Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

Viết Ở Denver


Trong nhiều lần bay qua Mỹ thăm gia đình, chúng tôi thỉnh thoảng có những chuyến layover tại một trong những phi trường lớn nhất nước Mỹ, đó là Denver International Airport. Tuy chưa bao giờ đi vào trong thành phố, mà chỉ nhìn qua cửa kiếng sân bay, qua những chuyến xe bus, xe lửa đổi terminals, tôi vẫn phóng tầm mắt nhìn xa hơn, cộng với trí tưởng tượng bay bổng của mình, để tìm một bóng dáng thân quen, để thấy một Denver mến thương …từ thuở nào! Chuyện là thế này:

Khi tôi vượt biên, mới vào trại tị nạn Panatnikhom, Thailand, liền viết thư cho ông anh bên Mỹ về tình hình trại tị nạn đã bị Cao Uỷ đóng cửa từ ngày 14/3/1989, nên ai đến trại sau ngày này sẽ phải chịu thanh lọc rất khắt khe. Nghe tin đó, anh vội vàng nghĩ suy mọi cách để cứu tôi, chứ dứt khoát không cho tôi quay trở về Việt Nam.
Rồi một hôm tôi nhận được hơn hai mươi lá thư từ Mỹ, chỉ có một cái thư của anh tôi, còn lại là những cái tên Mỹ lạ hoắc.

Ôm một đống thư về nhà, tôi đọc thư anh tôi trước. Anh giải thích rằng đã tự ý giúp tôi bằng cách đăng trên mục “Tìm Bạn Bốn Phương” của Mỹ với ước mong tôi sẽ tìm được một người nào đó, tốt đẹp, và biết đâu sẽ…tiến xa hơn, đưa tôi qua khỏi cuộc thanh lọc đáng ghét. Anh cũng nói, tôi đừng sợ hãi, cứ chọn lọc trong các lá thư, tìm ra người nào có vẻ tin cậy thì hồi âm, dù sao cũng là cách giết thời gian và học thêm English, làm bạn bè cũng tốt.

Tình hình trại tỵ nạn lúc ấy quá căng thẳng, không còn chọn lựa nào khác, nên theo lời khuyên của ông anh, tôi mở các lá thư Mỹ ra đọc. Đầu tiên, tôi loại bỏ những thư không có hình kèm theo, tiếp theo là loại những người…viết chữ xấu, cẩu thả, (bệnh nghề nghiệp cô giáo!), rồi loại tiếp những lá thư có hình nhưng nhìn… hổng đẹp trai, và loại luôn những người viết thư …vô duyên (dù trình độ Tiếng Anh của tôi lúc ấy chả có là bao!). Cuối cùng tôi chọn được một lá thư với nét chữ đều đặn, mềm mại, giọng văn chân tình nghiêm túc, nghề nghiệp vững vàng (giáo viên dạy English ở một trường Trung Học ở Denver, Colorado), và tấm hình của một chàng trai Mỹ trắng có nét hiền hoà, dễ mến, tên họ đầy đủ là Don Garner.
Với tất cả vốn liếng English có được, tôi viết thư hồi âm, giới thiệu bản thân, cám ơn Don đã vui lòng kết bạn. Cứ hai tuần một lần, Don gửi một lá thư, kèm thêm tái bút những đoạn dạy tôi grammar mà thư trước tôi đã viết sai, và luôn luôn có những tấm hình phong cảnh Colorado, vì nhiếp ảnh là niềm say mê của Don sau giờ đi dạy. Qua ống kính của Don, tôi đã yêu Denver, yêu Colorado và có lúc đã nằm mơ được đến giữa thành phố và vùng núi đồi nên thơ ấy.


Mùa Giáng Sinh, Don gửi cho tôi một gói bưu phẩm, trong đó có một máy cassette nhỏ xài bằng batteries cho tôi học English, có cả đồ charge, mấy cuốn country music tapes, vài đồ lặt vặt, một hộp bánh cookies và tấm thiệp chúc Noel bên trong có 4 cây candy canes, loại kẹo hình cán dù dùng để trang trí cây thông Giáng Sinh. Nhưng lúc đó, tôi và mấy cô bạn ở chung, chưa bao giờ nhìn thấy candy canes, nên cứ ngỡ đó là một cái gì đó, chắc là để trong thiệp làm vật trang trí theo truyền thống Phương Tây, nên quăng chúng vào một góc nhà. Vài ngày sau, một đứa vô tình làm bể một cây, lấy tay sờ và nếm thì thấy ngọt, lúc đó cả đám mừng húm vì biết đó là…kẹo, cả đám xúm lại ăn liền một mạch hết sạch trong vòng năm phút.

Qua mùa Giáng Sinh, thư từ của Don bắt đầu thưa thớt, và sau đó là lá thư thật dài, Don nói về bệnh skin cancer vừa mới phát hiện vài ngày trước lễ Giáng Sinh. Bác sỹ nói bệnh trong giai đoạn sớm nên chữa trị không khó khăn, có nhiều hy vọng, nhưng sẽ mất nhiều thời gian, nên Don xin nghỉ việc, điều trị và về an dưỡng nơi nông trại lúa mì của cha mẹ vùng ngoại ô Denver.

Đó cũng là lá thư cuối cùng của Don, dù tôi tiếp tục gửi vài lá thư thăm hỏi bệnh tình, về địa chỉ của Don hay nơi trang trại, đều không thấy hồi âm. Tôi tin rằng mình chẳng làm điều gì phật lòng người bạn phương xa, nhưng thực sự không tìm được câu giải đáp của sự im lặng này.

Cuối cùng, tôi tạm thời đưa ra hai giả thuyết. Một là, bệnh của Don đã chuyển biến xấu nên anh ấy không còn thời gian và tâm trí dành cho tôi. Hai là, Don cảm thấy mệt mỏi vì mối quan hệ với cô gái Việt Nam nơi trại tỵ nạn tương lai còn quá xa vời, nên nhân dịp này, Don ngưng liên lạc, để sau này bắt đầu mối quan hệ mới, có khả năng tiến xa hơn trong tầm tay?
Tôi vẫn mong giả thuyết thứ hai là đúng, tôi sẽ không bao giờ buồn phiền hay trách móc một lời, và xin chân thành cám ơn anh đã đến với tôi như một người bạn, hỡi Don thân mến!

Đó là câu chuyện thật, còn sau đây là …chuyện bịa, được viết tại phi trường Denver trong một lần chờ chuyến bay và nhớ về ...Don:

Lạc Nhau Ở Denver

Máy bay vừa hạ cánh
Denver, lạ mà quen
Phi trường mênh mông quá
Sao chưa thấy anh lên?

Người người lướt qua nhau
Terminal kiếm tìm
Hành lý có mang nặng
Vơi đầy, nỗi niềm riêng?

Tôi đứng đó, ngơ ngẩn
Giữa đám đông đợi chờ
Anh sẽ từ đâu đến?
Đừng để tôi bơ vơ

Hẹn chuyến bay nối tiếp
Gặp gỡ tại Denver
Quán café Starbucks
Mình nhắc lại chuyện xưa

Anh mặc áo màu gì?
Xung quanh tôi xa lạ
Những bước chân vội vã
Vẫn thiếu vắng một người

Lẽ nào anh không nhớ!
Hay anh trễ chuyến bay?
Phi đạo trong nắng gió
Vừa đón người về đây?

Tôi phải boarding thôi
Qua gate mà ngập ngừng
Tôi đây và anh đó
Chẳng được phút tương phùng

Máy bay tung đôi cánh
Chơi vơi trong mây trời
Denver bỗng nhỏ bé
Và anh, cũng xa vời!!

Edmonton, Tháng 11/2021
Kim Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét