Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025

Những Ngày Tháng Buồn Tênh


Thắm thoát mà đã hơn ba năm, từ ngày người tôi thương ra đi vĩnh viễn. Coi nào. Mỗi năm là 365 ngày. Nhân ba là 1095 ngày. Tính sát với ngày 19 tháng Hai thì hôm nay đúng 1128 ngày tôi không còn nghe lời đối thoại của người phối ngẫu, không còn được nắm bàn tay mềm mại của ai đó khi đi bộ bên nhau, không còn thấy bóng dáng quen thuộc của anh đi ra đi vào, không còn nghe ai gọi “Em ơi”. Bao nhiêu là “không còn”, “không có”! Nỗi thương nhớ có bớt, có vơi, nhưng sự cô đơn trống vắng thì vẫn chưa có gì phủ lấp.

Tôi làm gì cho hết 16 tiếng mỗi ngày khi thức (ngủ được tám tiếng là điều hiếm hoi từ lâu)? Tôi tình nguyện nhổ cỏ tại một ngôi trường học đã bỏ hoang và tại một nghĩa trang Công Giáo gần nhà. Tôi năn nỉ một bà bạn cho tôi dọn dẹp nhà và garage, vì đồ đạc luôn ngổn ngang bừa bãi như nằm ngay trên đường đi của bão. Tôi tham dự lớp Line Dancing thứ Hai, học tiếng Hawaii thứ Năm; tôi cầm bích chương phò sự sống trước một trung tâm y tế phá thai vào ngày thứ Sáu; tôi phụ giúp cắm hoa trong nhà thờ, rồi sau đó đi thăm một người quen trong viện dưỡng lão vào hôm Thứ Bẩy. Vậy mà một tuần vẫn dài như vô tận.

May thay, khi có người thân quen sang thăm từ đất liền, ngày giờ có trôi nhanh hơn, không chậm chạp lê thê như dung nham Đảo Lớn.

Tháng Ba vừa qua, khi có một người bạn sang chơi, tôi đưa bạn đi thăm bãi Mill. Sau khi băng qua Quốc Lộ 19, chúng tôi đi bộ vào con đường chỉ dành riêng cho xe của những người có nhà nơi đây. Sau vài trăm thước, chúng tôi bước qua một cánh cổng gỗ, đi qua những cây cổ thụ kukui, còn gọi là candlenut và lần theo con đường mòn đi xuống biển. Vào mùa có quả, cây kukui thả những trái to gấp đôi quả nhãn xuống đất, để cho dân bản xứ nhặt lên, xiên thành những que nến thiên nhiên. Khi đi xuống khúc dốc này, chúng tôi thu ngắn bước, tránh dẫm lên những quả tròn như viên bi, vì nếu trợt chân thì sẽ rơi xuống dốc. Đã hơn hai năm, tôi mới trở lại nơi này. Mọi sự vẫn thế. Chỉ có mình tôi là thay đổi.

Vì vùng biển này có sóng lớn quanh năm, phần đông dân địa phương đến bãi Mill này để lặn, chứ không bơi. Chúng tôi đứng nhìn vài thanh niên lúc ẩn, lúc hiện dưới những ngọn sóng phủ đầu một hồi rồi đi dọc theo một đoạn đầm phá ngắn, trước khi quẹo vào con đường mòn, lên dốc, băng qua Quốc Lộ 19 để về nhà.

Ngày hôm sau, tôi đưa bạn đi thăm bãi biển Onekahakaha và Richardson. Bên phía đông của Đảo Lớn, chỉ có hai bãi biển này là có thể tắm được. Onekahaka có nghĩa là vẽ trên cát, là một bãi biển dành cho các gia đình có con nhỏ, vì bãi được bảo vệ bởi một bờ đá cao, an toàn như bơi trong một hồ tắm. Richardson là một bãi thoáng rộng hơn, nhưng có nhiều nham thạch. Bơi tại đây thì thiếu thú vị, vì đá có thể cắt chân.

Muốn tắm biển thoải mái thì du khác cần phải bỏ gần hai tiếng lái xe sang Kona, nơi có nhiều bãi cát trắng, cát đen nổi tiếng. Nhắc tới lái xe sang Kona, tôi nhớ tới một kỷ niệm hy hữu trong một chuyến đi sang Kona của chúng tôi. Vì xe quá cũ, tôi chỉ chở bạn đi Lễ Chủ Nhật, đi thăm thác nước, bãi biển và mua rau quả ở Farmer’s market. Tôi lo xa, vì nếu xe có chuyện gì thì phải đợi khá lâu thì xe của AAA mới đến giúp.

Một hôm bạn tôi tỏ ý muốn mướn xe để lái sang Kona chơi một ngày. Khi biết được giá thuê xe một ngày quá đắt, tôi nảy ra một ý kiến là hai đứa đi xe buýt. Chúng tôi coi lịch trình xe buýt và canh giờ đi bộ ra bến xe. Xe đến trạm gần nhà là 9:41 sáng. Chúng tôi ra trước 9:41 và đợi một hồi mà vẫn không thấy xe buýt đâu. Tôi vào bưu điện gần đó để xin tờ lịch trình xe buýt để xem có gì thay đổi. Wayne, ông trưởng phòng Bưu Điện nói là ông ta không có. Tuy nhiên, ông cho biết thêm là thông thường xe buýt tới trạm này khoảng 9:30 sáng. Thế có nghĩa là xe buýt đã rời trước giờ đã ghi. Tôi thất vọng cám ơn rồi mở cửa đi ra. Vừa ra tới nơi bạn đang đứng đợi thì xe buýt trờ tới. Xe tới trễ khoảng 10 phút. Hai bà già leo lên xe. Tiểu bang vẫn còn chương trình đi xe buýt miễn phí nên hành khách không phải trả tiền. Vì hai băng ghế dành cho các bô lão đã được hai thanh niên chiếm đóng, chúng tôi tiến về một băng ghế còn trống. Bạn ngồi gần cửa sổ. Tôi ngồi gần đường đi. Vừa ngồi xuống, tôi đưa mắt nhìn chung quanh thì thấy phần đông là người vô gia cư. Phía hàng ghế bên kia ghế chúng tôi ngồi có một con chó pitbull nằm ngủ yên như con cừu trong lòng bà chủ của nó.

Sau ba tiếng ngừng lại nhiều nơi để đón khách, xe tới Kona và đậu gần một nơi đông hàng quán và những tiệm có chi nhánh toàn quốc như TARGET, Ross … Chúng tôi hỏi cô tài xế khi trở lại chiều hôm đó thì đến trạm nào? Cô này, dường như có chuyện gì không vui, cho nên cô đã lặng như tờ, im như thóc. Sau những câu nhát gừng, chúng tôi được biết sẽ không có chuyến về lại Hilo lúc 5 giờ chiều như trong lịch trình. Ngoài ra sẽ không có chuyến 6 giờ hay 7 giờ, mà chỉ có chuyến 8, 9 và 10 giờ đêm. Trời đất. Hai bà già sẽ làm gì trong bẩy tiếng? Có vào nhà hàng thì ngồi lâu lắm cũng chỉ trên dưới một tiếng, chủ tiệm cũng khéo léo “mời” đi. Có đi bộ xuống phố đi ta bà, ghé vào tất cả các tiệm bán đồ kỷ niệm, hay ngồi ngắm du khách đi qua, đi lại cũng không làm sao đốt cho hết bẩy tiếng đồng hồ. Thêm nữa, trời hôm đó lại nắng chang chang, thiếu mây trầm trọng. Dù đã có chuẩn bị dù và mũ, hai người đàn bà nghĩ tới chuyện đi vòng vòng bẩy tiếng để đợi xe buýt mà than trời trong bụng.

Chợt nhớ tới một người quen có cho biết là sẽ đón chồng của cô tại phi trường Kona đúng hôm đó, tôi gọi cầu may để xem cô em này vẫn còn bên Kona, hay đã về lại bên Hilo. Quả là phép lạ. Cô em đang trên đường tới phi trường. Thế là hai đứa chúng tôi quá giang về lại phía Đông của đảo mà không phải đợi bẩy tiếng, sau khi được ghé Costco mua sắm.

Vài ngày sau khi người bạn về lại đất liền thì vợ chồng cô em chồng sang chơi vài hôm, trước khi bay sang Moloka’i. Tory và chồng tên Tom có một người hàng xóm đã dọn sang Kona vài năm trước và đem theo chiếc xe đua Chevrolet Corvette Z06 màu trắng mui trần, đời 2016. Đua xe là một trong các sở thích của ông, ngoài bơi lội, chạy điền kinh, đua thuyền buồm…. Nhân dịp hàng xóm cũ sang thăm Hilo, ông mời vợ chồng Tory tới xem và nếu muốn, thì đua với những tay đua trong Hội của ông. Tôi cũng muốn đi theo cho biết.

Chúng tôi tới sân đua từ sáng sớm để đóng tiền ghi danh, ký đơn miễn tố và chọn mũ an toàn. Dù đã từng lái xe đua, nhưng chưa quen với chiếc Corvette, Tom muốn lái một mình. Ông bạn đưa Tom đi bộ vòng sân đua để có khái niệm của vòng đua. Tory và tôi ngồi với ông trong hai chuyến đua khác nhau. Lần đầu tiên trong đời, tôi ngồi bên trong một chiếc xe đua. Chúng tôi được dặn trước là không được kêu thét, dù thần kinh có căng thẳng đến đâu. Lý do là vì khi lái, tài xế cần phải chú tâm. Tiếng kêu la sẽ khiến ông mất tập trung, lái vào những chướng ngại vật trên đường và sẽ mất điểm. Tôi nghe lời dặn, ngồi im thin thít và gọn lỏn trong chiếc ghế da, trong lòng thì đánh lô tô.

Cùng với các xe khác trong đoàn, chiếc Corvette từ từ lăn bánh, đi chậm chậm tới điểm khởi hành. Hai tay nắm chặt vào thành ghế và đôi chân thì bíu chặt vào đôi dép cao su, tôi gồng mình chuẩn bị. Lá cờ phất xuống. Chiếc xe rú lên như con mãnh thú, phóng về phía trước. Khoảng cách chưa đủ xa để tôi quen với vận tốc cao, thì ông bạn mới đã lái hơi chậm lại, đưa xe vòng chữ U, để chuẩn bị chạy vòng quanh những cọc giao thông màu cam, xếp theo hình chữ “S”. Tốc độ dù có giảm đôi chút, so với vận tốc khi xe chạy thẳng, nhưng với tôi, so với những lần đu dây hay những trò đua trong các công viên giải trí, đầu óc tôi chưa bao giờ chịu áp lực dữ dội như khi trải qua những giây phút ngắn ngủi trong chiếc Corvette này. Khi thì tài xế phóng tới, rồi lại thắng lại, rồi nhả ga, rồi thắng bớt lại để ôm sát những cọc màu cam. Thân mình tôi cũng nghiêng cùng chiều với xe, lúc phải, khi trái, hay có lúc dán sát vào lưng ghế, khi ông ấn ga chạy thật nhanh trên đường thẳng để có thêm một vài phút nhanh hơn. Nguyên thời gian xe đua, tôi chỉ mở mắt mấy giây đầu tiên. Sau đó, tôi hoàn toàn mất phương hướng vì đã nhắm chặt mắt vì sợ.

Vì không thể đeo kính viễn thị khi đội mũ mũ an toàn, mọi sự trước mắt tôi mờ mờ ảo ảo như đi trong màn sương. Tuy vậy, thính giác và cảm giác của tôi làm việc rất hăng trong thời gian ngắn ngủi này. Tôi nghe tiếng máy xe nổ dòn, tiếng vỏ xe rít trên mặt đường và tiếng thắng két két liên tục. Tôi tưởng tượng mình như là một con thú nhồi bông bị cuốn vào một cơn lốc lớn. Đầu óc căng thẳng, bao nhiêu là ý tưởng hiện ra trong đầu. Tôi không biết khi về tới nơi, đầu, mình, chân tay có còn nguyên vẹn. Có những lúc quá sợ, tôi nhắm mắt, phó thác cả hồn lẫn xác cho Chúa, vì lúc đó, muốn đổi ý cũng đã muộn rồi.

Sau cùng thì xe cũng về tới điểm kết thúc. Quýnh quáng tìm mãi mới mở được cửa, tôi loạng quạng bước ra khỏi xe. Tháo cái mũ an toàn ra khỏi đầu, tôi thở phào. Xem đua xe và ngồi trong chiếc xe đua khác nhau một trời một vực. Chắc chắn đây là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm hiếm có và cũng là lần cuối trong đời. Ông này hỏi tôi có muốn đi một vòng nữa? Tôi cười như mếu. Cám ơn ông. Một lần đủ rồi. Thế mà sau đó, không như tôi nghĩ, khi mới bước ra khỏi chiếc Corvette, tôi đã leo lên một chiếc xe khác “để so sánh”. Chiếc này nhẹ cân và nhu mì hơn nhiều.

Đó là những kinh nghiệm mới đây khi có người khác chung quanh. Một đêm nọ, khi ngồi coi Tivi một mình, tôi muốn duỗi chân ra cho thoải mái. Khi quay mình để sửa lại tư thế, tôi để ý thấy bên phía trái một vật gì lay động. Quay đầu nhìn, tôi trông thấy một trong bốn bông hoa lan màu huyết dụ còn lại từ chậu hoa tôi mua trước Tết đang lắc nhẹ, từ phải sang trái rồi đột nhiên, cuống hoa bẻ quặp xuống. Cả cuống lẫn hoa nằm bất động hoàn toàn!

Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tôi chưa bao giờ chứng kiến một bông hoa chết rũ ngay trước mắt. Tôi nhìn cắm vào bông hoa héo úa ngay trước mắt mà cảm xúc dâng tràn. Tôi thương cho hoa, mới đây còn tươi tốt, màu sắc còn rực rỡ, bỗng dưng lăn ra mà chết. Chết bất thình lình. Chết không báo trước. Hoa chết mà không hề héo dần như những bông khác, theo đúng luật thiên nhiên. Hoa ra đi bất chợt như một người con gái tài hoa mà yểu mệnh. Hoa dường như bị ai đó ra lệnh phải rời dương thế ngay lập tức trong giây phút đó.

Chỉ trong một khoảnh khắc, từ lúc trông thấy bông hoa lan chết bất ngờ, cho tới khi tôi nghĩ miên man đến cái chết non của một cô gái, rồi sau cùng, khi quay nhìn tấm chân dung của người tôi thương, tôi đã gục đầu khóc thảm thiết, vì chợt nhận ra rằng anh cũng ra đi một mình trong đêm vắng khoảng ba năm về trước.

Nhớ lại những ngày tháng sau ngày người tôi thương ra đi vĩnh viễn, tôi không khỏi xót xa. Tạ ơn Chúa đã ban cho loài người ngày hôm sau. Ngày hôm sau đỡ hơn ngày hôm trước. Tôi đã buồn, tôi đã nhớ, tôi đã thương. Không ngày nào là tôi không nhỏ lệ nhớ thương người đã khuất. Bất ngờ quá. Đường đột quá. Tôi không thể chấp nhận một sự thật là chính cái người đã đem tôi sang thiên đàng hạ giới này đã bỏ cả thiên đường và tôi mà đi! Tôi đã tự hỏi tôi làm gì với nửa phần đời còn lại thiếu “một nửa kia” của mình? Tôi làm sao đối diện với những ngày tháng “Adamless”? Sống một mình. Ăn một mình. Khỏe một mình. Đau ốm một mình. Lái xe một mình. Đi bộ một mình. Quyết định một mình. Mọi sự một mình. Sau này, nghĩ lại, tôi đã tạ ơn Chúa đã thương đem anh ra khỏi hành tinh màu xanh này, để chấm dứt cho anh những đớn đau, những ngượng ngùng lúng túng vì cái bướu trong não đã cướp dần đi sự khôn ngoan minh mẫn.

Một hồi sau, hố lệ cạn dần. Nhìn ảnh anh, tôi xin lỗi: I am so sorry, honey. I was not there when you breathed your last breath! Bông hoa lan này vậy mà còn diễm phúc hơn người tôi thương. Hoa còn có người chứng kiến giây phút cuối đời và nhỏ vài giọt lệ xót thương.

Để an ủi, từ tấm ảnh luôn tươi cười với con mắt có đuôi, dường như tôi nghe anh an ủi “Don’t cry, em! Be happy!”

Khổng Thị Thanh Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét