(Vài cảm-nghĩ và kỷ-niệm về Đời Thầy)
Trong một lớp học, SG
Như tiếng vọng âm vang trong lòng núi, Tiếng Nói Của Thầy âm vang trong đáy thẳm hồn tôi. Nếu thể xác tôi được nuôi bằng giòng sữa mẹ, bằng mồ hôi nước mắt của cha, thì trí óc tôi đã lớn lên trong Tiếng Nói Của Thầy...Thầy ơi! Tiếng Nói Của Thầy sao thiêng liêng và quí báu! Khi nào trên thế giới này còn có những bầy học sinh cắp sách đến trường, khi nào dưới mái học đường còn vang lên tiếng đọc ê a, thì tâm hồn tôi vẫn còn vang lên Tiếng Nói Của Thầy. (Tiếng Nói Của Thầy).
Biết tôn kính thày ngay từ lúc theo bước chân cha tôi dẫn giắt đến trường. Dần dần lớn lên cho đến ngày nay, công ơn giáo dục của Thầy (chữ chỉ chung thày cô giáo) vẫn luôn luôn được giữ trong lòng tôi, mặc dù đường đời không hoàn toàn bằng phẳng và nghề thày hoàn toàn không phải là ước mơ đầu đời. Ta đứng bên nàng, ôi người yêu khoa-học/ Những hoàng hôn tím lạnh cả không gian/ Hay đêm khuya học dưới ánh đèn vàng/ Đôi làn sóng giao thoa tìm ánh mắt.(TìnhKhoaHọc). Nhiều lần đi qua mấy công thự xây dựng từ thời Pháp, nhìn thấy ở chỗ cao nhất của mặt tiền toà nhà có tượng bà đầm Tây đứng sau một câi cân tượng trưng cho công lý, tôi có một ước mơ khác. Thực vậy, tôi đã bước vào nghề Thầy trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ, do thời thế đẩy đưa, hay nói theo quan niệm cổ, là do số phận. Nhưng dù ước mơ của chúng ta đạt được hay không, hoặc đường đời không hiện ra đúng như kỳ vọng ta đặt vào hiệu quả của những người làm công tác giáo dục, chúng ta vẫn phải biết nhớ ơn Thầy. Không thể làm Thầy nếu không biết tôn kính, nhớ ơn Thầy. Có lẽ nên coi đó là phương châm đối với những ai muốn chọn nghề Thầy. Ngay cả dù không có ước vọng làm thày, tôi đã trang trọng lưu giữ một đề mục đăc biệt trên computer ghi tên tất cả những Thầy cô giáo cũ ở quê hương từ lớp vỡ lòng lên tới lớp cao (kể cả người ngoại quốc), và những thày cô giáo ở đất nước tôi đang ngụ cư: Vinh danh những người Thầy của tôi. Về kỷ niệm với các Thầy thì mỗi chúng ta đều có nhiều không kể xiết nhưng ngày nay mỗi khi nhắc lại mấy hình ảnh độc đáo đã từng chứng kiến thời dĩ vãng xa xôi, tôi thường có cảm tưởng muốn cười hơn là khóc, vui vui hơn là hờn giận:
[1]-Cây thước kẻ (eo ôi!) của Thầy vào thời gian học các lớp dự-bị, sơ-đẳng và trung-đẳng 1&2 trường cơ bản tiểu học (hồi xưa, gọi là pre'paratoire, e'le'mentaire. moyen un & deux) khiến học trò tái xanh tái xám mặt mày.
[2]-Lời phán deux ze'ro hoặc deux zeros kèm theo un, deux, trois, quatre, cinq consignes (suỵt!) của thày ở trường trung học. [3]-Khung cảnh thoải mái, tự do thảo luận giữa thày và trò của lớp cao học chỉ loe ngoe có 1 Thầy và 5,6 trò ngồi hai bên một cái bàn dài thường dùng để họp cho hội đồng giáo sư... Hình ảnh đời thày của các thầy cô giáo chẳng bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi, một kẻ làm thầy hậu sinh (rất may tôi không bao giờ phải lãnh hình phạt nặng nào), ngày nay đang góp một phần không nhỏ vào nguồn lửa sưởi ấm tâm hồn tôi trong cuộc sống đời thường nơi xứ lạnh.
Thế là dù muốn hay không, như một định mệnh, tôi đã chính thức bước qua ngưỡng cửa Đời Thầy, với những thăng trầm của nó, nhưng nói chung nó như một bản nhạc ở cung trầm. Giờ đây, nhớ lại một thời đã qua, tiếc nuối cũng có nhưng bù lại gặp khá nhiều cơ hội nghề nghiệp đã cho tôi được mở rộng gót phiêu du trên những nẻo đường đất nước để những hình ảnh kỷ niệm còn in đậm trong tâm hồn tôi mãi.
Chùa Thiên-Mụ, Huế
Vào một mùa Hè, khi mới vào nghề, tên tôi lọt vào danh sách đi dự một khoá tu nghiệp tại Viện ĐH Huế trong vòng nửa tháng. Mừng, bởi sẽ có dịp đến thăm Huế. Lo, bởi hồi đó, nghe nhiều giáo chức thì thầm về sự nghiêm ngặt của Toà Đại-diện GD Miền Trung. Thay vì đi Huế bằng xe hoả, tôi đã chọn xe hàng để có dịp ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ từ trên đỉnh đèo Hải-vân xuống Đà-nẵng và dọc đường qua những thành phố biển Nha-trang, Qui-nhơn, Quảng-ngãi. Trú tại cư xá SVĐH Huế, trong khu vực thành phố mới ở hữu ngạn sông Hương, nơi có các cơ quan chánh quyền, hai trường Quốc-học và Đồng-Khánh, viện Đại-học... Việc học tập, trái với nỗi lo từ trước, đã diễn ra rất thoải mái. Tất cả thày trò, từ các giảng sư xuống các học viên đã coi nhau như một gia đình. Ngoài giờ học, học viên tự tổ chức đi thăm cảnh cổ thành Huế, chùa Thiên-mụ và các lăng tẩm. Một số ít ảnh đen trắng rất mờ được chụp ở Cửa Ngọ-môn, điện Thái-hoà, khu cung nữ, mấy cỗ pháo đại thần công, dãy đỉnh đồng cao lớn hơn đầu người, dãy tượng quan đại thần, hồ Tịnh-tâm và mấy lăng tẩm ở gần thành phố như lăng Tự-Đức, Khải-Định, Minh-Mạng... Có ngày Huế mưa dầm kéo dài lê thê như lệ đổ tràn mi cũng không ngăn khỏi bước chân kẻ lãng du, như Lưu Nguyễn nhập Thiên-thai, lần đầu được thấy đất Thần-kinh. Không quên thăm khu Gia-hội, phá Tam-giang, bãi biển Thuận-an, chợ Đông-ba và cửa hàng cơm gạo tám thơm, hay đi dạo đêm trên cầu Tràng-tiền và bên bờ sông Hương thơ mộng: Nàng Tiên Huế ngủ say dưới ánh trăng ngà ngọc/ Giòng sông Hương: giải lụa bạc vắt ngang thân/ Cầu Tràng-tiền: mảnh lược thưa cài trên tóc/ Núi Ngự-bình: ôi vòm ngực giai nhân... (NàngTiênHuế)
Trong thời gian ngắn ngủi làm việc tại miền Trung, nỗi buồn nhớ thủ đô Sài-gòn hoa lệ đã trùng trùng phủ lên ước mơ tuổi trẻ của tôi: Giấy vàng xanh trắng đỏ nét hoa bay/ Trống gõ nhịp bản trường ca xây đời nguyện ước/ Hỡi Thành-đô ta yêu Người tha thiết/ Hỡi Thành-đô ta trọn gửi tương lai./ Ta sẽ về xây đắp lại ngày mai...(MộngĐẹpMùaHoa). Rồi trở về thủ đô thật, tôi miệt mài cố gắng thực hiện ít nhiều mộng-đẹp-mùa-hoa theo hình ảnh ước mơ thứ nhì và chính nó đã thi vị hoá cuộc sống của tôi từ đó về sau. Nhưng có đi xa mới biết được nhiều phong cảnh nước mình trong đó có nơi tuyệt đẹp không kém Huế, như Đà-lạt chẳng hạn, nhân dịp một kỳ đi chấm thi. Thật hồ hởi vì đó là lần đầu tiên tôi đến một thành phố cao nguyên, một thắng cảnh nổi tiếng. Con tàu hoả có bánh răng cưa đưa khách leo đồi núi trập trùng. Ngụ tại cư xá trường trung học Trần-hưng-Đạo trong một dãy lầu có cửa sổ kính nên giữ được độ ấm so với cái lạnh bên ngoài. Nhưng mặc áo len dày đi dạo phố ngoài trời lạnh mới là một thích thú độc đáo: khu phố chợ Hoà-bình, hồ Xuân-Hương, hồ Than-thở, thác Cam-ly... Một thú vị đáng nhớ khác là trong lúc ngoài trời lạnh lẽo, ngồi ăn trong cửa hàng cơm tám thơm phưng phức, hay ngồi trong quán cà phê T nhâm nha ly cà phê phin nóng và thưởng thức nhạc nhẹ. Lần đi ĐL thứ nhì nằm trong 2 chuyến công tác binh nghiệp vào mười năm sau, qua 3 thành phố Nha-trang, Đà-lạt, Ban-mê-thuột lại ghi thêm vào kho tàng kỷ niệm của tôi nhiều địa danh nổi tiếng khác ở mỗi chặng dừng chân. Thoải mái ngồi trên chiếc zeep dành riêng cho chuyến công tác bên cạnh một bạn đồng hành phụ tá kiêm tài xế lái xe đi đó đi đây. Này đây là bãi biển Nha-trang-miền-cát-trắng, Hải-học-viện, tháp Chàm và Phật-đài trên ngọn đồi cao nhìn xuống thành phố dưới chân. Kia là Suối-đá, tượng Đức Maria, Buôn Pê-lâm ở ven đường ra phi trường BMT với hình ảnh người phụ nữ miền cao, đẹp như ngôi sao điện ảnh Ấn-độ, đang lên dốc từ bờ suối dưới thung lũng huyền ảo như thung lũng người cùi trong phim Ben Hur.
Chuyến đi Đà-lạt nào cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp, nhất là hình ảnh những nữ sinh trong tấm áo dài trắng muốt và chiếc áo len mang màu sắc vàng, đỏ, tím, xanh, hồng của tờ giấy nháp làm bài thi. Nhìn những thiên thần áo trắng đang cắm cúi làm bài, rồi sau đó như hoa tươi bừng nở, toả ra khắp phố phường thì làm sao một thày giáo trẻ có thể quên được. Đà-lạt thơ mộng lắm. Hàng nửa thế kỷ sau, hình ảnh đó vẫn còn vương vấn trong tôi: Gió nhè nhẹ se lòng ta cô quạnh/ Nhớ hồ xưa Than-thở sớm sương mờ..(DạoKhúcBênHồ).
Rồi đời thày của tôi trải qua những giai đọan thăng trầm, khi vui khi buồn, khi đều đặn khi ngất quãng, khi êm ái ngọt ngào, khi đắng cay chua chát... Như tiếng-nói-của-thầy trong quá khứ đã gieo vào lòng tôi muôn vàn kiến thức và âm hưởng còn vang vang trong tâm hồn tôi mãi mãi/ Ánh mắt học trò là hình ảnh bất tử trong đời sống của thầy. (ÁnhMắtHọcTrò). Đúng, quên sao được những tháng ngày đứng trên bục giảng trước đám học trò được coi là đông nhất trường vì thày bao suốt 7 cấp lớp, những buổi hùng hồn diễn tả và so sánh 2 định chế chính trị: dân chủ của Hoa-kỳ và độc tài của Liên-xô, bên cạnh tổng thống chế của VNCH đương thời. Cũng quên sao được buổi picnic của mấy thày trò tại Bửu-long-sơn ở Biên-hoà, nhất là chuyến giang hành đầy thích thú bằng tàu Hải-quân, dọc sông Sài-gòn ra bải biển Long-hải-Vũng-tàu. Tôi rất hăng hái tham dự chuyến đi này cùng hàng trăm em học sinh của trường mặc dầu mới 3 ngày trước vừa thoát khỏi một phen bở vía trong chuyến hải hành đầy sóng gió cùng với vài người thân cũng bằng tàu Hải-quân từ Rạch-giá đi đảo Hòn-sơn. Tưởng cứ như thế mãi. Ai ngờ đời tôi thật éo le với 3 dấu ấn sâu đậm:
*Thứ nhất là những kinh nghiệm của một nhà mô phạm được đúc kết lại với sự hợp tác của một bạn đồng nghiệp để cho ra đời đứa con tinh thần mang tên Luyện thi Trắc nghiệm Công-dân TT2 với số thu nhập đúng một nửa cho phần mình ngót nghét 5 trăm ngàn được cất kỹ nguyên xi dưới đáy chiếc va li sắt trong thời gian không được phép đứng trên bục giảng tiếp sau biến cố 75 mà không có cơ hội mở ra đem đi đổi lấy bạc mới nên đã trở thành mớ giấy lộn. Thôi thế là xong, nhà giáo tay trắng lại hoàn toàn trắng tay.
*Thứ nhì là trong thời gian đời Thầy đang diễn tiến êm ả thì phải dã biệt bảng đen phấn trắng: Cũng dã biệt bày học sinh nam nữ của thày. Lúc thày ra đi, phượng vĩ đỏ rực sân trường. Nay hoa phượng đã đổi màu bao lần mà thày vẫn chưa về. Chưa chắc thày được trở về để trường lại có dịp vang lên tiếng-nói-của-thày. Nếu thày còn được trở về trường thì tiếng nói của thày sẽ không còn âm vang như trước vì bấy giờ là tiếng nói của một người thày mang thân phận kẻ tội lỗi (ThưViếtTừTTCT).
*Thứ ba là tưởng gặp may mắn từ năm 79 tay nghề được luyện lại qua khoá học bồi dưỡng để dạy chéo môn, nhưng chỉ ít lâu sau đã có một lần, mặc dầu biết tuổi tác và thể lực không còn phù hợp với tiêu chuẩn nghĩa vụ quân sự, tôi vẫn dại dột vác mặt đến địa điểm kê khai lý lịch, lúc trở về trường thì có một cuôc đối đáp nhỏ-mà-thành-chuyện-lớn. Chuyện như thế này: sau khi nghiêm trọng nói xin thông báo rằng tôi có tên trong danh sách quân dịch trừ bị, thì bị tới tấp xả cho một trận như cuồng phong bão tố rằng anh không có quyền nói thông báo, vì anh không ở cấp ngang hàng, mà phải nói là báo cáo...Ôi! một sự thật chua chát để đời cho một nhà mô phạm được tái sinh không gặp thời!
Trong một ngày picnic, BH
Cuối cùng, cũng lại như một định mệnh, tôi vĩnh biệt nghề Thầy vào đầu thập niên 90. Buồn vui lẫn lộn, được người thân bảo lãnh đặt chân lên miền đất hứa vào đúng 2 ngày sau Lễ Độc-Lập của Hoa-kỳ. Thấm thoát đến nay đã 20 năm sống tha hương, nhớ lại biết bao kỷ niệm của một thời dĩ vãng, trải qua nửa thời gian cuộc đời của một kẻ làm thày, tôi làm sao ngăn khỏi nỗi ngậm ngùi tưởng nhớ quê hương: Ngăn cách đôi bờ của đại dương/ Tìm đâu thấy được bóng quê hương/ Mây cho ta gởi niềm thương nhớ/ Hai chục năm rồi vẫn vấn vương. (VọngCốHương). Và đôi lúc trầm tư, nhìn thấy hình ảnh quãng đời còn lại của mình, trong hồn tôi như đang vang lên âm điệu trầm trầm của bài thơ Tàng cây, Mái đầu và Tuyết trắng (2013):
Con đường xưa thăng trầm/ mờ phai vào dĩ vãng/ còn lại đây những gì/ tàng cây vừa gục ngã/ đổ xuống bên đường đi/ ôi mái đầu tuyết trắng !
*Phụ lục một bài thơ về một thời đã qua:
Tàng Cây, Mái Đầu Và Tuyết Trắng
Trong nhà hơi ấm toả,
Ngoài trời bông tuyết bay.
Không gian chợt bừng sáng,
Cây cối phủ tơ mây.
Rừng rực lò sưởi cháy,
Hừng hực men rượu say,
Chút hồng lên đôi má,
Cho hồn nhẹ đắng cay.
Cảnh vật im phăng phắc,
Thời gian lạnh lùng trôi,
Cuộc đời đang rút ngắn,
Mong manh một kiếp người.
Con đường xưa thăng trầm,
Gập ghềnh hay bằng phẳng,
Tủi nhục lẫn vinh quang,
Mờ phai vào dĩ vãng.
Còn lại đây những gì?
Tàng cây vừa gục ngã,
Đổ xuống bên đường đi :
Ôi mái đầu tuyết trắng
(Chinh Nguyen/H.N.T.
USA,Jan 2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét