Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Một Thuở Thơ Ngây

      Thông thường, để nói về cái khôn của con người, người ta hay dùng thành ngữ "đầu có sạn", nhưng để có sạn trong đầu, con người phải đạt đến một tuổi nào đó chứ nếu có quá sớm, người ta sẽ bảo rằng"khôn lõi", tức cái khôn, cái lém lỉnh của nhóc tì.
      Tôi thuở bé là một thằng nhóc phải nói là thơ ngây đáo để, thơ ngây đến độ ai nói gì cũng tin. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một vài câu chuyện thật, cười lộn ruột.


      Chẳng là thời đó tôi nhỏ mà ham làm người lớn lắm, thích làm những việc mà người lớn làm, việc đầu tiên là xách nước. Nhà tôi thời ấy xài nước giếng, nước lấy ngay từ cái giếng ở trước sân nhà. đó là một cái giếng sâu khoảng 8 mét, trên miệng có xây thành xi măng cao khoảng 2 gang tay và có mái che cùng nắp đậy. Vì giếng sâu, muốn lấy nước, người ta phải quay lên, quay bằng một ống quay đặt ngay trên miệng, vật dùng để múc nước là một chiếc gàu hay chiếc thùng.
      Thấy người lớn làm, tôi ham lắm, nhưng bọn trẻ chúng tôi bị cấm không cho lại gần giếng, vì sợ bất cẩn sẽ té xuống đó.

      Thói đời, cấm tức là gợi cho người ta ý làm trái lại. Một cách âm thầm, tôi lấy một chiếc lon sữa bò và tẩn mẩn đóng thành dạng chiếc thùng có thanh ngang bên trên. Xong, tôi đi tìm những đoạn dây nhợ nối lại thành một sợi dài.
      Một buổi trưa nọ, lựa lúc trước nhà không có ai, tôi bò lại giếng, đẩy nắp qua một bên và dòm xuống. Ôi chao, hay thật, bên dưới sâu có một lõm nước hình tròn in hình trời xanh và mây trắng, rất yên lặng. Tôi kề miệng hú một tiếng thì bên dưới có tiếng hú theo. Hay quá..., tôi nhấc chiếc lon lên và từ từ thả xuống...
      Không chạm đến mặt nước. Thì ra tôi chưa ước đoán đúng độ sâu, bèn vào nhà lấy trộm cuộn nhợ đỏ, cuộn nhợ mà cha tôi vẫn dùng để lấy đường thẳng khi xây cất. Cuộn nhợ này thì dài hơn chiều sâu, chiếc lon đã chạm mặt nước mà dây vẫn chưa hết.
      Tôi nhấp nhấp cho chiếc lon hụp xuống nước để có thể lấy nước lên, như vậy được mấy lần, tôi xách nước vừa lấy được đem đi tưới các chậu cây.

      Thích chí, ngày hôm sau tôi tiếp tục, tiếp tục... Thế nhưng sang ngày thứ ba, khi tôi chồm đầu để ngó xuống thì chợt cảm thấy đôi chân sau bị ai nhấc bổng lên không. Sợ quá, tôi la lên thì nghe có tiếng ở phía sau:
- Mẹ họ..., thấy người lớn mắc ngủ, đi ra giỡn với bà Thủy !... (thần giếng).
Người nói là ông ngoại tôi. Ông nắm hai chân tôi nhấc bổng lên để tôi khỏi bị đập mặt xuống và trong tư thế đó, ông lôi tôi vào nhà, mắng vốn với mẹ tôi.
- Mầy coi, hở ra là nó đi phá giếng !
Tất nhiên là tôi bị đòn. Sau vụ đó, ông làm ổ khóa, khóa chặt nắp lại.
      Sau vụ đi phá giếng, tôi xin người lớn cho xách giỏ đi chợ. Phải năn nỉ nhiều lần, bà tôi mới cho, nhưng buổi đầu tập sự, bà chỉ cho tôi mua một vài món. Một thời gian, thấy đã quen, bà giao tiền cho tôi đi mỗi ngày.
    
      Năm ấy là 1960, tôi đúng mười tuổi và đã học lớp nhì, trường tôi học là trường Gò Vấp, ở phía trên đầu chợ, nghĩa là có dịp đi ngang qua đó mỗi ngày, đi riết rồi hóa ra quen.
      Hôm ấy là hôm nào tôi không còn nhớ, chỉ nhớ là sau khi mua được một, hai món ở chợ dưới, tôi đi lên phía chợ trên để mua trầu, cau cho bà tôi, vì mặc dù chợ dưới cũng có bán nhưng mối quen của bà là ở trên ấy.
      Khi tôi đi tới thì thấy hàng bà này nghỉ bán, bèn quay ngược trở ra và xáp vào hàng bán bài ca vọng cổ, vì thời đó tôi mê hát lắm... ngồi xem để lựa được một lúc, tôi vừa đứng dậy thì thấy có một bà già tác độ năm mươi tiến đến, xởi lởi chào:
-Ồ, bà cháu đâu rồi mà cháu đi có một mình ?
- Dạ, bà cháu ở nhà, giao cho cháu đi chợ.
Tôi trả lời, mặc dù không biết bà ta là ai, quen biết như thế nào với bà tôi, vì nghe cách nói, thấy bà có vẻ như thân mật.
- Nè, bà cháu dặn mua những gì ?
Tôi móc từ túi ra một mẩu giấy:
- Cháu không nhớ hết, có cái liste do má cháu viết nằm đây.
- Giỏi quá há, con trai mà biết đi chợ ! Nè, bà bán mía ở phía đầu kia, lại đây bà chỉ cho xem...

      Nói xong, chẳng cần tôi ưng thuận hay không, bà nắm tay tôi kéo đi. đống mía mà bà nói có vẻ mới từ trên xe đổ xuống, chưa được sắp lại đàng hoàng.
      Bà bán ở đây nhưng còn chờ thằng con trai ra phụ. Bác có việc cần xuống chợ dưới mà chẳng có ai trông, hay là cháu ngồi xuống đây trông giùm bác, đưa tiền với cái giỏ đây, bác theo danh sách mà mua đồ giùm cho.
      Miệng nói, tay nắm liền chiếc giỏ, không chờ tôi phản ứng, bà nhanh nhẹn như một con sóc, có lẽ do thói quen của người buôn bán mía, giơ dao chặt phụp phụp là đứt lìa và phăng phăng róc vỏ. Lỡ rồi, tôi móc túi đưa hết số tiền gói trong chiếc khăn nhỏ cho bà, bảo:
- Bà đi lẹ lẹ nhe !
- ừ, chút xíu là xong, cứ ngồi xuống đó đi.
Tôi không ngồi mà cứ đứng nhìn ông đi qua bà đi lại, vì đâu có chiếc ghế nào để ngồi, ở giữa chốn chợ chiền, ngồi chồm hỗm trông kỳ lắm...
Tôi đứng đó chờ và thời gian qua hình như càng lúc càng chậm. Năm phút, mười phút, mười lăm phút... Tôi bắt đầu sốt ruột vì một phút bấy giờ không còn là một phút nữa, nó dài y như mười phút hay hơn. Mọi người thản nhiên đi qua đi lại, không ai để ý gì đến thằng nhỏ đang đứng với gương mặt rầu rĩ và bụng đánh lô tô.

      Một tiếng rồi có lẽ, tôi ước lượng bằng cách nhìn ánh nắng mặt trời, tự nhủ: "Không thể được, từ đây xuống đó chưa tới năm phút mà tại sao ?..." Tôi bắt đầu nghi và nghĩ đến sự la mắng của gia đình khi thú thực rằng mình đã bị gạt. Không chờ được nữa, tôi rời đống mía và đi ngược trở lại bằng lối chợ trong, mắt liếc nhìn đây đó. Chợ trong rồi chợ giữa, chợ ngoài, tôi đi tới đi lui liền mấy chập nhưng bóng bà già xưng là chủ đống mía bặt tăm, bặt tăm cùng chiếc giỏ và số tiền đi chợ của tôi, nhớ đâu chừng bốn chục (tiền thời đó lớn lắm, vì còn xài tiền cắc, tiền xu).
       Mệt rã rời chân và nóng nực, tôi đi ra khỏi chợ và hướng về phía phòng thông tin, nơi mọi khi tôi vẫn ghé để đọc báo, nhưng lúc đó thì chán nản, bực dọc, lúc đi ngang tôi chỉ liếc vào.
Qua tới khoảng đường trãng, tôi nghe hơi gió mát nhưng cái nóng nảy trong lòng làm tôi thấy nóng ran. Sẽ trả lời ra sao khi về nhà ? Có một bà già nhờ giữ giùm đống mía rồi xách tiền, xách giỏ đi luôn !...
       Mọi người sẽ nhận định ngay tôi là một thằng khờ, nghe người lạ nói mà cũng tin được. Tôi không đi theo con đường cái mà qua khỏi Cầu Hang, tôi đi lẫn vào trong xóm, nơi có con đường xe lửa điện năm xưa, nơi đây ít người qua lại. Tôi muốn tránh mặt mọi người, vì có mặc cảm rằng nhìn tôi, họ sẽ biết chuyện khờ dại của tôi.
Tôi về đến nhà bằng ngõ sau, cũng đi bằng lối tắt, băng ngang xóm. Nhìn thấy tôi về tay không, bà tôi hỏi:
- Sao hôm nay đi lâu vậy con ?
Tôi ú ớ. Phải bắt đầu bằng câu gì đây ? Tôi ngọng thật, chưa bao giờ tôi bị lâm vào một hoàn cảnh khó trả lời như thế.
- Dạ, con đi đến đầu chợ trên thì gặp một bà xưng là quen với ngoại, bả nhờ con giữ giùm đống mía và bảo sẽ đi chợ giùm. Thế rồi...
- Bị gạt hả ? Hèn gì...
Tôi khóc, khóc vì mắc cở mà cũng vì tức. Các em tôi nghe tiếng, chạy ra xem. Bà tôi bảo:
- Nó bị người ta gạt rồi !
Tôi ngồi phịch xuống đất, bảo:
- Rồi bữa nay lấy cái gì ăn đây ?
- Thôi, ở nhà đi, để bà đi chuyến nữa cho.
Tôi bảo:
- Ngoại đi, nhớ kiếm bà ấy để đòi lại tiền.
- Thơ ngây quá, cháu ơi, nó đã lừa thì làm gì kiếm được nó? Mà bà có biết nó là ai đâu?


     Đấy, một câu chuyện nhỏ của đời tôi năm vừa mới lên mười. Thời ấy tôi đúng là thơ ngây thật, có một lần đi chợ, thấy hàng kia có những quả su su le lưỡi trắng, tôi thích quá, ngồi xuống và lựa những quả kiểu ấy, mua hết..., nghĩ rằng về nhà sẽ được khen. Khi về nhà, tôi giơ lên và khoe ngay thành tích. Bà tôi lắc đầu, bảo:
- Su le lưỡi mà cũng mua !
      Thì ra đó là những quả su già, bên trong, thịt toàn là sơ, ăn xam xảm. Nhưng tôi thì thích lắm, vì cái "lưỡi" ăn không xảm mà nghe bùi bùi. Tuy nhiên, kinh nghiệm bị chê một lần, từ đó tôi không bao giờ mua su le lưỡi nữa.
      Một lần khác, bà tôi dặn đi chợ mua hai con cá trê để về chiên ăn. Tôi vào chợ, thấy có một hàng kia bày một cái thau tròn trong có vô số con cá trê đang bơi lội. Lại cũng thích quá, tôi móc tiền ra bảo: "Bà bán cho con bao nhiêu đây tiền."
      Tôi hí hửng mang về mười mấy con, cho rằng như thế là đã "lời", bà đưa tiền mua hai con mà đem về được đến mười mấy con. Bà tôi hết ý kiến về thằng cháu, nhưng cũng chẳng mắng mỏ gì, đem ra "xử lý" hết, mặc dù tôi bảo nếu không ăn liền thì để dành nuôi cho tới khi nào lớn hãy ăn.
      Tôi không thể nào quên thời đó cứ ba năm một lần, ngôi chùa thờ Quan thánh đế quân (Quan công) gần nhà tôi lại một lần xây chầu, mời gánh hát đến, họ diễn những tuồng tích xưa dưới hình thức ra điệu bộ (hát bội). Mặc dù chẳng hiểu gì nhưng được bà dẫn đi xem, tôi thích lắm, thấy sân khấu thật là tráng lệ và những diễn viên sao quá đẹp, đẹp tựa những nàng tiên.
       Lần đó có một nhân vật nữ làm tôi mê, đêm về không ngủ được, tôi nghĩ ngày sau mà có được một cô vợ như thế thì sướng nhất đời.

      Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm và một mình đi lại sân chùa để xem cho biết mặt giai nhân, vì các tài tử vẫn còn qua đêm tại đó.
      Tôi đi lòng vòng phía sau hậu trường để xem trong những người đã thức ai là giai nhân. Tôi đi tới, đi lui, đi xuôi, đi ngược, cố ý nhìn kỹ gương mặt từng người nữ để nhận diện, nhưng ban ngày thì nhận hết ra. Tôi làm quen một chú trong gánh hát và hỏi đêm qua ai đóng vai ấy. Chú ta chỉ tôi một người đang ngồi đánh răng với mái tóc uốn loăn xoăn và bộ đồ nhăn nhúm.
- Trời ơi, người đó hả?
      Tôi thất vọng não nề, bởi vì bên ngoài, giai nhân trông già chát và xấu hoắc, khác một vực một trời với giai nhân trên sân khấu đêm qua.

      Trong sân chùa có hai cây đào tiên đang mùa ra trái, những trái to đùng bằng cả bàn tay, mướt xanh và tròn trịa. Trông mượt mà, xinh đẹp nhưng nó ăn không được, chỉ trồng để làm cảnh mà chơi. Tôi so sánh nó với giai nhân trên sân khấu đêm qua, có điều phấn son còn tẩy đi được, còn cái vỏ xanh xao này thì là của thiên nhiên, về sau tôi rất sợ những người son phấn.
Tôi bắt đầu cuộc đời bằng sự thơ ngây, từ việc bị một bà già lừa cho đến một cô tài tử trên sân khấu, nhưng cô tài tử chỉ là sự vô tình, cô lừa người vì nghề nghiệp, còn bà già kia..., có phải cũng là một cái "nghề"?
       
      Câu chuyện qua đi có đến 50 năm, hôm vừa rồi, cô em tôi bên Việt nam nhắc lại. Tôi giật mình, tự hỏi "ủa, có chuyện như vậy nữa sao ?"
      Ừ, nhưng mà rồi tôi nhớ ra, quả là hồi ấy mình thơ ngây thiệt, bà già cầm đi mấy chục nhẹ nhàng, còn tôi, nếu có muốn cũng không thể nào rinh nổi đống mía kia đi !...

Montreal, 7 tháng 4 - 2012
Nguyễn Đức Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét