Tôi nhìn người giảng viên đang bước vào lớp học với một vẻ tò mò, đó là một người đàn ông trung niên, trạc ngoài bốn mươi tuổi, dáng cao gầy, người Á Đông, ăn mặc lịch sự, đeo kính trắng, trông có vẻ trí thức.
Đây là một buổi thuyết trình về bệnh đông máu với đề tài “Insights into the monitorings of oral anticoagulant therapy with the INR system” do Hội đoàn Y tế tổ chức tại khách sạn Sheraton của thành phố Industry.
Như thường lệ hàng năm, các chuyên viên y tế như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, chuyên viên phòng thí nghiệm, y tá v…v… đều phải tham dự các buổi học Continuing Education, gọi tắt là CE, để nâng cao trình độ nghề nghiệp, cập nhật hóa với những tiến bộ và những phát minh hiện đại. Buổi học hôm nay, học viên đều là các dược sĩ từ khắp các nơi đổ về, đủ mọi loại người, da trắng, da đen, Trung Âu , Ấn Độ , Mexican v…v… Chỉ có một số rất ít người Á Đông, và tôi là một trong số những người Việt Nam hiếm hoi, có mặt trong buổi hội thảo hôm nay. Lớp học đầy kín những người, và vì tôi tới trễ nên chỉ chiếm được một chỗ ngồi gần cuối lớp. Ban tổ chức giới thiệu chàng với cử toạ, họ đọc tên chàng với những bằng cấp nghe dài dằng dặc đến phát ớn: tiến sĩ Sinh hoá học, giáo sư Đại học Stanford, bác sĩ điều trị bệnh viện Sinai… Thường thường đa số các diễn giả đều có những bằng cấp cao, chẳng có gì lạ, nhưng cái tên của chàng làm tôi chú ý: David N. Tran. Tôi mỉm cười, à thì ra đây là một người Việt Nam, sinh ra trong một gia đình truyền thống cổ xưa, mang cái tên do họ của cha và mẹ ghép lại: N là Nguyễn? Trần Nguyễn David? Hay N chỉ là chữ viết tắt của những tên đàn ông thông thường như Nam, Ninh, Nguyên, Niệm?
Tôi chợt phì cười cho cái tật đoán mò của mình, nhưng vội vàng làm mặt nghiêm, vì hình như trên kia chàng đang nhìn tôi? Nhưng có thể tôi lầm, vì đó chỉ là một cái nhìn bao quát khắp lớp học. Tôi thầm xấu hổ với chính mình vì cái ý nghĩ chủ quan đó, tôi thì có gì đặc sắc đâu để người ta phải chú ý? Tôi ăn mặc giản dị không màu mè bắt mắt, nhan sắc tuy ưa nhìn, nhưng không bù lại được với cái tuổi đã quá thì, làm sao có thể sánh được với các bạn trẻ đang ngồi chung quanh? Tôi như tách biệt ra khỏi đám đông đang cười đùa, rỡn hớt thật vui nhộn, trong lúc tôi vẫn ngồi im lặng trong một góc tối, mặt cúi xuống trang sách.
Trên kia chàng đang bắt đầu nói bằng một giọng tiếng Anh lưu loát. Chàng nói thao thao bất tuyệt về những nguyên nhân có thể thể gây ra bệnh đông máu, cách chữa trị, và theo dõi kết quả bằng những thử nghiệm về PT, PTT và INR. Chàng nhấn mạnh về vai trò quan trọng của INR trong việc theo dõi bệnh… Tôi chú ý nghe thì ít, nhưng tò mò ngắm nghía để phê bình chàng thì nhiều: hơi gầy nên không xứng với chiều cao, phải mập thêm một chút nữa mới vừa, mặt hơi xương, cằm hơi vuông, miệng hơi rộng… Cái gì cũng hơi hơi, khuyết điểm không có chi nặng. Bù lại chàng có cặp mắt sáng, mũi cao, cái miệng tươi cười và hàm răng trắng bóng, mặt mũi trông sáng sủa, hiền lành. Nhìn chung, chàng thuộc loại đẹp trai, mà tôi thì sợ những người đẹp trai lắm. Đông của tôi khi xưa cũng đẹp trai, học giỏi và có nhiều bằng cấp như anh chàng David N. Trần này đây. Nhưng Đông không chung thủy, chỉ hứa hẹn hão, và tôi ngây thơ tin hắn nên cứ chờ đợi, chờ đợi mãi... Tuổi xuân qua đi lúc nào không hay, tới khi biết được chàng phản bội lời thề, và đã có vợ khác, thì tôi đã là một cô gái lỡ thời rồi.
Tôi quen Đông khi cả hai cùng làm chung tại bệnh viện Chợ Rẫy. Dạo đó Đông là sinh viên nội trú Y khoa, còn tôi là nữ y tá. Những đêm khuya trực gác, chúng tôi thường nói chuyện, để qua cơn buồn ngủ. Thế rồi tình yêu đã nẩy nở giữa đôi trai tài gái sắc, Đông hứa hẹn sẽ cưới tôi sau khi ra trường. Đông học rất giỏi, ngay sau khi vừa tốt nghiệp bác sĩ, chàng được cấp học bổng đi Pháp, học bốn năm chuyên khoa về tim mạch. Thế là chuyện cưới xin đành phải hoãn lại, Đông xin với cha mẹ hai bên, gấp rút cho tổ chức lễ đính hôn, dự tính khi học xong, về nước thì sẽ làm đám cưới. Cuộc tình mới chớm đã phải chia xa, năm ngày sau đám hỏi, tôi đưa tiễn chàng lên đường
Xa nhau cách cả đại dương, chúng tôi vẫn thơ từ qua lại, hẹn ước sẽ trung thành với nhau suốt đời, cho dù hoàn cảnh thế nào, cũng phải tin tưởng nơi nhau. Chàng thề thốt, hứa hẹn đủ thứ, tôi ở nhà vui vẻ đợi chờ, sống đời chinh phụ ngóng trông tin chàng, gạt bỏ hết những người theo đuổi, trong đó có cả mấy anh chàng bác sĩ, bạn đồng học với chàng lúc trước. Tôi một lòng, một dạ chung thủy, kiên gan chờ chàng. Nhưng, học hết bốn năm, chàng xin ở lại ba năm nữa, học thêm ngành giải phẫu tim. “Anh biết em buồn , nhưng làm một người vợ tốt phải biết khuyến khích chồng. Anh đi là vì tương lai của chúng ta sau này, anh muốn trở thành một bác sĩ nổi danh, và em sẽ hãnh diện khi làm vợ anh.” Chàng đã viết như thế, toàn những lời hứa hẹn ngọt ngào, đương nhiên coi tôi là vợ trong tương lai. Đọc thơ chàng, tôi cảm động, nhưng mẹ lại thở dài:
- Mẹ lo lắm, nó cứ hẹn hết nay tới mai, hết năm này qua năm khác. không lẽ con cứ chờ đợi hoài cả đời hay sao? Tuổi xuân qua mau, năm nay con cũng gần ba mươi rồi, mà mẹ thấy cuộc tình của con với Đông không có triển vọng tốt đẹp, chắc Đông đã thay lòng đổi dạ, nếu không, sao nó cứ lần lữa mãi thế, có ai đang yêu mà như vậy không? Đông chỉ nghĩ đến danh vọng, không màng để ý tới con. Thôi, đừng mù quáng nữa, con đặt tình yêu lầm người rồi. Mẹ tiếc sao con không nhận lời cầu hôn của Tuấn con bác Thanh, bạn của bố mẹ. Cậu ta yêu con thật lòng và cũng là bác sĩ, chứ có thua kém gì cậu Đông?
- Nhưng con đã yêu Đông rồi mẹ ạ, và anh ấy cũng yêu con. Yêu nhau không phải là chỉ nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng, Đông hiếu học, điều đó có chi là đáng trách đâu? Con không thể đi ngược lại hướng đi của Đông, phá hỏng ước mơ cả một đời của anh ấy. Dù có phải đợi bao lâu, con cũng sẽ đợi.
Tôi ôm vai mẹ nói như dỗ dành:
- Thời gian qua nhanh lắm, mẹ xem mới dạo nào Đông còn là sinh viên, vậy mà mà bây giờ ra trường cũng đã bốn năm rồi.
Tôi nhìn mẹ, tiếp tục với giọng phấn khởi:
- Chỉ còn ba năm nữa Đông sẽ về nước, và chúng con sẽ làm dám cưới. Lúc đó mẹ sẽ thích phải biết nhé, có con rể là giáo sư Đại Học Y khoa mà không hãnh diện à?
Mẹ nhếch một nụ cười gượng gạo, nhưng xem nét mặt, tôi biết bà chẳng vui tí nào, sau này mới thấy bà có lý thì đã muộn rồi. Đông cứ hứa hẹn hoài, nhưng chần chờ chẳng chịu về nước. Thế rồi thời cuộc biến đổi, làm lòng người cũng biến đổi, tình yêu của Đông dành cho tôi không còn tha thiết, đậm đà như xưa. Thơ từ ngày một thưa dần, lời lẽ cũng nhạt nhẽo, khô khan. Tôi hoang mang, chẳng lẽ Đông đã quên người con gái hơn mười năm chờ đợi? Chẳng lẽ những lời thề đá vàng, những lời hứa hẹn của chàng chỉ là đầu môi chót lưỡi? Ý nghĩ sắp sửa mất chàng, làm tim tôi dâng lên một niềm đau khó tả.
Tôi vẫn chờ đợi, những lá thơ hiếm hoi càng ngày càng lộ rõ những dấu hiệu chàng đã thay lòng đổi dạ, muốn rút lại lời hứa. Bây giờ thì tôi hiểu, thật ra thời cuộc không phải là nguyên do chính, mà chỉ là một cơ hội để chàng vin vào đó mà biện minh cho lòng dạ tráo trở của chàng. Ba năm sau biến cố 1975, Đông cắt đứt liên lạc với tôi bằng một lá thơ trần tình rằng chàng không thể về Việt Nam để cưới tôi, vì đã “mất nuớc.” Chàng đề nghị trả tự do cho tôi “từ nay giữa chúng ta chỉ còn tình bạn, và em cứ yên tâm đi lấy chồng.”
Đông đã lộ nguyên hình là một tên phản bội. Đọc thơ chàng, tôi run rẩy, lạnh toát cả người, có thể như thế được sao? Người tôi yêu và đã nói yêu tôi, đã thề thốt sẽ cùng tôi nên vợ nên chồng, người mà tôi đã chờ đợi hết tuổi thanh xuân, đã thoái hôn tôi chỉ vì lý do thời cuộc biến đổi?
Thật ra đó chỉ là một cái cớ của những người hèn, lợi dụng thời cơ, cái gì cũng trút hết trách nhiệm cho cái ngày biến cố lịch sử đó, để bào chữa cho những hành động sai quấy của mình. Nếu quả thật chàng vẫn một lòng thủy chung như nhất thì chàng vẫn có thể về nước để cưới tôi, hoặc bảo lãnh cho tôi qua với chàng? Nhưng chàng đã viện một lý do không đúng thực, để biện minh cho cái tội bội ước của chàng. Có người quen ở bên Pháp viết thư cho tôi hay, là chàng đã có vợ con từ trước năm 1975, vợ chàng là một cô đầm Parisienne khá đẹp. Cú xốc đó làm tôi choáng váng, tôi đau cái đau của một ngưòi bị lường gạt, mất hết niềm tin vào cuộc đời. Thì ra những người học cao không phải tất cả đều là những người trí thức, cũng có những tên đểu cáng, lừa lọc, dối trá như anh chàng Đông này vậy. Tôi oán hận đời, giận sự ngu ngốc của chính mình, tôi ốm hết mấy tháng. Khi khỏi bệnh, tôi thay đổi tính tình, trở nên ít nói, và nói ra câu nào cũng chua chát. Mẹ tôi chỉ thở dài, bà an ủi, và làm hết cách để cho tôi khuây khoả. Nhưng chính những sự nhường nhịn, chiều chuộng quá đáng đó càng làm cho tôi thêm tủi thân, và đôi khi những lời nói vô tình của mẹ làm cho tôi đau lòng. Chẳng hạn như một hôm, nhận được thiệp mời đi ăn cưới con của một người bạn, mẹ thở dài, buồn rầu nói:
- Con bé đó xấu xí hơn con nhiều, lại chẳng có nghề nghiệp gì cả, thế mà cũng có người đi cưới. Gia đình họ thật có phước
Thì ra chỉ có nhà này là vô phước thôi, và tôi chính là nguyên nhân của sự vô phước đó? Tôi tủi thân ứa nước mắt khóc, và chạy nhanh vào phòng, đóng xập cửa lại trước cặp mắt ngạc nhiên của mẹ. Khi hiểu ra, bà vội vã đuổi theo, năn nỉ tôi mở cửa, và hai mẹ con cùng ôm nhau khóc. Ngày đám cưới, mẹ cáo ốm ở nhà, không đi. Từ lâu rồi, mẹ vẫn thường từ chối những lần được mời đi dự tiệc cưới, bởi vì mỗi lần nhìn thấy cô dâu bước lên xe hoa, bà không khỏi chạnh lòng, thương cho đứa con gái đã quá lứa, lỡ thì, mong hoài một lần được mặc áo cưới.
Tôi muốn quên quá khứ, tôi không muốn nhìn lại những nơi chốn vẫn gợi cho tôi những kỷ niệm đau lòng, thay đổi khung cảnh chắc sẽ làm tôi dễ chịu hơn, vì thế nên khi người anh ruột của tôi ở bên Mỹ bảo lãnh cho hai mẹ con tôi, thì tôi bằng lòng ngay. Mẹ tôi không muốn đi, bà không muốn xa rời quê hương, xa mồ mả ông bà, tổ tiên và người cha đã quá cố của tôi, nhưng vì thương tôi cô độc, nên bà đi theo cho có người an ủi. Sang đến bên này, tôi đi học Dược, và mới ra trường năm ngoái, khi vừa tròn ba mươi tám tuổi. Tôi may mắn trong việc học hành, thi cử, nhưng không may trong vấn đề tình duyên, ở vào cái tuổi này mà vẫn còn độc thân, thật quả là muộn màng
Mẹ tôi âu sầu buồn bã, nhưng không bỏ cuộc, bà vẫn để ý trong đám bạn của anh tôi, xem chàng nào còn độc thân, và bà lân la hỏi thăm gia thế, nghề nghiệp, học vấn v…v… khiến tôi đâm ngượng mỗi khi họ tới chơi, tôi lúng túng mất hết tự nhiên, có cảm tưởng như họ đọc được những ý nghĩ trong đầu của mẹ tôi. Tội nghiệp mẹ, mong mãi mà vẫn không gả được cô con gái duy nhất. Mẹ muốn giúp tôi tìm cho ra một người chồng, mẹ căn dặn tôi phải đi đứng khoan thai, nói năng dịu dàng ý tứ, và nhất là phải chú ý đến cách ăn mặc, trang điểm sao cho đẹp đẽ, để gợi sự chú ý của “đối phương” Đôi khi mẹ còn gợi ý những cuộc đi chơi tay đôi, để hai bên tìm hiểu… Những nỗ lực của mẹ không phải là vô ích, vì sau rốt cũng có một người để ý đến tôi. Anh chàng này kém tôi một tuổi, có nghề nghiệp vững chắc, tướng tá diện mạo coi cũng được, chỉ phải tội gàn, cứ mở miệng ra là nói chuyện chính trị, hết chê bai người này, tới đả kích người nọ. Ngoài ra lại còn cái tính tự phụ, cho mình là mẫu người đàn ông lý tưởng, thần tượng của phụ nữ. Hắn đã từng tuyên bố:
- Cô nào được tôi cưới, hẳn là phải tu từ kiếp trước (!?! )
Tôi suýt phì cười, nhưng ngăn lại được, tôi nhìn hắn mỉa mai:
- Phải nói thêm là trúng số độc đắc mới đủ.
Thốt xong, tôi hoảng hồn vì thấy mình hơi tàn nhẫn, nhưng hắn lại tưởng thật và lấy làm sung sướng, nên cười một cách khoái trá. Hắn yên chí trăm phần trăm là tôi sẽ đồng ý cả hai tay, mẹ tôi chẳng đang “câu” hắn hay sao? Anh chàng chắc ăn tới nỗi chưa ngỏ ý với tôi, đã đưa ngay mẹ hắn đến nói chuyện với mẹ tôi về việc cưới hỏi. Mẹ tôi mừng rỡ, nhìn tôi cười đắc ý:
- Mẹ nói có sai đâu? con gái mẹ nết na xinh đẹp thế kia, cậu ta quả là người có mắt.
Tôi mỉm cười:
- Mẹ chỉ nói một chiều, con cũng “có mắt” của con nữa chứ?
- Được rồi, thế “con mắt” của cô ra sao? Theo mẹ thấy thì cậu ta cũng được lắm, có nghề nghiệp đàng hoàng, mặt mũi sáng sủa, tính tình lại thật thà hiền lành, chẳng chê vào đâu được.
- Đó là nhận xét của mẹ.
Mẹ chưng hửng, cảm thấy có cái gì không ổn, mẹ tắt ngay nụ cười:
- Con nói vậy là có ý gì? Mày chê cậu ta ở điểm nào?
Tôi im lặng một lúc lâu, cố tìm trong óc một câu nói thật nhẹ nhàng để khỏi làm đau lòng mẹ, sau cùng tôi ngập ngừng:
- Con... con không hạp với anh ta, con không thể nhận lời…
Nói xong tôi cúi mặt xuống như một người phạm tội, tội đã phá tan niềm hy vọng to lớn của mẹ. Quả vậy, sau vài giây xửng xốt, mặt mẹ đỏ lên vì giận, bà đay nghiến:
- Mày tưởng mày báu lắm hay sao mà ai cũng chê? Gần bốn chục tuổi đầu rồi, chứ trẻ trung gì nữa mà cứ kén cá chọn canh mãi?
- Không phải con chê mẹ ạ, nhưng con không thể chịu nổi cái gàn của hắn, đã ngang bướng tự kiêu, lại thêm tật nói nhiều, mà mỗi khi nói chuyện, nước miếng của anh ta cứ phun ra như mây mù, hôi không chịu được…
Hiểu ra, mẹ cũng bật cười, nhưng còn vớt vát:
- Tưởng gì chứ nếu chỉ có thế, đâu phải là một vấn đề hệ trọng? Mẹ nghe nói bệnh hôi miệng có thể chữa được.
- Nhưng bệnh gàn thì vô thuốc chữa.
Và tôi nhìn mẹ, nói như van lơn:
- Mẹ à, cứ để từ từ, có thể con sẽ gặp được người con ưng ý, vội vã quá có khi hỏng việc. Vợ chồng là chuyện trăm năm, có hạp thì ở với nhau mới có hạnh phúc. Bằng không tìm được người hạp ý, thì ở vậy có sao đâu? Chẳng hơn là vơ quàng vơ quáng, rồi sau này có hối cũng không kịp, cứ phải chịu đựng nhau suốt đời.
Mẹ gật đầu, thôi không ép nữa, nhưng nói dỗi:
- Thôi được, tùy cô. Liệu mà lo lấy thân, ráng tìm một người chồng để mà nương tựa, mẹ đâu có sống đời với con?
Tôi nhìn nét mặt già nua của mẹ, mà lòng thoáng chút ngậm ngùi, ngần này tuổi, tôi chưa làm được gì để báo hiếu mẹ, trái lại, bà cứ vì tôi mà phải lo lắng mãi. Liệu lấy thân, nhưng liệu cách nào đây, để vui lòng mẹ? Tôi đâu có muốn làm gái già, tôi đâu có muốn ở vậy suốt đời? Các bạn bè của tôi lần lượt đi lấy chồng hết, người nào cũng có cặp, có đôi, chỉ mình tôi đơn lẻ. Nhìn hạnh phúc của họ, tôi tủi thân, và thầm ao ước một hạnh phúc của riêng mình.
Mải nghĩ ngợi, tôi không để ý là bài giảng đã chấm dứt, và bây giờ đã đến mục đặt các câu hỏi, vài cánh tay dơ lên, chàng lần lượt giải đáp xong xuôi, rồi đi xuống cuối lớp. Chàng dừng ngay trước chỗ ngồi của tôi, hỏi bằng tiếng Anh :
- Cô có gì thắc mắc không?
Tôi đỏ mặt lúng túng, vì thật ra tôi mải nghĩ ngợi nên có nghe, có hiểu gì đâu? Tôi ấp úng trả lời bằng tiếng Việt:
- Dạ không... không thắc mắc gì hết.
Nhìn vẻ mặt sượng sùng của tôi, chàng mỉm cười và cũng nói bằng tiếng Việt:
- Lát nữa tan lớp, cô ra ngoài cho tôi gặp một lúc, được không? Cô… cô gì nhỉ?
- Dạ em tên Nghi.
Đáp xong tôi hết hồn. Trời! sao mình lại cho người ta biết tên? Lại còn xưng em nữa, đố khỏi bị người ta cho là dễ dãi. Nghĩ vậy, tôi toan lắc đầu từ chối, nhưng chàng đã nhìn tôi tha thiết, và nói nhanh:
- Tôi đợi cô ngoài hành lang.
Tôi ngẩng lên, bốn mắt gặp nhau, mắt chàng sáng như sao, tia nhìn như có sức thôi miên, khiến tôi bị khuất phục liền, tôi lặng lẽ gật đầu, cảm thấy hai má nóng bừng một cảm giác vừa băn khoăn vừa mắc cở thật kỳ lạ. Cuộc gặp gỡ lần đầu tuy ngắn ngủi, nhưng là một cuộc gặp gỡ không thể quên, vì nó khởi đầu cho những biến đổi tình cảm trong tôi. Những lần hẹn hò sau đó, đem lại cho tôi những cảm giác hồi hộp, sung sướng như những lần hẹn hò với Đông năm xưa. Cuộc sống bình thản trước đây của tôi đã hoàn toàn bị xáo trộn, nhưng đều là những xáo trộn thú vị. Những ngày nghỉ, tôi không còn phải nằm nhà, đếm thời gian trôi một cách buồn nản. Chàng đến rủ tôi đi chơi, về miền quê, vào rừng, leo đồi, leo núi, vào các trang trại hái trái cây, hoặc đi dạo trên bờ suối, xa thành phố. Nơi đây vắng vẻ, yên tịnh, không có bóng người qua lại, chỉ có cảnh thiên nhiên hoang dã, thỉnh thoảng một con sóc hay thỏ rừng chạy vụt qua, rồi lao vào bụi rậm, mất hút. Mặt trời bắt đầu lên, nắng vàng len qua kẽ lá, rơi lốm đốm trên cỏ, trên tóc, trên áo chàng và tôi. Những cơn gió nhẹ làm đong đưa những cánh hoa dại mọc đầy hai bên đường, đẹp và nên thơ quá. Hai người chạy nhảy như hai con sóc, mệt thì nằm dài trên cỏ, nhấm nháp những miếng bánh sandwich, vừa nghe chim hót, vừa ngắm mây trôi trên bầu trời xanh lơ, hồn như trôi theo đám mây, quên hết ưu phiền của cuộc sống.
Những buổi tối mùa đông, cùng chàng đi nghe nhạc. Bên ngoài tuyết rơi, bên trong, dưới ánh đèn mờ ấm cúng, hai mái đầu chụm lại, say sưa lắng nghe những tiếng nhạc trữ tình, tiếng vĩ cầm réo rắt, tiếng dương cầm thánh thót, tiếng đại hồ cầm trầm buồn, cùng tiếng trống bập bùng, tất cả hòa với nhau tạo nên những âm thanh diễm ảo làm ru hồn người, ngất ngây những con tim đang yêu. Chàng thường nhìn tôi đắm đuối, và đôi khi cao hứng, chàng mời tôi cùng nhảy với chàng một điệu Valse êm dịu. Chàng khiêu vũ rất bay bướm, trong tay chàng, tôi cảm nhận một sức mạnh, một sự che chở vững chắc, và tôi sung sướng được chàng dìu những bước đi như lướt êm trên sàn nhảy.
Dần dần, tôi thấy mình thay đổi, chàng đã làm sống lại những rung dộng tưởng như đã chết trong tim tôi, con tim băng giá giờ đây đang đập trở lại những nhịp điệu bình thường, một sức sống như bừng lên, lan tràn thấm vào từng tế bào trong cơ thể, khiến tôi ngây ngất. Tôi biết đời mình vừa bước vào một khúc quanh mới, nhưng con đường này có bằng phẳng hay lắm chông gai, làm sao biết được? Tôi dụt dè không dám tiến tới, có thể đây là một cạm bẫy nữa chăng? Đừng có dại dột sa vào, để rồi lại bị thương. Tôi như con chim bị đạn, sợ cả những cành cây cong, liệu chàng có thành thật không ? Quen nhau đã gần nửa năm rồi, mà chàng vẫn không hé môi cho tôi biết một chút xíu nào về gia đình chàng cả. Tôi không dám hỏi, người ta đã ngỏ ý gì với mình đâu, mà dám đi sâu vào chi tiết? Làm thân con gái thật khổ, cứ phải chờ đàn ông đến hỏi, nên cho dù không muốn sống độc thân, mà cứ phải sống độc thân, làm gái già bất đắc dĩ, nếu không có ai hỏi cưới. Đàn ông thì khác, họ sống độc thân là vì họ muốn, họ thích như thế, tôi mỉm cười với ý nghĩ phía đàn ông, làm gì có danh từ “trai già”.
Chiều Chủ nhật, chàng đến rủ tôi về miền quê, đi ăn cháo cá. Quán nhỏ nằm bên ven sông, khung cảnh thật nên thơ. Chàng dìu tôi đếm bước trên con đường đất đỏ phủ đầy lá khô. Bây giờ là mùa thu, lá khô nhiều quá rơi ngập cả lối đi, thôn xóm vắng vẻ quạnh hiu, con sông phía trước mặt nước chảy lững lờ, mặt sông lăn tăn phản chiếu ánh mặt trời vàng rực. Bên kia sông là là rừng thông xanh ngát, bên này là những hàng cây phong, lá màu đỏ rực, rơi lác đác, mỗi khi có cơn gió nhẹ, lá chao lượn trong không gian, bay la đà như những cánh buớm… cảnh đẹp còn hơn tranh.
Chàng nói:
- Cuộc sống ở đây thanh bình quá!
Tôi gật đầu:
- Em muốn thời gian ngừng trôi, để có thể giữ mãi những giây phút thần tiên như thế này.
Chàng nhìn sâu vào mắt tôi:
- Nếu em muốn, chúng ta vẫn có thể có những giây phút thần tiên bên nhau như thế này suốt đời.
Tôi nhìn theo những chiếc lá đang xoáy tròn theo một cơn gió lốc, buồn bã nói:
- Con người đâu phải là Thượng đế, để có thể có được tất cả những gì mình mong muốn? Em sợ lắm, em sợ bất thình lình mặt sông kia nổi sóng, làm mất đi vẻ thanh bình, nên thơ… Cũng như sóng gió cuộc đời cuốn đi hết bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng... Bão tố đi qua, bao giờ cũng để lại những tang thương, đổ nát.
Chàng nhìn tôi băn khoăn:
- Đang vui, sao em lại nói toàn những lời bi quan như thế?
- Là vì…
Thong thả, tôi kể cho chàng nghe về cuộc đời của tôi từ lúc mới quen Đông, những hứa hẹn, đợi chờ và sau cùng là bị Đông phụ bạc. Kết thúc câu chuyện, tôi thở dài:
- Từ đó, cuộc sống đối với em chỉ là những khoảng trống vắng, vô vị, cho tới khi gặp anh...
Chàng im lặng một hồi, rồi mới nắm lấy tay tôi, dịu dàng:
- Đôi khi cái không may của kẻ này, lại trở thành cái may của kẻ khác. Riêng anh, anh rất cám ơn cô đầm Parisienne nọ, nếu không, sao anh có dịp được quen với Nghi?
Tôi đứng yên, bối rối không biết phải đối đáp ra sao, chàng tuởng tôi buồn nên an ủi:
- Hãy quên đi cái dĩ vãng không vui đó. Hay là em còn tiếc Đông?
- Ồ không! Tôi vội vã nói, đối với em bây giờ, Đông chỉ là một cái bóng mờ, một sai lầm của tuổi trẻ… Em đã chọn lầm người.
Chàng vui mừng:
- Vậy thôi đừng nhắc đến qúa khứ nữa , hãy sống cho hiện tại và hướng về tương lai… Chàng nhìn tôi tha thiết, tương lai chúng mình sẽ có nhau, em nhé?
Chàng ôm vai tôi, kéo sát lại gần, vòng tay chàng ấm, nhưng gió đã bắt đầu lạnh, tôi run lên khi nghe chàng nói:
- Anh yêu Nghi. Nhưng… anh có vấn đề không dám nói ra, vì anh sợ mất em.
Tôi rùng mình, một linh cảm cho thấy có điều gì không ổn, tôi dừng bước, nhìn chàng hồi hộp:
- Có chuyện gì anh cứ nói, em cần tìm hiểu.
- Mình vào đi đã, bên ngoài trời đã tối và bắt đầu lạnh rồi. ..
Chàng dìu tôi bước vào bên trong. Quán nhỏ nhưng đông khách, chúng tôi chọn một chỗ ở góc quán, nơi có ánh đèn mờ ảo và ít người qua lại. Kéo ghế cho tôi ngồi xuống xong, chàng chậm rãi mở đầu:
- Anh đã có vợ con rồi…
Tôi bàng hoàng, rồi bủn rủn, tưởng sắp té xỉu, tim tôi nhói lên, đập liền mấy cái lỗi nhịp khiến tôi xây xẩm. Có phải chính miệng chàng đã thốt ra câu nói đó không, hay là tôi đang nằm mơ? Nhưng không, rõ ràng là tôi vẫn đang tỉnh táo, vì tôi còn nghe tiếng đồng hồ quả lắc treo trên tường vừa điểm 8 tiếng rời rạc, và tiếng chàng thở dài buồn bã:
- Nhưng vợ anh chết trong khi sanh con cho anh. Đứa nhỏ bây giờ đã sáu tuổi. Anh có mặt lúc đó, vợ anh đã chết trên tay anh… Ôi thật là đau đớn! anh tự giận mình cũng là bác sĩ mà đã bất lực không cứu được nàng. Từ đó, anh vẫn ở vậy, vì anh nghĩ ngoài vợ anh ra, anh không thể yêu ai được nữa. Nhưng anh đã lầm…
Tôi cũng đã lầm, tôi đã để cho con tim lấn át cả lý trí, tại sao tôi không nghĩ được rằng, ở cái tuổi bốn mươi hai của chàng, mấy người còn độc thân? Tại tôi yêu chàng quá nên cứ nhắm mắt bước tới, quên cả đề phòng. Nếu chàng nói ngay từ đầu? Ừ, nếu chàng nói ngay từ đầu, có lẽ tôi đã không để tình cảm đi xa hơn… Tôi thều thào như người sắp tắt hơi:
- Em thật không ngờ, quả thật là bất ngờ…
Chàng cúi mặt tránh tia nhìn của tôi, buồn rầu nói:
- Lỗi tại anh , nhiều lần anh đã định nói, nhưng rồi lại ngần ngại, vì anh sợ mất em, anh sợ bị em từ chối. Em trong trắng, toàn vẹn quá, còn anh đã một lần dang dở, lại có thêm đứa con. ..
Tôi ngồi im, trong khi chàng vẫn tiếp tục:
- Mấy năm nay, anh sống cho qua ngày một cách chán nản, nhưng từ khi gặp em, anh thấy mình thay đổi hẳn, anh yêu đời trở lại. Em đã đem đến cho anh một niềm tin mới, anh không muốn mất đi cái hạnh phúc hiếm hoi mới tìm lại được, anh không muốn phải tan đi cái hy vọng vừa mới loé sáng…
Chàng còn nói nhiều nữa, nhưng tôi không nghe thấy gì hết, tai tôi ù đi, tôi thừ người nghĩ ngợi, chi tiết này thật bất ngờ quá, tôi không lường trước. Tôi nhìn chàng, nét mặt chàng lúc đó trông thật là thảm hại, còn mặt tôi cũng chẳng hơn gì. Đáng đời chưa? Với cái tuổi mùa hạ của mi, chỉ nên yên phận làm gái già, yêu đương chi cho khổ? Ham làm cô dâu cho lắm, để rồi vỡ mộng, muốn được người ta cưới phải chấp nhận làm vợ thừa và mẹ kế, cuộc đời sao oái oăm… Thật không may cho mình, hai lần làm cô dâu hụt, tôi khóc thương cho số kiếp hẩm hiu.
Chàng thấy tôi không chấp nhận thì rút lui ngay, mấy tuần rồi không lui tới. Mẹ không hiểu chuyện gì, thấy tôi không đến sở làm, bỏ cả ăn ngủ, nằm lỳ ở trong phòng thì lo lắng hỏi:
- Có chuyện gì vậy? Mấy tuần nay không thấy cậu ta tới chơi, bộ hai đứa vừa cãi nhau hả?
- Không, mẹ ạ. Nhưng tụi con đã chấm dứt rồi.
Mẹ giật mình, hốt hoảng hỏi:
- Đã xảy ra chuyện gì?
- Khó nói lắm. Tôi yếu ớt năn nỉ, van mẹ hãy để con yên, con mệt lắm rồi, mấy đêm qua con không ngủ được.
- Ừ thôi con nằm nghỉ, để mẹ xuống bếp nấu cho con tô cháo. Mấy hôm nay con chẳng ăn uống gì cả, mẹ lo quá, người con gầy dốc đi, mẹ sợ con bệnh rồi đó.
Mẹ nhẹ nhàng ra khỏi phòng và khép cửa lại. Tôi nhìn theo dáng gầy gò của bà và thở dài, tội nghiệp mẹ đã sáu mươi lăm tuổi rồi, tóc mẹ bạc trắng, ngần này tuổi mà chưa được yên thân, cả đời khổ vì con. Tôi bất hiếu đến thế sao? không! tôi chỉ là một người bạc phận.
Buổi trưa, mẹ đem cho tôi một ly sữa:
- Uống đi con, cố uống đi cho khoẻ.
Mẹ dỗ, bà kề ly sữa vào tận miệng, tôi bưng lấy, nhắm mắt uống một hơi hết cạn, mẹ vui mừng:
- Có thấy đỡ tí nào không con?
Tôi gật đầu:
- Đỡ nhiều lắm.
- Vậy thì con nói cho mẹ nghe được không? Tại sao con ra nông nỗi này? mấy hôm nay con bỏ ăn, mẹ sợ quá, lỡ có chuyện gì, chỉ mẹ con mình thiệt.
Tôi ôm lấy mẹ oà khóc:
- Mẹ ơi con khổ lắm, người ta đã có vợ con rồi.
Và tôi kể hết, mẹ nghe xong thở dài:
- Con đã thấy mặt đứa bé kia chưa?
- Chưa mẹ ạ, tụi con cắt đứt liên lạc ngay khi Nguyễn vừa cho con biết sự thực.
Mẹ ngẫm nghĩ một lúc, rồi mới dịu dàng nói:
- Theo mẹ thấy thì sự việc cũng đâu đến nỗi nào? Đừng cứng rắn quá thế, nếu con yêu cậu ta thì đừng tự làm khổ mình, đứa bé đâu phải là một trở ngại?
Tôi xửng xốt:
- Mẹ mà cũng nghĩ thế ư? Con tưởng mẹ muốn giữ thể diện?
Mẹ cười độ lượng:
- Cái đó đâu gọi là thể diện? Con không cướp chồng người, thì có chi mà xấu hổ?
Và bà khuyên:
- Con nên nghĩ đến hạnh phúc của chính mình, đừng vì một chút sĩ diện hão mà làm khổ cả hai người.
Đêm hôm đó, tôi nằm suy nghĩ về những lời mẹ nói, có lẽ bà đúng, còn tôi thì ích kỷ và hẹp hòi quá, tại sao tôi có thể nhỏ mọn tới nỗi không chấp nhận một đứa bé mới lên sáu tuổi, nó có tội tình gì? Nó đâu phải là một chướng ngại trong tình yêu giữa Nguyễn và tôi? Tại sao tôi có thể chối bỏ hạnh phúc của mình, vì một lý do cỏn con như thế, thật là dại khờ. Những lời khuyên của mẹ đã mở cho tôi một tầm nhìn mới, một quan niệm mới, và tôi sung sướng đã nhìn thấy một chân trời đang mở rộng.
Sáng hôm sau, mẹ vào thăm, tôi nhìn bà bằng cặp mắt biết ơn:
- Có lẽ đây là một sai lầm của con, con đã quá hẹp lượng, nên đã tự làm khổ mình và khổ cả người ta nữa.
Mẹ cười vui vẻ:
- Bây giờ thì chưa có gì muộn. Con cứ nghỉ ngơi đi, mọi việc để mẹ thu xếp.
Chàng đến ngay buổi chiều hôm đó. Trời! mới có mấy tuần mà chàng thay đổi nhiều quá, trông bơ phờ, hốc hác và gầy xút đi thấy rõ. Còn tôi cũng chẳng hơn gì, hai đứa nhìn nhau, chàng nắm tay tôi, hỏi giọng lo lắng:
- Em không sao cả chứ? Trông em có vẻ mệt mỏi và hai mắt thâm quầng, chắc bị mất ngủ, phải không?
Tôi gật đầu:
- Cả tuần nay, đêm nào em cũng trằn trọc, thao thức, nghĩ ngợi đủ thứ chuyện, em thấy là em sai rồi, khi ghen với một đứa trẻ.
- Thiệt vậy à? Mắt chàng sáng lên một vẻ vui mừng, em nói vậy tức là em bằng lòng chấp nhận con anh?
Tôi gật đầu:
- Anh đem nó đến đây đi, em muốn nhìn thấy mặt nó. À nó tên gì anh nhỉ?
- Ái Vân! Mắt chàng chớp nhẹ, cảm động. Tội nghiệp, Ái Vân mồ côi mẹ từ thuở mới lọt lòng, nên rất khao khát tình mẫu tử, nó vẫn mơ ước có một bà mẹ.
- Em sẽ là mẹ nó, một người mẹ tốt, em hứa với anh.
Nguyễn cười sung sướng, nhìn tôi với cặp mắt biết ơn và chan chứa thương yêu. Chàng đưa Ái Vân tới liền, con bé mới dễ thương làm sao, tóc hơi quăn, cặp mắt đen lay láy, mũi cao, miệng tươi cười giống bố y hệt, nhưng nó có vẻ rụt dè, ngơ ngác trông thật tội nghiệp. Tự dưng một tình thương dạt dào dâng lên trong lòng, làm tôi cảm động. Vẫy nó lại gần, tôi dịu dàng hỏi:
- Hôm nay Ái Vân không đi học à?
Nó lắc đầu, lễ phép:
- Ba cháu nói hôm nay nghỉ, để ba đưa cháu tới gặp cô.
- Ngoan lắm, thế Ái Vân có hay khóc nhè không?
- Dạ không! Nó mở to cặp mắt ngây thơ, cháu lớn rồi, cháu không hay khóc nữa. Cả tháng nay, không biết ba cháu gặp chuyện gì mà buồn lắm, cháu không dám nhõng nhẽo, sợ ba rầy.
Nguyễn vỗ đầu con, cười xoà:
- Hôm nay ba sẽ đền bù cho Ái Vân, ba sẽ tặng con một món quà vô cùng quí giá mà con vẫn ao ước, ba sẽ biến giấc mơ của con thành sự thật.
Và chàng quay sang tôi:
- Chỉ cần em gật đầu, là Ái Vân sẽ được toại nguyện.
Vừa nói, Nguyễn vừa nhìn tôi bằng ánh mắt đắm đuối. Tôi cúi mặt, thẹn thùng:
- Anh biết rồi còn hỏi. Nhưng mà… cũng tùy Ái Vân nữa chứ?
Chàng tươi ngay nét mặt, mỉm cười:
- Ái Vân không mong gì hơn là có một người mẹ.
Tôi mở rộng vòng tay:
- Vậy thì… Ái Vân còn chờ gì nữa mà không tới với mẹ?
Ái Vân chạy ngay lại, xà vào lòng tôi, nhoẻn miệng cười. Tôi ôm nó thật chặt, trong tay tôi, thân hình bé nhỏ của nó run lên nhè nhẹ. Một tình cảm ấp áp dâng lên trong lòng, tôi áp mặt vào mái tóc tơ, mềm như nhung của nó, thì thầm:
- Tội nghiệp Ái Vân bé bỏng, từ nay con sẽ có mẹ.
Tết năm đó là một cái tết vui nhất trong đời của mẹ tôi, bà hớn hở trang hoàng nhà cửa, mua sắm quần áo mới, sửa soạn các thứ cho tôi đi lấy chồng, mẹ sung sướng thấy con gái đã tìm được hạnh phúc thật sự, sau nhiều năm mong đợi. Chúng tôi làm đám cưới vào đầu mùa xuân, khi hoa mai, hoa đào đang nở rộ, và những lộc non đã nẩy thành những nhánh lá xanh tươi. Xuân đã về trên đất trời, và trong lòng người.
Tôi mặc áo cưới, khoác tay chàng, tay kia dắt Ái Vân, sung sướng đón nhận những lời chúc mừng của hai họ và quan khách. Bước ra khỏi nhà thờ trong tiếng pháo cưới nổ ran. Chúng tôi lên xe hoa đi về tổ ấm, bắt đầu một cuộc sống mới thật ấm êm, hạnh phúc. Sau cùng, tôi đã tìm được tình yêu, tuy muộn màng, nhưng là tình yêu vĩnh cửu
Phương Lan
(Trích trong tác phẩm Còn chờ một kiếp sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét