Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Bên Lề Giấc Mộng (3)

Tạp văn nhiều kỳ của Hà Nguyên


      Hồi mới từ quê lên ở nhà tôi, anh Đồng mới 13 tuổi, chỉ là một thằng bé ốm nhom, ốm nhách, đen thủi đen thui và khờ ịch. Chữ nghĩa thì bập bẻm, đựng chưa đầy lá mít. Thỉnh thoảng anh chúi nhũi vào một xó nào đó khóc tấm ta tấm tức vì nhớ nhà. Nhưng dần dần anh trở nên lanh lợi, ranh ma từ lúc nào không biết. Có lẽ, cuộc sống bon chen nơi thành thị đã khiến anh lột xác mau như vậy! Lúc ấy, nhiệm vụ chính của anh mỗi ngày là chăn giữ bốn chị em chúng tôi, gồm ba gái, một trai mà đứng đầu là tôi, một con bé ngốc nghếch dưới mắt mọi người.

      Ngày ấy, chưa có nhà trẻ hay mẫu giáo bán trú như bây giờ, cho nên vai trò của một “thằng nhỏ” như anh rất quan trọng trong gia đình chúng tôi. Sáng sáng, anh lãnh phần đút đồ ăn sáng cho bọn trẻ chúng tôi, gồm các món thay đổi mỗi ngày. Cách thức anh cho chúng tôi ăn rất ngộ: anh để bốn phần ăn của chúng tôi kề bên anh, xong anh bày trò chơi “năm mười, mười lăm” với chúng tôi. Khi lần lượt trong từng đứa chúng tôi bị bắt, anh đút cho mỗi đứa một miếng. Cứ thế mà cho đến khi hết sạch đồ ăn trong chén. Việc này làm cho người lớn trong gia đình tôi rất vui! (Nhưng nếu người lớn biết được “mánh lới” của anh chắc sẽ không vui chút nào, vì thịt thà trong các phần ăn của chúng tôi đều bị anh lén lủm muốn hết!).


      Nhớ lúc gia đình tôi ở Trảng Sụp. Khi đó, mẹ tôi hãy còn trẻ, chưa biết cách buôn bán để kiếm tiền như sau này, nên tháng nào cha tôi thua cháy túi, kể như tháng đó gia đình tôi phải khốn khổ về tiền bạc. Có một lần, thấy mẹ tôi cứ khóc mãi, khóc đến nỗi hai mắt sưng chùm bụp, anh Đồng nói với mẹ tôi: “Cô đừng lo, để con tính!”. Thế rồi, anh để mấy em tôi ở nhà, chỉ cõng theo một mình tôi chạy một mạch đến chỗ sòng bài, nơi cha tôi đang đậu chến. Đợi lúc cha tôi ăn bài, anh xúi tôi nhào vô xin tiền ăn hột vịt lộn. Trong lúc tôi mè nheo vòi vĩnh xin tiền cha tôi, anh Đồng cởi áo, vùa hết tiền của cha tôi bỏ vào áo túm lại rồi chạy a về nhà đưa cho mẹ tôi! Đối với dân ghiền cờ bạc được mệnh danh là “Đổ Bác Vương” như cha tôi, ông chỉ chưởi láp váp vài câu, rồi lại chúi mũi vào sòng bài, chứ đâu có hưởn mà rượt theo anh Đồng!

      Năm 1964, khi ấy gia đình tôi đã định cư ở Sài Gòn. Sài Gòn lúc ấy chưa có thủy điện Đa Nhim, nguồn điện được cung cấp từ nhà đèn Chợ Quán, nên cảnh “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ” chỉ có ở trung tâm, còn ở Gò Vấp là ngoại ô, ban đêm đèn mờ hiu hắt! Vào mùa mưa, tối tối anh Đồng đi theo mấy thằng nhóc tì trong xóm rảo rảo mấy cây cột lồng đèn bắt dế cơm, mỗi lần đựng cả thùng thiếc dầu lửa “con sò”. Sáng ra, mẹ tôi đem lũ dế cơm này ngắt đầu, rút ruột, dồn hột đậu phộng rang vô rồi lăn bột chiên dòn. Đây là món khoái khẩu của lũ trẻ trong gia đình chúng tôi!

      Ở Gò Vấp hồi đó, có hai rạp ciné là rạp Lạc Xuân và rạp Đông Nhì. Rạp Lạc Xuân ở ngay trung tâm chợ, nên hầu như trưa nào, anh Đồng cũng dắt chúng tôi ra đó xin vào “coi cọp” (có nghĩa là xin vào xem mà không phải mua vé). Thời đó, vào ban ngày các rạp chiếu bóng ở Sài Gòn thường chiếu permanent (thường trực), các phim được chiếu thường là phim Ấn Độ, Hồng Kông hoặc Đài Loan. Ngày xưa, phim ảnh không có thuyết minh hay lồng tiếng như bây giờ, mà chỉ có phụ đề. Tôi coi phim “Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài” nhiều lần, cho tới tận bây giờ sau nhiều năm, vẫn còn thuộc làu làu mấy câu phụ đề Việt ngữ: “Anh Đài lòng dạ ai hoài, Xin cha đi học, cha rầy không cho. Nàng bèn cải dạng nam trang, Dắt con tỷ tất lên đàng ứng thi. Giữa đường nàng gặp Lương Sinh, Hai bên kết nghĩa nên tình đệ huynh…”

      Có một thời gian mẹ tôi bị bắt giam hết mấy tháng vì tội buôn thuốc lá hiệu Agra (con két) là đồ “quốc cấm”. Còn dì tôi mỗi ngày phải xuống Nhà Bưu điện Trung tâm làm việc từ sáng đến chiều mới về, nên việc chăm sóc chúng tôi đều do một tay anh Đồng gánh hết! Anh vẫn duy trì mọi sinh hoạt, tuy nhiên thời gian anh cho chúng tôi ở ngoài đường nhiều hơn lúc có mẹ tôi ở nhà.
“Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm” thật đúng với anh Đồng! Thời gian này, khi thì anh làm chủ nhà cái cho sòng lắc “bầu cua cá cọp”, khi thì anh bày ra chơi hốt me, binh xập xám hoặc xì dách, các tê. Mỗi lần bày ra cờ bạc, anh thường hát câu: “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua. Lắc một cái ra ba con gà mái. Chung hết tiền, đi trốn liền… “ nghe rất dí dỏm! Anh làm cái rất giỏi, bữa nào cũng ăn bài (sau này tôi mới biết là anh có biệt tài bấm bài, lắc cho chênh hột kê huê rất tài tình!). Và nhờ thế, chị em chúng tôi cũng được anh cho ăn quà bánh thỏa thuê, phần nào quên đi cảm giác thiếu vắng mẹ!

      Ắt hẳn các bạn vẫn còn nhớ trong bài tạp văn kỳ trước, tôi đã từng tự xưng mình là một “tiểu sư tỷ”. Chính giai đoạn này, tôi đã học được mánh lới cờ bạc từ anh Đồng! Hầu như không có môn cờ bạc nào mà tôi không biết, mà lại là thứ cờ gian bạc lận nữa chứ! Ghiền tiểu thuyết, ham cờ bạc, khoái đi lang thang rong chơi là những tật xấu của tôi ngày đó!


      Sau 1968, tôi về học ở Tống Phước Hiệp hết bốn năm. Mãi đến 1972, mùa hè đỏ lửa, tôi mới về lại Sài Gòn, học Đệ nhị cấp (tức cấp III bây giờ) ở trường Trưng Vương. Trường Trưng Vương và Chu Văn An là trường của người Bắc di cư vào Nam năm 1954. Tiền thân của trường Chu Văn An là trường Bưởi, còn trường Trưng Vương là trường Đồng Khánh (tức Jeane D Arc) ngoài Hà Nội. Lúc này, gia đình tôi đã dọn về trong trại Cửu Long ở Thị Nghè. Riêng anh Đồng đã lớn, học nghề thợ mộc bên Ngả ba Hàng Xanh rồi được ông chủ gả con gái cho anh! Còn Dì tôi cũng đã xin đổi về Vĩnh Long từ lâu!

      Mười sáu tuổi, tôi không còn là một con bé để tóc demi gacxon, đi học luôn để đầu trần như ngày xưa, mà đã bắt đầu tập tành cách “chuốc lục, tô hồng” để ngợi ca nhan sắc của mình! Tuy ở trong lớp, tôi không phải là “hoa khôi”, cũng không phải là “hoa hôi” (khi người ta trẻ mà!), nhưng cũng dư sức cho một số cây si mọc chung quanh tôi. Tôi bắt đầu bắt chước theo lũ bạn đi học đủ thứ: học dance, học đàn, học Anh văn ở Hội Việt Mỹ, ở trường Khôi Nguyên của Trần Như Phùng, ở trường Ziên Hồng của Lê Bá Kông, học tiếng Pháp ở Pháp văn Đồng Minh Hội, học tiếng Đức ở Viện Goethe… với ước vọng sẽ trở thành một “quý cô” thanh lịch.
* * *
      Ngày 30/4/1975 đến, là bước ngoặt lớn của đời tôi! Từ nay, tôi không còn là một con bé vô tư lự nữa, mà phải bước ra cuộc đời, để rồi phải té lên, té xuống nhiều lần!
      Những ngày tiếp theo sau đó, cha tôi phải xa gia đình một thời gian dài, vì thế, mẹ tôi phải một mình lèo lái gia đình, gồm mười đứa con! Thời đó, gia đình tôi thuộc thành phần có lý lịch “đáng xấu hổ”, nên sau khi tôi thi đại học không đậu, thậm chí còn không vào được trung cấp và những vật dụng trong nhà lần lượt đội nón ra đi, mẹ tôi quyết định dắt díu nhau đi vùng kinh tế mới ở tỉnh Sông Bé (Bình Phước bây giờ). Ngày ấy, nơi đây còn là vùng rừng thiêng nước độc, thuốc men không có, bệnh gì cũng trị bằng một loại thuốc mang tên “xuyên tâm liên”, nên chỉ sau một thời gian ngắn, ba đứa em của tôi - gồm hai gái, một trai- đã vĩnh viễn nằm lại ở đó! (Mãi đến nhiều năm sau, chính đích thân tôi đã trở về chốn cũ để mang di cốt của các em tôi về quê nhà ở ngọn Kỳ Hà, xã Phú Đức là quê ngoại của tôi, làm tròn ước nguyện của ông Ngoại tôi lúc còn sinh tiền!)


      Thế rồi, gia đình chúng tôi lại phải dắt díu nhau về lại Sài Gòn. Nhà cửa không còn, do không đủ tiền để thuê nhà, mẹ con chúng tôi phải ra sống ngoài vỉa hè ở khu chợ Cầu Muối. Vì ít vốn, nên gia đình tôi chỉ có tiền để mua rau cải rồi bán lại. Nhiều hôm bán ế, gia đình chúng tôi phải ăn rau muống hoặc cải độn với cơm.
      Bữa nọ, tình cờ em tôi gặp lại anh Ngầu, bạn chí cốt ngày xưa của anh Đồng. Anh Ngầu bảo em tôi dắt anh đến chỗ ở của gia đình tôi. Sau khi tìm hiểu đời sống của chúng tôi, anh bảo với mẹ tôi rằng anh sẽ tạo điều kiện cho tôi kiếm tiền! Thế rồi, ngay sáng hôm sau, tôi đã tới khu Chợ Cũ để gia nhập vào nhóm “buôn gian, bán lận” của anh Ngầu.

      Thời đó, người từ miền Bắc vào miền Nam rất nhiều. Những món hàng như radio, đồng hồ… là những thứ mà họ rất thích mua. Nhờ có anh Ngầu bảo lãnh, nên băng tần của anh Ngầu mỗi ngày giao hàng cho tôi bán rồi trả lại tiền vốn cho họ! Thường thường, những món hàng này tốt có, xấu có mà trong đó, xấu nhiều hơn tốt! Nhờ tài ứng đối lanh lẹ, mặt mày xinh xắn nên tôi dễ dàng hòa nhập vào đội ngũ xi lố cố này, cũng như dễ dàng tạo những cú lừa ngoạn mục đối với khách hàng. Có không ít người đã sập bẫy của tôi!

      Trong số dân chợ trời như tôi, có anh Cường là người “bảnh tẻng” nhất! Anh nhỉnh tuổi hơn tôi một chút, có bộ dạng thư sinh, gương mặt trí thức, tánh tình hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ và nghề anh chạy mánh cũng rất sang trọng: nghề buôn bán vàng. Tôi nghe nói trước đây, gia đình anh có tiệm vàng. Anh là dân Tabert, nên thỉnh thoảng tôi xổ tiếng Tây ra nói chuyện với anh! Nhưng trời ạ, sau khi nổ lốp bốp với anh được một thời gian, vào một buổi trưa nọ, anh nhẹ nhàng nói với tôi rằng: khi dùng câu xin lỗi, ta không nói :”I am sorry!” như tôi đã thường dùng, mà phải dùng: “I m sorry!” mới đúng, vì khi người Anh Mỹ sử dụng câu này, họ luôn dùng phép tỉnh lược! Thiệt là đáng xấu hổ cho tôi, nếu lúc đó tôi chặt được cái mặt đem vứt ở nơi nào cũng được, thì cũng đáng đời! Kể từ đó trở đi, mỗi lúc rảnh rang, anh Cường thường luyện cho tôi về cách phát âm, khả năng nghe, nói - cả Anh lẫn Pháp văn-. (Nhờ thế, mà cho đến bây giờ, tôi có được một số vốn liếng về ngoại ngữ!)

      Chạy mánh được một thời gian, gia đình tôi mới có tiền thuê được nhà ở khu Sở Bông, đối diện với Thảo Cầm viên. Gọi là “nhà” cho sang, chứ chỉ là một căn nhà sàn xiêu vẹo trong khu ổ chuột nằm gần mé sông chợ Thị Nghè. Lúc nước lớn thì đỡ, chứ mỗi khi nước ròng, dưới sông bốc mùi lên hôi thúi vô cùng! Thêm nữa, mỗi khi nước ròng sát, dưới sông giòi trắng hếu bò lổn ngổn. Giòi bò cả lên trên sàn nhà bằng gỗ của gia đình tôi đang ở. Lúc mới đến ở, mấy đứa em nhỏ của tôi thường dùng tay lén bắt giòi để chơi. Đến khi bị người lớn khám phá, chúng bị đòn nhiều trận mới bỏ tật này!

      Thế rồi, tôi và anh Cường yêu nhau. Chúng tôi đến với nhau bằng sự trong sáng, thanh khiết. Anh là tín đồ Ki Tô giáo rất thuần thành, nên tánh tình rất cao thượng, vị tha! Anh Cường đã vẽ ra cho tôi viễn cảnh: có một ngày không xa, cả hai đứa chúng tôi sẽ sánh vai bước vào nhà thờ làm lễ hôn phối dưới sự chứng giám của Chúa. (“Ngày thơ, tình thơ” này, ắt hẳn sẽ là dư âm để tôi mang theo đến tận tuyền đài -cho dù sau này tôi cũng đã yêu, đã chết lên chết xuống với một mối tình khác, một mối tình lớn và đã kéo dài cho đến tận bây giờ!-). Theo lời khuyên của anh Cường, tôi đã từ giã cái nghề chạy mánh theo kiểu lường gạt người ta. Gia đình tôi bắt đầu bán café ngoài vỉa hè. Nghề này thì lương thiện, thuận mua vừa bán!

      Mối tình của tôi với anh Cường kéo dài khoảng nửa năm thì đến tai gia đình của anh. Một hôm, chị Hai anh Cường tìm đến nhà của chúng tôi. Hôm chị đến, nước đang ròng, và tất nhiên mùi hôi thúi cũng như đám giòi trắng hếu, mập ú kia cũng xuất hiện… Nghe những người hàng xóm của gia đình chúng tôi học lại, chị tỏ vẻ ghê sợ, không dám bước vào khu nhà ổ chuột, mà trong đó có cả căn nhà gia đình chúng tôi đang ở, nên nhờ một người hàng xóm lân cận nhắn lại rằng gia đình của anh sẽ không bao giờ cưới một cô gái xuất thân hạ tiện như tôi! Khi hay tin chị của anh tìm đến nhà tôi, anh Cường có thề với tôi rằng, anh sẽ không yêu ai ngoài tôi ra! Anh sẽ xin với gia đình anh cho anh vượt biên, và sẽ tìm cách dẫn tôi đi!

      Nói là làm. Anh Cường đã thực hiện đúng lời hứa đó! Thế nhưng, vì lòng tự trọng và cũng vì tình thương đối với gia đình, tôi sợ mẹ tôi ở lại sẽ không đủ sức nuôi các em -và cả cha tôi nữa-, nên vào giờ thứ 25, tôi đã cố tình gạt anh Cường và ở lại, để anh ra đi có một mình… Và mãi đến hơn hai năm sau, tôi mới biết chuyến tàu định mệnh có anh Cường (mà đáng lẽ cũng có tôi trên đó) đã không bao giờ cặp được một bờ bến nào!

      Cầu cho linh hồn anh Cường được mãi mãi yên nghỉ nơi thiên đường…

Còn Tiếp

Hà Nguyên
23/12/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét