Di chuyển từ vùng New York và New Jersey, sau non sáu năm (1999-2004) sống ở khu Sài Gòn Nhỏ, Ca Li, tôi được dịp đọc khá nhiều sách báo Việt ngữ và tôi buồn lòng nhận thấy một số người viết, ngay cả thần tượng quá cố hay nhà văn có tiếng trong hiện đại, vì quên, thờ ơ, không nắm vững hoặc bất chấp (tức coi thường độc giả; bắt người đọc phải chấp nhận những gì mình viết!) đã không áp dụng luật hay nguyên tắc chấm câu như trước 1975. Và kể từ cuối năm 2004, có dịp về Sài Gòn nhiều lần, tôi càng thất vọng hơn.
Trong tinh thần xây dựng và với kiến thức của một nhà giáo chuyên dạy Việt văn (từ trung học lên đại học ở Việt Nam và Hoa Kỳ) và một nhà văn kiêm biên khảo ở Hoa Kỳ, tôi xin mạo muội nhắc nhở rằng: luật chấm câu giúp người đọc dễ hiểu được tất cả những gì người viết muốn nói; bởi vậy, các văn hào chiếm giải văn chương Nobel vẫn phải tôn trọng.
Trong tinh thần kể trên, hôm nay tôi xin phép ôn lại luật chấm câu, trước nhứt giúp quý vị nào đã quên, và sau đó là để hướng dẫn thế hệ trẻ viết Việt văn dể hiểu, không làm người đọc mất thì giờ vì những câu văn được mệnh danh là “văn bất thành cú” (văn viết không thành câu).
Chúng tôi khởi đầu bằng dấu phẩy là dấu chấm câu thông dụng nhứt.
DẤU PHẨY (COMMA)
Dấu phẩy hay dấu phết thường được dùng trong 4 trường hợp:
Chia các thành phần song song
Biểu hiện là tỏ ra, hiện ra, để lộ ra, để cho người ta thấy. 1
Còn về Phật-giáo, Lão-giáo cũng được các Vua tôn-sùng. 2
Những hương-chức là lý-trưởng, phó-lý-trưởng, hương-bản, hương-mục, hương-kiểm, hương-dịch. 3
Chia phần phụ ở đầu với phần chính theo sau
Những ngày nghỉ học, thỉnh thoảng tôi lại theo anh tôi đi câu cá. 4
Chia hai mệnh đề độc lập
Mỗi tiết thanh minh thì cả họ rủ nhau đi đắp mả tổ, nhiều họ đắp mả to gần bằng núi. 5
Đó là một đặc-điểm của Việt –ngữ, các ngữ-pháp-gia nên để ý tới. 6
Đóng khung một nhóm từ hay một mệnh đề giữa một câu hay mệnh đề
Sự dùng 2 dấu phẩy để đóng khung một mệnh đề làm ngắt câu nhưng không làm đổi nghĩa câu nhằm mục đích giải thích thêm cho trạng tự, danh tự, đại tự ở ngay trước hoặc cho ý toàn câu.
(. . .). Ở đây, cũng như Saigon, khoảng sân ga thơ mộng của những lần hẹn hò, chia tay, của những tối đi hóng mát, ăn chè ga, ăn nem chả, bún bò đã trở thành trạm hành lý của Hàng Không Việt Nam mất rồi. 7
(. . .). Ngôi nhà bấy lâu chúng tôi ở quây quần cùng họ hàng, ngôi nhà ấy chúng tôi vừa phải cùng nhau ký kết đêm bán cho người khác họ rồi, và chỉ nội năm nay là phải giao cho chủ mới, cho nên tôi phải về vội vào trước Tết, để vĩnh biệt nếp nhà quen thuộc, để xa dời quê hương quen thuộc, mà dọn đi một nơi xa lạ kiếm ăn. 8
Công dụng của dấu phẩy còn rất nhiều, nhưng chúng ta nên bàn đến dấu chấm và chấm xuống dòng.
DẤU CHẤM (PERIOD)
Dấu chấm được đặt ở cuối câu để chấm dứt một câu gồm một mệnh đề hay nhiều mệnh đề.
Nàng bị cha mẹ ép phải lấy Thân, một người bạn học thuở nhỏ của nàng, con một nhà giầu ở ấp Thái-Hà. Việc này thấy cha mẹ nàng nói từ hồi nàng mới để tóc. 9
Chúa Ngãi chấp nhận, truyền binh tướng Việt kéo về an dinh lập trại tại Bến Nghé. Công việc ấy gọi là “đồn dinh”. 10
Một số cây viết, bao gồm nhà văn nổi tiếng (không tiện nói tên!), đã dùng dấu chấm không đúng như sau.
Không nên viết: (. . . ) Hai mươi năm sinh hoạt thơ văn của miền Nam, được ông nhận cho kết giao, rồi thân thiết mày tao và được ông xem như một tấm lòng tri kỷ, dù tuổi tôi thua tuổi ông đung một Giáp mười hai năm, tôi đã đến thăm mọi chỗ ở của thi sĩ rất nhiều lần. Ở căn nhà một ngõ hẻm Phan Thanh Giản. Ở căn nhà giữa khu Bàn Cờ. Rồi ở Gác Mây, căn phòng trên lầu trong đáy cùng biệt thự Úc Viên của Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội.
Chúng tôi xin đề nghị viết câu trên như sau:
“(. . . ). Hai mươi năm sinh hoạt thơ văn của miền Nam, được ông nhận cho kết giao, rồi thân thiết mày tao và được ông xem như một tấm lòng tri kỷ, dù tuổi tôi thua tuổi ông đúng một Giáp mười hai năm. Tôi đã đến thăm mọi chỗ ở của thi sĩ rất nhiều lần: ở căn nhà một ngõ hẻm Phan Thanh Giản, ở căn nhà giữa khu Bàn Cờ; rồi ở Gác Mây, căn phòng trên lầu trong đáy cùng biệt thự Úc Viên của Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội.”
Không nên viết: Từ đứa cháu đầu, sáng sáng ra gọi ông ngoại bằng Khoan ơi. Từ bỏ nước ra đi, từ Lê Quang Luật mất.
Đau buồn và chân thành mà nói: Nhà văn viết câu trên bất chấp (coi thường độc giả!), bởi vì không lẽ nhà văn nổi tiếng nầy không nắm vững luật chấm câu và văn phạm Việt Nam.
Không nên viết: (. . .). Huyên thích đi bộ loanh quanh trong quả cầu thủy tinh Midway. Vì cái nắng gay gắt quen thuộc, những sân cỏ mời mọc, vì những ngôi nhà thấp hiền lành, vì những cây palm đủ loại, như cây kè, cây cọ, như cây thốt nốt, chà là, như cây dừa, cây cau.
Chúng tôi xin đề nghị viết câu trên như sau:
“(. . . ). Huyên thích đi bộ loanh quanh trong quả cầu thủy tinh Midway vì cái nắng gay gắt quen thuộc, vì những sân cỏ mời mọc, vì những ngôi nhà thấp hiền lành, vì những cây palm đủ loại (như cây kè, cây cọ; như cây thốt nốt, chà là; như cây dừa, cây cau).”
Không nên viết: (. . .)Nhà tôi thành chật chội, ồn ào rần rần con nít (bọn tôi với bạn bè), choai choai (cậu tôi và đồng đảng). Nhất là buổi chiều, tiếng xe gắn máy “gơ ben”, “xách”, “mô bi lết” nổ vang xóm, khói mịt mù đường hẻm, con nít hàng xóm bu đen ngắm nghía, ngưỡng mộ những anh hùng thời đại mới, tóc chải ổ gà, bi dăng tin bóng lộn: ai không giống James Dean cũng hao hao Elvis Presley hoặc JohnnyHalliday.
Chúng tôi xin đề nghị viết câu trên như sau:
“(. . . ) Nhà tôi thành chật chội, ồn ào rần rần con nít (bọn tôi với bạn bè), choai choai (cậu tôi và đồng đảng), nhất là buổi chiều, tiếng xe gắn máy “gơ ben”, “xách”, “mô bi lết” nổ vang xóm, khói mịt mù đường hẻm với con nit hàng xóm bu đen ngắm nghía, ngưỡng mộ những anh hùng thời đại mới, tóc chải ổ gà, bi dăng tin bóng lộn—ai không giống James Dean cũng hao hao Elvis Presley hoặc Johnny Halliday.”
Dấu chấm xuống dòng được đặt ở cuối câu của câu cuối cùng của một đoạn gồm nhiều dấu chấm, trước khi xuống dòng để viết một đoạn mới:
Sáng sớm hôm sau, cũng quen như ở nhà với mẹ, gà vừa gáy, nàng đã dậy sắp nồi thổi cơm, nhưng nàng ngạc nhiên thấy thằng nhỏ bảo: “Ở đây không ăn cơm vào buổi sáng. Theo lối tỉnh thành cơm sáng ăn vào buổi trưa, và cơm trưa ăn vào buổi tối”.
Nàng thẹn thùng cất nồi đi, rồi không biết làm gì, vào ngồi trong một xó buồng. 11
DẤU CHẤM PHẨY/PHẾT (SEMICOLON)
Dấu chấm phẩy còn được gọi là dấu chấm phết. Dấu nầy tương đối khó dùng vì phải nắm vững cấu tạo mệnh đề và câu, nên ít khi được người viết dùng; đại đa số người ta dùng dấu chấm thay cho dấu chấm phẩy. Trong hiện đại hiếm thấy ai dùng. Chúng tôi đề nghị: Không vì sự khó dùng mà chúng ta bỏ luôn dấu chấm phẩy; chúng ta nên sử dụng dấu nầy để làm câu văn súc tích hơn. Sau đây là công dụng của dấu chấm phẩy/phết:
Chia hai, ba hoặc bốn mệnh đề độc lập của một câu:
(. . . ). Những số tiền nàng cho em là tiền dành dụm riêng của nàng; Tâm phải đưa giấu, sợ mẹ chồng và chồng nàng biết. 12
Kể riêng về mặt văn hóa, nước mình có một số nhà văn có thể sánh ngang với các nhà văn nước khác, nhưng trình độ độc giả lại thấp kém; các nhà văn Việt nam không thể sống nổi được nếu cứ cố viết có nghệ thuật cao.13
(. . . ): Tính người ta cũng như nước chảy quanh vậy; khơi sang phương đông thì chảy phương đông, khơi sang phương tây thì chảy phương tây; tính người không phân-biệt thiện với bất thiện, cũng như nước không phân-biệt phương đông với phương tây vậy. 14
“(. . . )? Chín, mười tuổi, ta mê Chinh Đông, Chinh Tây; lớn lên ít tuổi thì chỉ ca tụng Lê văn Trương hoặc Phú Đức, Hồ biểu Chánh; tới tuổi dậy thì lại mải miết đọc Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa; và chỉ khi nào đã trải đời một chút, mới hiểu được cái thâm thúy của những sách ma tư tưởng cao siêu và nghệ thuật tế nhị.” 15
DẤU HAI CHẤM (COLON)
Dấu hai chấm có 2 công dụng chính:
Liệt kê các sự việc cần kể ra
Nàng nảy ra ý-nghĩ: giá hái một vài bông hoa đó như đinh-hương, cẩm-chướng, đồng-thảo, kết thành bó đem cắm ở trong buồng chắc hẳn đánh được hết mùi hôi, và còn làm cho vui mắt nữa. 16
Sang bên ấy, ông kiếm được nhiều sách lạ xem: sách cổ, sách kim, sách Tàu và cả sách ngoại quốc nữa.17
Đặt sau câu nói, câu trích hay tục ngữ/danh ngôn
“(. . .) Nhưng có người mưu sĩ của Trần Cảo dâng quyển Minh Đạo mà tâu với vua Minh rằng: “Bệ hạ hãy đọc kỹ quyển này do Hồ Quí Ly viết ra!” 18
Bác sĩ Toulouse nói: “Quan sát là lựa chọn.” 19
(. . .) . Trong gia đình Việt-Nam, bạn thường nghe nhiều bà mẹ nói với con nhỏ của mình: “Giận lẩy sẩy cùi” (. . .) 20
Đặt sau đề mục/tiểu mục sách giáo khoa
Trong sách giáo khoa quá khứ, dấu hai chấm thường được dùng đặt sau đề mục hoặc tiểu mục. Thí dụ:
ĐẦU-ĐỀ: Tả một quán cóc bên đường.
DÀN BÀI.
A. Nhập-đề: Vị-trí (bên lề đường)
Quang-cảnh toàn-thể
B. Diễn-đề: 1.- Cửa hàng: (. . .)
2.- Chủ hàng:
3.- Khách hàng:
C. Kết luận: Cảm tưởng.21
Trong hiện tại, chỉ còn một số ít nhà soạn sách dùng dấu hai chấm đặt sau đề mục/tiểu mục.
DẤU NGOẶC ĐƠN (PARENTHESES)
Dấu mở và đóng ngoặc đơn được dùng để phụ nghĩa, giải thích thêm, cung cấp chi tiết cho từ ngữ ngay trước nó.
Đạo Phật truyền vào Trung Quốc từ đời Hán dưới triều vua Kanishka của Bắc Ấn (78-110) khi bắt đầu có sự thông sứ và giao thương giữa hai nước, theo đường xuyên Á qua Tarim (nay đã hoang phế). 22
DẤU NGOẶC KÉP (QUOTATION MARKS)
Dấu mở và đóng ngoặc kép 2 công dụng chính:
Đóng khung câu nói, câu trích, tục ngữ/danh ngôn
Khi mê, mồm anh cứ nói lảm nhảm: “Đi ... ra ... ngoài ... chêết ...” 23
Musset đã than rằng: “Chúng ta đến quá chậm trong một thế giới đã quá già –nua!” 24
Đóng khung tựa sách/bản nhạc/bài văn/bài thơ
Đành rằng “VŨNG-TÀU Xưa và Nay” của Ông Huỳnh Minh biên soạn không phải là một áng văn-chương tuyệt tác (. . .) 25
Tuy nhiên, trong hiện đại, với bàn máy đánh chữ vi tính, thay vì dùng dấu mở và đóng ngoặc kép, nhiều người dùng chữ nghiêng để đánh tựa cuốn sách (nhứt là ở trong phần chú thích như chúng tôi đang áp dụng).
DẤU GẠCH NỐI (HYPHEN)
Dấu gạch nối có 2 công dụng chính:
Nối hai hay ba chữ với nhau
Trước 1975 dấu gạch nối được dùng thường xuyên để nối hai chữ Hán tự, tính tự, tên họ và chữ lót, bút hiệu v.v. (như văn-hóa, sạch-sẽ, Nguyễn-Duy-Cần, Thạch-Lam) . Kể từ sau đó, dấu nối thường chỉ dùng để nối tên đôi ngoại quốc (như Jean-Pierre, Mary-Ann, v.v.) hay chữ phiên âm từ ngoại ngữ chưa phổ biến (như In-tẹt-nết, I-meo) nhưng viết In tẹt nết hay I meo cũng được.
Đặt trước đề mục hay sự việc kê khai
(. . .). Thường trong những Hội hè đình đám có những tổ chức về ba phương diện chính:
- Những cuộc tế lễ.
- Những trò giải trí.
- Những tiệc tùng.26
-
DẤU GẠCH NỐI KÉP (DASH)
Dấu gạch nối kép cũng giống như dấu gạch nối nhưng dài gấp đôi, có 2 công dụng chính:
Đặt ở đầu câu đàm thoại
¾ Cụ đã ra!
¾ Lạy cụ.
¾ Xin mời cụ lên trên. 27
Đóng khung ý nói thêm trong đoạn văn
Người viết phải dùng hai dấu gạch nối kép (một ở trước và một ở sau):
Đây cũng là một lối Tây Sương Ký¾ có đoạn hậu bi thương¾của một lứa đôi đàn ông, chép lại truyện hai người sống với nhau trong ngờ sợ, tin thương, thấp thỏm, nhọc nhằn và đau tủi. 28
Diễn tả thêm ý tưởng ở cuối câu
(. . .)? Chỉ vì họ muốn giữ nhau làm của riêng ¾ đó là một thứ áo tưởng về quyền tư hữu. 29
Hướng dẫn để đánh dấu gạch nối kép (dash) trên bàn phím của máy vi tính
Trong hiện đại, có thể vì không biết làm sao đánh dấu gạch nối kép trên bàn phím máy vi tính nên người ta đánh một khoảng cách rồi dấu gạch nối rồi khoảng cách. Sau đây chúng tôi xin hướng dẫn độc giả đánh dấu gạch nối kép như sau:
a. Đánh hai lần dấu gạch nối.
b. Bấm Enter thì quý vị thấy dấu gạch nối kép hiện lên.
c. Bấm Backspace cho con chuột chạy trở về ngay sau dấu gạch nối kép.
d. Rồi đánh tiếp những gì muốn viết.
e. Lại đánh hai lần dấu gạch nối nếu muốn đóng dấu nối kép.
f. Bấm Enter thì quý vị lại thấy dấu nối kép hiện lên một lần nữa.
g. Bấm Backspace để con chuột chạy trở về ngay sau dấu gạch nối kép thứ hai.
Thử đi quý vị! Không khó đâu nếu quý vị thích tôn trọng quy luật chấm câu theo quốc tế.
DẤU CHẤM HỎI (QUESTION MARK)
Thông thường, dấu chấm hỏi được ở cuối câu nghi vấn:
“¾ Thi đôi ăn đấm là thế nào?” 30
Thỉnh thoảng dấu chấm hỏi được đặt trong dấu mở và đóng ngoặc đơn để diễn ý không chắc, nghi ngờ. Thí dụ: Tôi còn nợ Đại tá Phùng Văn Quang 1.000 đồng (2.000 đồng?).
DẤU CHẤM THAN (EXCLAMATION POINT)
Dấu chấm than được dùng đặt ở cuối câu tán thán, thỉnh cầu, sai khiến hay cảm xúc.
Than ôi! Thế cuộc đảo-điên!
* * *
PHỤ LỤC:
KHOẢNG CÁCH TRƯỚC VÀ SAU MỖI DẤU CHẤM CÂU
Đây cũng là một vấn đề chúng tôi nhận thấy nên đưa ra: Căn cứ vào quy luật chấm câu quốc tế mà hầu hết các quốc gia (trong đó có Việt Nam) tôn trọng là: KHÔNG CÓ KHOẢNG CÁCH NÀO TRƯỚC CÁC DẤU CHẤM CÂU.
Nhưng trong khoảng dưới 10 năm nay có thực trạng là ở Việt Nam và thỉnh thoảng người Việt ở nước ngoài cũng vô tình bắt chước: Người viết THÊM KHOẢNG CÁCH (SPACE) TRƯỚC hay SAU KHÔNG CẦN THIẾT cho các dấu chấm câu. Họ tự ý hay bắt chước thêm khoảng cách trước các dấu phẩy/phết (,), chấm (.), chấm than (!), chấm hỏi (?), v.v., và sau dấu ngoặc đơn hay ngoặc kép
Thí dụ 1:
Sau khi từ chức tổng thống , ông Thiệu dọn về ở nhà quốc khách trong khu Hải quân, nay là đường Tôn Đức Thắng .
Tài sản riêng của gia đình ông được chuyển đi trước đó. Dù không còn quyền hành gì, nhưng sự có mặt của ông Thiệu tại Sài Gòn trong những ngày căng thẳng nhốn nháo đó không phải là một điều hay ho đối với nhiều người .
Theo lời kể của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng trong cuốn The Palace File "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập" , tân Tổng Thống Trần Văn Hương đã gọi điện thoại khuyên ông Thiệu nên sớm rời khỏi Việt Nam .Ông Hương cũng đề nghị đại sứ Mỹ Martin dàn xếp giùm cho chuyến ra đi của ông Thiệu .
Tiểu chú: Có thêm khoảng cách trước dấu phẩy và dấu chấm.
Thí dụ 2:
Chập tối, một cô gái trên đường về nhà gặp chàng trai lạ đang lững thững đi trên đường.
- Anh có thể đưa giúp em qua nghĩa trang được không ?
- Đi theo anh, anh cũng đi về hướng đó.
- May mà có anh, không em đi một mình thì sợ chết mất. Cảm ơn anh nha.
- Không có gì ! Lúc còn sống anh cũng sợ ma như em !
Tiểu chú: Có thêm khoảng cách trước dấu chấm hỏi và chấm than.
Thí dụ 3:
( tại Bắc Đức vùng Berlin là vào ngày 11.5 )
Tiểu chú: Có thêm khoảng cách sau và trước dấu ngoặc đơn.
Thí dụ 4:
Mời ACE xem và nghe Sylvie Vartan hát ở hai thời điểm :
- Năm 1964 : lúc còn trẻ , và chúng ta đă thần tượng cô.
- Năm 2007 : đă thành mệnh phụ, hát vẫn hay
Và Chúng Ta đã không còn nhận ra SV nữa, ngoại trừ phần nào giọng hát...
Tiểu chú: Có thêm khoảng cách trước dấu hai chấm! (Chưa kể viết hoa không cần thiết cho hai chữ “Chúng Ta”!)
V.v..
Tuy nhiên, còn điều đáng mừng cho chúng ta—những người Việt yêu thương và quan tâm đến tiếng Việt—là chỉ mới một số ít người viết thêm khoảng cách không cần thiết trước hay sau các dấu chấm câu ở nước ngoài; và ngay cả trong nước (chẳng hạn các sách đứng đắn, cá báo Thanh Niên, Làng Cười, v.v.) vẫn tôn trọng quy luật quốc tế về khoảng cách trước hay sau dấu chấm câu.
Chúng tôi hy vọng quý vị tiếp tay phổ biến bài nầy trong tinh thần xây dựng và bảo tồn tiếng Việt yêu thương của chúng ta. Xin đa tạ!
(Cập nhựt hóa 07 05 2013)
Vương Đằng
* * *
CHÚ THÍCH
1 Vũ Bằng, Nói Có Sách, Nguyễn Đình Vượng, Sài Gòn, 1971, tr. 32.
2 Ngô Tất Tố, Việt-Nam Văn-Học Văn-Học Đời
Trần, Khai Trí, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 16-17.
3 Nha Học Chính Đông Pháp, Luận-Lý Giáo-KhoaThư, Việt Nam, 1941, tr. 84.
4 Nha Học Chính Đông Pháp, Quốc-Văn Giáo-KhoaThư, In Lần Thứ Mười, Việt Nam, 1935, tr. 77.
5 Phan Kế Bính, Việt-Nam Phong-Tục, Xuân Thu Tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 20.
6 Nguyễn Hiến Lê, Luyện Văn, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 116.
7 Nhã Ca, Tình Ca Cho Huế Đổ Nát, Sống Mới tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 136.
8 Lổ Tấn, Tuyển Tập, Giản Chi tuyển dịch, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 106.
9 Nhất Linh, Đoạn Tuyệt, Đời Nay, Hà Nội, Sống Mới tái bản, Sài- Gòn, không đề năm, tr. 7.
10 Vương Hồng Sền, Sài-Gòn Năm Xưa, Tự Do, Khai Trí, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 21.
11 Mạnh Phú Tư, Làm Lẽ, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 69.
12 Thạch Lam, Sợi Tóc, Sống Mới, Sài Gòn, không đề năm, tr. 42.
13 Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, Văn Nghệ, Hoa Kỳ, in lần thứ hai 1988, tr. 87.
14 Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 42-43.
15 Nguyễn Hiến Lê, Hương Sắc Trong Vườn Văn, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 24.
16 Hector Malot, En Famille, Hà Mai Anh dịch thuật, Trong Gia-Đình, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 31.
17 Dương Quảng Hàm, Quốc Văn Trích Diễm, BốnPhương tái bản, Sài Gòn, 1952, tr. 63.
18 Hồ Hửu Tường, Phi Lạc Sang Tàu, Khai Trí, Sài Gòn, in lần thứ sáu, 1968, tr. 27.
19 Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Óc Sáng Suốt, XuânThu, Hoa Kỳ tái bản, không đề năm, tr. 48.
20 Hoàng Xuân Việt, Thuật Rèn Người, Tủ Sách Rèn Nhân Cách, Sài Gòn, Xuân Thu tái bản, không đề năm, tr. 55.
21 Một Nhóm Giáo Viên, Quốc Văn Lớp Nhì, Quyển II, không đề nhà xuất bản, không đề năm, tr. 13.
22 Lê Văn Siêu, Văn Minh Việt Nam, Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn, 1964, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 73-74.
23 Tô Hoài, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 11.
24 Lãng Nhân, Trước Đèn, Zieleks tái bản, Hoa Kỳ,
25 Huỳnh Minh, VŨNG-TÀU Xưa và Nay, Cánh Bằng (tác giả xuất bản), Sài Gòn, 1970, Đại Nam, Hoa Kỳ tái bản, không đề năm, tr. 5. 26 Toan Ánh, Hội Hè Đình Đám, Quyển Hạ, không đề nhà xuất bản, Sài Gòn, in lần thứ nhất, 1974, tr.18.
27 Ngô Tất Tố, Tắt Đèn, Sống Mới tái bản, Hoa Kỳ, in lần thứ ba, không đề năm, tr. 14.
28 Nguyễn Tuân, Tùy Bút, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 237.
29 Trùng Dương, Lập Đông, Văn, Sài Gòn, 1972, tr. 81-82.
30 Chu Thiên, Nhà Nho, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 6.
31 Nguyễn Vỹ, Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr. 108.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét