Ngày xưa tôi có đọc được một câu chuyện vui như thế này:
Một cặp vợ chồng lên đường đi chơi xa. Lên xe đi được ¼ đường thì cô vợ hốt hoảng la lên:
- Thôi chết rồi anh ơi! Hình như em quên tắt bàn ủi. Mình trở về ngay kẻo cháy nhà thì chết!
Người chồng cuống cuồng quay đầu xe trở lại tức thì. Vào nhà thì bàn ủi đã rút dây đàng hoàng.
Lần thứ nhì, hai vợ chồng lại lái xe đi chơi xa. Được ½ đoạn đường bỗng vợ la rối rít:
- Thôi chết rồi anh ơi! Hình như em lại quên tắt bàn ủi nữa rồi. Mình trở về ngay kẻo cháy nhà thì chết!
Người chồng bực bội nhưng chẳng có lý do gì cưỡng lại vợ, đành miễn cưỡng quay về. Bàn ủi đã rút dây đàng hoàng.
Lần thứ ba cặp vợ chồng này lại đi chơi xa. Đi được ¾ đường, gần đến nơi, vợ lại giật mình nằng nặc đòi chồng quay về vì hình như nàng lại quên không tắt bàn ủi. Lần này thì anh chồng điềm tĩnh, từ tốn quay sang trấn an vợ:
- Không việc gì phải lo em ạ. Cái bàn ủi của em anh đã bỏ vào xe mang theo đây rồi.
Diệu kế!
Không hiểu sao những ngày này đầu óc tôi lại nghĩ đến câu chuyện xưa kia. Mẹ tôi năm năm vừa ăn thọ 90 tuổi. Bà ngày càng chậm chạp, mắt không thấy đường, chân tay yếu hẳn, bước đi không vững. Tuần rồi bà ngã đập đầu vào tường u một cục, và hai ngày sau lại ngã lần nữa. Bà mất sức hẳn và trở nên nhút nhát sợ sệt khác trước. Cả hai lần ngã đều có tôi ở nhà cùng với bà, chỉ có cái là tôi không có mặt ngay tại “hiện trường”. Sau hai lần ngã, bà may mắn không bị thương tích gì đáng kể, nhưng vẫn rêm nhức toàn thân, tinh thần ỉu xìu, mặt mày buồn bã trắng bệt, nói năng nặng nhọc, ngồi lâu không được, ăn uống không ngon, chỉ nằm li bì trong giường như người ốm nặng. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, nên đứa con gái tuổi ngọ này cũng thất thểu chao vao theo mẹ. Tôi hồi 2 cuộc hẹn đi chơi với bạn, ngồi nhà len lén canh chừng bà.
Rồi cũng có việc phải đi ra ngoài chứ không ở nhà ru rú suốt ngày được. Cứ nghĩ đến ra khỏi nhà mà ở nhà mẹ ngã một mình nữa thì chết. Tôi sợ lắm. Cuối cùng tôi bảo mẹ lên xe ngồi với tôi, tôi đi đâu bà đi đó. Ngồi buộc dây cứng nhắc vào ghế cạnh bên tôi thì không thể ngã được. Ha ha! Đây là diệu kế “cái bàn ủi” của ông chồng trong chuyện. Chở “cái bàn ủi của tôi” đi một vòng công chuyện rồi hai mẹ con trở về nhà an toàn!
Ngày xưa “cái bàn ủi của tôi” thủ nhiều vai trò rất oách trong đời: ban ngày làm công chức bươn chải đi làm cùng chồng nuôi con, đêm về làm nội trợ rửa chén bát, giặt giũ, may quần áo mới, vá quần áo cũ cho chồng con, làm gia sư kèm con học, ngày nghỉ cùng chồng đưa con đi chơi, ngày giỗ Tết nấu nướng cúng kiến, thăm viếng họ hàng, v.v. Cả thời thơ ấu tôi bình yên núp bóng cha mẹ, an tâm lúc nào cũng có hai cây tùng cao to, vững chắc che chở cho mình trước mọi giông bão thách thức ngoài đời.
Thấm thoát anh em chúng tôi lớn dần, và bước ra đời vật vã gồng gánh gia đình như bố mẹ mình ngày xưa. Mẹ tôi không còn phải tả xung hữu đột giữa chợ đời nữa. Bà rút dần vào bóng tối, lẳng lặng ở nhà giúp đỡ bếp núc dọn dẹp, trông nom, đưa đón con cháu.
Tôi phải đi làm trở lại khi con mới 6 tuần tuổi, nên bà ở nhà cho cháu bú mớm no nê, tắm rửa sạch sẽ trước giờ mẹ về. Đêm cháu ngủ với bà để mẹ được yên giấc hôm sau đi kéo cày, không phải thức giấc nửa đêm. Mẹ đi làm về được bà báo cho biết những dấu mốc trưởng thành của con, khi nào con mọc cái răng đầu, khi ngày nào con tự đứng vững đi bằng hai chân, đưa hai tay thẳng trước mặt giữ thăng bằng, ngày con rụng cái răng sữa đầu tiên, v.v.
Con tôi rất thích nghe bà kể chuyện con hổ và con chuột, con voi và con kiến, cô Tấm cô Cám, v.v. Cứ vòi bà kể đi kể lại bao nhiêu bận. Bà giúp tôi ghi sổ ngày nào thợ đến cắt cỏ, ngày nào bà lau dọn đến để tôi chuẩn bị chuẩn bị để tiền mặt ở nhà cho bà trả công họ dùm tôi. Ngày giỗ ngày Tết bà dạy con tôi chắp tay khấn các cụ, xin cụ phù hộ cho con hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang. Một ngày con tôi buột miệng hứa sau này nó sẽ cúng giỗ bà ngoại. Tôi nghẹn ngào cảm động nhận ra rằng những truyền thống dân tộc bà dạy cháu đã ngấm vào hồn “con Mỹ con”, nhưng vẫn cố làm tỉnh trêu hai bà cháu: “Rồi, bà ngoại tập ăn hamburger đi nha. Nó không biết làm dưa giá thịt kho đâu!”
Thế rồi cháu cũng thoát khỏi vòng tay ôm ấp của bà xách gói ra đi. Bà vẫn ở nhà với mẹ, ngày càng nhẹ đi một tí, lùn đi một tí, còm cõi mong manh. Trí nhớ của bà cũng hao hụt theo năm tháng như cân nặng và chiều cao của bà ngày càng sụt đi vậy. Bà vẫn nhớ chuyện ngày xưa vanh vách, nhưng chuyện nay như vừa làm gì, ăn gì, nói gì thì cứ quên bẵng.
- Má ơi, chiều nay mình đến đón hai bác Điển rồi đi ăn tối ở nhà hàng XYZ đó nha.
- Vậy à? Vui quá! Lâu rồi má không gặp hai bác.
- Vậy má chuẩn bị rồi 5 giờ mình đi nhé.
- Ủa, đi đâu vậy con?
- Thì vừa mới báo cho má biết là sẽ đi ăn tối với vợ chồng bác Điển mà!
- Ờ há!
Sau bữa ăn tối vui vẻ, lúc mọi người đứng lên bà quay lại chào:
- Dạ chào ông bà, mong rằng sẽ có dịp mình gặp nhau nữa.
- Má! Mình đón hai bác đi ăn thì bây giờ mình đưa hai bác về chứ? Sao má đã vội chào?
- Ủa vậy hả?
Lần khác:
- Chiều nay con nấu canh chua thiệt đúng ý má quá. Ngon ghê!
- Thì hôm qua má yêu cầu!
- Ủa, má có nói sao?
Mỗi lần nói chuyện với mẹ tôi về những chuyện mới xảy ra ngày hôm qua hay mới sáng nay, bà cứ như người từ cung trăng rơi xuống. “Ủa, má có nói vậy hả? Hồi nào?” “Ủa, con nói hồi nào sao má hổng biết gì hết vậy?” Trời đất ơi, má có được cho biết tường tận hết mà! Thiệt tình nhiều khi thấy nói chuyện với cái đầu gối đỡ tức hơn! Muốn mẹ tôi “thông thái” thì chỉ có việc gợi chuyện ngày xưa, thời bà còn bé ở quê, thời bà và ông bà ngoại tôi mới chạy giặc lên Sài Gòn tìm cách sinh sống, thời bà nuôi dạy chúng tôi ngày bé. Bà nhớ đủ cả những chi tiết 70, 80 năm trước, và nói đến tên nhân vật nào là bà cho tôi biết cặn kẽ “lý lịch trích ngang” của từng người. Cậu đó là con ông nào, cháu ai, lấy vợ là con cháu nhà ai mà lọt vào gia đình mình, v.v. Chẳng những bà thuộc cả gia phả giòng họ Lê và họ Phan, mà bà con thuộc tất cả gia phả của bất cứ ai trong làng. Hình như ở làng quê nếu truy tìm gốc gác cho cặn kẽ thì mọi người đều là bà con cả!
Mắt mẹ tôi bị đủ thứ bệnh, một con đã mù hẳn vì glaucoma, con kia thì giác mô bị sưng phải mổ thay cái khác nhưng vẫn không bám chặt vào mắt nên chỉ thấy lờ mờ như kiểu ta đeo kính mà bị ướt nước mưa, cảnh vật nhòe nhoẹt hẳn đi. Bên trong con mắt khỏe lại bị rỉ nước (macular degeneration), thật là tứ bề thọ địch. Tôi thì cứ vô tư, cứ cho rằng mẹ mình ngày xưa khỏe thế nào thì bây giờ vẫn như thế không thay đổi. Cho đến một ngày tôi tìm thấy nồi niêu còn bám đầy mỡ mà bà mang cất vào tủ vì không thấy bẩn, thì tôi chua xót ghi nhận thêm một sự “lão hóa” của mẹ mình. Đôi khi bà bảo: “Con đi chợ mua táo đó hả? Tôi phải cải chính: “Đâu có, con mua cà chua má à, để chiều nay con nấu canh chua cá cho má ăn.” Ngồi vào mâm cơm, bà thấy được dĩa đồ chiên chẳng hạn nhưng phải hỏi: “Cái này là cái gì? Cá chiên hay đậu hũ?” Có khi tôi nói tên món ăn cho bà nghe, đôi khi tôi làm khó bảo: “Má ngửi thử xem là món gì? Má nếm thử xem là món gì?” Tôi buộc bà phải làm việc gấp đôi, thị giác bất lực thì phải vận dụng khứu giác hay vị giác để cứu bồ chứ. Đồ vật nằm ngay trước mắt mà bà cứ quanh quẩn đi tìm, quờ quạng rờ rẫm, nên tôi chỉ cho bà biết bằng cách gõ cóc cóc hay keng keng vào món đồ để bà nghe tiếng đưa tay dò dẫm cầm lấy.
Mẹ tôi tính rất can đảm và chịu đựng. Có lẽ bà đã tập được hai đức tính này từ thuở nhỏ khi là con gái trong một gia đình khá nghèo, tất cả tiền bạc ông bà ngoại đều trút vào nuôi cậu con trai trưởng ăn học thành tài, còn bà là con gái phải bỏ học sớm để phụ buôn bán với cha mẹ. Có lẽ bà trau luyện thêm khi lập gia đình trong thời chiến tranh khốn khó, bà phải quên mình, nhịn ăn nhịn mặc lo cho các con. Từ ngày yếu đi và mất dần khả năng sinh hoạt bình thường như ngày xưa thì bà tự đối phó một mình chứ không không than thở sầu não. Đôi khi nghĩ mình hơi một chút là “bà chúa đứt tay bằng ăn mày đổ ruột!” mà tôi hổ thẹn thầm. Thỉnh thoảng bà còn lên tiếng khen ngợi cái số “may mắn” của mình. “Thật là thương cái nước Mỹ quá! Chỉ có nhà thương bên này mới chữa được đủ thứ bệnh cho con mắt má, chớ còn ở Việt Nam là mù trớt ngồi một chỗ từ lâu rồi!” Có lẽ đúng. Ngày xưa tôi nghe kể chuyện bà cố ở quê của tôi bị mù suốt nhiều năm trong tuổi già, chỉ ngồi một chỗ cho con cái săn sóc, và bà ngoại tôi cũng mất thị giác lúc cuối đời. Thế thì mẹ tôi ở tuổi ngoài 80 bị hỏng một con mắt, còn con kia chỉ thấy đường lờ mờ thì đúng là may mắn rồi chứ còn gì.
Càng cao tuổi mẹ tôi càng “trở về nguồn”, cứ thèm được ăn những món dân giả nhà quê như thịt kho khô, cá kho quẹt, tôm rim mặn, v.v. Tôi cố tình “lèo lái” bà tránh những món ăn nhiều muối có hại cho sức khỏe, nên hay trộn xà lách, luộc rau củ thật nhiều. Thấy bà ăn uống chậm rãi e dè là biết bà cố giữ phép lịch sự với tôi chứ chả tha thiết gì những món bổ tỳ bổ vị này. Hôm nào tôi tội nghiệp, cắn răng nấu ăn “phản khoa học, hại sức khỏe” với những món kho quẹt, kho tiêu mặn mặn ngọt ngọt là thấy bà vui hẳn lên: “Hôm nay má ăn được cơm!”
Sau hai lần té ngã mẹ tôi đang tập dùng cái walker để đi lại trong nhà vì hai đầu gối bà nhất định đình công không còn tin tưởng được nữa. Hằng ngày, nghe những tiếng lẹt xẹt của walker đi lại trong nhà, tiếng lịch kịch đụng chân bàn chân tủ, tôi vừa xót xa vừa bị phân tâm không tập trung làm việc được, nhất là khi nghe tiếng động lúc bà vào phòng tắm nửa đêm, tôi lại nín thở theo dõi cho đến khi tiếng động ấy trở về đúng xuất xứ mới yên tâm ngủ tiếp. Rồi phải tự trấn an mình rằng còn nghe những âm thanh quấy rối ấy là biết bà còn đi lại được, không nghe nữa là… mệt rồi đó!
Vậy mà bà vẫn không bỏ việc rửa chén bát sau khi ăn, cái job thường xuyên bà đảm nhiệm hơn chục năm nay, tôi nấu ăn còn bà dọn rửa. Bà chậm chạp đẩy cái walker đến bồn chén bát, để nó cạnh bên rồi xử lý chén bát chồng chất trong bồn. Sau đó lau tay rồi từ từ quay sang nắm lấy cái walker chậm rãi ra đi ghé dzô bến khác. Tôi cũng cắn răng không lay off bà khỏi cái job này. Tough love mà! Đúng là bóc lột lao động của người già! Có lẽ trong thâm tâm tôi vẫn còn đang từ chối chấp nhận sự thật. Mẹ mình vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn làm được việc nhà, rửa bát sạch sẽ không làm đổ vỡ mà! Mẹ tôi chưa trở thành phế nhân!
Tuy nhiên, tôi luôn chuẩn bị tinh thần để nhảy bổ vào can thiệp nếu bà vấp ngã hay sắp quỵ xuống. Tôi ngồi ôm máy computer ra vẻ làm việc chăm chú, nhưng đôi mắt cú vọ cứ như công an phường khóm luôn kín đáo theo dõi “đối tượng”. Sao bà vào phòng tắm lâu quá vậy? Sắp ra chưa? Bà đang bỏ ly cà phê vào microwave hâm nóng lại, có cầm nổi cái ly nóng đi ra bàn không hay cần tôi giúp? Khi nào phải đánh xe một mình ra đường thì tôi lại hoang mang hãi sợ về những điều không may có thể xảy ra ở nhà. Bà vấp góc tường trượt chân? Walker bị kẹt cánh cửa phòng khiến bà bổ nhào xuống đất? Cái tôi bề ngoài cứng rắn tỉnh bơ bị lột mặt nạ. Tôi lo sợ quá đi!
Hôm lễ Vu lan vừa rồi các học trò cùng trường quay quần tại nhà cô giáo. Cô chuẩn bị sẵn một bình hoa hồng đỏ thắm và trắng tươi chưng trong nhà, để khi ra về học trò mỗi người cầm về một đóa hồng xinh tươi; hoa hồng đỏ cho người còn mẹ và hoa hồng trắng cho người đã mất mẹ. Chỉ mình tôi may mắn được nhận một hoa hồng đỏ thắm tươi. Đó là diễm phúc lớn lao của những người không còn trẻ nữa như chúng tôi. Mẹ tôi đáng được nâng niu như hoa hồng đỏ mỏng manh trang đài. Tôi không biết mình có đủ hiếu hạnh để trân quý mẹ như vật báu trên đời không. Con người thô thiển của tôi chẳng biết làm sao nâng niu đóa hồng đỏ thắm của mình. Thôi thì tôi cứ giữ bà như “cái bàn ủi” của tôi, mỗi lần ra xe thì bê theo để đề phòng bất trắc ở nhà. Vật bất ly thân, cẩn tắc vô áy náy!
Thúy Messegee
9/2/22
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét