy được quê hương đâu ! Cũng như người Việt lưu vong ở MỸ, đứng bên bờ biển Cali mà nhìn, thì chỉ thấy được biển xanh mây trắng, tuy có đẹp, nhưng làm sao thấy được đất nước Việt Nam ở bên kia bờ Thái Bình Dương xa lơ xa lắc !!! ).
Toàn bài toát lên một nỗi sầu cô độc da diết của kẻ đi đày. Chim nhạn còn có chỗ dừng chân và bay trở lại, còn mình thì không biết bao giờ mới trở lại được đây ? Cảnh trí phương nam với sông ngòi phẳng lặng đìu hiu, rừng sát thâm u chướng khí, chỉ có khí hậu là ấm áp nên ngàn mai nở rộ, rực rở cả núi đồi, nhưng cũng không làm cho tác giả cảm thấy cảnh trí tươi đẹp. Mai nở rộ chỉ làm che khuất tầm mắt của tác giả trông ngóng về quê hương mà thôi ! Toàn bài thơ không có dùng một chữ SẦU nào cả, nhưng lòng SẦU TƯ của tác giả thì man mác từ câu đầu đến câu cuối!

Diễn Nôm:

Tháng mười xuôi nam chim nhạn,
Đến đây dừng cánh đợi về
Riêng ta thân đày lưu lạc
Ngày nào mới được hồi quê?!
Sông lặng buồn trông nước xuống
Rừng sâu lam chướng ủ ê
Sáng ngày quê xa trông ngóng
Núi đồi mai nở tái tê!

Lục bát:
Xuôi nam chim nhạn tháng mười
Đến đây dừng cánh xuân tươi lại về
Riêng ta lòng luống ủ ê
Quê hương biết thuở nào về lại đây?!
Sông buồn lặng lẽ nước mây
Rừng sâu lam chướng phủ đầy lối qua.
Sáng ngày trông ngóng quê xa
Quê xa chẳng thấy, mai hoa nở đầy!!!


Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét