Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2023

Phong Lan và Giai Nhân


Xin gửi đến những ai đã từng mê mẩn với các đoá hoa Lan Hoàng Hậu – Phong Lan và Địa Lan – trong bài viết dưới đây

Phong Lan và Giai Nhân

Một sáng mùa xuân
Chim hót xa gần
Mây trắng phù vân
Bay về vô tận.
Hoa đào, hoa mận
Nở rộ ngoài vườn.
Bên hàng hướng dương
Có con bướm trắng
Bay lượn chập chờn.
Lòng tôi gợn buồn
Ngắm hoa lan tím
Tôi vẫn đi tìm
Sao Em ẩn hiện?
Trông Em diện tiền
Hiền như Phật Mẫu.
Nếu đã thương nhau
Sao không xuất hiện?
Hay Em là Tiên?
Tôi người trần tục
Năm tháng nhiều lúc
Đi trong sương mù.
Đông, Hạ, Xuân, Thu
Đi tìm chân lý.
Công danh, ý trí
Có nghĩa lý gì!
Tôi kẻ Tình Si
Say men thi vị
Với hình bóng em.
Xin hãy hiện lên
Với bông Lan này
Tôi đang chờ đây
Thẹn thò chi nữa!

Nguyễn Đàm Duy Trung
Mother’s Day
May 1997

Hoa Lan trong ngày Lễ Tình Nhân năm 2015 tại Toronto:



Thú Chụp Hình Trong Thú Chơi Lan

Hôm nay trời Toronto đang nắng to nhưng lại rất lạnh: -12 độ C. Có thói quen là khi nào trời nắng to, tôi thích được đi bộ. Tuổi về chiều, không dám đi bộ khi trời quá lạnh, tôi hậm hực lái xe vào thư viện gần nhà, nhìn qua cửa kính nhớ về những đóa hoa phong lan và địa lan.

Sau khi viết xong bài “Thú Chơi Lan”, tôi thấy còn có hứng để viết thêm về cái “Thú Chụp Hình Phong Lan và Địa Lan”. Bây giờ ngồi trong một góc thư viện vắng người, bèn lấy giấy bút ra ghi chép và để đi vào cái thế giới riêng tư tĩnh lặng của riêng tôi.
CÁI THUỞ BAN ĐẦU LƯU LUYẾN ẤY

Những bông hoa lan đầu đời của tôi ra hoa đã làm cho tôi mê say đến nỗi phải đi kiếm sách về lan để tìm hiểu về các loại lan khác nhau. Tôi náo nức đi dự những buổi họp hàng tháng của hội lan vùng miền Nam Ontario, Canada (Southern Ontario Orchid Society), vừa để được có dịp mua lan với giá rẻ, vừa để nghe “các sư phụ trồng lan” bình phẩm từng chậu lan đang ra hoa. Tôi không quên mang theo cái máy hình chụp bằng phim (hồi đó chưa có máy hình digital). Có nhiều cuộn phim cả mấy tháng sau tôi mới đem đi rửa hình, sau khi hoa đã tàn. Nếu may mắn được tấm hình đẹp, người chụp hình còn có thể lưu lại hình thù và mầu sắc của bông lan. Tôi cũng đã có cái sui: hình bị hỏng mà lan đã tàn! Chẳng lẽ lại “đập bể máy ra tìm lấy bóng”? Chẳng dại gì mà làm như vậy cho tốn tiền vô ích!
DIỄN BIẾN CỦA DIGITAL CAMERA

Người mê lan vẫn tiếp tục trồng lan: trên thành cửa sổ, treo từ trần nhà bên cạnh cửa sổ, dưới ánh đèn nê-ông trong hầm nhà (basement) và bất cứ những chỗ nào trong nhà mà tôi có thể “xâm lấn” được… Rồi “đế quốc lan” lan ra tới cái nhà kính mà tôi đã tự xây lén “chính phủ tại gia” (dịch từ chữ “spousal government” ý mà) ngoài vườn. Chụp hình (bằng phim) tất cả những giò lan đang ra hoa cũng là một cái thú, nhưng đó là một cái thú đau thương: vừa tốn tiền, vừa tốn chỗ để chứa các “albums”. Cũng chỉ vì người mê lan muốn ghi lại những giai đoạn tiến triển của cây lan, nụ lan, hoa lan, hình thù và mầu sắc của các bông hoa mà thôi.

Rồi tôi được trời thương: đầu thập niên 2000, khi mang học trò ra công trường thăm nhà máy lọc nước cống, nhà trường cho tôi mượn một cái máy hình digital của Sony dùng “floppy disk” (chứa được chừng 10 tấm hình trong một “cuốn 1.2 MB phim”). Những tấm hình digital đầu đời mà tôi chụp nhà máy lọc nước tương đối “ăn ý” so với những tấm hình chụp bằng phim ảnh trong những năm trước đó. Tuy nhiên khi rửa ra hình, tấm hình không được rõ nét cho lắm (vì thiếu “resolution”), bèn hăng hái đưa lên mạng lưới để học trò dùng làm tài liệu học tập.

Dĩ nhiên là bác phó nhòm không quên mượn cái máy hình digital này để chụp những đóa hoa lan đang nở ở nhà. Vì mê lan nên bác phó nhòm nhà ta bèn đi mua ngay chiếc máy hình digital Sony đầu đời để bắt đầu “mang hình nàng lan về dinh” trong “computer” không những ở nhà mà còn ở trường nữa. Số lượng “floppy disks” của tôi bắt đầu gia tăng theo tỷ lệ đường cong (curvilinear function) với thời gian, tốn rất nhiều chỗ để lưu trữ “floppy disk”. May mắn thay, Sony đã cho ra đời loại máy hình digital dùng “memory card” có sức chứa rất nhiều hình hơn so với loại “floppy disk” (thời đó Sony là “lãnh chúa” trong kỹ nghệ sản xuất máy hình digital).

Đang buồn ngủ mà lại kiếm được chiếu manh, người viết “tậu” ngay một máy hình mới (Sony F707, dùng “memory card”) để thay thế cho máy cũ (Sony MCV dùng “floppy disks”). Cầu được, ước thấy, người viết tha hồ chụp mà không sợ về vụ “hết phim” trong máy hình nữa. Vừa tiện lợi, nhanh chóng, vừa đỡ tốn tiền rửa hình mà lưu trữ hình lại quá dễ dàng nữa. Chỉ cần bỏ hình vào “computer” rồi tự tiện xóa hình, thêm ánh sáng và sửa hình bằng “software” trong những lúc rảnh rỗi ở nhà cũng như ở trường. Vui thú biết bao!

Tuy nhiên, tốc độ chụp được hình ảnh của máy hình Sony F707 cho thật đúng lúc lại khá chậm, nhất là khi tôi chụp các cô, các cậu vũ công: những giây phút hình cần phải thu được hình, lại bị chụp hụt vì kỹ thuật máy hình (digital camera technology) hồi đó còn “non” lắm! Vì lẽ đó, tôi “tậu” thêm một chiếc Sony F828 “hại điện” (hiện đại) hơn, với tốc độ thu hình tiến bộ trông thấy. Tôi đã đi thăm nhiều nơi tại Việt Nam với chiếc Sony F828 này, chụp hình phong cảnh khi xe còn đang chạy mà hình không bị mờ. Cũng đã chụp hình được rất nhiều giò lan tại Ðà Lạt và Saigon. Sau đời Sony F828, tôi bắt đầu chuyển qua loại máy hình SLR với các ống kính (telelens) phù hợp với nhu cầu chụp hình của bác phó nhòm trong những chuyến đi chơi xa. Vào mạng lưới để đọc những tài liệu cập nhật hóa (up-to-date specifications, reviews) về máy hình, ống kính, flash… cũng là một cái thú trong những đêm khuya tĩnh lặng của tôi. Rồi tôi “mang về dinh” các “nàng” Sony Alpha 100 và 250, Canon EOS 40D, Panasonic Lumix DMC FZ28 để thỏa trí tò mò và sở thích của tôi trong việc chụp hình hoa, phong cảnh khi đi du lịch, chụp hình đám cưới, đám ma, chụp hình các cháu nội, cháu ngoại và nhất là thu hình (movie clips) các cháu khi chúng chơi đùa.

Sau khi đã có ý định cần có một máy hình cho một công việc đặc biệt (project) nào, tôi vào Internet để đọc những bài phê bình những loại máy hình này. Rồi còn lái xe ra hiệu bán máy hình để sờ mó, chụp thử, hỏi về giá cả… trước khi tôi “mang nàng về dinh”. Dĩ nhiên là phải…dấu kín “chính phủ tại gia”! Cũng xin mở một cái ngoặc kép ở đây: sở dĩ tôi “dính” với Sony khá lâu cũng chỉ vì Sony là một trong những hãng tiền phong về máy hình digital ban đầu dùng “floppy disk” và trong những giai đoạn đầu các “lithium batteries” (pin) của Sony đều có thể dùng chung từ “models” này sang “models” khác, rất đỡ “tốn kém ngân quỹ” của kẻ mê máy hình và mê chụp hình này!

Khi mang nàng Canon EOS 40D và hai chiếc ống kính (lenses) về nhà, tôi mong mỏi đợi chờ ngày bão tuyết để mang máy ra chụp thử. Phó Nhòm giống như một kẻ bị ma ám vậy: chụp lan, chụp hoa, chụp chim chóc đang hót trên cây hay đang đậu trên các căn cao ốc cao vời vợi. Thế rồi có những đêm trời lạnh cóng, tôi mang nàng Canon với ống kính F2.8 ra đường phố chụp cảnh tuyết rơi ban đêm! Vào đến nhà, lạnh cóng mấy ngón tay luôn! Ðêm đó, tôi say mê ngồi xem xét những tấm hình chụp theo những lối “set up” chụp hình khác nhau. Phải chăng đây cũng là một cơ hội “vào thiền” của riêng Phó Nhòm?
THEO DÒNG THỜI GIAN

Chúng tôi có một nhóm bạn. Mùa Hè thường hay rủ nhau lái xe đi xem phong cảnh và picnic. Cặp nào cặp nấy đều trang bị đầy đủ với máy hình: cả nam và cả nữa đều trang bị như nhau.

Nhưng có lẽ mùa Thu là mùa tuyệt vời nhất vì nó là mùa của lá đổi mầu, mùa của sự chuyển biến. “Phái đoàn” chúng tôi thường hẹn nhau “lên đường”, không quên mang theo cơm nắm, muối vừng, thịt kho, bình trà… Có những lần chúng tôi lái xe hàng trăm cây số, lái dọc theo bờ hồ, những con đường hẻo lánh vùng núi. Và cũng có lần, chúng tôi đã suýt nữa ngủ lại trong một motel có bóng ma bà già mang bình cà phê ra mời khách. Chúng tôi đã có những bữa ăn vui nhộn trong tình bạn bè, cười nói thỏa thích. Để rồi sau đó chúng tôi cho nhau xem những tấm hình lá vàng, lá đỏ, quả khô, bờ hồ, ven suối, đàn vịt, đàn ngỗng trời…

Khi còn đi dậy học, đối với tôi mùa Thu là mùa vừa đẹp lại vừa buồn. Đẹp vì cảnh mùa Thu, buồn vì tôi lại phải làm việc hùng hục sau hai tháng nghỉ hè, và sau mùa Thu là mùa Đông với nàng tuyết khó thương của xứ Canada. Rồi tôi “làm quen” với cái khó thương của nàng tuyết: trong mùa lễ Giáng Sinh vác máy hình đi chụp những đêm trời tuyết và những nơi người ta giăng đèn. Cái lạnh ngoài đường được đem vào nhà qua các hình ảnh được chiếu trên màn ảnh của máy vi tính trong cái ấm cúng của căn phòng là một sự pha trộn rất tuyệt vời trong trí tưởng tượng của tôi.

Đối với người viết bài này, đóa hoa lan là một sản phẩm tuyệt vời của tạo hóa:

Em là kết tinh
Của sương
Của gió
Và của thiên nhiên...

Cũng nhờ mê lan và mê trồng lan, người viết đã vượt qua được nhiều cái hụt hẫng của cuộc đời:

Với riêng ta
Em là tất cả
Vì em đã
Mang lại cho đời
Chất nhẹ trong Tâm…

Thú chụp hình hoa lan trong những ngày hội hoa lan, trong nhà kính, trong vườn, trong thiên nhiên sẽ vẫn còn theo tôi, có lẽ còn sang đến tận kiếp sau cũng nên!?

Đàm Trung Phán
Mississauga, Canada
Tháng 5, 2009 / Tháng 6, 2023


1 nhận xét: