Tôi thức dậy với một tinh thần sảng khoái. Đồng hồ trên tường chỉ đúng 5 giờ sáng. Rất mừng. Không phải là 3giờ30 hoặc 4 giờ vì sớm quá. Đó là kết quả đêm qua tôi đã cố chống chọi cơn buồn ngủ từ 7 giờ tối. Tìm một lý do nào đó thật quyến rũ để gần 9 giờ tối mới lên giường.
Tôi bước ra sân còn mờ sương. Đi bộ vài chục vòng trước sân. Rồi cầm cây chổi tay phải, cái hốt rác tay trái đi quét lá cây khắp mặt sân. Đi bộ kiểu nầy có hai cái lợi vừa thể dục vừa quét hốt rác quanh nhà.
6 giờ sáng vào nhà ăn diện, chuẩn bị. Sau đó, lấy xe đi uống cà phê.
Nơi tôi ở không phải chợ Cái Răng. Muốn đi uống cà phê phải đi ngược lại qua cầu Cái Răng, qua cầu ấp Mỹ để đến quán Hương Tràm cạnh lộ Hậu Thạnh Mỹ. Hàng ngày từ 6 giờ 15 các bạn tôi đã tề tựu ở đó.
Hương Tràm là một quán cà phê rộng, mát và yên tỉnh. Cà phê và trà nóng ngon, khỏi chê. Quán đông nhưng không ồn. Dường như mọi người tự giữ mình, nói với nhau vừa đủ nghe như để cho suy tư chìm vào những tiếng hát mơ hồ, tiếng nhạc như rơi rụng từ nơi xa trở về.
Các bạn chúng tôi là những người cùng trang lứa. Có một dĩ vãng cùng thời hay là đồng môn, chiến hữu của nhau. Nhưng ở đây, dù ngồi chung mỗi người có một khoảng trời hoài niệm riêng, một suy tư ảo ảnh nào đó
trong ký ức, một góc nhỏ riêng tư của kỷ niệm. Có khi ngồi với nhau cả tiếng đồng hồ mà chả có ai nới chuyện với nhau một câu nào. Nhiều thằng cắm cúi móc smartphone ra lướt web chăm chú đọc những tin nóng trong ngày. Được một điểm son là tất cả không ai hút thuốc , dù trước đây có đứa bập hai gói mỗi ngày (trong đó có tôi).
Rồi thường là 7 giờ 15 cùng đứng dậy ra về…
Buổi Trưa:
Trưa nay nhằm thứ bảy. Tôi có một cuộc hẹn lúc 10 giờ. Điểm tề tựu là nhà anh Sáu Thành ở Bà Vèn. Anh là một Việt kiều định cư ở Mỹ nhưng “ đoạn cuối của cuộc đời về ở Việt Nam”. Đây là câu anh thường ghi lên những tập nhạc ở gần trang bìa. Đọc câu nầy nghe buồn buồn và hàm chứa một cái gì đó bâng khuâng, tiếc nuối…của một kiếp người.
Chứng tích “đoạn cuối của cuộc đời …” của anh 6 Thành.
Tôi đã len lén viết vội 8 câu thơ sau đây nhét vào tập thơ “Vì đó là em”:
Anh về nhà mà tiếc nuối cũng mang theoBỏ lại Carolina tìm phương trời khác
Chiều cuối năm cùng nâng ly chung rượu nhạt
Gió Đông về ta hãy đốt lửa chiều nay.
Bạn bè chúng ta gặp lại siết bàn tay
Nhớ cái thuở chiến chinh đau miền ký ức
Hãy bỏ đi cho con tim đừng thổn thức
Vui sống cuối đời chờ bọn trẻ …hồi sinh.
Về đến nhà, như thường lệ, tôi lên Net tìm thư. Hôm nay ít thư của các bạn thường thơ thẩn và những thằng chiến hữu ó đâm, bán trời không mời thiên lôi. Tụi nó thường đợi thơ tôi gởi rồi tiếp nối trả lời ậm ừ vài câu ngắn gọn nào đó, Chúng ít gởi thơ nhưng khoái nhận. Thôi kệ, dù sao có tụi nó cũng đở buồn. Có còn hơn không.
Hơn 10 giờ sáng tôi tắt máy. Ra lấy xe đi thẳng vào Bà Vèn.
Những ngày cuối năm thời gian như nhanh hơn, không gian như khác đi. Thời gian như hối hả hơn để cho mọi sinh vật ùn ùn túa chạy theo. Không gian như sáng sủa hơn, lạnh lẽo hơn. Gặp được bạn bè lúc nầy cho ta thấy sự thanh thản, bình yên đến lạ kỳ.
Đa số chúng tôi trước đây thường lang bạt giang hồ. Thường có cuộc sống gia đình trôi theo dòng chiến sự. Chúng tôi nói với nhau những lời chan chứa tâm sự của một tình bạn. Một tình bạn chân thành có thằng đã kéo dài trên 40 năm.
Chúng tôi chúc nhau, nói với nhau những lời chia tay năm cũ. Cái năm mà trước đây 12 tháng , lúc đó gọi là năm mới. Chúng tôi cùng cười, cùng trao đổi, cùng băn khoăn, cùng tiếc nuối và chung một ý nguyện bất thành.
Năm qua, có lẽ chúng tôi là những thằng sướng nhất. Chúng tôi không còn quá lo toan cơm áo gạo tiền. Không còn nặng lòng với thời cuộc. Dù sao, cuộc sống có phần thể hiện sự chịu đựng, một nổ lực cao nhất của tuổi về chiều.
Từ trái : Ý – Sinh – Triều - 6 Thành – Châu – Tân – Tâm.
Chúng tôi họp mặt trong nhà. Nhưng khi ăn nhậu thì ra nhà mát ở giữa vườn. Nơi đây không khí trong lành, tĩnh lặng, để chúng tôi dễ dàng tâm sự mà không sợ ai rình rập cùng nghe.
Tôi cũng quên báo cáo với các bạn, chủ nhà anh Sáu Thành là cựu hs PTG cũng là một Tây ban cầm thủ. Đồ nghề từ cây đàn đến giàn âm thanh thật tuyệt vời. Đó là những món đồ chơi hiện đại, sang trọng nói lên thú tiêu khiển và tay nghề đỉnh cao của chủ nhân. Tiếng đàn điêu luyện của anh luôn quyến rũ, lôi cuốn khách nghe nhạc dù là người khó tánh nhất. Anh đã đem cây guitare và những tập nhạc để ở góc nhà mát cạnh chỗ ngồi.
Hôm nay, anh đãi : lẫu “ ra gu “ bò + bánh mì, thịt nướng + bánh hỏi và nhất là gà ác tiềm thuốc bắc. Cả bọn chỉ uống có một thùng bia Tiger.
Hơn 1 giờ trưa, anh 6 Thành chủ nhà, mời anh 9 Tâm và anh 3 Ý cùng trình bày nhạc phẫm “ Chúng mình 3 đứa “ của Song Ngọc & Hoài Linh. Tiếng đàn dạo đầu nổi lên, tất cả đều yên lặng. Cả 3 cùng cất cao tiếng hát. Chắc không có dợt trước nhưng kỹ thuật trình bày khá tốt. Dù không chia bè nhưng cũng như hát bè vì … mạnh ai nấy ca, mỗi người một giọng ! Nói chung 3 nhân vật biểu diển chỉ đạt ở mức 90%. Nhưng ý nghĩa là số 1. Tôi khoái nhất đoạn:
Mình có 3 người
vừa đúng nét đôi mươi (câu nầy các bạn hát:vùa quá tuổi bảy mươi)
những chiều mây lưng đồi
tầm mắt hướng xa xôi
ngày sau một hai trong ba đứa
không chung đường
chắc nhớ nhau nhiều lắm…
Trong hoàn cảnh nầy ai cũng xúc động và nếu các ca sĩ Mạnh Quỳnh, Mạnh Đình và Trường Vũ có mặt cũng phải … chịu thua.
Tôi bis quá trời. Không ai chịu hát thêm. Trái lại, bắt tôi phải tiếp tục chương trình. Đây là bài học các bạn cần rút … kinh nghiệm. Nhưng tôi OK. Đâu có sợ. Nghề của chàng mà. Tôi nhờ anh 9 Tâm đệm đàn cho bản nhạc “ Chuyện chúng mình “ của Trúc Phương. Bản nhạc nầy tôi thích nhất đoạn :
thà vui đi cho trót đêm nay
nhiều lần mình trắng bàn tay nhưng chuyện xa xưa ấy
nin đừng nhớ hay buồn
đôi ta không sống vì nhau khi kẻ ở người đi
thôi thương tiếc mà chi
đường về ngõ tối hai nơi có phải vì sao rơi
đêm hò hẹn hết rồi…
Đến phiên anh Tư Triều. Bạn cũng là một cựu học sinh PTG. Tôi đề nghị anh hát bản ruột mà tôi cũng thích là “Bóng nhỏ đường chiều “ của Trúc Phương. Anh đồng ý. Anh nhờ bạn 6 Thành đệm đàn. Ôi cái bản nhạc làm cho tôi như sống lại, nhớ mỗi lần từ miền Trung về phép dắt tay người đẹp dạo chơi ở Lăng Ông Gia Định.
Tôi khoái nhất đoạn:
Tôi đến nơi hẹn hò dường chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
bàn tay thon ngón nhỏ đan tay gánh sông hồ
ta dìu nhẹ nhau như tiếng thở
thương nầy thương cho bỏ lúc đợi chờ…
Hay quá. Tôi là người vỗ tay nhiệt tình nhất. Tôi liếc qua sư huynh Nguyễn lương Sinh. Anh là niên trưởng vào PTG từ năm 1949. Anh cũng là một dịch giả nổi tiếng các tác phẫm văn học của Pháp. Tôi chưa kịp giới thiệu anh đứng lên nói nhỏ nhẹ : tôi không rành nhạc Việt. Nên hôm nay góp vui bằng một nhạc phẫm của Pháp tựa đề Les Gens âgés (Những người cao tuổi) của André Sylvain.
Bản nầy, trước kia tôi đã từng nghe nhiều lần, thích nhất là đoạn :
On est tous des vieux
qu` on le veuille ou non
on s`ra un jour comme eux
même riches à millions.
on est tous des vieux ce n`est qu`une question de temps
heureux ou malheureux
d`avoir eu des enfants.
( tất cả chúng ta là người già
mà ta muốn hay không
một ngày kia ta sẽ như họ
kể cả những người rất giàu
tất cả chúng ta là những người già chỉ có vấn đề thời gian
hạnh phúc hoặc bất hạnh
có con).
Đến phiên chủ nhà, anh vừa đàn vừa hát bản « Ngày Tạm Biệt « của Lam Phương. Với tiếng đàn ngọt lịm và giọng ca tài tử số 1 (vì bọn tôi tệ quá) bản nhạc làm cho người nghe bùi ngùi, thãm não. Tôi thích nhất đoạn:
Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau
bên tiếng ca tiếng đàn vượt trời cao
lời vui thắm thiết đưa trao như khi mới gặp nhau
nhưng anh ơi ngày mai ta cách xa
anh kinh đô tôi phải về miền xa
biệt ly ai khéo gieo chi lên bao mái đầu xanh...
đúng ra anh phải hát câu chót là « biệt ly ai khéo gieo chi lên bao mái đầu ... bạc trắng mới phải!
Sau tiết mục của ông chủ nhà, « ai muốn « vô long te » cứ tự nhiên như người Sài Gòn. Lần lượt các bạn trình bày: Lá Thư Trần Thế của Duy Khánh, Tình Yêu của Lính của Trần thiện Thanh, Chuyện Hai Người của Minh Kỳ và Hoài Linh, Ngày Tròn Tuổi Lính của Châu Kỳ...
Đến đây, đã hơn 3 giờ chiều, tôi xin phép về trước để dự đám Thôi Nôi của đứa cháu kêu bằng Ông Cậu.
Nghe đâu trận nầy sau khi tôi về, các bạn còn gầy sòng nhậu tăng 2 đến 6 giờ chiều mới tan. Đặc biệt sư huynh Nguyễn lương Sinh còn trình bày thêm bản nhạc Pháp Le train de la vie (chuyến xe cuộc đời) của Anthony Richard...
Buổi Chiều:
Trên đường đi dự Thôi Nôi ở Phường Hưng Thạnh, tôi tấp về nhà rửa mặt và để xem chừng... nhà cửa một chút. Một tiếng sau lên đường. Đoạn đường từ Cái răng chạy dọc theo bờ sông ra Cái Nai, Cái Da, Xóm Chài khoảng hơn 5 cây số, bờ kè đã xây dựng xong rất đẹp. Nhà thầu đang đổ đá để trải nhựa và sắp sửa trồng hoa kiển.
Nhìn đứa Cháu 12 tháng tuổi bụ bẫm cười toe toét thấy mà cưng hết sức.
Mẹ cháu là Bác sĩ thú y phụ trách đối ngoại của Ty Thú Y, cha công tác cho một công ty nước ngoài của Pháp. Cuộc sống ổn định và đây là đứa con đầu lòng nên đải khách từ trưa đến ... tối luôn.
Tôi được các đứa em gái tiếp đón nồng hậu vô cùng. Anh cả chứ bộ !
Lên bàn ăn, no quá tôi xin... ăn chè. Các em gái cũng OK nhưng phải gậm một cái đùi vịt cái đã. Thằng anh cả chịu thua phải gậm cái đùi vịt tổ bố và bị dồn thêm một chén cháo thâp cẫm vào cái bao tử đầy nhóc từ sáng đến giờ.
Khi ra về trời đã tối. Thằng cháu rễ cuống quýt nói đưa tôi về. Tôi cự nự tao còn chạy xe được, còn ăn cơm mà... chưa đến nỗi đâu. Nói cứng vậy chớ khi ra đường tôi chạy như rùa bò vì đường trải đá mà chưa tráng nhựa.
Ôi ! một ngày cuối năm bận rộn của tôi!
Bây giờ là buổi tối những ngày cuối năm. Bạn hãy tha thứ cho những lỗi lầm năm qua, nên quên đi những gì không như ý, muộn phiền để nhìn về năm mới, đón may mắn và hạnh phúc.
Những ngày cuối năm đến kỳ vẫn đến không bao giờ sai hẹn. Dù trẻ hay già chúng ta vẫn hồi hộp đợi chờ cái thời khắc đặc biệt nầy vì dường như có sự tương giao giữa trời đất và lòng người.
Chúng ta hãy mong ước một năm mới có nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân, người thân yêu và với quê hương đất nước của mình.
Chúng ta hãy cùng nhau trân trọng và cảm ơn năm cũ 2014 và hãy chuẩn bị đón một năm mới 2015 đang đến rất gần.
Toàn cảnh Chợ Cái Răng buổi sáng 16/12/2014
Dương Hồng Thủy (13/12/2014)
* Hình ảnh phụ bản của chính Tác giả ghi lại