Trong giờ lễ Chủ Nhật, tại nhà thờ Saint
Columban, linh mục T. đã làm nhiều người nghe phải nhỏ lệ khi ông kể một
câu chuyện về một người Mẹ đã nuôi cả mười đứa con thành công về tài chánh, đứa
bác sĩ, đứa kỹ sư, dược sĩ, nhưng rồi cả mười đứa con ấy, không nuôi nổi một bà
Mẹ già. Đứa nào cũng có lý do để từ chối không muốn ở với Mẹ.
Linh mục T. cũng kể lại lúc ông còn ở Chicago, có một lần trong thời tiết lạnh
giá, đến thăm một bà Mẹ, thấy căn nhà rộng mông mênh, không có ai, vì hai vợ
chồng đứa con đi làm cả. Điều ông quan tâm là thấy trong nhà rất lạnh, bà Mẹ
phải mặc hai áo nhưng vẫn lạnh cóng. Ông có hỏi bà mẹ tại sao không mở máy
sưởi, thì bà Mẹ cho biết là không dám mở vì sợ khi con đi làm về, sẽ càm ràm là
“tốn tiền điện quá!” Những đứa con sang trọng kia, có thể chờ đến ngày Lễ Mẹ,
thì đưa mẹ ra ăn tô phở, hoặc gọi điện thoại về nhà, nói: “I love you, mom!”
Thế là đủ bổn phận của một đứa con thành công ở Mỹ đối với người mẹ yêu dấu của
mình.
Những Bà Mẹ ở đây là hiện thân của Mẹ Việt Nam đau khổ, đã hy sinh cả cuộc đời
cho con cái, nhưng khi con cái phụ rẫy, bỏ bê, cũng im lặng chấp nhận cho đến
hết cuộc đời.
Có biết bao nhiêu trường hợp như thế trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại? Biết
bao nhiêu bà mẹ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng tất cả những đau khổ từ khi lấy
chồng, sinh con, rồi ráng nuôi dạy con nên người, sau đó lại chấp nhận những
đứa con bất hiếu như một định mệnh mà không hề thốt lời than vãn?
Một bà mẹ đã dành dụm bao năm buôn gánh bán bưng để cho con vượt biên một mình,
sau đó, khi qua đến Mỹ, thằng con sợ vợ quá, không dám để mẹ ngủ trong phòng,
mà bảo mẹ phải ngủ dưới đất trong phòng khách. Một lần, con chó xù của hai vợ
chồng đứng đái ngay vào đầu mẹ. Bà mẹ kêu lên, thì đứa con dâu cười, trong khi
chồng đứng yên, chẳng dám nói gì.
Bà mẹ khác, không được ở chung với con trai, phải thuê một phòng
của người bạn, vì sức khoẻ yếu, lúc nào cũng lo là chết không có ai chôn. Khi
nghe nói về bảo hiểm nhân thọ, bà có năn nỉ thằng con trai đứng tên mua giùm,
để bà bớt chút tiền già và đóng hàng tháng để mai sau, con có tiền lo hậu sự
cho bà, nhưng đứa con dâu nhất định không chịu, cho rằng “tốn tiền vô ích, chết
thì thiêu, liệng tro xuống biển là xong, chôn làm gì cho mất thời giờ đi chăm
sóc.” Bà cụ uất quá, phát bệnh và qua đời. Không biết rồi bà có được chôn cất
đàng hoàng theo ý muốn, hay lại bị cô con dâu vứt tro ra biển.
Không thiếu những bà mẹ khi đến thăm con trai, phải ngồi nhìn vợ chồng ăn uống
ríu rít với nhau, vì con dâu không chịu dọn thêm một chén cơm mời mẹ. Một bà mẹ
nhớ con nhớ cháu quá, đến thăm con, nhưng sợ con dâu sẽ nhiếc móc thằng chồng,
nên vừa vào tới cửa đã vội thanh minh: “Mẹ không ăn cơm đâu! Mẹ vừa ăn phở
xong, còn no đầy bụng. Mẹ chỉ đến cho thằng cháu nội món quà thôi!”
Không thiếu những bà mẹ vì lỡ đánh đổ một chút nước trên thảm mà bị con nhiếc
móc tơi bời. “Trời đất ơi! Cái thảm của người ta cả vài ngàn bạc mà đánh đổ
đánh tháo ra thế thì có chết không?”
Có bà mẹ bị bệnh ung thư, biết là sắp chết, mong được con gái đưa về Việt
Nam, nhưng con đổ thừa cho chồng không cho phép về, rồi biến mất tăm, sợ trách
nhiệm. Mẹ phải nhờ người đưa ra phi trường, nhờ người dưng đi cùng chuyến bay
chăm sóc cho đến khi về tới nhà. Từ lúc đó đến lúc mẹ mất, cả con gái lẫn con
rể, cháu chắt cũng chẳng hề gọi điện thoại hỏi thăm một lần.
Một bà mẹ già trên 70 tuổi rồi, có thằng con trai thành công lẫy lừng, bốn năm
căn nhà cho thuê, nhưng bà mẹ phải lụm cụm đi giữ trẻ, nói đúng ra là đi ở đợ
vì phải lau nhà, rửa chén, nấu cơm, để có tiền tiêu vặt và để gộp với tiền già,
đưa cả cho… con trai, một thanh niên ham vui, nhẩy nhót tung trời, hai, ba bà
vợ. Mỗi khi gặp bà con, chưa cần hỏi, bà đã thanh minh: “Ấy, tôi ngồi không
cũng chả biết làm gì, thôi thì đi làm cho nó qua ngày, kẻo ở nhà rộng quá, một
mình buồn lắm!”
Trong một cuộc hội thoại, một bà mẹ đã khóc nức nở vì chỉ đứa con gái phụ rẫy,
bỏ bà một mình cô đơn. Bà chỉ có một đứa con gái duy nhất, chồng chết trong
trại cải tạo. Trong bao nhiêu năm, bà đã gồng gánh nuôi con, rồi cùng vượt biên
với con, tưởng mang hạnh phúc cho hai mẹ con, ai ngờ cô con chờ đúng 18 tuổi là
lẳng lặng xách vali ra đi. Nước mắt bà đã chảy cho chồng, nay lại chảy hết cho
con.
Tại những nhà dưỡng lão gần trung tâm Thủ Đô Tị Nạn, có biết bao nhiêu bà mẹ
ngày đêm ngóng con đến thăm nhưng vẫn biệt vô âm tín. Một bà cụ suốt ba năm
dài, không bao giờ chịu bước xuống giường, vì biết rằng chẳng bao giờ có đứa
con nào đến thăm. Bà đã lẳng lặng nằm suốt ngày trên giường như một sự trừng
phạt chính mình vì đã thương yêu con cái quá sức để đến tình trạng bị bỏ bê như
hiện tại. Sau ba năm, bà mất vì các vết lở, vì nỗi u uất, mà những người chăm
sóc bà vẫn không biết gia cảnh bà như thế nào, vì bà không hề nhắc đến. Có điều
chắc chắn là khi bà còn là một thiếu nữ, bà phải là một mẫu người làm cho nhiều
người theo đuổi, quyến luyến, tôn sùng. Chắc chắn bà đã trải qua bao năm tháng
thật tươi đẹp, vì cho đến khi mất, khuôn mặt bà, những ngón tay bà, và dáng dấp
bà vẫn khoan thai, dịu dàng, pha một chút quý phái. Nhưng tất cả những bí ẩn đó
đã được bà mang xuống mồ một cách trầm lặng.
Một buổi chiều tháng 5, tại một tiệm phở Việt Nam, một mẹ già đứng tần ngần bên
cánh cửa. Khi được mời vào, mẹ cho biết mẹ không đói, nhưng chỉ muốn đứng nhìn
những khuôn mặt vui vẻ, để nhớ đến con mình, đứa con đã bỏ bà đi tiểu bang
khác, để mẹ ở với đứa cháu là một tên nghiện rượu, đã hăm doạ đánh mẹ hoài. Hắn
đã lấy hết tiền trợ cấp của mẹ, lại còn xua đuổi mẹ như cùi hủi. Hôm nay, hắn
lái xe chở mẹ đến đầu chợ, đẩy mẹ xuống và bảo mẹ cút đi! Mẹ biết đi đâu bây
giờ?
Trong một căn phòng điều trị tại bệnh viện Ung Thư, một bà cụ đã gào lên nức nở
khi người bệnh nằm bên được chuyển đi nơi khác. “Bà ơi! Bà bỏ tôi sao? Bà ơi!
Đừng đi! Đừng bỏ tôi nằm một mình! Tôi sợ lắm, bà ơi!” Những tiếng kêu, tiếng
khóc nấc nghẹn đó lặp đi lặp lại làm người bệnh sắp chuyển đi cũng khóc theo.
Người y tá cũng khóc lặng lẽ. Anh con trai của người sắp đi xa, không cầm được
giọt lệ, cũng đứng nức nở. Cả căn phòng như ngập nước mắt. Mầu trắng của những
tấm trải giường, mầu trắng của tấm áo cánh của bà cụ như những tấm khăn liệm,
tự nhiên sáng lên, buồn bã. Bà cụ nằm lại đó đã không có đứa con nào ở gần đây.
Chúng đã mỗi đứa mỗi nơi, như những cánh chim không bao giờ trở lại.
Trên đại lộ Bolsa, thỉnh thoảng người ta thấy một bà mẹ già, đẩy chiếc xe chợ
trên chứa đầy đồ linh tinh. Mẹ chỉ có một cái nón lá để che nắng che mưa. Khuôn
mặt khắc khổ của mẹ như những đường rãnh bùn lầy nước đọng, đâu đó ở chợ Cầu
Ông Lãnh, Thủ Thiêm, gần bến Ninh Kiều, Bắc Mỹ Thuận hay ở gần cầu Tràng Tiền,
Chợ Đông Ba? Mẹ đi về đâu, hỡi Mẹ? Những đứa con của mẹ giờ chắc đang vui vầy…
Chu Tất Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét