Những kỷ niệm xa nhất mà nàng có thể nhớ được về ông, có lẽ chừng như năm sáu tuổi gì đó. Lúc ấy ba mẹ và Hằng ở chung trong ngôi nhà nền đúc đồ sộ của ông bà nội, cách thị xã Sa Đéc vài cây số. Anh Tâm trọ học nhà bác Phú là anh họ của ba trên Sài Gòn. Trong trí nhớ khá nhạt nhòa của nàng, ông nội là một ông già quắc thước, cao lớn. Tiếng nói sang sảng, nét mặt nghiêm nghị khiến ai cũng phải nể nang. Trên đầu ông lúc nào cũng đội một chiếc mũ len đan, màu nâu giống như mũ của ông Hòa Thượng ở chùa gì đó quên mất tên rồi. Thỉnh thoảng Hằng thấy Hòa Thượng đến thăm ông nội. Hai ông trò chuyện rất tương đắc trong phòng riêng của ông nội. Ngồi trên tấm nệm mỏng, mỗi ông dựa tay trên một chiếc gối hình chữ nhật, rất cứng và áo gối màu đỏ thêu rồng phụng, chim chóc, đính hột cườm lấp lánh đẹp rực rỡ. Lũ nhỏ bị cấm bén mãng vô phòng ông nội, trừ Hằng. Vì ông cưng Hằng đặc biệt, đứa cháu nội gái duy nhất của ông. Sau này theo lời kể của những người trong họ, Hằng biết ông nội là một mẫu người thông minh tuyệt vời. Tấm lòng lại nhân đức. Bà nội chắc cũng chỉ khoảng năm mươi, nét đẹp lúc xuân thì chưa phai, nhưng mái tóc bạc trắng, búi thành một búi rất đẹp sau ót. Bà hay la rầy con cháu. Trong ký ức, Hằng chưa bao giờ được nghe bà nói một lời dịu dàng âu yếm.
Hằng còn nhớ cái tủ bằng gỗ trong nhà bếp đựng đầy những thố mạch nha. Mạch nha bà nội nấu vàng óng như hổ phách, thơm ngọt tuyệt vời. Nhưng trong đại gia đình đông người, bà phải khóa tủ bằng ống khóa và chiếc chìa khóa quý giá bà giữ khư khư trong túi áo! Thỉnh thoảng bà nội mới kêu mẹ Hằng hoặc cô Bích nướng bánh phồng. Những chiếc bánh phồng khéo léo mà mẹ và cô Bích quết vào dịp Tết, được bà tự tay phết lên một lượt mạch nha vàng óng ánh trước đôi mắt thèm thuồng của lũ trẻ. Ngoài gia đình Hằng còn có gia đình cô Bích là em gái của ba. Cô góa chồng và đem ba đứa con về ở chung với ông bà nội. Ba đứa con của cô cũng sàn sàn tuổi Hằng, nhưng là ba thằng con trai nên nghịch ngợm như giặc. Bà nội phát cho mỗi đứa một miếng bánh phồng quết mạch nha to bằng bàn tay người lớn. Hằng nhắm mắt nhớ lại cái cảm giác cắn miếng bánh phồng dòn tan, hương vị ngọt ngào của mạch nha tan trên đầu lưỡi. Tuyệt vời không gì có thể sánh bằng! Món thứ nhì bà nội hay làm là bánh lọt lá dứa màu xanh biếc như ngọc, chan nước đường và nước cốt dừa. Thỉnh thoảng cũng có bánh đúc lá dứa chấm nước đường thắng kẹo quánh rắc mè rang thơm phức.
Bà nội nghiêm khắc với tất cả mọi người. Đặc biệt là với mẹ Hằng. Bà soi mói từng chút. Hình như bà không ưa mẹ vì cho rằng mẹ theo tây học. Văn minh quá! Nghĩ cũng bất công. Ba học trường Chasseloup Laubat, nói tiếng tây như gió. Cô Bích cũng học trường Áo Tím. Đôi khi Hằng bắt gặp cô nói tiếng tây với ba mà bà nội có nói gì đâu. Nhưng dù sao cô cũng là con gái bà nội và mẹ là con dâu. Đương nhiên không giống nhau!
Vì bé quá nên Hằng không biết gữa ba mẹ có chuyện gì, hoặc giữa bà nội và mẹ có chuyện gì. Một buổi chiều ba dắt Hằng ra con lộ sau nhà. Con lộ cách nhà độ hai, ba trăm thước. Một vườn cây trái sum suê ngăn ngôi nhà và con lộ. Phía sau con lộ là cánh đồng trải dài vô tít trong xa, tận lũy tre xanh xanh của làng Mỹ Long. Hằng còn nhớ lúc đó là mùa nước. Những cây lúa vươn lên khỏi mặt nước, rập rờn theo cơn gió chiều mát rượi. Một hàng dài những chiếc xuồng ba lá bơi theo con kinh, về hướng làng Mỹ Long trong đồng sâu. Ba nói họ đi câu tôm. Hằng líu lo hỏi ba đủ thứ chuyện. Nhưng hôm nay ông có vẻ trầm ngâm, thỉnh thoảng mới ừ hử. Hằng còn đang dõi mắt nhìn theo cánh cò trắng bay la đà về hướng mặt trời lặn xa xa, bỗng ba nắm tay Hằng bóp mạnh, giọng buồn có não nuột:
-Mẹ bỏ cha con mình đi mất rồi Hằng ơi!
Hằng ngây thơ nói với ba:
-Hôm qua mẹ nói về thăm ngoại bịnh mà ba.
Ba trả lời, mắt vẫn dõi về cõi vô tận nào:
-Mẹ không về nhà ông bà ngoại.
Lúc đó Hằng mới oà lên khóc. Ba ôm con gái vào lòng dỗ dành:
-Không sao đâu. Ba con mình sẽ đi tìm mẹ về.
Đêm đó Hằng ngủ với ba. Hình như trong mơ con bé vẫn khóc thút thít vì nhớ mẹ. Ba trằn trọc ôm con gái xoa lưng vỗ về.
Hai hôm sau ba thu xếp dẫn Hằng lên Sài Gòn. Hai cha con ở nhà bác Phú. Không hiểu sao ký ức của Hằng rất mù mờ trong khoảng thời gian này. Con bé không nhớ ba đã dẫn đi những đâu để tìm mẹ. Lâu lắm sau này, tình cờ nhìn thấy trong album, tấm hình hai cha con chụp ở Sở Thú. Ba mặc đồ tây, tóc hớt cao, nét mặt buồn rười rượi. Con bé Hằng nhỏ xíu ngồi bên cạnh, mặt cũng đầy nét u hoài. Hằng nhìn tấm ảnh, lòng se thắt và tự hỏi tại sao buồn vậy mà ông già còn hứng thú chụp hình?!
Cuối cùng không hiểu nhờ phép lạ nào mà ba cũng tìm được mẹ và hai người dắt con gái trở về Sa Đéc. Hằng gặp lại mẹ vui như Tết và tiếp tục sống cuộc đời vô tư lự như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Bắt đầu từ đó ông nội cho ba mẹ cất nhà ra riêng. Nhưng cũng chỉ cách nhau một mảnh vườn trồng cam, chanh, bưởi và vài cây soài cát. Mẹ thoát cảnh làm dâu và không còn nghe những lời chì chiết của bà nội nữa nên vui vẻ hơn nhiều. Bà xin ba mở một tiệm tạp hoá dưới chợ. Mẹ lúc còn con gái là một người đẹp nổi tiếng. Bà lại có học, thông minh, có tài ăn nói và có khiếu văn chương. Lớn lên Hằng nghe mẹ đọc thuộc làu làu Cung Oán Ngâm Khúc, Lục Vân Tiên...và thơ Nguyễn Bính thì bà thích đặc biệt. Ngược lại ba không phải là người sính văn thơ. Trước đây ông làm ở sở lúa gạo, nhưng sau này giúp ông nội trông coi ruộng đất. Đến mùa thu lúa ruộng, có khi đi tận trong đồng xa hàng tháng mới về.
Nhờ có duyên buôn bán nên cửa hàng của mẹ rất đông khách. Lớn hơn, Hằng đã biết ra cửa hàng giúp mẹ chút đỉnh. Ngoài mẹ ra còn có chị Mai, cháu họ xa bên mẹ giúp việc, trông nom cửa hàng mỗi khi mẹ có công chuyện đi đây đi đó.
Sáng thứ bảy đó Hằng ra tiệm với mẹ. Khoảng trưa trưa vắng khách, mẹ dặn chị Mai và Hằng coi tiệm mẹ đi khui hụi. Hằng đang kể cho chị Mai nghe những chuyện trong lớp của Hằng, thì một người đàn ông bước vào. Ông ta nhìn dáo dác rồi hỏi chị Mai:
- Ủa, bà chủ không có đây sao cháu?
-Dạ, cô Tư mắc đi khui hụi. Mai trả lời ông ta.
-Lúc nào bà ấy về? Giọng ông ta có vẻ băn khoăn.
-Dạ cháu không biết.
Ông này đứng tần ngần một lúc rồi nói:
-Chừng bà chủ về nhớ nói có ông Nam đến nhé.
-Dạ, cháu sẽ nói với cô Tư. Chị Mai trả lời và nhìn ông ta chăm chăm. Người đàn ông có vẻ hơi ngượng ngập vội đi ra. Chị Mai nhìn theo ông ta rồi thì thầm với Hằng:
-Ông này kỳ ghê.
-Kỳ sao hả chị? Hằng ngây thơ hỏi.
-Thì cứ hai ba ngày là tới đây một lần. Nhiều khi có mua thứ gì đâu. Hỏi vớ vẩn vài câu. Mà coi bộ ổng tới đây để gặp mặt cô Tư mà thôi.
- Gặp mặt mẹ em chi vậy hả chị?
Chị Mai tặc lưỡi:
-Thì làm sao chị biết được. Chị chỉ thấy ổng kỳ kỳ!
Lúc mẹ về, Hằng láu táu nói có ông Nam tới kiếm mẹ. Mẹ thoáng có chút bối rối:
-À, ông Nam làm ở Toà Án Vĩnh Long. Mà ông này kỳ thiệt, cứ đến làm phiền người ta.
Tuy là phàn nàn, nhưng Hằng cảm thấy giọng mẹ không có chút gì bực bội. Hằng không thể ngờ rằng bắt đầu từ giờ phút này, từ người đàn ông có nước da bánh mật, mái tóc dợn sóng và giọng nói ngọt ngào, nhưng không phải gốc Nam kỳ này, đã bắt đầu cho những cơn sóng ngầm mang phong ba bão táp tới cho gia đình nàng.
Tuy là phàn nàn, nhưng Hằng cảm thấy giọng mẹ không có chút gì bực bội. Hằng không thể ngờ rằng bắt đầu từ giờ phút này, từ người đàn ông có nước da bánh mật, mái tóc dợn sóng và giọng nói ngọt ngào, nhưng không phải gốc Nam kỳ này, đã bắt đầu cho những cơn sóng ngầm mang phong ba bão táp tới cho gia đình nàng.
Ba Hằng đẹp trai, con chủ điền và có uy quyền với những người tá điền mướn đất ông nội. Những lần theo ghe đi góp lúa ruộng, họ đã tổ chức cho ông biết bao nhiêu buổi nhậu. Trong đồng sâu thiếu gì tôm cá, rắn rùa...Kể cả những đứa con gái tươi mơn mởn thơm mùi hương đồng cỏ nội. Ba cứ hưởng thụ thoải mái.
Có nhiều tá điền muốn lợi dụng ba nên đã để con gái hầu hạ "cậu" khi cậu say bí tỉ không còn biết trời trăng gì nữa.
Cho đến khi Hằng có một đứa em cùng cha khác mẹ bất đắc dĩ thì ba mẹ bắt đầu cắn đắng. Những lần cãi nhau ầm ĩ đưa đến xô xát khiến con bé sợ hãi khóc như mưa. Sau cùng ông nội bắt ba phải lên trụ luôn trên Sài gòn. Ba phụ coi xưởng gỗ của bác Phú. Mẹ vẫn ở Sa Đéc và ông Nam vẫn đến thăm mẹ đều đều mỗi tuần. Có khi mang sách báo đến cho mẹ đọc và mang quà cho Hằng. Thật là hai tâm hồn đồng điệu. Cùng yêu thích văn chương thơ phú. Đôi khi mẹ giữ ông ta ở lại dùng cơm trưa. Phải công nhận rằng ông ta có giọng nói rất quyến rũ. Điều kỳ lạ là ông ta vẫn còn độc thân. Nhưng làm sao biết được. Quê ông ta tận ngoài Nha Trang xa lắc xa lơ!
Ba thường về thăm ông bà nội và hai mẹ con. Một lần, ba từ Sài Gòn về thẳng ngoài tiệm. Gặp ông Nam ở đây, thế là ba đào dậy sóng. Có thể những buổi gặp gỡ giữa mẹ và ông Nam đã đến tai ba nên mới ra nông nỗi. Đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp, nhưng luân lý Khổng Mạnh vẫn bắt đàn bà giữ tam tòng tứ đức. Bây giờ nghĩ lại, Hằng chắc chắn giữa mẹ và ông Nam không có chuyện yêu đương phàm tục. Hai người chỉ là bạn tương đắc về văn chương. Nhưng hỡi ôi, ngày đó, những người đàn bà có chồng được quyền tự do hành động như vậy chăng? Ngàn lần không!
Ba bắt mẹ phải sang tiệm để lên Sài Gòn sống với ba. Cộng thêm tiền sang căn tiệm dưới Sa Đéc, ông bà mua một căn nhà khang trang gần chợ Thị Nghè. Vốn là người quen buôn bán. Ở không bứt rứt chịu không nổi, mẹ lại mở tiệm bán gạo, than, củi. Mẹ về quê đem chị Mai lên giúp việc như xưa. Hằng học trường Tiểu học Thị Nghè. Hằng ngày đi về với chị Út Kim con của bác Phú. Ba cưng Hằng hơn anh Tú. Có lẽ vì Hằng là con gái Út rượu của ba! Anh hơn Hằng cả mười tuổi, vì giữa hai đứa mẹ có hư thai một lần. Sau khi sinh Hằng thì ngưng đẻ luôn. Cũng tốt vì mẹ vấn không thích con đông.
Gần ngày đi học, ba chở con bé tới tiệm bán văn phòng phẩm mua tập vở. Hằng làm sao quên được nàng đã đòi nằng nặc ba phải mua mấy tờ giấy bao vở màu hồng trong suốt, có in hình cô công chúa Bạch Tuyết và chiếc cặp bằng da màu vàng nâu. Ba mua về cặm cụi bọc hết tập vở cho con gái. Ông vui ra mặt. Rồi hè năm đó ba dẫn Hằng đi...uốn tóc! Người thợ uốn làm sao mà khi xong rồi, mái tóc con bé xoăn tít như lông chó xồm. Trên đường về, Hằng giận dỗi, khóc thút thít bắt đền ba khiến ông bối rối không biết phải làm sao, đành dẫn con gái đi ăn một chầu hủ tíu mỳ ngon thật là ngon Hằng mới hết giận!
Nhớ tới đây ruột gan Hằng quặn đau. Ba ơi ba, con thương ba nhiều biết chừng nào. Ba tha lỗi cho những lần con vô tình làm ba buồn nghe ba. Con gái ba đang khóc vì nhớ ba đây!...
Tuổi trẻ vô tư. Ăn, học và ngủ. Hằng cũng vậy. Trong lớp con bé đã quen được nhiều bạn mới. Con Quỳnh da trắng bóc, tóc cắt bum bê. Đôi môi nó đỏ thắm, nhỏ xíu như một nụ hồng. Con Nga mặt đầy tàn nhang, tóc dài cột đuôi ngựa nè. Nhỏ này hay nói xấu con Quỳnh sau lưng. Chắc tại nó tức vì con Quỳnh xinh và học giỏi hơn nó! Chao ôi, mới nứt mắt đã bày trò ganh ghét nhau. Hèn nào trong xã hội người lớn, họ dùng tất cả mọi thủ đoạn đê hèn để giết hại, hạ bệ... nhau cứ đầy rẫy ra! Con Cẩm Yến miệng móm mà có đồng tiền trên má thật là xinh nè...Riêng đám con trai thì Hằng sợ lắm, chưa quen đứa nào.
Rồi chẳng hiểu vì cớ gì những cuộc cãi vã của ba mẹ bắt đầu trở lại. Ban ngày ba đi làm, mẹ mắc buôn bán nên không có gì, nhưng nhiều đêm đang ngủ, Hằng giật mình thức giấc vì tiếng cãi vả khá lớn của ba mẹ khiến con bé sợ xanh mặt. Mấy ngày sau chị Mai nói riêng cho Hằng biết ba gặp lá thư ông Nam gửi cho mẹ. Không hiểu làm thế nào mà ông ta biết được địa chỉ trên Sài Gòn. Tuy mẹ cố giải thích nhưng ba vẫn giận dữ, cho là mẹ có tình ý với ông Nam. Hằng còn nhỏ quá để có thể hiểu được những khúc mắc của người lớn. Nhưng không khí trong nhà bắt đầu khó thở. Ba không còn pha trò vui vẻ như xưa. Trái lại mặt mày cau có làm anh Tú cũng sợ. Cơm nước xong là anh rút vô phòng. Thấy ba mẹ buồn Hằng cũng buồn lắm. Con bé cảm thấy đến trường chơi với bạn vui hơn là ở nhà, cho nên nhiều hôm sau giờ học Hằng xin mẹ đến nhà con Cẩm Yến chơi. Nhà nó cách nhà Hằng độ năm phút đi bộ mà thôi. Chị Cẩm Hạnh của nó cũng thương Hằng lắm. Chị hay mua quà cho hai đứa ăn chung. Đôi khi Hằng ao ước, thay vì anh Tú, phải chi có một bà chị như chị Cẩm Hạnh thì hay biết mấy! Chị Mai cũng thương Hằng, nhưng chị đâu phải chị ruột. Hơn nữa chị xấu xí, quê mùa chứ đâu có đẹp đẻ, thơm tho, điệu đà như chị Cẩm Hạnh!
Có lẽ mẹ đã yêu cầu ông Nam đừng tìm cách liên lạc với mẹ nữa nên sau đó ba mẹ lại bắt tay hòa bình! Anh Tú và Hằng thở phào nhẹ nhõm. Ba tiếp tục dẫn cả nhà đi ăn tiệm cuối tuần. Có lần ba dẫn mọi người, kể cả chị Mai, đi xem cinéma. Phim Tarzan. Anh Tú khoái chí trước những cảnh Tarzan đóng khố da thú, vừa đu dây vừa hú vang cả rừng, còn Hằng sợ quá nắm tay ba thật chặt.
Hai năm êm đềm trôi qua. Một hôm mẹ nhận được điện tín của cô Bích kêu ba về Sa Đéc gấp. Ông nội bị trúng gió, bây giờ nằm một chỗ không đi lại được. Ba vội vàng thu xếp về quê ngay sáng hôm sau. Ông nội đang đi thăm ruộng. Lúc đó đang là mùa gặt lúa, thì trúng gió té ngoài đồng, tá điền khiêng ông về nhà. Bắt đầu từ lúc đó ông bị liệt nửa người.
Cô Bích chỉ có thể giúp bà nội việc nhà, nên ba phải về ở luôn, hay ít ra trong thời gian ông nội bệnh, trông coi việc gặt và thu lúa ruộng. Mẹ, anh Tú và Hằng vẫn ở Sài gòn. Ba về dưới quê một thời gian thì bổn cũ soạn lại và bắt đầu nghiện rượu nặng. Con sâu rượu tàn phá người ông lẹ không ngờ. Trước đây ở Sài gòn, mỗi ngày mẹ Hằng bắt ôngchỉ được uống rượu khi ăn cơm. Lúc đi làm ông có lén uống không thì chẳng ai hay. Nhưng bây giờ ở một mình trong căn nhà rộng, không vợ con bên cạnh. Nhất là không ai cấm cản nên ông uống tha hồ, uống thỏa thích. Hè năm đó Hằng về Sa Đéc, con bé hết hồn khi gặp lại ba. Không ngờ chỉ có mấy tháng mà ông thay đổi nhiều đến vậy! Người ba vốn cao bây giờ càng khẳng khiu. Con bé xót xa cằn nhằn sao ba uống nhiều, ba ốm nhom thì ông tặc lưỡi nói ba không sao thật mà. Cô Bích nói ba cháu chỉ thích uống rượu chớ không thích ăn cơm! Bà nội rầy ba cũng làm ngơ...
Ông nội có bình phục chút đỉnh nhưng vẫn không đi lại được. Vậy là ba đành phải ở lại Sa Đéc. Công chuyện làm ăn của mẹ không tiến triển chút nào. Nhân dịp cô dượng Bảy Vinh có xe hàng đi đường Sài Gòn -Pleiku, về nói nơi này làm ăn phát đạt lắm. Vì là tỉnh mới thành lập rất xa Sài Gòn, nên hàng hóa gì đem lên đó bán cũng chạy vù vù. Mẹ nghe ham quá nên đóng cửa tiệm, theo xe hàng lên Pleiku thám thính. Lúc đầu thấy khí hậu lạnh lẽo, đất đỏ bay mù trời, mùa mưa đất đỏ dính giày dép dẻo quẹo như dất sét, mẹ cũng ngại. Nhưng nhìn thấy hàng của cô Bảy vừa lên tới, bữa trước bữa sau là bán sạch sành sanh, cảnh chợ búa buôn bán rộn rịp bà cũng bị lôi cuốn. Mẹ về Sa Đéc bàn với ba, bán nhà lên Pleiku làm ăn. Ba lúc này bị ma men ám thường xuyên nên cũng để mặc mẹ muốn tính sao cũng được. Nhưng hình như chuyện gì trong nhà cũng do mẹ tính toán.
Mẹ lên Pleiku sang một căn nhà trên đường Hoàng Diệu, mở một tiệm tạp hóa bán đủ thứ. Từ gạo, nước mắm, chén bát, nước ngọt ...Tất cả do cô Bảy Vinh chở từ Sài Gòn lên bỏ sỉ rồi mẹ bán lẻ lại. Vậy mà lời vô khối. Hằng và chị Mai lại theo mẹ lên Pleiku. Phần anh Tú xin đi dạy học ở Long Xuyên. Ngoài những lúc bận rộn trong mùa lúa, ba lên Pleiku ở với má và Hằng vài tháng. Nhìn thân thể tiều tụy của ba, Hằng thương quá. Con bé lúc này đã lên lớp Đệ lục, biết suy nghĩ nhiều hơn xưa. Đàn bà ở một mình thì biết tự lo cho mình, nhưng người đàn ông ở một mình thật thảm thương. Tuy hằng ngày qua nhà ông bà nội ăn cơm, nhưng làm sao bằng được chính bàn tay người vợ săn sóc. Hơn nữa bây giờ ông uống rượu càng ngày càng nhiều nên ba say nhiều hơn tỉnh. Tuy rằng chẳng bao giờ ông nhận là mình say!
Mẹ ở tuổi ngoài bốn mươi một tí nên hương sắc còn rất đậm đà. Khí hậu lành lạnh của vùng Cao nguyên giúp làn da bà càng thêm mịn màng, trắng hồng. Núm đồng tiền trên má đã khiến lắm con tim "không chịu ngủ yên và đập trật nhịp lia chia"!. Nhiều sĩ quan đổi lên đây. Có người mang gia đình vợ con, nhưng cũng có những ông "độc thân tại chỗ". Trong số những người ái mộ mẹ có ông Đại úy Hòa, ông Trưởng ty Thuế vụ tên Sinh. Ông Hòa đen đúa nhưng cao lớn và cái miệng dẻo quẹo, ngọt như đường. Mỗi bận đi phép về ông đều có quà bánh cho Hằng. Ông này người Nam, có vợ con nhưng bà vợ và các con không lên Pleiku vì chê xứ này khỉ ho cò gáy và bẩn thỉu! Mẹ nói nơi xứ lạ gặp người cùng quê cũng thấy thân thiện hơn người khác. Hằng xem ông Hòa như một ông bác trong nhà, không hề nghi kỵ. Trái lại ông Sinh người Bắc, tướng rất thư sinh, đẹp trai. Ông ta còn độc thân ở tuổi bốn mươi, nhưng nghe nói ngày xưa yêu một cô láng giềng tuyệt đẹp. Gia đình cô ấy ép lấy một anh Bác sĩ học bên Tây về. Từ đó ông trở nên hận đàn bà. Nếu gặp người vừa ý thì cũng chỉ chơi qua rồi bỏ. Vậy mà không thiếu phụ nữ mê mệt, muốn chiếm độc quyền trái tim bệnh hoạn của ông ta.
Hằng nhận thấy mỗi bận ông Sinh đến chơi, dĩ nhiên trong khoảng thời gian ba không có mặt ở Pleiku, mẹ rất vui, nói cười luôn miệng. Lại còn đỏm dáng hơn ngày thường. Bà chỉ thoa chút phấn hồng, chút son thôi mà thấy lộng lẫy hẳn lên.
Năm đó mẹ quyết định về Sài Gòn mua hàng bán Tết và mẹ dẫn Hằng theo. Con bé được về Sài Gòn thì vui không tả. Mua hàng xong mẹ con về Sa Đéc thăm ba và ông bà nội. Ông nội yếu quá, gặp Hằng ông mừng lắm. Hằng thấy thương ông ngồi một chỗ, ăn uống và làm vệ sinh phải có người giúp. Ông nội lì xì trước cho Hằng tiền mua chiếc xe đạp. Con bé cảm động ứa nước mắt. Ba thì vẫn say sưa tối ngày khiến mẹ rất buồn! Đêm đó Hằng nghe như hai người cãi nhau. Lại cãi nhau! Sao họ cãi nhau không biết chán hở trời!? Đời sống vợ chồng có gì vui sao? Con bé quyết định lớn lên sẽ không lấy chồng!
Hai hôm sau mẹ con đi xe đò lên Sài Gòn và mẹ dẫn Hằng đi Vũng Tàu tắm biển. Trời ơi, sướng chưa! Suốt đời con bé chưa từng thấy biển lần nào!
Hai mẹ con đi xe đò ra Vũng Tàu. Tới nơi còn đang lớ ngớ bỗng thấy một chiếc xe Peugeot 203 màu đen trờ tới đậu bên cạnh. Ông Sinh từ trên xe bước xuống. Hai người tay bắt mặt mừng trong khi con bé Hằng cứ tròn mắt ra nhìn. Ông Sinh mời hai mẹ con lên xe, đưa về một căn nhà khá lớn, mặt tiền nhìn ra biển. Hằng ngạc nhiên không biết tại sao hai mẹ con lại gặp ông Sinh ở đây, nhưng không dám hỏi sợ mẹ rầy!
Trong hai ngày ở đây, ông Sinh đưa mẹ con đi chơi khắp nơi. Ăn tôm cua sò hến thả dàn. Mặt mẹ sáng ngời hạnh phúc. Tâm hồn con bé quá đơn giản, quá ngây thơ để đặt câu hỏi tại sao? Biển buổi sáng đẹp không thể tả. Ánh mặt trời chiếu xuống như dát vàng, chói cả mắt. Xe chạy vòng từ Bãi Trước ra Bãi Sau. Buổi trưa người đi tắm biển đông đen. Mẹ và Hằng không tắm, chỉ đi chân trần trên cát. Con bé lượm vô số vỏ sò để đem về Pleiku tặng bạn. Nhưng biển buổi chiều lại càng đẹp hơn. Hằng yêu vẻ êm ả và bình yên với những chiếc thuyền đánh cá trở về bến đậu. Hằng nói điều này với mẹ và ông Sinh. Ông ta nhìn Hằng một lúc rồi nói "Cô bé này có tâm hồn thi sĩ. Lãng mạn lắm nhé!". Mẹ nghe chỉ cười không nói gì. Riêng Hằng chẳng hiểu lãng mạn nghĩa là gì!
Sáng sớm ngày thứ ba, ông Sinh lái xe đưa hai mẹ con ra bến xe về lại Sài Gòn. Trước khi từ giả ông ta đưa cho Hằng một cái hộp. Trong đó có một con thuyền làm bằng vỏ ốc tai tượng, có khắc chữ Kỷ Niệm Vũng Tàu...Hằng nói cám ơn và ông Sinh còn bẹo má con bé một cái.
Năm đó cả nhà ăn Tết thật vui. Có lẽ tại mẹ vui. Mồng một Tết ông Sinh đến chúc Tết mẹ và lì xì cho Hằng. Ba không lên vì ông nội trở bệnh nặng và một tháng sau thì ông mất. Mẹ không về được, Hằng đang đi học nên mẹ sai chị Mai cầm tiền về phụ vào đám tang. Mai được về thăm nhà thì vui lắm. Hằng dặn khi chị trở lên Pleiku nhớ đem ít chục soài cát và vú sữa hột gà. Mười ngày sau chị Mai trở lên. Ngoài soài và vú sữa, chị còn đem một nồi cá thu nước ngọt kho nước dừa, đặc sản của Sa Đéc. Hằng thương chị nhất ở điểm này!
Không hiểu sao lúc này mẹ hay bệnh. Nói bệnh thì không đúng. Mẹ ăn không ngon lại hay nôn mửa. Bà thèm một thứ gì đó, sai chị Mai đi mua. Đem về vừa ăn xong là nôn ra hết. Hằng lo quá, không biết mẹ bệnh gì. Một hôm, thấy Hằng lo lắng, mặt buồn hiu, chị Mai lôi Hằng ra nhà sau nói " chắc cô Tư có bầu, Hằng mừng không?". Dĩ nhiên là Hằng mừng. Có thêm em thì vui biết mấy. Hằng vội vàng chạy lên lầu hỏi mẹ có phải mang bầu không, bỗng nhiên mặt mẹ đổi thành trắng bệch, người bà hầu như hết hơi sức, chỉ chực ngã xuống. Hằng vội chạy lại đỡ mẹ nằm xuống giường, lấy dầu nhị thiên đường xức hai bên thái dương. Một lúc mẹ hơi tỉnh, hỏi ai nói với Hằng là mẹ có bầu. Hằng cười toe trả lời chị Mai nói. Mẹ bảo Hằng xuống kêu chị Mai lên cho mẹ nói chuyện, còn Hằng thì đi học bài. Hôm sau chị Mai nói với Hằng là mẹ có bầu thật, nhưng Hằng không được tiết lộ với ai vì mẹ mắc cỡ. Mẹ nói già rồi mang bầu kỳ lắm. Mẹ sợ người ta cười!
Người lớn thật là kỳ quặc, khó mà hiểu nổi họ!Tuy nhiên Hằng cũng nghe lời, không tiết lộ tin này. Rồi hai tuần sau mẹ đi nhà thương vì bị băng huyết. Vậy là giấc mộng có em bé của Hằng không thành. Mẹ về nhà người xanh lướt, nhưng có vẻ vui. Ông Sinh đến thăm mẹ với một túi nho tươi. Hai người nói chuyện gì lâu lắm. Lúc ông ta về thì mắt mẹ đỏ hoe.
Lần này ba lên định ở chơi hai tháng. Rồi một buổi tối ba vô phòng Hằng. Đang nói chuyện chơi, con bé bỗng nhớ tới đứa em đáng lẽ phải có, nói với ba, giọng đầy tiếc rẻ:
- Mẹ bị hư thai uổng quá hả ba?
Ba như bị điện giật:
- Con nói gì? mẹ con hư thai? Hồi nào? hồi nào? Giọng ông cao lên bất ngờ.
- Mẹ bị hư thai cách đây ba tháng. Mẹ không nói cho ba nghe sao? Hằng kinh ngạc hỏi.
Ba nhìn Hằng trừng trừng như nhìn một con quái vật xa lạ nào đó. Bỗng ông bật dậy lao ra khỏi phòng. Sau đó thì tiếng ba quát tháo ầm ĩ bên phòng mẹ. Hằng chạy sang, thấy mẹ ngồi trên giường, hai tay ôm mặt. Ba đang tát bà tới tấp. Hằng hét lên, chị Mai dưới nhà chạy lên. Nhìn thấy cảnh tượng này chị hoảng kinh, xông vào lôi ba ra. Ông còn chưởi mẹ một hồi mới chịu êm.
Đêm đó ba ngủ trong phòng Hằng, còn Hằng xuống dưới nhà ngủ với chị Mai. Nhưng hình như không ai ngủ được đêm đó. Mọi người thao thức tới sáng. Hôm sau mặc cho con gái khóc lóc năn nỉ, ba xách va ly ra bến xe trở về Sa Đéc. Còn thề độc sẽ không bao giờ trở lại Pleiku!
Cả tuần lễ căn nhà buồn hiu hắt. Mẹ u sầu chẳng nói chẳng rằng. Hằng vẫn cắp sách đến trường đều đặn. Một buổi tối, sau khi học bài xong, Hằng xuống nhà. Thấy chị Mai đang gấp quần áo, con bé sà vào gấp tiếp:
- Nhà mình buồn quá chị Mai ơi! Em không hiểu tại sao hôm đó ba lại đánh mẹ em dữ như vậy? Đâu phải tại mẹ em muốn hư thai phải không?
Mai ngừng tay, nhìn Hằng một lúc rồi ngập ngừng:
-Nếu chị nói cô Tư không phải có bầu với dượng Tư, Hằng có tin không?
Con bé dẫy nẫy:
- Em không tin. Em không tin đâu. Vậy mẹ em có bầu với ai?
- Cô Tư có bầu với ông Sinh.
- Vậy còn ba em? Kỳ vừa rồi mẹ em có về Sa Đéc mà. Sao không phải là ba em? Sao chị biết không phải là của ba em? Chị nói đi! Giọng con bé có vẽ như muốn khóc.
- Cô Tư nói với chị. Hằng nhớ hôm em đi Vũng Tàu chơi không. Chính lúc đó cô Tư dính bầu.
Hằng bàng hoàng nhớ lại những ngày vui ở thành phố biển. Trong tâm trí, con bé mơ hồ nhớ lại, đêm thứ nhì ngủ tại đó, nửa đêm chợt thức giấc không thấy mẹ bên cạnh, Hằng tưởng bà đi nhà vệ sinh nên ngủ tiếp. Nào ngờ...!
Nhưng con bé vẫn không chịu tin:
- Vậy trước đó mẹ em về Sa Đéc cũng ngủ chung với ba em mà.
- Cô Tư tâm sự với chị là từ mấy năm nay dượng không còn làm được chuyện đó nữa.
- Chuyện đó là chuyện gì hở chị? Con bé ngây ngô hỏi.
- Thì chuyện ...em bé đó. Chị đâu có rành. Cô Tư nói với chị vậy mà. Cũng tội nghiệp cô Tư, dượng say sưa tối ngày, cô Tư khổ lắm em ơi. Chị mong em đừng giận mẹ nghen. Ông Sinh thương cô Tư lắm. Ông thương thật tình đó.
Dĩ nhiên chị Mai đâu có rành. Tuy đã hăm lăm chị vẫn chưa chồng mà. Chị Mai vừa là cháu, vừa là người tâm phúc nên có gì mẹ cũng tâm sự với chị. Hằng thương mẹ, nhưng cũng thương ba. Biết mẹ phản bội ba, Hằng làm sao không giận được. Vậy là từ đó Hằng không muốn gần gủi mẹ như trước. Mẹ biết cũng chỉ thở dài. Mỗi lần ông Sinh tới chơi Hằng đều tránh gặp ông ta. Mẹ có gọi con bé cũng đóng cửa phòng im ỉm. Ông Sinh biết ý cũng bớt tới nhà.
Vừa nghỉ hè là Hằng xin phép mẹ về quê. Con bé quá giang xe cô bảy Vinh về Sài Gòn. Mẹ dặn Hằng đi xích lô đem qua nhà bác Phú trong Thị Nghè biếu hai ký măng le khô và một ký khô nai. Con bé ngạc nhiên tột độ khi gặp ba đang ở nhà bác Phú. Hai cha con mừng quá là mừng. Ba ôm đầu Hằng hôn chùn chụt. Ông nói ở dưới quê buồn quá nên lên Sài Gòn chơi ít hôm cho khuây khỏa. Sáng hôm sau hai cha con gọi taxis ra bến xe. Đi quá sớm nên chưa ăn sáng. Lên xe rồi ba đưa tiền bảo Hằng lại tiệm nước gần đó mua cho ba bánh bao. Mới bước được vài bước thì gặp ngay một con bé trạc tuổi Hằng, bưng một xề bánh bao nóng hổi còn bốc khói nghi ngút. Hằng mua hai cái. Cứ đinh ninh bánh bao nhân thịt. Nào ngờ khi cắn rồi mới biết chỉ là nhân bắp cải. Hằng nói để đi mua cái khác, ba bảo thôi. Đã mua rồi thì ráng ăn. Giờ đây, gần nửa thế kỷ trôi qua, nhớ đến nét mặt ba cố ăn hết cái bánh bao nhân bắp cải mà hai hàng nước mắt Hằng vẫn tuôn tràn. Có những chuyện giống như những vết dao chém vào đá. Vĩnh viễn với thời gian. Không bao giờ phai mờ. Lần này Hằng để ý thấy tay ba run run và mắt thì vàng như nghệ. Người chỉ còn da bọc xương. Bác Phú nói riêng với Hằng" Cháu nói với mẹ cháu là ba cháu có vẻ bệnh nhiều lắm đó. Coi chừng không xong đâu à!". Hằng lo lắm, nhưng chẳng biết lo làm sao?
Về tới nhà, Hằng lo quét tước lau chùi nhà cửa cho thật sạch sẽ. Mẹ có gửi tiền cho cô Bích nấu ăn cho ba. Cô nói ba cháu chỉ uống rượu chứ có ăn uống gì đâu mà đưa tiền. Hai tuần đầu ba còn cố ăn được chút đỉnh, nhưng sau đó ăn vào là nôn ra. Trong thức ăn có lẫn máu tươi. Ba nằm trên giường rên rỉ, đau đớn. Mỗi ngày con bé đổ sữa cho ông, nhưng phần lớn là nôn ra hết. Càng ngày càng nhiều máu tươi hơn. Hằng chỉ biết nhìn ba và khóc. Con bé còn nhớ, một đêm trời tối như bưng, trong nhà hết nước sôi để pha sữa, Hằng phải cắn răng băng qua khu vườn, qua đập cửa nhà bà nội. Eo ơi, nhìn cây cối trong vườn rung động trong bóng đêm như những bóng ma đầy dọa nạt, Hằng sợ đến run lập cập. Nhưng thương ba quá, con bé vẫn cố đi, miệng niệm Phật liên hồi. Hôm sau Hằng nhờ con trai cô Bích qua Long Xuyên gọi anh Tú về. Anh Tú về vội vàng đưa ba đi khám Bác sĩ. Bác sĩ nói ba bị bệnh chai gan và loét bao tử trầm trọng. Tất cả vì rượu. Ông chuyền nước biển và cho thuốc uống. Đến ngày thứ ba mới cầm, không ra máu và ba có vẻ tỉnh táo hơn.
Anh Tú bảo Hằng lên Pleiku trông nhà cho mẹ về chăm sóc cho ba. Hằng không chịu thì anh vừa mắng mỏ, vừa năn nỉ. Cuối cùng con bé phải đầu hàng. Buổi sáng Hằng thấy ba nằm thiêm thiếp trên giường, mặt mày xanh xao, hơi thở nặng nhọc. Lòng đau như dao cắt, con bé vừa xách chiếc valy nhỏ bước ra khỏi nhà, đi ngang cửa sổ phòng khách là có tiếng ba gọi từ phía trong cửa sổ:
- Hằng, Hằng! Con đi đâu đó?
- Con đi Pleiku kêu mẹ về săn sóc ba. Hằng trả lời giọng nghẹn ngào.
- Không, không! Con đừng đi. Còn không cho ba đi theo với.
- Ba đang bệnh đi không được đâu. Thôi ba vô nằm nghỉ. Con đi nghen ba.
Dứt lời là con bé xách va ly đi như chạy. Nước mắt tuôn ướt cả mặt. Anh Tú dặn Hằng tới Sài Gòn là đi thẳng ra bến xe Miền Trung. Gặp chuyến nào đi liền chuyến nấy không được chờ. May quá có chuyến trưa sắp chạy. Chỉ còn chỗ ở băng cuối cùng Hằng cũng leo lên. Suốt mười mấy tiếng đồng hồ trên đường đi, Hằng rầu rĩ nhớ ba đến nỗi không muốn ăn uống gì cả. Cũng không để ý đến những lúc xe bị xóc, hành khách băng sau cùng bị tung lên, đôi khi đầu đụng trần xe đau điếng. Nhớ tới hình ảnh ba, hai tay nắm chấn song cửa sổ, đòi đi theo Hằng là con bé lại giọt vắn giọt dài khiến hai người ngồi bên cạnh ái ngại quá. Nhưng hỏi gì con bé cũng lắc đầu, không nói.
Hằng không ngờ đó là lần cuối cùng gặp mặt ba. Vì mẹ về tới là ông yếu lắm rồi. Ba ngày sau ba trút hơi thở cuối cùng. Nhận được điện tín anh Tú đánh lên báo tin ba mất và dặn Hằng đừng về, con bé lịm người khóc không thành tiếng. Nếu biết ba ra đi sớm như vậy, có đánh chết Hằng cũng quyết ở lại với ba. Con bé đau liệt giường cả tháng trời sau đó. Mẹ lại khổ sở săn sóc cho con gái...
Một thời gian sau ông Sinh xin đổi đi tỉnh khác vì mẹ từ chối lời cầu hôn của ông ta. Cả anh Tú và Hằng đều ghét cay ghét đắng, cho là vì ông ta mà ba mới chết sớm như vậy.
...Thật lâu, thật lâu sau này, nghĩ lại Hằng thấy thương mẹ vô cùng. Bà đã vì hai anh em nàng mà chịu hy sinh hạnh phúc của riêng mình. Theo lời chị Mai, mẹ rất yêu ông Sinh. Về sau có nhiều người theo đuổi mẹ đều từ chối.
Công bình mà nói, ba cũng đáng trách. Hằng không hiểu tại sao một người có điều kiện tốt như ba mà chịu xuôi tay đầu hàng Định mệnh, để ông Thần Lưu linh lôi cuốn đến nỗi tan nát cả hạnh phúc gia đình? Tại sao ba lại hèn yếu đến thế hở ba? Con thương ba nhưng cũng ghét ba. Ba rủ áo ra đi, thanh thản, nhẹ nhàng bên kia thế giới. Nhưng phần mẹ được gì? Suốt đời làm lụng, buôn bán cực khổ nuôi chồng, nuôi con. Trở thành góa phụ ở tuổi mới ngoài bốn mươi, đẹp đẻ, giỏi giang... mà cứ phải cắn răng sống cảnh phòng không chiếc bóng, chỉ vì tình thương dành cho hai con. Trong khi chung quanh ong bướm dập dìu. Hằng thương cả ba lẫn mẹ. Nhưng vẫn canh cánh bên lòng một tình cảm khó tả: thương, giận và tiếc nuối! Nếu được bắt đầu lại, Hằng sẽ nghĩ đến mẹ nhiều hơn.
Ba không đáng trách và mẹ không đáng thương lắm sao? Những hạt bụi bám chặt trong tim con gái chừng nào mới gội sạch được đây?
Tiểu Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét