Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

Sạn Thận - Bác Sĩ Tống Viết Minh


Các chất khoáng và muối, vì một lý do nào đó đọng lại trong thận gây nên sạn thận. Sạn thận xuất hiện trong thận như những vật thể với kích thước nhỏ như những hạt cát, lắm khi lớn đến gần cỡ trái banh tennis, hoặc đôi khi có hình thù thật lạ như trường hợp sạn thận dạng san hô (staghorn calculus).

 Theo những nghiên cứu về sạn thận thì trong suốt cả đời người, một trong mười người sẽ bị sạn. Trẻ em cũng bị sạn thận cùng với những lý do như người lớn, nhưng bị ít hơn người lớn nhiều, và các trẻ bị suyễn sẽ bị sạn thận bốn lần nhiều hơn các trẻ không bị chứng bệnh đó.  

Trước khi đi vào chi tiết về sạn thận, tưởng cũng nên biết sơ qua cơ thể học cũng như sinh lý học về hệ thống tiết niệu của con người trong đó thận đóng một vai trò rất quan trọng.

Trong cơ thể con người, máu nhờ hệ thống tuần hoàn đưa đến gan. Là cơ quan có nhiệm vụ biến dưỡng những chất có trong máu, máu sau đó được đưa đến thận. Tại đây thận có nhiệm vụ gạn lọc những chất độc hại, không cần thiết, dư thừa cho cơ thể để loại ra ngoài theo đường tiểu tiện. 

Hệ thống tiết niệu gồm có:

Hai quả thận, có hình thù như một hạt đậu nằm dưới xương lồng ngực, phía sau lưng, hai bên cột sống. Một quả nằm bên phải, quả kia nằm bên trái.

 

Mỗi quả thận được nối liền với một ống niệu quản (ureter). Cả hai ống niệu quản trái và phải đều nối liền với bọng đái (bladder). Bọng đái nối liền với một ống thoát tiểu được gọi là niệu đạo (urethra). Nước tiểu tạo thành do những chất khoáng, muối, dư thừa, độc hại cho cơ thể từ thận sẽ di chuyển qua hai ống niệu quản để đến chứa trong bọng đái. Bọng đái có dung lượng khoảng 500 ml ở đàn bà và 700ml ở đàn ông. Nước tiểu sau đó sẽ được thoát ra ngoài qua niệu đạo mỗi lần đi tiểu, thường khoảng 6, 7 lần trong vòng 24 giờ. Niệu đạo ở đàn ông, vì phải đi qua dương vật nên dài ~20 cm, trong khi đó sẽ ngắn hơn rất nhiều ở đàn bà ~3, 4 cm.   

Chế độ và thói quen ăn uống, chứng mập phì, một vài căn bệnh cũng như những loại thuốc uống là những lý do có thể gây nên chứng sạn thận. Ngoài ra cũng nên đề cập đến yếu tố di truyền trong gia đình, cũng như hình dạng khác thường về cơ thể học (anatomic structures) ở bất cứ một phần nào đó trong hệ thống tiết niệu cũng có thể làm cho các chất cặn bã đọng lại trong thận, dần dà theo ngày tháng sẽ làm nên sạn thận.  

Triệu Chứng:

         Kidney stones

      Sạn thận thường không gây nên triệu chứng gì cho đến khi nó di chuyển từ chỗ nầy qua chỗ nọ trong thận hoặc đi vào trong ống niệu quản.

      Khi sạn di chuyển từ thận vào ống niệu quản, nếu kích thước lớn hơn ống niệu quản, sẽ bị kẹt lại trong đó, làm nghẽn luồng nước tiểu, quả thận phía bên bị tắc nghẽn đó sưng phù lên, ống niệu quản bị nghẽn sẽ phản ứng bằng cách gây nên những cơn co thắt, làm cho người bệnh rất đau đớn. Lúc đó người bệnh có thể cảm thấy:

      . Cơn đau ghê gớm như có dao đâm dưới mạng sườn ở bên hông và phía sau lưng nơi có sạn
      . Cơn đau ran đến bụng dưới và bị dái cũng cùng phía bên đó.
      . Cơn đau đến từng đợt. Cường độ đau có khi tăng có khi giảm.
      . Cảm thấy đau hay nóng trong khi đi tiểu.

        Ngoài ra cũng có thể có những triệu chứng khác như:

      . Nước tiểu màu hồng, đỏ hay màu nâu.
      . Nước tiểu đục hay có mùi hôi.
      . Buồn tiểu hoài, đi nhiều lần hơn bình thường hoặc đi tiểu với một lượng nước tiểu ít.
      . Buồn nôn hoặc nôn ói.
      . Nóng sốt hoặc cảm thấy ớn lạnh nếu bị nhiễm trùng.

       Cơn đau do sạn thận có thể thay đổi khi sạn thận di chuyển từ một nơi nầy qua nơi khác. Cũng đừng quên là cục sạn theo luồng nước tiểu mà di chuyển trong đường tiểu và đến đâu thì gây cảm giác đau đớn nơi đó. Khi sạn di chuyển trong đường tiểu để thoát được ra ngoài sẽ làm cho người bệnh hết sức đau đớn. Nếu cảm thấy có những dấu hiệu hoặc triệu chứng sạn thận làm cho mình lo âu, bệnh nhân nên xin hẹn gặp BS. Không nên lần lữa mà phải đi tìm thấy thuốc ngay nếu:

        . Đau ghê gớm đến nỗi không ngồi yên hay tìm được một vị trí dễ chịu.
        . Cơn đau kèm theo cơn buồn nôn hay ói mửa.
        . Cơn đau kèm theo sốt hoặc cơn ớn lạnh run người.
        . Trong nước tiểu có máu.
        . Rất khó khăn khi đi tiểu

Định bệnh:

Sạn thận được định bệnh qua bệnh sử (do người bệnh khai), cũng như các thử nghiệm sau:

Xét nghiệm qua hình ảnh: chụp quang tuyến X, CT scan và siêu âm cho biết kích thước, hình dạng, số lượng và vị trí nơi sạn thận đóng ở thận. Tùy theo những xét nghiệm nầy mà quyết định cách điều trị nào thích hợp cho người bệnh.                                     

Xét nghiệm máu: thử nghiệm máu cho biết tình trạng hoạt động hai quả thận như thế nào (tốt, xấu), có bị nhiễm trùng hay không và tìm xem những bất bình thường sinh hóa nào có thể làm cho sạn hình thành trong thận.

Thử nghiệm nước tiểu: Thử nghiệm nầy cho ta biết dấu hiệu của nhiễm trùng và xét nồng độ những chất tạo thành sạn thận.

      Chữa trị:

      Vấn đề điều trị tùy thuộc sạn có kích thước nhỏ hay lớn, sạn có gây nên cản trở cho hoạt động bình thường của hệ thống tiết niệu hay không. Lắm khi không cần phải làm gì hơn là dùng thuốc và uống nhiều nước để giúp loại cục sạn ấy ra khỏi đường tiểu. Kích thước càng nhỏ càng dễ thoát ra ngoài theo nước tiểu. Sạn có kích thước 1 cm có thể loại ra khỏi cơ thể ít hơn 10%, sạn lớn hơn 1 cm không thể tự động ra ngoài được.

      Nếu sạn đã thoát ra ngoài, mà bệnh nhân vẫn còn thấy đau thì phải tin lại cho BS để tìm xem lý do hầu can thiệp kịp thời.

      Trường hợp cục sạn bị nghẽn lại ở một nơi nào đó trong đường tiểu gây ra nhiễm trùng đường tiểu hay những trường hợp bệnh lý khác phức tạp hơn, khi đó mới cần đến giải phẫu 

      A. Thuốc:

      Dùng thuốc để:

     . Làm giảm cơn đau như Ibuprofen hay chuyền dung dịch giảm đau (chứa thuốc phiện) qua đường gân máu, nếu ở phòng cấp cứu. Ibuprofen cũng có thể hại cho thận, bởi thế người bệnh cần phải hỏi BS trước khi dùng, đặc biệt những ai có bệnh thận hoặc những tình trạng bệnh lý khác như bệnh tiểu đường, béo phì, hay cao huyết áp.

       . Kiểm soát buồn nôn hay ói mửa.

    . Làm giãn nở ống tiết niệu để sạn có thể đi ra ngoài: Những thuốc thường hay dùng gồm có tamsulosin (Flomax) và nifedipine (Adamant hay Procardia).

      . Cũng nên nhớ những chất khoáng, muối, cặn bã cùng với nước tạo thành nước tiểu. Nếu lượng nước tiểu ít quá, những chất nầy sẽ cô đọng lại và biến thành tinh thể giúp sạn tạo thành. Vì vậy muốn tránh sạn thận, chúng ta phải uống nước đầy đủ.

Những chất muối và khoáng tạo nên sạn gồm có:


        . Chất xương (calcium)
        . Chất muối oxalate (tạo nên sạn có gai, rất đau)
        . Acid uric
        . Phosphate
        . Cystine (hiếm có)
        . Xanthine (hiếm có)


  1. Chữa trị qua đường giải phẫu:


    Có bốn loại sau:

    . Nội soi thận: (Uteroscopy): ống nội soi sẽ được đưa qua niệu đạo vào bọng đái rồi vào ống niệu quản. Tìm thấy cục sạn, ống nội soi dùng một cái giỏ đan, tóm lấy giữ vào trong đó, rồi đưa cục sạn ra ngoài hay dùng tia laser làm bể cục sạn thành nhiều mảnh nhỏ. Những mảnh nhỏ nầy sau đó sẽ theo đường tiểu mà ra ngoài.
     . Tán sỏi thận bằng sóng xung kích: [(Shockwave Lithotripsy (SWL)].Trong cách điều trị nầy, người bệnh được đặt trên một cái bàn hay bồn tắm giải phẫu. Sóng xung kích có năng lượng cao sẽ được gửi qua nước đến sạn, làm cho sạn vỡ vụn ra thành những hạt nhỏ rồi theo đường tiểu ra ngoài. Phương cách nầy cũng được chọn để dùng cho trẻ em sau khi cho chúng ngủ (đánh thuốc mê).
    . Phẫu thuật lấy sỏi thận qua da (Percutaneous nethrolithotomy): Nếu không được chữa trị bằng những cách điều trị trên, vì sạn quá lớn, nặng hay nằm ở một nơi không có thể đến được, phẫu thuật lấy sỏi thận qua da sẽ được áp dụng. Trong trường hợp nầy, BS giải phẫu sẽ cắt một đường nhỏ phía sau lung nơi thận có sạn. Sạn sẽ bị làm cho bể ra thành nhiều mảnh nhỏ và được hút ra ngoài, không phải đi qua đường tiểu. Sau đó, một ống stent niệu quản sẽ được đặt nối liền từ thận đến bọng đái. Ống stent nầy sẽ được rút ra một tuần sau. Người bệnh sẽ được giữ lại qua đêm để theo dõi.
    . Phẩu thuật mở thận để lấy sạn: (open stone surgery): BS giải phẫu xẻ một đường trên thận để lấy sạn ra. So với ba phương cách trên, cách điều trị nầy ít khi sử dụng (0.3 đến 0.7 các trường hợp sạn thận.)
          . Mất bao lâu, sạn mới ra đi ngoài: Tùy theo mỗi người, sạn nhỏ hơn 4mm có thể thoát ra ngoài trong vòng một hay hai tuần. Sạn kích thước lớn hơn 4mm có thể cần đến hai hay ba tuần. Sạn có kích thước 1 cm có thể loại ra khỏi cơ thể ít hơn 10%, sạn lớn hơn 1 cm không thể tự động ra ngoài được.

Khi sạn đã ở trong bọng đái, thường sẽ ra ngoài trong vài ngày, trừ trường hợp những người đàn ông lớn tuổi bị chứng tuyến tiền liệt phình đại. Thế nhưng ngay cả khi sạn đang còn nằm trong ống niệu quản, những cơn đau cũng đã bớt dần, cũng vì vậy nếu sạn chưa thoát ra ngoài trong vòng bốn đến sáu tuần hoặc đã thoát ra ngoài, mà bệnh nhân vẫn còn thấy đau, thì phải tin lại cho BS để tìm xem lý do hầu can thiệp kịp thời.

Ngoài chữa trị sạn thận, chúng ta cũng nên biết những thức ăn uống hay những thuốc tại gia có thể giúp điều trị sạn thận. 

        . Crankberry juice có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu (UTI), chứ không giúp chữa hay ngăn ngừa sạn thận.
        . Apple cider vinegar: nhờ dấm chua, một đôi khi có thể giúp thay đổi nước tiểu, nhờ vậy giúp sạn thận đỡ phát triển hơn.
        . Nước chanh, rất giàu chất citrate, có thể ngăn ngừa sạn thành hình. Citrates có nhiều trong trái chanh và nhiều trái cây khác như chanh, cam và dưa hấu.
        . Cà phê: Các khảo cứu cho thấy cà phê có thể làm giảm nguy cơ sạn hình thành.
        . Tránh uống soda và các loại nước uống có bỏ thêm đường hay đường có trong trái cây hay bắp. Chúng làm tăng nguy cơ bị sạn thận.

        C. Ngăn Ngừa:

             Có nhiều cách ngăn ngừa sạn thận như sau:

      . Uống nước nhiều, khoảng hai lít mỗi ngày chia ra làm 6 đến 8 lần, giúp cơ thể có đầy đủ nước. Nhờ vậy chúng ta sẽ đi tiểu nhiều hơn và loại được những chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Nếu vì một lý do nào do công việc, đổ mồ hôi nhiều, chúng ta lại cần phải uống thêm nước nữa.
        . Bớt ăn muối
        . Giảm bớt trọng lượng cơ thể (xuống cân).
        . Uống thuốc BS cho toa để ngăn ngừa sạn thận

Một câu hỏi:


Có nên giảm bớt chất xương ra khỏi thói quen ăn uống hằng ngày nếu chúng ta bị sạn dạng calcium oxalate không? 


Nếu thấy mình đang có sạn mà thành phần gồm có chất calcium (xương), chúng ta có khuynh hướng ngừng ăn uống những thức ăn, uống có chất calcium. Như vậy là không đúng và đi ngược lại với những gì chúng ta nên làm. Nếu thấy mình đang bị sạn dạng calcium oxalate, là loại thường bị nhất, chúng ta nên dùng chế độ ăn uống có nhiều calcium.


 Thực phẩm có nồng độ calcium cao gồm có:

                Sữa bò
                Sữa chua (yogurt)
                Cheese (phó mát)
                Bông cải xanh (Broccoli)
                Cải xoăn (kale)
                Những chất uống có nồng độ calcium cao
                Đậu khô
                Cá hồi
                Những loại ngũ cốc nóng có nồng độ calcium cao

             Những thức ăn có nồng độ oxalate cao nên tránh:
                Rau chân vịt (spinach)
                Cây đại hoàng (rhubarb)
                Trái dâu
                Trà
                Đậu khô và đậu (dried peas and beans)
                Các loại hạt và bơ có hạt
                Cám lúa mì (Wheat bran)

            Dự Liệu:

Sạn thận về lâu về dài, không có gì đáng lo, thế nhưng thường hay bị đi bị lại. Đây là vấn đề mà người bệnh nên đề cập để bàn với BS làm sao ngăn ngừa bị lại trong tương lai.

Đa số sạn theo nước tiểu ra ngoài mà không cần phải trị liệu gì cả. Thuốc cũng như các phương pháp chữa trị sạn thường rất hiệu nghiệm, thành công và không cần thời gian dài hồi phục.  

Một cục sạn thận lớn và tùy vị trí của nó trong hệ thống tiết niệu có thể gây nguy hiểm cho hoạt động của thận. Sạn lớn nằm trong ống niệu quản làm nghẽn hoạt toàn luồng nước tiểu từ thận xuống bọng đái và làm tăng dần áp lực phía trên ống niệu quản và thận, từ đó có thể làm suy thận đưa đến nguy cơ phải mất đi một trái thận (vì không được chữa trị kịp thời, trường hợp này thường xảy ra ở các nước chậm tiến, những bệnh nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, và thật hiếm xảy ra ở các nước tân tiến).


        Câu hỏi mà người bệnh nhân có sạn nên đặt với bác sĩ:

        1. Tôi có sạn thận không hay vì lý do gì làm cho tôi có những triệu chứng đó?
        2. Loại sạn tôi có thuộc loại nào?
        3. Kích thước cục sạn?
        4. Vị trí sạn nằm ở đâu trong thận?
        5. Tôi bị bao nhiêu cục sạn?
        6. Cần phải điều trị gì hay sạn có thể tự động thoát ra ngoài theo đường tiểu?
        7. Tôi có cần phải thử nghiệm xem có bị sạn thận không?
        8. Tôi cần phải kiêng khem gì khi ăn uống hoặc trong sinh hoạt hằng ngày không?

Những thử nghiệm khác để biết sinh hoạt của thận:

          Ngoài những thử nghiệm kể trên, còn có nhiều thử nghiệm khác để biết tình trạng sinh hoạt của thận. 

          Trong những thử nghiệm nầy, chất thuốc nhuộm (contrast) được chích vào gân máu hay qua ống niệu đạo vào bọng đái, lên ống niệu quản và vào thận hoặc đi từ thận xuống niệu quản, bọng đái và niệu đạo. Sau đó sẽ chụp quang tuyến X vùng thận và bụng dưới. Chất thuốc nầy sẽ nhuộm và cho ta thấy sinh hoạt của thận, bị tắc nghẽn ở chỗ nào, thận có bị phù sưng hay không? Thay vì chất thuốc nhuộm có thể dùng hơi.

Hình chụp cho thấy luồng nước tiểu ở thận, ống niệu quản, bọng đái sau khi chích thuốc nhuộm qua gân.

Nếu chẳng may vì một lý do nào đó, một cục sạn lớn hay sạn dạng san hô (staghorn calculi), một trái thận không còn sinh hoạt phải cắt bỏ đi, chỉ cần một quả thận còn lại sinh hoạt tốt, chúng ta vẫn có một cuộc sống bình thường. Tôi có một bệnh nhân phải cắt bỏ một quả thận, vì bị sạn dạng san hô năm 1976, ông vẫn sống khỏe mạnh mãi cho đến năm nay (2023) dù đã trên 90 tuổi.


Hình ảnh staghorn calculi nằm trong thận

Ref. Mayo clinic, Mayo foundation, Cleveland Clinic. Quizlet (Google) 

BS Tống Viết Minh
YKSG 65 72, HD19

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét