Lần đầu bay đến châu Âu tôi mới nhận thấy xứ Úc thật
xa xăm. Nguyên thủ tướng Úc, Paul Keating, có
lần phát ngôn một cách tượng hình, Úc là "arse end of the world" (cái
lỗ tận cùng của thế giới). Từ Melbourne bay đến Singapore mất
8 tiếng, từ Singapore đến Frankfurt (Đức) 13 tiếng và cuối cùng đến
Napoli (Ý) thêm 2 tiếng chưa kể những khoảng thời gian chờ đợi
chuyển máy bay. Một anh chàng Ăng-lê dáng dấp phong trần ngồi cạnh
trong chuyến bay từ Singapore đến Frankfurt hỏi đi đâu ở Ý. Tôi bảo
rằng khởi hành từ Napoli (Naples) ngược lên phía Bắc ghé Roma,
Firenze (Florence), Venezia (Venice) và cuối cùng đến Milano
(Milan). Anh ta ngạc nhiên bảo tôi, "Ồ!
Tại sao
Napoli?
An ninh hơi phức tạp đấy",
tôi hơi chột dạ bảo rằng "Không phải nơi này là chốn an bình lãng
mạn tạo hứng khởi cho những bài ca Napolitan như "Santa Lucia" và "O
sore mio" hay sao?". Anh ta cười, phủi tay,
"Vâng, nhưng là chuyện quá khứ, đã hơn 100 năm trước rồi ông ạ".
Thật là nghề chơi cũng lắm công phu, cần nhiều
kiên nhẫn và một chút phiêu lưu.
Napoli - Sorrento.
Sau hơn 30
tiếng kể từ điểm khởi hành, cuối cùng chiếc máy bay đáp xuống phi
trường quốc tế Napoli.
Cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống xứ sở "spaghetti" là cái không
khí lè phè của người dân Ý. Hải quan Napoli không đòi hỏi viết đơn
khai báo hành lý, họ treo trên tường hai tấm bảng đơn giản chỉ hai
ngõ ra, "Khai báo hành lý" hay "Không khai báo hành lý".
Vài nhân viên hải quan vừa nói chuyện, vừa phì
phèo thuốc lá, đi qua đi lại không màng hỏi chuyện tra xét.
Mùi khói thuốc bao trùm cái không gian hít thở, thoang thoảng trên
đường phố đeo đuổi tôi suốt cuộc hành trình từ miền Nam đến Bắc Ý.
Dĩ nhiên, hành khách cứ theo ngõ "Không
khai báo" lũ lượt đi ra. Tôi chợt nhớ cuộc nói chuyện ngắn với anh
chàng Ăng-lê trên máy bay mà không khỏi hoang mang. Trên chuyến
xe bus từ phi trường vào trung tâm thành
phố, anh tài xế mải miết nói chuyện với một hành khách trong suốt
cuộc hành trình 30 phút. Không biết họ quen nhau thế nào mà sao có
lắm đề tài bàn luận mặc dù trên xe có gắn
tấm bảng nhỏ tiếng Ý "Non parla …" mà tôi có thể đoán từ
tiếng Anh là "Tài xế không được nói chuyện trong khi lái xe".
Khác với dân Đức tôn trọng sự chính xác, kiệm
lời, tuân thủ quy luật thì dân Ý dường như ở một bên ngược lại.
Chiếc xe bus chạy vào
thành phố đến nhà ga chính của Napoli. Ở đây chỉ có những tòa nhà
hình khối chữ nhật to lớn cao năm bảy tầng nằm san sát dọc
theo những con phố lớn. Nét cổ kính của
những tòa nhà vẫn còn ẩn hiện trong những đường cong kiến trúc nhưng
quần áo đồ giặt các thứ tung bay phấp phới ngoài cửa sổ, những lớp
sơn mốc meo trên tường đã biến Napoli, từng là trung tâm chính trị
và văn hóa của miền Nam Ý, trở thành một nơi nhếch nhác ngoài sự
mong đợi của tôi. Những người nhập cư từ châu Phi, Trung Đông bày
bán đồ gia dụng, đồ lưu niệm "made in China" trên những quán sạp kéo
dài từ bến xe bus đến nhà ga, tụm năm tụm
ba tán gẫu. Tấp nập người bán nhưng không một
người mua. Đâu rồi sự lãng mạn trong bài
hát "Santa Lucia", hay là phải đợi màn đêm đi xuống mới nhìn
thấy những "ánh sao lấp lánh trên mặt đại dương". Đâu
rồi những tia nắng vàng của "O sore
mio" (Mặt trời của tôi) hòa trong làn gió nhè nhẹ … Cuối cùng
tôi cũng tìm đến được bến Santa Lucia nằm trên bờ biển dọc theo
thành phố Napoli bằng chiếc xe bus địa phương. Dọc
theo bờ biển là vỉa hè rộng rãi cho người
đi bộ. Phía trước mặt là một ngôi thành cổ.
Bên kia đường là những toà nhà cao to và
những nhà hàng sang trọng. Đâu đó tôi nghe một giọng hát từ xa vọng
lại kèm theo tiếng đàn ghi-ta bài
"Santa Lucia". Không khí ở đây thoải mái và
"văn minh" hơn cái xóm nhà ga trung tâm.
Ngày thứ nhất ở Ý làm tôi hơi
thất vọng.
Theo chương trình hành động của ngày thứ hai là đến
thị trấn Sorrento bằng xe lửa. Tờ mờ sáng
đến nhà ga được ông bán vé chỉ tờ cáo thị viết bằng hai thứ tiếng Ý
và Anh dán trên cửa sổ rồi nhún vai bảo tôi đại loại rằng, "Hôm
nay đình công!".
Tôi ngơ ngác. Ông có
đùa không chứ? Ông có biết rằng "đình công" không phải là
chuyện đùa mà ông dửng dưng nói y như "chuyện thường ngày ở huyện"!
Một ngày không có chương trình chỉ lông nhông ở
một thành phố lạ là một việc lãng phí thời gian cực kỳ.
Tôi gặn hỏi ông có cách đi nào khác.
Vốn tiếng Anh của ông giới hạn nên ông chỉ nói
gọn lỏn "boat" mà tôi hỏi một lúc mới biết là phà. Phà chỉ có
vài chuyến mỗi ngày nhưng may quá bến phà cũng không xa. Thế là
chúng tôi đeo chiếc ba lô chạy như bay ra khỏi nhà ga đi tìm phà…
Cuối cùng cũng đến bến phà và kịp mua vé cho
chuyến phà sẽ khởi hành trong vòng 10 phút tới. Chiếc phà
chạy dọc theo bờ biển kéo dài từ Napoli
đi ngang Pompeii rồi đến Sorrento. Ngọn núi
Vesuvius hiện rõ trên bầu trời khi phà đi ngang
Pompeii (Hình 1).
Ngọn núi lửa này bùng nổ 2000 năm trước chôn vùi
thị trấn
Pompeii gần một thước
dung nham để lại những dấu tích sinh hoạt của người đương thời.
Pompeii
trở thành phế tích và ngày nay là một thị trấn trực thuộc Napoli.
Hình 1: Núi lửa Vesivius và thị trấn Pompeii.
Phà cập
bến Sorrento.
Từ bến phà nhìn lên là những tòa nhà đứng ngạo nghễ trên bờ đá cao
cao chơi vơi nằm trên bờ núi đá kéo dài dọc theo
bờ biển Almafi (Hình 2). Chúng tôi lò dò tìm đường đi đến trung tâm
thị xã. Con đường dài hun hút không một bóng người làm bằng những
khối đá xanh nhỏ (10 x 10 cm) được sắp tỉ mỉ thành những hình
nan quạt một cách đầy nghệ thuật. Ô …
những con đường đá xanh đẹp mắt, châu Âu là đây! Dọc hai bên đường
là vách đá cao hàng chục mét được gọt phẳng mà khoảng hở giữa những
tảng đá xám đã được những người thợ trám lại bằng những viên gạch đỏ
tạo nên một sự hài hòa đơn giản. Ngỡ rằng lạc
lối, tôi bèn hỏi một người Ý làm đường đang hì hục đào đất.
Ông không hiểu tiếng Anh, nên tôi lắp bắp vài
tiếng Ý bồi, cộng thêm một câu tiếng Anh lai Ý, "Dove
Sorrento central?
Is this way corretto?"
(Trung tâm Sorrento ở đâu?
Đường này có đúng không?). Ông công nhân
này hiểu ngay lập tức quơ tay chỉ trỏ và
xổ ngay một tràng tiếng Ý mà tôi chỉ hiểu được độc nhất một chữ "corretto".
Con đường là một ngõ cụt mà trước mặt là một vách đá, trung tâm
Sorrento đâu không thấy mà chỉ thấy phía trên tận cùng của vách
nhiều cờ bay phấp phới và chiếc cầu thang gắn vào vách đá đi lên.
Chúng tôi ngại ngùng bước lên và khi đến bậc thang cuối cùng thì thị
trấn Sorrento bỗng nhiên bùng ra trước mắt ly kỳ như một
pha ảo thuật. Đúng là
kiểu Ý độc đáo. Chưa bao giờ tôi có kinh nghiệm đi tìm một
thành phố theo kiểu leo thang như thế này.
Hình 2: Bến phà Sorrento
Từ bên này đường nhìn qua phía bên
kia là trung tâm thị trấn với hai hàng
cây trụi lá dọc theo hai bên đường. Những chiếc Vespa ngược xuôi
luồn lách qua những chiếc xe hơi con chạy
trên những con đường lót đá. Bên kia đường những anh chàng Ý điển
trai mặc bộ vest sậm màu, đeo kính râm, quấn khăn choàng cổ màu
trắng, lịch lãm đi chầm chậm trên phố. Hay những bóng hồng điệu đàng
trong cái áo khoát mùa đông thắt lưng eo, chiếc quần jean bó sát
chân dài với đôi giày ống cao gót dịu dàng gót ngọc, thỉnh thoảng
đưa tay vén mái tóc dài bay bay trong gió xuân nhè nhẹ. Những con
đường nhỏ thoai thoải tẻ ra từ con đường lớn dẫn vào những cửa tiệm
bán quần áo, đồ lưu niệm, quán ăn. Bên này đường người ta
ăn uống nhộn nhịp. Một người đàn ông lái
chiếc xe Vespa bỗng nhiên trờ tới rồi
ngừng lại bắt tay chào một ông bạn đang đứng trên vỉa hè.
Hai người mời nhau điếu thuốc, rồi một cuộc đàm
thoại trên trời dưới đất lại bắt đầu.
Người Ý thích nói, thích thuật chuyện, nói miên man rồi cười vui
thích thú. Nhìn họ nói chuyện, tôi bỗng thấy vui lây.
Cuộc sống ở đây thật thanh bình và nhẹ nhàng như
những làn gió xuân thổi qua thị trấn.
Thời gian bồng bềnh dường như
trôi rất chậm.
Chúng tôi lên chiếc xe bus
địa phương chạy từ Sorrento đến thôn Positano theo con hương lộ hẹp,
ngoằn ngoèo nhìn xuống bờ biển Almafi êm đềm xa xa bên dưới.
Có đi trên
con đường nhỏ này người ta mới hiểu được những ca từ lãng mạn trong
"
tenor của Luciano Pavarotti với cái đánh lưỡi chữ "r"
thật giòn đủ làm người nghe nhắm mắt đưa hồn bay lên cao.
Tiếng Ý kết thúc với những nguyên âm và có một
chút lên giọng ở cuối câu cộng hưởng qua giọng nói như chim của các
cô gái, nghe mà mê.
Hình 3: Vùng quê Positano
Roma
Từ Napoli chúng tôi dùng xe
lửa cao tốc đi đến Roma. Roma được thành lập vào
thế kỷ 8 trước Công nguyên, cho đến ngày hôm nay đã 2.800 năm.
Trong thời đại cực thịnh của Đế quốc La Mã hai
ngàn năm trước, Roma đồng nghĩa với văn minh. Thành phố Roma
gắn liền với con sông Tevere. Con sông màu xanh hiền hòa chảy dọc
theo hướng đông tây của thành phố đã
chứng kiến bao cuộc thăng trầm của Roma qua hàng bao thế kỷ.
Vatican tọa lạc phía tây
dòng sông và phố cổ Roma với nhiều di tích nằm phía đông.
Roma là một chứng cứ của nền văn minh phương Tây
với những tòa nhà cổ kính xây từ thời Phục Hưng (thế kỷ 14 -17).
Thời kỳ này cũng là thời cực thịnh của nghệ
thuật điêu khắc, hội họa và kiến trúc.
Quả thật "Roma không thể xây trong một ngày". Xây dựng
một Roma vĩ đại cần ngàn năm.
Từ nhà ga trung tâm Termini của Roma, người ta có thể
dùng xe điện ngầm Metro đến ga Colosseo.
Vừa bước ra khỏi đường hầm đi lên đến mặt đường
là một kiến trúc bằng đá khổng lồ Colloseum hiện ra trước mắt.
Tôi đứng lặng một vài giây để chiêm ngưỡng và trầm trồ cái
vĩ đại của Giác đấu trường Colloseum.
Sau 2.000 năm tuế nguyệt, Colloseum giờ đây chỉ
là phế tích nhưng những dấu vết ngàn năm vẫn còn hiển hiện.
Colosseum là một đấu trường cho các kiếm sĩ tranh tài hay giữa kiếm
sĩ và mãnh thú. Đây là một kiến trúc đá khổng lồ
có thể chứa 50.000 – 80.000 người xem, ở giữa là đấu trường có diện
tích tương đương với một sân vận động hiện đại (Hình 4).
Colloseum được hoàn thành trong vòng 10 năm với nền làm bằng bê tông
và đá. Người La Mã 2.000 năm trước đã biết dùng bê tông và xi măng
làm chất dính giữa những tảng đá xanh khổng lồ làm nền cho những cây
cột chống. Ở những nơi ít chịu lực như mặt ngoài
của Colloseum, các tầng trên hay những cấu trúc vòm họ dùng vật liệu
nhẹ hơn như đá ong hay gạch nung. Những kỹ sư xây dựng thời
La Mã đã biết chọn vật liệu thích hợp, đo đạc sức bền vật liệu và
thiết kế cơ học chính xác để ngày hôm nay Colloseum vẫn còn đó sừng
sững với thời gian. Giác đấu là một "thú vui"
thư giãn giống như những sinh hoạt thể thao hằng tuần giữa
các đội bóng tranh tài thời hiện đại. Thú vui
đẫm máu này được chính quyền đương thời khuyến khích với mục đích
làm người dân quên đi những nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống.
Một phương thức "mềm" để dẹp những mầm móng nổi
loạn. Vài ngàn năm sau phương thức này
vẫn còn vô cùng hiệu quả.
Hình 4: Bên trong Colloseum
Đối diện
với Giác Đấu trường là Roman Forum (Quảng trường La Mã).
Nơi này là trung tâm chính trị và hành chính của
Đế quốc La Mã. Cổng đi vào Quảng trường là "Arch of Titus",
một khải hoàn môn do những nô lệ người Do Thái xây cất 2.000 năm
trước (Hình 5). Những nét khắc hoa văn sắc sảo
và chữ viết vẫn còn nguyên vẹn. Phế tích
đền Saturn là một kỳ quan khác (Hình 6).
Trong thời cực thịnh lãnh thổ của Đế quốc La Mã bao trùm châu Âu,
Trung Đông và một phần Bắc Phi. Khái niệm
về cộng hòa, dân chủ và văn hóa thị dân đã được thành hình trong
giai đoạn này. Tên tuổi của Julius Ceasar
gắn liền với giai đoạn cực thịnh của đế chế La Mã.
Ông là một chiến tướng tài ba, tàn bạo nhưng lại
là một nhà ngoại giao mềm mỏng, hào hoa và một chính khách đầy tham
vọng và mưu lược. "Tôi đến, tôi nhìn, tôi chinh phục".
Ông tóm thu quyền lực tại Roma biến thành
nhà độc tài để cải cách đế chế theo ý mình từ Cộng hòa La Mã trở nên
Đế quốc La Mã. Ông được nhiều ủng hộ của tầng
lớp thị dân trung lưu và nghèo khổ ở Roma. Ông bị mưu sát bởi
nhóm nghị viên tạo phản vì họ bất mãn sự chuyên quyền của ông.
Trong Quảng trường La Mã, người ta dựng lên một
cái chòi nhỏ đánh dấu nơi ông bị giết, giờ đây chỉ là khoảnh đất nhỏ
ảm đạm và lạnh lẽo.
Hình 5: Cổng Titus.
Hình 6:
Đền Saturn.
Khái niệm
dân chủ, nghị viện của thời đại Cộng hòa La Mã đã tạo nên một tầng
lớp thị dân không khác gì thời hiện đại.
Nhu cầu vật chất và tinh thần của tầng lớp thị
dân đưa đến sự thành hình đô thị và văn hóa đô thị.
Kỹ sư, kiến trúc sư và nghệ nhân Ý là bậc thầy
trong quy hoạch phố thị, xây dựng nhà cửa, cầu cống, đường sá vài
ngàn năm trước. Trong khi phần còn lại của thế giới vẫn là
làng mạc, bộ lạc sống trong nhà tranh vách đất bao quanh bởi lũy tre
làng hay vẫn còn trong hang động. Đô thị phương
Đông là kết quả của sự ráp nối tự nhiên của các làng xã nên thiếu sự
tổ chức và quy hoạch. Họ xây nhà trước,
làm đường sau trong khi phương Tây thì ngược lại. Thậm chí
tại Trung Hoa cách tổ chức đô thị phải đợi đến triều đại nhà Đường
vào thế kỷ thứ 7 khi họ xây dựng kinh đô Trường
An (Tây An ngày nay). Đến ngày hôm nay
nước Nhật vẫn không có tên đường. Ở Ý,
đường phố dù lớn hay nhỏ đều có tên khắc một cách trang trọng trên
một tấm bảng cẩm thạch gắn ở mỗi góc đường.
Quan sát những kiến trúc gạch, đá khổng lồ như
Collesseum, những thánh đường hay những tòa nhà cổ ngàn năm hiện hữu
khắp nơi trên đất Ý, tôi không khỏi có sự so sánh với kiến trúc
phương Đông mà vật liệu phần lớn là gỗ. Sự khác
nhau có thể phát xuất từ tư duy của một nền văn minh dựa vào thần
linh và nền văn minh có nguồn gốc nông nghiệp. Người Trung
Hoa ít dùng đá trừ những trường hợp cần thiết phải xây thành lũy
xung quanh một thị trấn hay dọc theo biên
giới như Vạn lý Trường thành cho việc phòng thủ chống xâm lăng.
Tư duy của nền văn minh nông canh cũng không cần
sự lâu dài mà chỉ cần sự thực tiễn. Gỗ dễ
cưa đục, giúp việc thi công thực hiện nhanh chóng.
Gỗ dễ cháy, tạo cơ hội làm mới, không gì phải
lưu luyến với cái cũ. Nhưng nền văn minh
dựa trên thần linh đòi hỏi sự hoàn hảo, sự vĩnh cữu, tỉ mỉ xuất phát
từ lòng tôn kính tuyệt đối. Kiến trúc
thánh đường, các tác phẩm nghệ thuật về điêu khắc hay hội họa lừng
danh mà tôi sẽ đề cập phần sau đều có động lực to lớn từ tôn giáo.
Từ Quảng
trường Roma chúng tôi đi bộ hướng về bờ sông Tivere.
Dòng sông xanh ngắt chảy có lúc nhanh lúc chậm.
Cái cổ xưa của thành phố Roma có thể cảm nhận
được từ những tòa nhà cổ, giáo đường hai bên bờ và những chiếc cầu
bắc ngang sông (Hình 7). Dòng sông có một
khúc quanh và ở đây có một cộng đồng người Do Thái rất lâu đời.
Họ bị xua đuổi và tập trung đến khúc quanh này sống lây lất trong
những "ghetto" thường xuyên bị ngập lụt. Ngày nay,
lũ lụt được chế ngự và người Do Thái vẫn
còn đó sống xung quanh một thánh đường Do Thái xinh đẹp. "Ghetto"
ngày nay là một khu đất vàng! Gần "ghetto" là một ngôi chợ nhỏ cũ
kỹ với những sạp bán rau quả, bán thức ăn, bán bánh ngọt hay bán kem
gelato. Tài liệu du lịch Roma xem nơi này như
một địa điểm văn hóa để nhìn lại sinh hoạt đời thường xưa cũ của
người Roma. Thật ra, nó cũng không khác gì những hàng quán
xung quanh chợ Bến Thành, thỉnh thoảng xông lên mùi mốc
meo cống rảnh. Những gian hàng bán thức
ăn chỉ có pasta/pizza hay bánh mì kẹp
những lát "ham" hoặc thịt xông khói. Spaghetti và pizza đương
nhiên là món ăn "quốc túy" Italy. Nhưng
dù là nơi xuất xứ, hai món ăn này không
khỏi làm nhiều người thất vọng. Sau khi được "xuất khẩu" sang Mỹ và
Úc thì chúng được thoát xác biến thành những món ăn ngon hợp khẩu vị
địa phương. Những miếng pizza Ý trông thật thê
thảm. Nó được làm sẵn một cách sơ sài với
vài miếng cheese và salami phủ lên. Khi
ăn thì được đem ra ép nóng. Món spaghetti, risotto (cơm) thua
xa những quán ăn Italy bình dân trên con
đường Lygon ở trung tâm thành phố Melbourne. Ăn
những khúc bánh mì kẹp thịt "ham" mỏng mảnh, khiến tôi không
khỏi thèm nhớ đến khúc bánh mì bì với chút nước mắm.
Sau gần 10 ngày tại Ý, spaghetti và pizza đã
tràn lên tới cổ, có những lúc tôi vô cùng muốn thưởng thức một bát
phở nóng quê hương. Nhưng trong suốt cuộc hành trình, tìm một
quán ăn Việt như mò kim đáy biển.
Hình 7: Sông Tivere và cổ thành.
Đặc điểm của những thành phố Ý, dù lớn hay nhỏ, là
những con lộ lát đá xanh khi rộng khi hẹp, nó không phải là con hẻm,
vỉa hè mà cũng không phải là con đường hiểu theo nghĩa bình thường.
Không phải là con hẻm vì người ta không thấy những "phụ kiện" của
sinh hoạt hằng ngày như thùng rác hay bàn ghế bày biện vô trật tự.
Không là vỉa hè hay con đường vì chỉ là con lộ nhỏ cho người đi bộ,
tiếp giáp với những tòa nhà có thể là văn phòng công ty,
chung cư, một quán ăn nhỏ hay tiệm bán
quần áo thời trang. Con lộ không phải là con đường khúc khuỷu hay
đường cong ẻo lả mà là những đường gãy khúc chạy
theo đường biên của những tòa nhà. Thỉnh thoảng những con lộ
này dẫn vào hoa viên nhỏ xinh xinh của một chung
cư cao cấp. Cách sắp xếp những con lộ trông đơn giản nhưng đòi hỏi
phương pháp tổ chức phố xá (town planning) có bài bản khoa học và
thái độ sinh hoạt nghiêm túc và tự giác của người dân.
Đối với người du lịch, đi bộ dọc
theo những con đường nhỏ này là một kinh nghiệm thú vị. Khi
đôi chân bắt đầu mệt mỏi, cảnh quan trở nên nhàm chán,
tầm nhìn bị giới hạn thì bỗng nhiên con lộ đưa ta đến một
quảng trường (piazza). Cái không gian nơi hình dạng bầu trời bị bao
vây bởi những tòa nhà thì bây giờ được bung ra như chiếc bong bóng
bất chợt phình to dưới sức ép của luồng không khí. Những quảng
trường này to nhỏ khác nhau, từ vài mươi mét vuông đến hàng chục
ngàn mét vuông, như một trung tâm từ đó tỏa ra nhiều con lộ. Có nơi
trước mặt là một ngôi nhà thờ to lớn hay hồ phun nước với những chi
tiết kiến trúc vô cùng tỉ mỉ hay những bức tượng điêu khắc từ thời
Trung Cổ.
Mọi thứ
đều là Di sản Thế giới. Có chỗ chỉ là nơi nghĩ chân hay tập hợp của
cư dân địa phương gặp nhau tán ngẫu với vài quán
ăn hay quán cà phê xung quanh. Tôi cũng
ngồi nghĩ chân và tình cờ ngồi gần một ông cụ đang lặng yên ngồi tắm
nắng chiều. Tôi bắt chuyện với ông và "trò chuyện" bằng những
ngón tay, bằng tay, bằng ngôn ngữ Ý, Anh
lẫn lộn. Ông cụ vui lắm như lâu ngày ông không
có dịp nói mặc dù vốn tiếng Anh giới hạn.
Tôi hỏi vợ ông đâu, sao ngồi đây một mình. Ông chỉ tay lên
trời, nhắm mắt lại ngụ ý đã đi gặp Thượng Đế. Ông bảo đã 81 tuổi
nghĩ hưu lâu rồi và lúc xưa làm việc tại ngân hàng.
Rồi ông hỏi tôi từ đâu đến, làm nghề gì, bao
nhiêu tuổi, Roma thế nào. Tôi bảo,
"Roma tres bella" (Roma đẹp lắm).
Nhân tiện, tôi hỏi đường đi đến "Những bậc thang Tây Ban Nha"
(Spanish Steps). Ông bảo, "Oh!
Piazza di Spagna" (quảng trường Tây Ban Nha) rồi giơ tay chỉ dẫn,
quẹo trái, quẹo phải thì tới. Tôi cám ơn ông
"Grazie", chúc ông sức khỏe và mọi việc tốt lành "tutto bene".
Đi được một quảng, tôi quay đầu nhìn lại ông vẫn nhìn
theo tôi e rằng tôi lạc bước. Tôi cười
với ông và vẫy tay chào lần cuối.
Spanish Steps là 136 bậc đá nối liền quảng trường Tây
Ban Nha nằm dưới bậc đá và nhà thờ Trinità dei Monti trên đỉnh đồi
do người Pháp tài trợ xây cất trong thời kỳ Phục Hưng (Hình 8).
Tất cả đều có tuổi đời hơn 300 năm. Cái
tên "Tây Ban Nha" của quảng trường là do con đường trước mặt một
thời dẫn đến sứ quán Tây Ban Nha. Spanish Steps bỗng nhiên nổi trội
hơn những kỳ quan khác ở Roma khi phim "Kỳ nghỉ ở Roma"
(Roman Holiday) trình chiếu vào những năm
ở thập niên 50 của thế kỷ trước. "Kỳ nghỉ ở
Roma" diễn tả một cuộc tình lãng mạn, chớp nhoáng giữa công chúa
Ann của nước XYZ và chàng phóng viên Mỹ đẹp trai tên Joe. Bộ
phim do Audrey Hepburn (vai công chúa Ann) và Gregory Peck (vai
phóng viên Joe) chủ diễn đã làm thổn thức biết bao con
tim trên thế giới.
Cho đến ngày nay, cái tên "Spanish Steps" vẫn còn gắn liền với bộ
phim "Kỳ nghỉ ở Roma". Tiếc thay,
thực tế thì không lãng mạn như phim. Nhà
thờ Trinità dei Monti vẫn còn uy nghi đứng trên đỉnh đồi.
Quảng trường bên dưới với cái hồ phun nước nổi tiếng đẹp độc đáo
được bao che kín mít để trùng tu khiến cho những con chim bồ câu
không có chỗ đậu kiếm ăn. Thiên hạ ngồi đầy trên
những bậc đá che khuất những góc "lãng mạn" khả dĩ để chụp ảnh.
Ở đây, những người nhập cư "phát minh" ra dịch
vụ bán hoa hồng giống như trong phim. Bán không được các ông
bèn nghĩ cái kiểu rao hàng cho free như ông bán hoa bụng phệ trong
phim đã từng tặng cho công chúa Ann. Các ông chiếu cố đến các cặp
trai gái trẻ. Nàng tưởng thật nhận xong thì ông xoay sang chàng xin
vài Euro gọi là lấy vốn!
Hình 8: Bậc Tây Ban Nha
Tòa thánh Vatican
Đến Roma
là phải viếng Tòa thánh Vatican.
Vương Cung Thánh Đường St. Peter là thánh đường
của mọi thánh đường trên quả đất này. Tiếc thay, chiếc máy
ảnh nhỏ bé của tôi không thể tóm thu hết
kiến trúc vĩ đại của St. Peter (Hình 9). Cách tham quan hay nhất để
hiểu lịch sử Vatican, những tác phẩm mỹ thuật và tiết kiệm thời giờ
xếp hàng mua vé là nên tham gia một "tour" nửa ngày có người hướng
dẫn. Nội dung thăm viếng Vatican thường có ba phần: Viện Bảo Tàng,
nhà nguyện Sistine và Vương Cung Thánh Đường St. Peter.
Hình 9: Vương Cung Thánh Đường St. Peter.
Tòa thánh Vatican là một quốc gia; một quốc gia không
cần quân đội và ra vào không cần hộ chiếu hay visa mà chỉ cần mua vé
tham quan và tuân thủ những yêu cầu cơ bản như không được chụp ảnh,
uống rượu hay la lối ồn ào. Ngày nào cũng như
ngày nào khánh viếng đến từ mọi nơi trên quả địa cầu không bao giờ
dứt. Người ta xếp hàng mua vé dọc theo con đường dưới bức
tường thành và cũng là ranh giới của "thành quốc" Vatican và Ý. Ở
những ngày lễ đặc biệt như Phục Sinh hay Giáng Sinh, dòng người rồng
rắn kéo dài đến vài cây số. Chúng tôi được hướng
dẫn đi vào cửa sau và tour sẽ chấm dứt tại quảng trường St. Peter
phía trước Tòa thánh.
Đối với những người "ngoại đạo" như
tôi chỉ biết Vatican là trung tâm hành chính của một tôn giáo lớn. mà không hề biết rằng Vatican còn chứa biết
bao tác phẩm nghệ thuật như điêu khắc, tranh vẽ của thời Phục Hưng (từ
thế kỷ 14 đến 17). Ngày nay, những tác phẩm này là những hạt
kim cương trên vương miện của nghệ thuật
loài người. Thời Phục Hưng là một thời đại khai minh bùng ra tại Ý
như một cuộc cách mạng văn hóa rồi lan
tràn khắp châu Âu kéo dài ba thế kỷ. Thời đại
này mang ánh bình minh đến châu Âu, dứt khoát với thời Trung Cổ ảm
đạm. Văn hóa là tất cả.
Nền văn minh cũng sẽ đi đến sự tàn lụi nếu không
có văn hóa như một nền tảng khai minh và chất xúc tác của mọi hoạt
động xã hội. Anh hùng tạo thời thế và thời thế cũng tạo ra
anh hùng. Trong những "anh hùng" đã được thời thế tạo ra là hai
thiên tài nghệ thuật lừng danh, Michelangelo và Leonardo da Vinci,
mà người đời sau đặt danh hiệu là "Người của Phục Hưng"(Renaissance
Man). Hai nhân vật này sinh ra cùng thời, đa tài,
có những lúc họ làm việc cùng nơi nhưng họ không hòa hợp nhau vì hội
chứng "một rừng không thể có hai cọp". Leonardo phải lưu lạc
đến Milano và ở đây ông vẽ bức họa lừng danh thế giới "Buổi
ăn tối cuối cùng" (The last supper).
Michelangelo đến Roma tạo nên sự nghiệp lừng lẫy
với những công trình nghệ thuật có một không hai tại
Vatican.
Thật sự, quần chúng rất không công bằng với
Michelangelo. Khi nói đến bức họa "Mona Lisa" hay "Buổi
ăn tối cuối cùng" thì người ta liên
tưởng ngay đến Leonardo. Nhưng nếu không đến
Vatican thì tên tuổi
Michelangelo chỉ bàng bạc trong sách vở.
Những tác
phẩm nghệ thuật của Michelangelo bao trùm khắp nơi trong Vatican.
Ông là một nhà điêu khắc, một kiến trúc sư, thích làm thơ nhưng
không thích hội họa thậm chí kinh thường, nhưng ông được Nhà Thờ "đặt
hàng" vẽ một loạt tranh "Sáng thế" trên trần nhà có diện tích
vài mươi mét vuông trong nhà nguyện Sistine (Sistine Chapel).
Theo lời cô hướng dẫn, những bức họa trong giáo
đường trước Michelangelo không có sự linh hoạt, người trong tranh
bất động không lộ cảm xúc. Có lẽ nó phản
ánh cái thụ động và ảm đạm của thời Trung Cổ trước đó.
Michelangelo thay đổi toàn bộ khái niệm hội họa
giáo đường từ kinh nghiệm điêu khắc dày dặn của ông.
Ông thổi linh hồn vào những nhân vật trong tranh,
tạo ra những nét mặt buồn vui. Thân người
mềm mại hơn, tứ chi linh động hơn. Cô ta nói thêm,
"Michelangelo và Leonardo đã tạo ra khái niệm cách tân trong hội họa
và được đón nhận nồng nhiệt trong thời kỳ Phục Hưng. Những biểu hiện
rất tự nhiên trong các bức họa Sáng thế hay nụ cười mỉm của Mona
Lisa có thể gọi là một cuộc cách mạng của nghệ thuật".
Sau phần giải thích, cô ta đưa chúng tôi vào nhà
nguyện Sistine chiêm ngưỡng với thời lượng giới hạn cho mỗi lượt
người là 15 phút. Quả thật, trăm nghe
không bằng một thấy. Một trong bức họa lừng danh trong loạt
tranh "Sáng thế" của Michelangelo là "Sự sáng tạo Adam"
(The creation of Adam) phác họa Thượng Đế đầu tóc bạc phơ đầy
sức sống bay đến với đàn thiên sứ truyền sự sống qua ngón tay của
mình đến ngón tay Adam. Adam được thể hiện là một người đàn ông lực
lưỡng có nét mặt chờ đợi dù hơi miễn cưỡng, bàn
tay hơi buông thả như chưa sẵn sàng nhập thế (Hình 10). Từ
nhà nguyện Sistine chúng tôi đi qua Viện Bảo Tàng trưng bày hàng
trăm tượng điêu khắc khác nhau và tranh vẽ trần nhà của nhiều nghệ
nhân kéo dài từ thời kỳ Phục Hưng đến thế kỷ 19.
Ở đây tôi nhìn thấy bức tượng nửa người của Julius Ceasar.
Mặt ông trông khắc khổ có
chiếc mũi to và nhiều nếp nhăn hằn trên trán.
Hình 10: Sự sáng tạo Adam (Nguồn: Wikipedia)
Sau cùng
chúng tôi đi vào St. Peter.
Vừa bước vào thì phía góc phải của thánh đường
là tượng Pietà được đặt trong một lồng kính chống đạn, một
kiệt tác điêu khắc của thiên tài Michelangelo ở tuổi 23 (Hình 11).
Tác phẩm này diễn tả Đức Mẹ để thi hài của Jesus
lên đôi chân của mình sau khi Ngài vừa được mang xuống từ thập tự
giá. Gương mặt của Đức Mẹ mang một thoáng
u buồn, hơi trẻ so với một người mẹ bình thường đã vào tuổi trung
niên. Jesus nằm bất động, người buông thả
trên đôi chân Đức Mẹ. Tôi nhìn bức tượng mà có cảm giác nó đang toát
ra một sự sống. Đôi tay thiên tài
của Michelangelo đã biến những tảng cẩm thạch thô cứng trở thành
những vật mềm mại được biểu hiện một cách thần tình qua mái tóc và
trang phục của Đức Mẹ.
Hình 11: Tượng Pietà
Một kỳ quan khác là nội thất thánh đường với mái vòm
cao vút vài chục mét ở bên trên. Cái vĩ
đại của kiến trúc cổ đưa người xem từ kinh ngạc đến kinh ngạc khác.
Những cây cột cẩm thạch được chạm khắc cực kỳ
công phu tạo nên hình ảnh, hoa văn nhiều màu sắc và cái trần cong
cong được dát vàng (Hình 12). Nền nhà cũng làm bằng cẩm thạch
với nhiều màu sắc khác nhau dẫn đến chỗ cầu nguyện ở cuối hành lang.
Cái đẹp và vĩ đại của kiến trúc nội thất
ở đây không thể nào diễn tả được hết bằng lời.
Nhưng mỹ thuật vẫn không làm loãng không khí linh thiêng trong St.
Peter. Ở đây là nơi chôn cất của một số
Đức Giáo Hoàng nhiều thế kỷ trước và gần đây Đức Giáo Hoàng John
Paul II.
Hình 12: Bên trong St. Peter
Firenze
Chúng tôi
tiếp tục cuộc hành trình tiến về phía Bắc. Từ Roma chúng tôi đến
thành phố Firenze (Florence) vào một buổi tối trời lất phất mưa.
Firenze là một thành phố
nhỏ có 300.000 dân là trung tâm của vùng Tuscany trù phú.
Firenze rất nên thơ và
nhẹ nhàng.
Dòng sông Arno êm đềm chảy ngang thành phố nối liền với thị trấn
Pisa ở phía đông là một dòng sông lịch sử mang nhiều
ân oán giữa hai thành phố.
Firenze đã từng là một trong những trung tâm thương mại, tài chính
và văn hóa tại châu Âu từ thời Trung Cổ (Hình 13).
Thánh đường lúc nào cũng thường trực hiện diện
trong các thị trấn lớn nhỏ tại Ý. Thành phố càng lớn càng lâu đời
thì nhà thờ cũng phải có số tuổi và bề thế tương đương.
Thánh đường
Firenze nổi tiếng với cái
mái vòm ngói đỏ to lớn nhất nhì châu Âu, cây tháp vuông cao chót vót
và những bức tường làm bằng cẩm thạch hai màu đen trắng tạc nên
những ô chữ nhật lớn nhỏ đều đặn.
Lại một kiệt tác vĩ đại khác trong kiến
trúc giáo đường (Hình 14).
Firenze cũng rất tự hào
với bức tượng điêu khắc khỏa thân David, một tác phẩm lừng danh khác
của Michelangelo mà tôi không có thời gian để tham quan.
Firenze được xem là nơi khai sinh của phong trào Phục Hưng châu Âu,
đã từng là một Mecca của nghệ thuật và cũng là nơi mà Leonardo đã
đặt cọ vẽ tạo nên tác phẩm "Mona Lisa".
Hình 13: Dòng sông Arno và thành phố Firenze
Hình 14: Thánh đường Firenze
Viện bảo tàng nổi tiếng Uffizi được xây cạnh dòng
sông Arno vào thế kỷ 16 và là nơi tàng trữ hàng ngàn hiện vật mỹ
thuật bao gồm tranh vẽ và điêu khắc từ thời kỳ Đế quốc La Mã đến
thời Phục Hưng trải dài hơn 1500 năm. Bức họa vô
giá "Vệ Nữ giáng trần" (The birth of Venus) được trưng bày ở
đây (Hình 15). Hai thiên thần một nam một
nữ thổi luồng sinh khí để tạo nên Vệ Nữ có một khuôn mặt đẹp hiền
hòa và thánh thiện. Nàng khỏa thân, e thẹn trong dáng đứng
nghiêng nghiêng trên chiếc vỏ sò lướt sóng đi vào bờ và được một phụ
nữ đón tiếp với cái áo choàng đỏ. Nàng có một mái tóc thật dài, vàng
óng ánh bay bay theo gió. Một
tay nàng che một phần ngực úp úp mở mở,
tay kia nàng buông thỏng đè lên mái tóc dày, vô tình hay cố ý che
lại phần dưới của một thân hình tuyệt mỹ. Tôi bị
thu hút bởi vẻ đẹp Vệ Nữ, đứng nhìn rất lâu bức họa này. Thầm
nghĩ mỹ học thời Phục Hưng là một cuộc cách mạng tạo ra một góc nhìn
nghệ thuật để tôn vinh vẻ đẹp của cơ thể con người và giải phóng nó
ra khỏi những lớp áo dày trong hội họa thời Trung Cổ.
Vẻ đẹp mềm mại
và đường cong trên cơ thể người đàn bà, hay cơ bắp cuồn cuộn của
người đàn ông đã được Michelangelo và những người sau ông lột trần
một cách sống động. Bộ ngực người đàn bà từ xưa
đã được xem như một "tòa thiên nhiên" không cần phải cường điệu mỹ
hóa. Bộ phận sinh dục đàn ông, ngược lại, từ cổ chí
kim, từ Đông sang Tây, trong văn học nhân
gian lẫn văn chương bác học, thường bị xem là một công cụ mang tính
dung tục thậm chí thấp hèn. Nhưng ở một chiều
hướng khác nhuốm màu sắc tôn giáo, sinh thực khí của giống đực lại
được phủ lên lớp áo của sức mạnh thần linh như là cái khởi đầu của
vạn vật. Trong những bức tranh hay tượng điêu khắc của nghệ
thuật Phục Hưng, sự hiện diện trần trụi của dương vật thoạt nhìn hơi
phản cảm do cái định kiến được gọi là "thuần phong mỹ tục". Nhưng
quan sát kỹ thì nó được nâng niu, chăm chút và mỹ hóa bằng những bàn
tay nghệ thuật. Nó không cần phải khoa
trương sự hùng dũng một cách lộ liễu để chứng tỏ "sức mạnh sáng tạo"
thần linh như những tượng linga trong Ấn Độ giáo.
Hay phải rụt rè che khuất xem như vật phi tồn
tại trong nghệ thuật phương Đông. Nghệ nhân thời Phục Hưng
theo con đường trung dung hiện thực pha
một chút mỹ học đã đem một bộ phận bình thường trở lại vị trí bình
thường vốn có của nó.
Hình 15: Vệ Nữ giáng trần (Nguồn: Wikipedia)
Chuyến
tour địa phương một ngày đưa chúng tôi đến các thị trấn thời Trung
Cổ như Siena, San Gimignano đi qua những vùng quê của Tuscany và
cuối cùng đến tháp nghiêng Pisa.
Người hướng dẫn viên của chúng tôi là một sinh viên xinh đẹp người
Ba Lan làm việc bán thời và dự định ở lại
đây vì quá yêu Firenze! Từ thế kỷ 15, vùng
Tuscany vốn là vùng thuần
túy nông nghiệp, làm rượu vang và tơ lụa.
Nhưng sự giao dịch thương mại đã phát sinh nhu
cầu ngân hàng và tài chính mà
Siena là trung tâm cho
những dịch vụ này.
Vào thời Trung Cổ,
Firenze, Siena và Pisa đã có những va chạm quyền lợi kinh tế.
Sứ quân ở những vùng này tìm cách chinh phục lẫn
nhau bằng sức mạnh quân sự và cuối cùng
Firenze là kẻ chiến thắng.
Thị trấn
Siena là một cổ thành được xây trên một ngọn đồi được bao bọc bởi
tường thành bằng đá rêu phong và có cổng thành để đi vào phố trung
tâm.
Ở đây, cũng giống Roma có nhiều con đường nhỏ lát đá đi quanh co dọc
theo những căn nhà cao cao với những cánh
cửa sổ vuông vuông nhiều màu cùng tập trung đến một quảng trường to
rộng. Một con đường nhỏ khác dẫn đến sườn đồi thoai thoải nhìn xuống
vùng đồng quê bao la có những vườn nho xen lẫn với đám cây tùng cao
ngất. Xa xa là những ngôi nhà mái đỏ hay những tháp chuông nhà thờ
hắt lại những tia nắng mặt trời lung linh
trong cánh đồng trải dài xanh mướt. Cô hướng dẫn bỗng dừng lại trước
một quảng trường mà trước mặt là một tòa nhà xưa của ngân hàng "Banca
Monte dei Paschi di Siena" và bức tượng của người sáng lập vào thế
kỷ 15. Ngân hàng này vẫn còn hoạt động đến ngày
hôm nay. Triết lý ở Siene chỉ là "làm ăn"
kiếm tiền. Và con đường trước mặt lúc xưa có vinh dự là một
trong những con đường chính trên toàn nước Ý dẫn đến Roma.
Pisa
Mục đích
đến Pisa của mọi người hầu hết là để chiêm ngưỡng cái tháp nghiêng (Hình
16).
Cái tháp đã tồn tại hơn 800 năm nhưng nó bắt đầu
nghiêng ngay sau khi hoàn thành. Trung bình đỉnh tháp di động
1,5 mm/năm. Ngoài cái
nghiêng "trời cho", tháp có cấu trúc hình ống.
Một hình dạng đầy thách thức cho các nhà thiết
kế và kỹ sư xây dựng. Nó là một bằng cớ chứng tỏ tài năng xây
cất của người Ý nhưng không may người đương thời chưa biết đến kỹ
thuật phân tích địa chất bằng những phương pháp khoa học khiến cho "sự
cố" đã xảy ra. Nó tiếp tục làm đau đầu các khoa
học gia hiện đại nhưng mang lại niềm vui cho khách thập phương.
Có một lúc tháp nghiêng quá đà, các kỹ sư, nhà
toán học, vật lý, sử gia họp lại với nhau cùng thảo luận, lập ra
những mô hình toán học để ổn định độ nghiêng. Người ta đã đổ
hàng chục triệu đô la để tìm lời giải đáp từ những phương pháp đơn
giản nhất cũng như phức tạp nhất. Lúc thì dùng
dây cáp kéo ngược lại, lúc thì đặt hàng ngàn tấn chì làm đối trọng,
lúc thì đào lấy đất dưới nền tháp ở phía nhô lên để làm nghiêng
ngược lại. Tháp nghiêng là một thách
thức đối với chuyên gia lẫn người không chuyên. "Thần đèn"
Việt Nam cũng có lần hăm hở giơ tay tình
nguyện xin được đi chỉnh sửa tháp Pisa. Trong
lần tu chỉnh cuối, chuyên gia bảo đảm là tháp sẽ ổn định ít nhất 200
năm. Thôi nhé, xin hãy để nguyên cái dáng
đứng "nghiêng nghiêng" Vệ Nữ vì cái đối xứng không phải lúc nào cũng
là cái đẹp tuyệt đối. Cái "nghiêng nghiêng" này cũng
thu hút hàng triệu khách nhàn du và đã để
tên tuổi của Pisa vào bản đồ thế giới.
Hình 16: Tháp nghiêng dùng cột đèn làm chuẩn.
Nhưng Pisa
không phải chỉ có tháp nghiêng.
Cái tháp thật ra chỉ là một phần của đại thánh
đường
Pisa đã tồn tại hơn 1000
năm.
Người ta thường nhìn cái "nghiêng" mà quên đi
thánh đường.
Pisa cũng sở hữu Đại học
Pisa một cơ sở giáo dục lâu đời (700 năm) hàng đầu của Ý và thế giới.
Và Galileo Galile, cha đẻ của nền khoa học hiện đại, là đứa con lỗi
lạc của Pisa. Galileo đã quan sát sự vận hành của Thái Dương hệ bằng
kính viễn vọng tự chế của mình và bằng thực nghiệm ông khiêm tốn kết
luận rằng trái đất quay quanh mặt trời, không phải là vật thể cố
định làm trung tâm của vũ trụ. Tiếc thay, Nhà Thờ Roma (Vatican)
không nghe, buộc tội ông là người dị giáo, hăm dọa tra tấn, cấm ông
dạy học, xuất bản sách và giam lỏng ông suốt đời.
Venezia (Venice)
"Venezia
đang chìm"
trở thành một thực tại hơn là một tiếng chuông cảnh báo.
Venezia là một hòn đảo cách đất liền 3 km và được nối liền bằng
đường xe lửa qua một eo biển cạn. Khi vừa
bước ra khỏi nhà ga tại Venezia, trước mắt tôi là một con kênh chắn
ngang nối liền với biển Adriatic. Quả thật,
Venezia là một thành phố có một không hai trên quả đất này. Ở
đây không có đường xe nên tàu thuyền và
đôi chân là hai phương tiện đi lại chính. Người ưu tư cho số phận
Venezia phải nói là rất nhiều vì như một người con gái đẹp mong manh,
như ngọn đèn trước gió, nó quá nên thơ để biến mất trên hành tinh
này. Con Kênh Lớn (Grand Canal) hình chữ S ngược là một con lộ huyết
mạch chảy xuyên qua thành phố. Nối liền với Kênh Lớn là những con
kênh nhỏ và nhỏ hơn nữa tạo nên một hệ thống kênh chằng chịt chia
Venezia thành hàng trăm hòn đảo nhỏ và đương nhiên có hàng trăm cây
cầu đi bộ dài ngắn khác nhau.
Nhìn lại
lịch sử, Venezia vốn là một đảo có nhiều đầm lầy và không phải là
nơi sinh sống.
Hơn 1500 năm trước, những cuộc tấn công của bọn
người "man di" (barbarian) trong đất liền đã khiến người dân bỏ chạy
tị nạn đến hòn đảo này. Dần dà những
người tị nạn kéo đến càng đông và biến Venezia trở thành nơi cư trú
vĩnh viễn. Nhưng làm sao họ có thể xây
nhà trên mặt đất phần lớn là bùn sình? Họ
nghĩ ra một phương pháp là đóng cừ (đóng cọc gỗ) xuống bùn cho đến
khi cọc chạm đất cứng dưới đáy biển. Có những tòa nhà cần đến
hàng trăm ngàn cọc gỗ. Tất cả được làm bằng từ cơ bắp con người!
Trong lòng đất cọc gỗ ít tiếp xúc với không khí
nên hiện tượng mục gỗ không xảy ra mà trái lại gỗ càng lúc càng bền
cứng. Sau đó họ làm nền đá đặt lên nền gỗ,
một loại đá được khai thác dễ dàng đâu đó ở vùng biển Adriatic có
tính chất chống nước biển. Tạo hóa thật sự cũng không phụ sự
bền chí của con người. Từ đó họ xây lên những tòa nhà và giáo đường
kỳ vĩ. Khi đã có điều kiện để an cư lạc
nghiệp, chẳng bao lâu trong vài thế kỷ Venezia trở nên phồn vinh và
trở thành trung tâm thương mại, giao dịch quan trọng trong vùng biển
Adriatic. Người Venezia (Venetian) quen sống với biển, làm
ăn giỏi, có bản lĩnh lại nhiều chí phiêu
lưu. Marco Polo là một Venetian đã từng lưu lạc
đến tận Trung Hoa đời Nguyên. Nhưng sự trù phú và phong lưu
của Venezia đã nhanh chóng đẩy cả một xã hội vào con đường trụy lạc
ăn chơi. Có một lúc
người ta gọi Venezia là "nhà thổ của châu Âu".
Qua nhiều cuộc thăng trầm, người Venezia ngày
nay vẫn tự hào về lịch sử độc đáo và ý chí khắc phục thiên nhiên của
mình. Thậm chí khi qua đời họ muốn thi
hài của mình được mai táng ở Venezia, và có một hòn đảo nhỏ gần đó
toàn thể được dùng làm nghĩa trang cho Venetian.
Hơn một
ngàn năm qua cho đến ngày nay, mối quan tâm của người Venezia vẫn là
sự chống chọi với biển.
Người ta tính trung bình cứ 100 năm Venezia chìm
xuống biển 10 cm bởi sự di động của nền đất dưới đáy biển.
Thế kỷ vừa qua vì những họat động con người phần lớn do những chiếc
tàu động cơ và việc xây đường ray xe lửa khiến cho mức lún gia tăng
đến 20 cm. Hiệu ứng nhà kính làm nước biển dâng cao tạo thêm một
biến số đau đầu. Tôi nhìn thấy có nhiều tòa nhà
đã bị nước biển tràn vào tầng một và cũng có một số nơi bị bỏ trống
trở nên hoang phế. Cư dân ở đây càng lúc càng giảm đến gần
con số 55.000 vì cuộc sống không tiện nghi.
Ngược lại số lượng du khách càng lúc càng gia tăng. Tôi không
thấy trẻ con và người cao niên, không thấy trường tiểu học hay trung
học. Đi thuyền, đi bộ và leo cầu xuống
cầu không phải là lựa chọn của con người sống ở thế kỷ 21.
Dù có
nhiều nỗi lo âu Venezia vẫn đẹp mong manh, kiêu hãnh và tràn đầy
lãng mạn.
Đứng trên cầu
Rialto ở trung tâm thành
phố bắc ngang Kênh Lớn người ta nhìn thấy những hoạt động bình
thường của một đô thị.
Nhưng ở đây thay vì xe thì là những chiếc tàu chở hàng hay hành
khách, tàu cảnh sát, tàu cứu thương, những chiếc taxi biển vượt sóng
hay thuyền gondola chèo tay đi chầm chậm. Venezia trong một thoáng
mưa chiều hay ở một ngày nắng tốt, vào lúc bình minh hay bảng lảng
hoàng hôn, lúc nào cũng là một thành phố gợi cảm lung linh trên biển.
Hai ngàn con đường nhỏ lát đá với hàng trăm cây cầu đưa ta đến mọi
ngõ ngách của Venezia. Đi vào những ngõ khuất ta
sẽ thấy một Venezia im lìm. Ở đây có nhiều con kênh nhỏ chỉ
vừa cho hai chiếc gondola qua lại, hai bên là những tòa nhà đã nhuốm
vẻ mệt mỏi rêu phong. Những bức tường loang lỗ làm lộ ra những viên
gạch đỏ vì chiều dài của thời gian hay do sự lãng quên của con người.
Tôi đứng nhìn con kênh nhỏ loang loáng bóng tường nhà rồi dùng trí
tưởng tượng thay dòng kênh bằng một con đường dài và hẹp.
Bỗng nhiên, mọi vật trước mắt trở nên xơ cứng,
nhếch nhác và tầm thường (Hình 17). À …
đúng là nước. Chính những dòng nước trong xanh của con kênh
nhỏ hay vùng biển rộng trước quảng trường San Marco với những chiếc
gondola nhấp nhô theo sóng nước, hay ngọn tháp vuông màu đỏ, mái vòm
giáo đường màu xanh lấp lánh trong ánh nắng mặt trời đã đem lại cái
trữ tình của Venezia (Hình 18, 19). Sóng nước, ánh sáng và kỳ công
của con người đã tạo nên sự kỳ vĩ Venezia.
Hầu như mọi nơi trên cái hòn đảo nhỏ bé này từ quảng trường San
Marco hoành tráng, cầu Rialto nhộn nhịp đến con phố nhỏ hay những
góc khuất yên tĩnh đều có thể là nguồn cảm hứng vô bờ trong hội họa.
Và như một người con gái, khi đã đẹp thì một vật bình thường cũng
trở thành món trang sức cuốn hút làm tăng thêm nét hoang dã trên
những đường cong đài các. Cái rêu phong bởi sức nặng thời gian,
những chậu hoa bình thường để ngoài cửa sổ lan
can hay cây cọc gỗ thô thiển ở những bến thuyền bỗng chốc trở thành
nét chấm phá dào dạt làm rung động lòng người.
Hình 17: Góc khuất
Hình 19: Kênh Lớn.
Tôi từ giã
Venezia trong nỗi bâng khuâng như phải tạm biệt với một người vừa
chớm yêu lại phải nói câu giã từ.
Một thoáng bùi ngùi đi qua trong tôi khi nghĩ đến 50, 100 năm tới
Venezia chỉ là phế tích, một chốn không người với những toà nhà
nghiêng ngã, những mái vòm giáo đường rạn nứt, những chiếc cầu nhỏ
năm xưa nay không còn dấu vết. Lúc đó trên dòng
Kênh Lớn mọi vật trở nên bất động hoang sơ, chỉ thấy những chiếc
thuyền chở khách nhàn du đến đến đi đi trầm trồ, luyến tiếc.
Nhưng Venezia không màng đến một thời hoàng kim
đã nhẹ nhàng đi qua, vô tư chìm dần, chìm dần vào lòng biển …
Milano
Từ Venezia
chúng tôi đi đến Milano và chấm dứt cuộc hành trình xuyên Ý tại đây.
Nhà ga xe lửa trung tâm của thành phố
Milano được xây bằng đá, to cao và rất ấn tượng.
Nghe đâu đó là công trình của nhà độc tài phát-xít Mussolini được
hoàn thành vào năm 1931. Trong thế chiến
thứ hai Milano bị bom tàn phá hơn 60 % và những khu bị bom được xây
dựng lại trở thành khu hiện đại. Đi qua những thành phố và
thị trấn cổ trong mấy ngày qua, bây giờ tôi mới thấy lại hình ảnh
quen thuộc của các nhà cao tầng với những cây cần cẩu quay tới quay
lui nhộn nhịp việc xây cất, xe tram
ngược xuôi trong nội thành và đường xe cao tốc quanh thành phố.
Người ta đến Ý để tìm cái cổ xưa, nhưng Milano đại diện cho cái hiện
đại và năng động của Ý. Như bao thành phố hiện đại khác Milano là
thành phố của thời trang, kinh tế, công nghiệp, ăn uống và vui chơi.
Dân Ý thường nói, đến Milano phạm tội rồi đi Roma xin tội!
Nhưng dù bị gọi là nơi phạm tội một trong những
kỳ quan ở Milano vẫn là … nhà thờ. Phải
nói rằng đến Ý chỉ để chiêm ngưỡng nhà thờ thì cũng đáng đồng tiền
bát gạo. Mỗi thánh
đường có vẻ đẹp riêng của nó, "mỗi tòa mỗi vẻ, mười phân vẹn mười".
Đại thánh đường Milano mà dân ở đây gọi tắt là "Duomo"
(cathedral) là một kiến trúc bằng đá trắng đồ sộ được xây cất cực kỳ
tỉ mỉ mà phía trước mặt là một quảng trường rộng hàng chục ngàn mét
vuông (Hình 20). Khởi công gần 700 năm trước và phải mất vài trăm
năm để hoàn thành. Thánh đường có sức chứa 40.000 người bên trong
tương đương với toàn thể cư dân Milano vài trăm năm trước.
Chúng tôi tham gia vào một đoàn có người hướng
dẫn vào trong thánh đường. Đặc điểm của
thánh đường là phía trên đỉnh của mỗi ngọn tháp là một bức tượng mà
tôi phỏng tính có hơn 100 bức tượng trên mái thánh đường.
Nhìn từ xa những bức tượng này cho một cảm giác rất mong manh chỉ
cần một cơn bão là có thể làm ngã đổ. Cô hướng dẫn trấn
an là chưa có chuyện này xảy ra vì mỗi
bức tượng được khắc từ một khối đá nặng vài tấn.
Hình 20: Đại thánh đường Milano
Từ Duomo chúng tôi được hướng dẫn đi qua những con
phố của trung tâm Milano đến một địa điểm gọi là "Convent of Santa
Maria delle Grazie" nơi mà 500 năm trước Leonardo đã vẽ bức họa "Buổi
ăn tối cuối cùng" trên một bức tường ở đây. Leonardo cũng như
Machelangelo là những nghệ nhân tự do làm việc theo đơn đặt hàng từ
các đại gia, quan chức hay Nhà Thờ. Không khác gì ngày nay đi tìm
việc, thiên tài cũng phải rày đây mai đó mưu sinh. Leonardo làm việc
tại Milano trong một thời gian dài và hoàn thành nhiều tác phẩm nghệ
thuật nổi tiếng trong đó có "Buổi ăn
tối cuối cùng".
Vì nhu cầu
của quá nhiều khách viếng, những đoàn người vào xem cần phải mua vé
trước, đến đúng giờ và chỉ được quy định vào bên trong tối đa 15
phút.
Đúng giờ hẹn, chúng tôi được hướng dẫn đi qua hai lần cửa và bước
vào trong một căn phòng thật to tương đương với một rạp xi-nê nhỏ và
trong ánh đèn mờ bức họa thần kỳ hiện ra trước mặt.
Mọi người không ai bảo ai đều đứng sững lại,
giọng cô hướng dẫn cũng trầm xuống. Tôi cảm thấy cái gì rất
linh thiêng toát ra từ bức họa, có thể là do sự
pha lẫn giữa cái huyền bí của tôn giáo và cái linh động trong
bức họa tạo ra từ một bàn tay thiên tài. Tôi phỏng chừng bức họa dài
9 mét và cao không hơn 5 mét (Hình 21). Màu sơn
đã nhạt làm mất đi nét sắc sảo nhưng biểu hiện của người trong tranh
vẫn còn sống động. "Buổi ăn tối
cuối cùng" không phải là một đề tài mới trong thời Leonardo.
Theo lời cô hướng dẫn, đã có nhiều người trước
Leonardo vẽ cùng một đề tài nhưng Leonardo đã diễn tả một cách xuất
thần phản ứng của 12 tông đồ ngay sau khi Jesus tiên liệu, "Sẽ có
một người trong các ngươi phản bội ta".
Jesus ngồi giữa vẻ mặt u buồn.
Lời của Jesus đi ngang như tiếng sét.
Mười hai tông đồ chia làm 4 nhóm biểu lộ nhiều
thái độ và thần sắc khác nhau. Judas, kẻ phản bội, được ông
vẽ bằng màu sắc u ám, râu ria xồm xoàm,
có thái độ thụ động như không muốn tham gia vào việc đối thoại. Một
tay Judas nắm chặt cái túi tiền chứa ba
mươi lạng bạc vừa lãnh được để làm việc chỉ điểm. Có lẽ, đây là
phong cách của nghệ thuật Phục Hưng như tranh vẽ "Sáng thế"
của Michelangelo trên trần nhà của nhà nguyện Sistine.
Hình 21: Buổi ăn tối cuối
cùng (Nguồn: Wikipedia)
Tài năng
của Leonardo không dừng ở hội họa.
Ông có nhiều hình vẽ mô tả ý tưởng về khoa học
và y học. Những ý tưởng và mô hình của Leonardo về khoa học
bao gồm cơ khí, thủy động lực học, vật bay, máy dệt, kỹ thuật xây
cất được trưng bày tại Viện Bảo tàng Khoa học Kỹ thuật của thành phố
Milano. Có thể nói rằng Leonardo có một trực
giác phi phàm khi tạo ra những mô hình này. Nhưng ông còn quá
sớm để làm ý tưởng chấp cánh bay cao thành thực dụng.
Lúc đó toán học chưa được dùng như một công cụ
để miêu tả các khái niệm khoa học. Việc
này cần thêm một thế hệ kế tiếp Leonardo.
Đó là thế hệ của Galileo Galile. Ở Viện Bảo tàng này học sinh
đến học tập hay làm thực nghiệm nhiều hơn là du khách như tôi.
Các em học sinh đi lại ghi ghi chép chép.
Tôi rất ngạc nhiên khi một Viện Bảo tàng lại có
những dụng cụ thí nghiệm để làm thực tập bao gồm những môn như Hóa
học, Vật lý và Sinh học. Cũng nên nói
thêm là trong suốt cuộc hành trình tôi đã chứng kiến nhiều đoàn học
sinh đi học tập dã ngoại với thầy cô. Tại
Quảng trường La Mã (Roman Forum) học sinh xen lẫn với du khách.
Thầy cô nhiệt tình giảng
bài trước những phế tích, có lẽ về lịch sử, cho một đoàn học sinh
chăm chú ngồi nghe.
Để chấm dứt cuộc hành trình xuyên Ý, tôi muốn nói đến
Hồ Como (Lake Como), một thị trấn cách Milano 1 tiếng đường xe về
phía bắc và gần biên giới Thụy Sĩ. Đây là điểm cực bắc của cuộc hành
trình. Hồ Como là địa điểm nghĩ mát của các đại
gia và quan quyền từ thời đế chế La Mã.
Como là địa điểm duy nhất
mang vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên trong các nơi tôi đã đi qua.
Từ Como người ta thấy rặng Alps hùng vĩ
xa xa. Những tòa nhà cổ xưa được xây ở hai bên
đồi núi trùng điệp. Ở đây, rất ngẫu nhiên
tôi gặp Alessandro Volta. Nói đúng hơn là
tôi gặp tượng của Alessandro Volta (Hình 22). Como là quê
quán của Volta một nhà bác học người Ý lần đầu tiên đã sáng chế ra
pin vào thế kỷ 19. Đơn vị điện áp Volt được lấy từ tên Volta của ông.
Nguyên tắc pin Volta và pin của ngày hôm nay vẫn không có gì thay
đổi. Chỉ khác là kích cỡ. "Cục" pin đầu
tiên là cái ống tròn cao 60 cm và pin ngày hôm nay đã
thu nhỏ bằng đồng xu. Người dân Como lập
ra Quảng trường Volta, một đền kỷ niệm và một ngọn "hải đăng" trên
núi Como để tưởng nhớ một nhà khoa học vĩ đại.
Hình 22: Tượng Alessandro Volta.
***
Trở lại Úc
dư âm về cái đẹp lâng lâng kéo dài qua nhiều ngày.
Tôi phải ngồi vào bàn cẩn thận ghi ngay những
cảm xúc đó trước khi nó vuột mất. Cái đẹp của xứ Ý không phải
là vẻ đẹp thiên nhiên mà là sự kết hợp vô cùng
vi diệu giữa kỳ công của con người và Mẹ Thiên nhiên.
Mỹ thuật trong kiến trúc, điêu khắc, hội họa bắt
nguồn từ động lực tôn giáo đã làm bùng nổ một thời đại. Trong
một chuỗi sự kiện xảy ra qua vài thế kỷ nhiều thiên tài và nghệ nhân
siêu phàm vô danh đã xuất hiện tạo ra những điều kỳ
vĩ. Tôi cảm thấy tài năng của con người
quả là vô hạn. Người ta thường nói đến "Mỹ học".
Tôi không biết và hiểu thế nào là Mỹ học.
Những gì nhìn thấy ở Ý từ những căn nhà ở ven đồi miền quê Positano,
những thánh đường nguy nga, chiếc thuyền gondola của Venezia, đến "Buổi
ăn tối cuối cùng", theo tôi đó là Mỹ
học. Người ta bảo cảm giác lần đầu lúc nào cũng
sâu sắc nhưng đối với Ý nếu có đến những lần sau dù cảm nhận có khác
dư vị vẫn đậm đà.
(Lễ Phục Sinh, tháng 4 2014)
Trương Văn Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét