Ông giơ tay gạt cái bao ni lông đựng những chai nước lọc đã trống rỗng xuống đất, thọc mạnh ngón tay vào miệng bao mới toanh nằm phía dưới, kéo lấy một chai nước rồi đứng thẳng người, thong thả bước ra cửa.
Bà lặng lẽ đứng nhìn. “Ai sẽ là người nhặt cái bao ấy cho vào thùng ‘recycle’?”, bà tự hỏi và tự trả lời “thì mụ vợ này chứ ai! ”.
Nỗi bực tức trào lên, bà muốn hét lên bằng giọng “tenor”. Á! á!!!. mà phải cố gắng thở hắt ra, tự vỗ về mình “Hạ xuống! hạ xuống!”, rồi lầm thầm hai chữ “Làm thinh, làm thinh” nhưng trong lòng vẫn tức anh ách, nên…
Bà dừng lại, câu chuyện đang kể bị bỏ lững. Bạn chăm chú nhìn vào mắt bà, hạ giọng hỏi khẽ như sợ có ai đang rình mò nghe lén.
-Nhưng cuối cùng thì sao, chị có làm được điều Cha dạy không?
-Nếu được thì làm sao có chuyện kể hôm nay. Lãng xẹt!
-Ừ ! tôi cũng nghĩ vậy. Chỉ là tại Cha không có gia đình nên mới mạnh dạn dạy mình phải làm như thế, chứ nếu Cha có vợ thử xem Cha có làm được hay không…
-Ậy! ậy! sao lại nói xấu Cha. Tội chết!
Hai người cười ngặt nghẽo. Câu Cha dạy nằm trong một buổi tĩnh tâm cách đây khá lâu nhưng hai bà thường mang ra nhắc đi, nhắc lại… đến nỗi, cỏ chắc cũng đã mòn dưới bước chân thời gian nhưng miệng mồm hai bà thì cứ hoài trơn tru kể lể.
Cách đây hai năm, không biết nghe ngóng từ đâu mà trước ngày tĩnh tâm ba tháng các bà đã truyền tai nhau “Kỳ này có Cha khách đến giảng phòng và Ngài sẽ nói về đề tài ‘Làm sao để giải quyết những mâu thuẫn giữa vợ chồng’. Thế là mỗi lần gặp mặt sau thánh lễ các bà bàn tán, rủ rê nhau sẽ dành hàng ghế đầu để có thể nhìn thấy Cha và nghe giảng rõ ràng. Điều quan trọng là phải chuẩn bị câu hỏi để nhờ Cha gỡ rối tơ lòng (kiểu này là mấy ông chồng sẽ không thể chạy tội và gạt ngang, gạt dọc như mọi khi các bà mở miệng than phiền).
Nhà thờ nhỏ, cũ kỹ chỉ có hai trăm ghế nên các bà thường đi lễ sớm để dành chỗ tốt. Chỗ tốt của các bà là những hàng ghế gần cuối nhà thờ. Nhiều lần nhìn thấy phía trên lưa thưa cha nói mát:
- Không hiểu sao mỗi lúc đi xem ca nhạc, ai cũng thích chọn hàng ghế đầu để nhìn rõ mặt ca sĩ nhưng khi đi nhà thờ để gặp gỡ Chúa thì cứ chui vào hàng ghế chót. Chẳng lẽ, ca sĩ lại “có giá” hơn Chúa à?.
Mọi người cười cái rần trong khi các bà quyết liệt phủ nhận “Không phải! Cha nói oan cho tụi con”. Phải hay không ai biết? chỉ biết một điều là ngày hôm sau và nhiều ngày hôm sau tiếp theo các bà vẫn chọn hàng ghế chót. Thế mà hôm nay các bà cả gan ngồi chễm chệ trên hàng ghế đầu.
Sau khi bài giảng rất hấp dẫn và lôi cuốn của Cha chấm dứt, một ông chức sắc trong nhà thờ thông báo sẽ có ba mươi phút để Cha giải đáp những ưu tư, thắc mắc của giáo dân. Ông vừa dứt lời thì đã có đôi ba bàn tay giơ cao. Các câu hỏi lần lượt được đặt ra, có lúc khôi hài nhưng cũng có lúc gay gắt. Chẳng hạn:
-Thưa Cha, ông chồng con cứ mở miệng ra là quát tháo, là cộc lốc như dùi đục chấm mắm nêm. Phụ nữ chúng con, ai cũng muốn gia đình êm ấm, vợ chồng hòa thuận nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Nhịn mãi cũng tức. Đã tức nước thì có ngày phải vỡ bờ mà con thì không muốn bờ bị vỡ sẽ ảnh hưởng đến con cái. Vậy Cha dạy con phải làm sao?
Có vài câu hỏi tiếp theo nhưng câu hỏi sau cùng mang sắc thái “bạo động” hơn:
-Thưa Cha, chồng con được tiếng là “ga lăng” nhưng chỉ “ga lăng” với hàng xóm. Dù chẳng ai yêu cầu ông “give me a hand” nhưng ông rất nhiệt tình “give them a hand”. Còn vợ ông làm gì thì cứ hì hục mà làm bất kể nặng nhẹ, phần ông chỉ “điềm nhiên tọa thị” dán mắt lên màn hình TV rồi giật tay, giật chân theo điệu nhạc như mắc kinh phong. Lúc ấy, máu nóng của con bốc lên tận đỉnh đầu. Con hỏi thật, nếu ở vào trường hợp của con, Cha sẽ làm gì, đập nát cái TV? phang vào chân ông ấy một phát cho hả giận? hay phải tự an ủi mình bằng câu “C’est la vie”.
Có lẽ, sự bất mãn tồn tại lâu năm bây giờ mới có cơ hội bộc phát một cách công khai, mạnh mẽ nên bà chơi luôn một lúc vừa tiếng Việt, vừa tiếng Mỹ, vừa tiếng Pháp và cả “Nho” chùm, nho trái. Mọi người một phen cười nghiêng ngữa với giọng nói vừa chua, vừa chát với âm thanh đầy hậm hực của bà. Cha khép nhẹ đôi mắt, đưa tay xoa xoa vầng trán, cố kềm hãm nụ cười. Dẫu sao Cha cũng phải e dè khi thấy “nữ kê tác quái”, gà mái đang lăm le đá gà cồ. Vì thế, Cha hóm hỉnh trả lời cho bầu không khí trở nên êm ả hơn.
-Nếu là con, Cha sẽ làm gì? Một câu hỏi khá hốc búa đấy nhá. Và đây là câu trả lời của tôi. Nếu là bà thì tôi sẽ làm… Làm gì các bà biết không?
-Làm gì hả Cha?
Các bà nhao nhao lên và háo hức chờ đợi một câu trả lời tựa như cú đấm giáng vào mặt các ông hoặc là những răn dạy nhẹ nhàng nhưng thâm thúy đủ làm các ông ngượng ngùng tím mặt.
Thế nhưng câu trả lời của Cha chỉ có hai chữ. Hai chữ thật đơn giản và nhẹ nhàng như hơi thở mà khốn nỗi cái hơi thở ấy đã thổi tan đi sự háo hức đang ùn ùn dâng lên trong lòng các bà:
-Làm thinh!.
Các ông vỗ tay ào ào. Các bà tiu nghĩu, thất vọng “Thật là uổng công bao nhiêu ngày trông cậy vào Cha”, nhưng vẫn không giấu được nụ cười sau câu nói khôi hài ấy. Để xoa dịu sự căng thẳng, Cha nhỏ nhẹ, ôn tồn giảng dạy về nghĩa vụ của vợ chồng trong hôn nhân. Đại loại như… để đạt được hạnh phúc thì giữa hai người phải có sự tôn trọng, đồng cảm, quan tâm, chia sẻ và nếu có mâu thuẫn xảy ra thì một trong hai người phải “hy sinh” lui một bước để giữ hòa khí trong gia đình. Cuối cùng, các bà cũng ra về với cảm giác thoải mái khi Cha cố ý “khẳng định” vị trí của người vợ:
-Thưa các bà, trong giao tiếp xã hội, chữ vợ luôn đứng trước chữ chồng. Người ta thường nói “hai vợ chồng tôi” chứ đâu ai nói “hai chồng vợ tôi” nên các bà yên tâm, mãi mãi các bà vẫn là nhân vật quan trọng nhất dù bất cứ ở đâu.
***
Chia tay bạn, bà bước ra cửa chợ ngay lúc cơn mưa ào ạt trút nước. Lùi ra phía sau, bà đi đến góc trái nơi có người phụ nữ đang nói chuyện trên điện thoại. Không rõ nội dung cuộc trò chuyện nhưng câu cuối cùng bà nghe được trước khi người ấy nói tiếng “bye” với ai đó làm bà chợt nao núng:
-Tôi cũng biết phụ nữ giữ im lặng là khôn ngoan nhưng rốt cuộc tôi vẫn là người phụ nữ ngốc nghếch.
Làm thinh đồng nghĩa với im lặng. Vậy hổng lẽ mình cũng ngốc nghếch như cô ta sao? Tự dưng bà lại nhớ đến ngày xưa, cái ngày ông hay ôm đàn thủ thỉ bên tai bà bản tình ca mà bà rất thích.
“Lối đi qua nhà em nghe nồng nàn mùi Dạ Lý thật thơm. Khi đêm sang đom dóm đong đưa, giờ nàng đã ngủ chưa? Đi lang thang khuya lắc khuya lơ, đèn nhà ai tắt sớm. Gom suy tư thao thức đêm khuya,
chàng bèn viết lá thư. Hai hôm sau mới dám đưa thư, nàng nhận nhưng làm thinh”.
Bà bật cười rồi xô cửa bước ra ngoài, ngữa mặt hứng những giọt nước mưa mát lạnh, lòng bỗng nhẹ tênh và đó cũng là lúc bà chợt nhận ra hai chữ “Làm Thinh” trở nên dịu dàng và dễ thương quá đỗi.
(*) Lời trong nhạc phẩm "Gặp nhau làm ngơ" của NS Trần Thiện Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét