Thứ Tư, 9 tháng 4, 2025

Các Em Trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt

 

Bạn ta biết nhiều về thành phố đó lắm phải không? Thành phố bạn đã ghé qua, đã trãi qua một thời nội trú Yersin, những đêm gạo bài Nông Lâm Súc hay đôi lần theo gia đình nghĩ Hè trên đó .

Tôi thì không!
Mặc dầu , ngay từ lúc nhỏ , tôi đã mơ một lần ghé thăm Đà Lạt.
Đúng là có 2 chữ Đà Lạt, trong các ca khúc , trong các câu thơ, trong các bài viết , đã in hằn trong trí tưởng tôi. Nhưng cái lý do chánh để tôi mơ được đặt chân lên cái xứ hoa đào đó . Là để đi thăm dòng suối Đa Mê, nơi mà Nhất Linh Nguyễn tường Tam, môt trong những người Việt Nam mà tôi ngưỡng mộ nhất, đã về đó sống . Để chơi lan . Để thổi hắc tiêu . Để vẻ cảnh . Để viết văn ....vv Để uy ẩn hay để hoài niệm? Về những đồng chí , những bạn văn , những anh em ruột thịt đã không còn : Tường Cẩm, Tường Long (Hoàng Đạo ), Tường Vinh (Thạch Lam), Tường bách ( tị nạn Trung Quốc)?

"Người đi lâu chửa thấy về / Nhớ nguời lòng suối Đa Mê đợm buồn "Hai câu thơ của Nhất Linh, mà tôi đọc trong một bài viết đâu đó, đã ám ảnh tôi rất nhiều , trong những ngày còn rất trẻ . Nhất là cái tên Đa Mê! Đa Mê? Tại sao là Đa Mê mà không là Đam Mê? Không là Đê Mê.

Đa Mê, cái tên "nửa chừng xuân"  này là thổ ngữ hay là do nguời Kinh đặt ra  Khi Yersin đến Đà Lạt, đã có Đa Mê chưa? Sau này , trên một tạp chí ở Hoa Kỳ tôi đọc đựoc những bài viết ký tên Đa Mi, nhưng tôi cứ đọc là ''Đa Mê''. Chưa đọc đã thấy yêu. Đọc xong, lại càng yêu hơn nữa!
Đã mơ đến Đà Lạt rồi . Đến khi thấy đựoc những " phát xuất " từ Đà Lạt thì lại càng mơ hơn nữa . Này là Khánh Ly Phạm thị Lệ Mai. Là Lê Uyên & Phương của cà phê Tùng. Là Lệ Hằng " Thung lũng tình yêu". Là học giả Nguyễn bạt Tụy với nhũng bài viết ngữ học độc đáo . Là Đinh Cường chọn Đà Lạt để triễn lãm tranh ... vv . Và trừong Sĩ Quan Đà Lạt , trường Võ Bị nổi tiếng nhất vùng Đông Nam Á, tôi dám mạnh miệng khẳng định rằng , đây là một trong những trường Võ Bị giỏi nhất thế giới nếu nói đến các khóa 16, 19, 20: những khóa đã đào tạo các sĩ quan chỉ huy quân sự thuộc hạng xuất sắc trên các chiến trường thế giới . Đó là nhận định của những cố vấn Hoa Kỳ đã chiến đấu bên cạnh các vị anh hùng này. Cho nên, Đà Lạt là một trong những nỗi "ám ảnh" đẹp, một giấc mơ từ thời thiếu niên cho đến ngày xa nước.

Tôi mơ mộng. Tôi thêu dệt. Tôi tưởng tựợng .Về trừong đầm Couvent des oiseaux trường Bùi thị Xuân ( toàn trường " mấy em"). Tôi định là sau khi ra trừong sẽ lên Đà Lạt sống .
Nhưng " mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên". Sau 75, thời thế đẩy tôi đi (thành một chàng phiêu lãng)   ôm.. thuyền tới giữa đời" sống xứ ngừoi ta!

Hôm nay, thành phố tôi làm việc có một chút nắng, rồi rất nhiều mưa . Những cơn mưa phùn rơi ướt tóc, phất mờ kính . Mưa phùn. " Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ …". Những câu hát Đức Huy khiến nghĩ về Đà Lạt . Và một chuỗi kỷ niệm trở về. Trong đó có trường Bùi Thị Xuân, có ngừoi Bùi thị Xuân. Ngôi trường tôi chưa bao giờ thấy , những nguời tôi chưa bao giờ gặp . Nhưng có hề gì .
Có ai đi trách một chàng tuổi trẻ khi tưởng tượng về những bàn chân học trò trắng muốt?
Tôi viết lá thư này, riêng gởi cho hai ông bạn thân Đà Lạt của tôi: Lê.H. V và Phạm. K.L

Bon week_end
BP
04052012

 Các Em Trường Bùi Thị Xuân

Các em trường Bùi thị Xuân,
Sớm mai đi học bàn chân ngại ngùng
Áo dài, hai vạt ung dung
Bàn tay vén tóc thẹn từng ngón thon
Tôi yêu đôi mắt đen tròn
(Màu đen của những đêm buồn không trăng)
Các em khua guốc rộn ràng
Sách thơm tho sách , hương tràn trề hương
Mùa xuân buông nắng ngập đường
Sao trong má đỏ , thấy mường tượng thu?
Thấy qua ảo ảnh sương mù 
Một đàn hạc trắng âm u gọi mùa
Chiều ngồi nhìn hoa đong đưa
Lòng xôn xao ngắm xuân vừa đang …. Xuân
Hương ngây hương ngất một vùng
Tôi lang thang chết trong từng góc sân 
…………….......
Chưa lên Đà Lạt một lần
Sao tôi lại nhớ bàn chân học trò?!

2-1975
BP

1 nhận xét:

  1. Cám ơn bài thơ thật dễ thương (1 người từng là cô học trò Bùi Thị Xuân dù không lâu) TT

    Trả lờiXóa