Quý đồng hương đã từng sống ở miền Nam nước Việt, đã từng sống một khoảng đời tương đối dễ chịu trong một xã hội tương đối tự do no ấm dưới chế độ ít nhiều rộng rãi thoải mái. Miền Nam này là vùng Đồng Nai Cửu Long, hay cũng gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh. So với đất Bắc Hà và nền văn hóa Thăng Long, vốn đã có từ hơn bốn ngàn năm trước, đất Nam Kỳ Lục Tỉnh và văn hóa Đồng Nai Cửu Long là vùng đất với nền văn hóa rất mới, thành hình chưa được 400 năm. Vùng đất và nền văn hóa rất mới này mang những tính chất đặc biệt của nó ít nhiều khác biệt với nền văn hóa gốc. Gốc Việt Nam vẫn còn đó phần lớn, nhưng pha trộn với những giống người khác, nhất là người Trung Hoa (theo chân Trần Thắng Tài, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu vào định cư ở vùng Đồng Nai Cửu Long), và sự va chạm với những văn hóa Chàm, Khmer, Xiêm đã ít nhiều biến đổi nền văn hóa truyền thống Việt Nam đem vào từ Thăng Long và Đàng Trong, làm cho nó trở thành nền văn hóa đặc biệt của xã hội ít nhiều tạp chủng này. Đồng Nai Cửu Long đối với Thăng Long, về phương diện văn hóa xã hội, cũng tương tự như Hoa Kỳ đối với Anh Cát Lợi. Miền Nam trù phú với đời sống tương đối dễ dãi, không quá ràng buộc với những nghi thức cổ truyền đã là cái khung cho những tính tình tư tưởng đặc biệt của người Nam.
Đất Đồng Nai Cửu Long là đất chiêu hiền đãi sĩ, là đất hứa của nhiều người đến từ những vùng đất khác. Nó là cảnh “đất lành chim đậu” cho rất nhiều người. Nó là đất khá lý tưởng cho sự định cư của nhiều đợt người Việt di cư từ Miền Trung và Miền Bắc từ xưa đến giờ. Đợt di cư lớn thuở xưa có lẽ là nhóm người từ Miền Trung theo gót công chúa Ngọc Vạn vào định cư ở Miền Nam. Tiếp nối những người này là đợt người theo chân Nguyễn Hữu Cảnh, và từ đó hết lớp này đến lớp khác lục tục vào Nam khai khẩn đất hoang, làm ăn sinh sống. Đợt di cư lớn nhất gần đây nhất là đợt di cư năm 1954 với hơn một triệu người từ Miền Bắc vào. Thật ra thì tất cả những người Nam Kỳ hiện giờ đều có nguồn gốc cha ông từ Trung và Bắc vào hoặc từ lâu hoặc mới đây. Trong xã hội có nhiều đợt người mới đến định cư, Đồng Nai Cửu Long phải có khả năng đồng hóa khá mạnh. Những người sinh trưởng từ các miền khác vào đây sinh sống một thời gian đều hội nhập vào xã hội Miền Nam, hay nói một cách nôm na là đều trở thành Nam Kỳ không ít thì nhiều. Tính Nam Kỳ có nhiều điểm dễ thương mà những người từ vùng khác đến đều rất thích như tính rộng rải, chất phác, nói thẳng, thành thật, không màu mè gì cả. Quý đồng hương dù gốc ở đâu mà đã có cơ hội sinh sống làm ăn ở vùng Đồng Nai Cửu Long một thời gian chắc không thể không thấy mình ít nhiều gần gũi với người Nam Kỳ nhiều hơn là với người ở chỗ gốc, và nhất là không thể không thấy mình gắn bó rất nhiều với vùng đất Đồng Nai Cửu Long này. Sống ở đây một thời gian, hay qua một thế hệ là người ta trở thành người Nam Kỳ, gắn bó với đất Nam Kỳ thật nhiều. Từ ruộng vườn sum xuê cây trái, đến sông rạch chằng chịt đầy cá tôm nơi đồng quê, đến đường sá ngang dọc phố xá đông đúc chốn thị thành, không nơi nào không để lại lòng người sống ở đây những luyến thương mến tiếc nếu có lúc nào đó người ta phải xa lìa nó.
“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, dân ta thường nói vậy. Chúng ta đã sống ở vùng đất mới của Đồng Nai Cửu Long, chúng ta không thể không ghi nhớ công ơn của bao nhiêu người đã đổ rất nhiều công lao khai phá, xây dựng, phát triển vùng đất trù phú này mà chúng ta đã có một thời gian thừa hưởng. Từ công chúa Ngọc Vạn, đến Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh, đến Thượng Công Lê Văn Duyệt, đến Thoại Ngọc Hầu, Phan Thanh Giản, Pétrus Ký... biết bao anh hùng liệt sĩ, biết bao nhân sĩ, nhà văn hóa, nhà kinh doanh đã góp phần mở mang vùng đất này về các phương diện xã hội, kinh tế, văn hóa. Sống ở đây một thời gian, dù thời gian đó ngắn hay dài, chúng ta cũng thấy có những lưu luyến với môi trường xã hội, và có ít nhiều những tình cảm mang ơn những người đã có công xây đắp nên môi trường sinh sống đó.
Thương tiếc và nhớ ơn đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu nhiều hơn về vùng đất, xã hội, văn hóa cũng như con người từ trước đến giờ ở vùng đất này. Xưa nay cũng đã có một ít học giả, văn nhân thi sĩ làm công việc đó. Trịnh Hoài Đức, Pétrus Ký, Vương Hồng Sển, Lê Ngọc Trụ, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Huỳnh Minh, và một ít học giả khác đã có để công tìm tòi nghiên cứu về xã hội/văn hóa Miền Nam. Công trình của họ rất đáng kể nhưng không thể coi là đầy đủ. Nhìn chung những người bỏ công nghiên cứu về văn hóa (bao gồm những sinh hoạt thường ngày, những tập tục, lối sinh sống, tư tưởng, tín ngưỡng, văn chương, nghệ thuật...) của vùng Đồng Nai Cửu Long thật hết sức hiếm hoi so với những học giả làm công việc này đối với văn hóa Miền Bắc. Sau đây là một thí dụ cho thấy sự nghèo nàn về những công cuộc nghiên cứu dành cho vùng Đồng Nai Cửu Long. Trong lãnh vực văn học, theo sự ghi nhận của nhà văn Võ Phiến thì “những nhà văn các miền ngoài, nhất là ngoài Bắc. Ở đó, cái biết về các hoạt động văn học trên phần đất Nam Kỳ cũ rất là sơ sài. Theo sự phát giác của Nguyễn văn Trung gần đây, bộ môn tiểu thuyết xuất hiện ở trong Nam sớm hơn ngoài Bắc chừng ba, bốn chục năm. Vũ Ngọc Phan không hề biết; ông nói về Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn... nhưng những người đi tiên phong, mà không kể đến những Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắc, Trương Duy Toản, Trần Chánh Chiếu, vân vân. Sau lớp tiên phong đến lớp nhà văn tiền chiến các cây bút trong Nam cũng không được chú ý bao nhiêu. Trong bộ Nhà Văn hiện đại có 79 tác giả, gốc Nam Kỳ cũ được 4 người (Ở hai quyển 4 và 5, nói về các bộ môn sáng tác, thì không có người Nam nào). Trong Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân có 46 tác giả, người Nam chỉ được một cặp ông bà Đông Hồ. Sau 1945, miền Bắc chỉ quan tâm đến những cây bút đã gia nhập vào hàng ngũ chính trị của họ.” (bài Giới Thiệu Tuyển Tập Bình Nguyên Lộc, trang XIV-XV).
Để phần nào bổ khuyết cho những thiếu sót đó, chúng ta có bổn phận nối tiếp những công việc của những người như Pétrus Ký, Vương Hồng Sển, Lê Ngọc Trụ, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, v.v... để hoặc đem thêm hiểu biết hay cái nhìn mới về xã hội/văn hóa vùng này hoặc bảo tồn /phát huy những nét đặc thù của văn hóa Đồng Nai Cửu Long.
(Lăng Ông Bà Chiểu)
Nói đến sự thành hình của xã hội có cai trị và được phát triển mạnh mẽ của Miền Nam chúng tôi thấy không thể không xem Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt là người dẫn đầu công trạng về nhiều phương diện. Và khi đi tìm một vật làm biểu tượng cho văn hóa xã hội vùng này chúng tôi nghĩ tới “LĂNG ÔNG BÀ CHIỂU.”
Lăng Ông Bà Chiểu được xem là biểu tượng của Miền Nam vì nhiều lý do: Nằm ngay tại Sài Gòn Gia Định, thủ đô của Miền Nam từ lúc Miền này được thành hình, Lăng Ông Bà Chiểu là một di tích lịch sử quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. Cơ sở khang trang nằm trên long mạch rất tốt về phương diện phong thủy, lại được dân chúng bồi đắp tu bổ săn sóc luôn nên càng ngày càng uy nghiêm hùng tráng. Đông đảo dân chúng, người Việt cũng như người Hoa vùng Sài Gòn Gia Định và các tỉnh lân cận rất sùng bái Đức Thượng Công (mà người Hoa xưng tụng là Phò Mã Da Da), thường tới Lăng Ông xin xăm, cầu nguyện, lễ bái. Sự linh hiển của Đức Thượng Công cũng như sự linh thiêng của Lăng Ông luôn được dân chúng Miền Nam nhắc nhỡ. Một hội tế tự cũng đã được thành hình từ nhiều năm nay dưới danh xưng “Hội Thượng Công Quý Tế” để lo việc bảo tồn di tích lịch sử cũng như truyền thống tế tự đặc biệt tại Lăng Đức Thượng Công. Nhiều nhân vật quan trọng của Việt Nam Cộng Hòa đã từng đến đây lễ bái, thăm viếng. Trong sổ vàng của Hội Thượng Công Quý Tế, hiện còn bút tích của TT Nguyễn Văn Thiệu, TT Trần Thiện Khiêm và nhiều nhân vật quan trọng khác nữa của VNCH.
Nhưng lý do quan trọng nhất để người dân Miền Nam chọn lựa Lăng Ông làm biểu tượng của Miền này là NHÂN CÁCH, ĐỨC ĐỘ, CÔNG ƠN của Đức Thượng Công cũng như TẤM LÒNG của Ngài đối với người dân và vùng GIA ĐỊNH xưa tức là cả vùng ĐỒNG NAI-CỬU LONG và nhất là CHÍNH SÁCH CAI TRỊ VÔ CÙNG SÁNG SUỐT VÀ KHÔN KHÉO của Ngài (đối ngoại cũng như đối nội).
Ngài hết lòng phò vua Gia Long, đánh Nam dẹp Bắc, giúp Gia Long thống nhất giang san lập nên Nhà Nguyễn. Ngài là một trong những “ĐỆ NHẤT CÔNG THẦN” của Nguyễn triều, được hưởng đặc quyền vào chầu vua không phải lạy, và được quyền tiền trảm hậu tấu ở biên cương. Ngài luôn giữ dạ trung thành đối với Nhà Nguyễn dù sau này Ngài không ưa thích kính phục vua Minh Mạng. Ngài giàu lòng từ thiện nhân ái đối với những kẻ yếu đuối cô thế, lúc nào Ngài cũng sẵn sàng đem hết tài sức mình ra giúp đỡ bảo vệ họ, chống lại sự chèn ép, hà hiếp, áp bức của những kẻ mạnh, ỷ quyền, cậy thế. Ngài vốn hết sức thanh liêm, đi tới đâu là thẳng tay trừng trị bọn quan lại tham tàn bốc lột, bức hiếp dân lành tới đó. Ngài không lòn cúi nịnh bợ ai bao giờ, Ngài rất ghét đám quan lại đội trên đạp dưới. Ngài rất sáng suốt trong chánh sách trị loạn. Ngài biết rõ sở dĩ dân lành phải nổi loạn vì họ không còn sống nổi dưới ách cai trị áp bức tàn nhẫn của bọn quan lại tham lam ích kỷ cho nên muốn bình định cho hữu hiệu thì phải quét sách hết đám quan lại tham nhũng kia đi. Ngài đến đâu là đem lại sự an bình thịnh vượng cho người dân đến đó.
Công lao lớn nhất của Ngài mà người dân Đồng Nai Cửu Long đời đời mang ơn tôn kính là công khai phá, mở mang, phát triển vùng đất Gia Định xưa chạy dài từ Bình Thuận đến Cà Mau nơi Ngài đã từng hai lần làm Tổng Trấn.
Xin nhắc lại là khi vừa thành hình trong thập niên 1770 và bắt đầu phát triển chưa được bao lâu thì Miền Nam bị quân Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ trên đường rượt đuổi Nguyễn Ánh, tàn phá cước bóc tan tành. Dân chúng vô cùng khốn khổ với những cuộc nội chiến tàn phá này. Sơn Nam trong quyển “Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam” ghi lại như sau, căn cứ trên Gia Định Thông Chí:
“Trước năm 1776, thương cảng lớn nhất của Miền Nam là cù lao Phố. Năm 1776 và 1777 quân Tây Sơn tràn vào Gia Định, đánh cù lao Phố, chiếm dỡ lấy phòng ốc, gạch đá, tài vật chở về Qui Nhơn.”
Nông Nại Đại Phố tức là thương cảng cù lao Phố suy sụp luôn, thương gia Hoa Kiều bèn kéo nhau xuống vùng Chợ Lớn ngày nay để lập chợ Sài Gòn, sát với chợ Tân Kiểng thành hình từ trước 1770.
Thương cảng Sài Gòn (nên hiểu là Chợ Lớn ngày nay) thành hình và phát triển nhanh từ năm 1778.... Nhưng 4 năm sau, 1782, Nguyễn Nhạc tới 18 Thôn Vườn Trầu, bị phục kích thua thảm hại, hộ giá Ngạn của Tây Sơn tử trận. Nhạc nhận ra bọn phục kích là đạo binh Hòa Nghĩa gồm nhiều người Tàu theo giúp Nguyễn Ánh. Nhạc bèn giận lây, phàm người Tàu không kể mới cũ đều giết cả hơn 10.000 người. Từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn, tử thi quăng bỏ xuống sông làm nước không chảy được nữa. Cách 2, 3 tháng người ta không dám ăn cá tôm dưới sông (tr. 41-43).
Chợ phố lớn Mỹ Tho, nhà ngói cột chạm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông đến đậu đông đúc làm một đại đô hội rất phồn hoa huyên náo. Từ khi Tây Sơn chiếm cứ, đổi làm chiến trường, đốt phá gần hết, tuy nói trù mật nhưng đối với lúc xưa chưa được phân nửa.” (tr. 45- 46)
Cuộc nội chiến đã gây bao nhiêu tàn phá đổ vở cho Miền Nam trên đường phát triển, gây trở ngại lớn lao cho dân chúng Miền Nam trên đường gầy dựng sự nghiệp. Đâu đâu dân chúng cũng mong đợi cảnh hòa bình, cuộc trị an, cơ hội thuận lợi để làm ăn xây dựng lại cuộc đời, xây dựng lại nền an ninh thịnh vượng cho xứ sở. Những mong ước chính đáng đó của người dân Đồng Nai Cửu Long đã được đáp ứng sau khi Gia Long thống nhất đất nước và nhất là khi Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt hai lần vào làm Tổng Trấn Gia Định.
(Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt)
Có thể nói trong lịch sử của Miền Nam từ trước tới giờ chưa ai có được tấm lòng nhân, có tinh thần nhân bản, có sự sáng suốt trong việc cai trị bằng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt. Ở địa vị Tổng Trấn Gia Định (xem như một Phó Vương cai quản cả Miền Nam nước Việt), với tất cả quyền hành trong tay, Ngài đã đem lại cho người dân Miền Nam một nền hòa bình thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Đối ngoại Ngài đã giúp đỡ, bảo vệ cho Cao Miên làm cho nước này phải chịu thần phục triều đình Nhà Nguyễn. Ngài làm cho Xiêm La nể sợ không còn dám dòm ngó phá phách Việt Nam. Ngài chấp nhận giao thương với các nước Tây phương cũng như Trung Hoa, Miến Điện chớ không nhắm mắt theo lệnh triều đình đóng cửa rút cầu không cho người ngoại quốc vào nước mình buôn bán. Ngài không thi hành lệnh cấm đạo của Minh Mạng, làm ngơ để cho các giáo sĩ được tự do truyền giáo ở trong Nam. Ngài chủ trương tôn giáo nào cũng tốt, cũng có nền đạo đức luân lý giúp con người sống lành mạnh tốt đẹp. Ngài bảo “Đạo Thiên Chúa nước nào không có. Người ta đâu có ngăn cấm, sao nước mình lại đặt ra cái chỉ dụ kỳ cục vậy. Gây cảnh nồi da xáo thịt lại mang tội với đời sau.” Thay vì bế môn tỏa cảng theo lệnh của triều đình thì Ngài lại sẵn sàng đón nhận các phái bộ ngoại quốc đến xin tiếp xúc giao thương. Thay vì xem nhẹ việc buôn bán (theo quan niệm sắp xếp thứ tự sĩ nông công thương của nho gia), Ngài lại khuyến khích thương mại để đem nhiều quyền lợi về cho quốc gia dân tộc. Đối nội Ngài làm cho dân chúng được yên ổn làm ăn, lại tạo ra cơ hội để người dân góp phần phát triển kinh tế trong vùng. Ngài cho đào kinh, làm đường sá để cho sự giao thông trong nước cũng như giữa Việt Nam và Cao Miên được dễ dàng. Ngài khuyến khích người dân khẩn hoang lập ấp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Ngài tạo điều kiện tốt cho các giống dân (Trung Hoa, Miên, và người ngoại quốc khác) sống ở đây hội nhập vào xã hội Việt Nam mới này để cùng chung sức làm cho đất nước được phồn thịnh. Về xã hội, nghĩ đến những người đã hy sinh vì nước để vợ con bơ vơ thiếu thốn, Ngài cho thiết lập hai cơ quan từ thiện là “Anh Hài” và “Giáo Dưỡng” để lo cho vợ con các chiến sĩ vị quốc vong thân. Tuy xuất thân là một võ quan, Ngài vẫn chú trọng đến việc phát triển văn hóa. Ngài dùng tiền do triều đình ban thưởng cho cá nhân Ngài để xây Văn Thánh Miếu khích lệ việc học của các sĩ tử. Ngài quả thật là người có đủ tinh thần NHÂN BẢN, DÂN TỘC, và KHAI PHÓNG mà ngày nay chúng ta thường đề cao.
Tấm lòng của Ngài đối với vùng đất Gia Định và người dân Đồng Nai Cửu Long thật như trời biển. Ngài đúng là bậc cha mẹ dân luôn luôn thương dân như con đẻ. Có thể nói đối với Ngài “dân vi quí, xã tắc thứ chi”. Ngài thương dân Gia Định cũng như đất Gia Định vô cùng. Ngài đã đem tất cả tài sức giúp dân, giúp quê hương xứ sở. Tấm lòng của Ngài đối với dân Đồng Nai Cửu Long và mảnh đất thân yêu này thật là vô bờ bến. Chính vì vậy mà người dân Gia Định mang ơn Ngài, tôn sùng Ngài hơn cả vua chúa, hơn cả những vị anh hùng dân tộc thường được lịch sử ca tụng từ trước đến giờ.
Trong lần hội kiến với Ngài tại Gia Định thành, Phan Thanh Giản đã hết sức kính phục thố lộ:
“Gia Định này thật có phúc mới gặp được một Tổng Trấn như đai quan. Tôi ở Kinh Thành, ở Bắc Thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác. Ở dọc sông thì trên bến dưới thuyền, ghe thuyền san sát, lúa gạo nghìn nghịt. Vải vó, đồ thau, đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, thảo mộc quý, quế, trầm, hồi thật là không thiếu thứ gì. Trên đất liền, nhà cửa phố xá san sát, khang trang. Đường đi lại lát gạch, lát đá sạch sẽ mát mắt. Cảnh dân theo đạo Thiên Chúa trốn chui trốn nhủi như ở ngoài Bắc Thành, Kinh Thành, ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, vào đây không thấy. Cha truyền giáo vẫn đi lại bình thường trên đường phố. Tôi thật mừng. Mình làm quan thấy dân vui là mình vui. Làm quan chỉ biết vui phần mình thật đáng trách.”
Năm 1822 một phái đoàn Anh do ông Crawfurd dẫn đầu có đến yết kiến Ngài Tổng Trấn. Trong dịp này Crawfurd thú nhận:
“Đây là lần đầu tiên tôi tới Saigun (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé). Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng...Dinh Tổng Trấn khá đồ sộ và uy nghiêm. Các thành trì nằm ở bờ sông An Thông hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được Tổng Trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn . Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây... Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị Tổn Trấn của họ.
Con người này ít học. Nhưng lạ lùng thay là có được cái nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu thông kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông.”
Sống đã vậy mà khi mất đi rồi vẫn tiếp tục bảo bọc phù hộ con dân của mình. Thác rồi Ngài trở thành một vị thần hiển linh mà người dân Gia Định hết lòng tín ngưỡng phụng thờ. Đây là một tín ngưỡng dân gian rất quan trọng về phương diện văn hóa. Người ta đồn Ngài rất linh hiển. Những người làm việc cho chính quyền, có đầu óc vô thần, tỏ vẻ xấc láo với thần linh trước miếu thờ Đức Thượng Công đều bị Ngài trừng phạt nặng nề. Người dân Nam tin rằng Ngài luôn luôn trừng phạt kẻ gian, kẻ trộm cướp, kẻ xấc láo vô lễ, kẻ thề thốt man trá trước lăng miếu của Ngài. Người ta hay nói đến những trường hợp bị “Ông vật”, “Ông bẻ cổ” hay “Ông bắt hộc máu,” để chỉ những trừng phạt đó. Trước đây các cơ quan hay hãng sở có vụ án bí ẩn không tìm ra manh mối thì người ta thường đưa các đương sự đến “Lăng Ông” cho thề trước đền thờ Ngài. Ngược lại, nhiều người thường dân làm ăn lương thiện hay đến cầu xin Ngài giúp cho họ sự bình yên, thành công trong việc làm, thi cử đổ đạt, thành tựu trong việc cưới xin, bệnh hoạn chóng khỏi, v.v...hầu hết đều được Ngài chứng tri giúp đỡ. Tiếng đồn về việc Đức Thượng Công hiển linh thường hay thi ân, giáng họa được truyền tụng mỗi lúc một lan xa trong dân chúng từ xưa đến giờ và mãi mãi về sau này. Tin Đức Thượng Công cũng là một tín ngưỡng dân gian của vùng Đồng Nai Cửu Long quan trọng chẳng kém gì lòng tin của con người trong những tôn giáo khác ở vùng này. Lăng Ông Bà Chiểu rất xứng đáng làm biểu tượng cho vùng Đồng Nai Cửu Long vậy.
Nếu người dân Đồng Nai Cửu Long xưa kia may mắn có được một nhà cai trị khôn ngoan, nhân đức, sáng suốt, biết thương dân thương nước như Đức Thượng Công khi Ngài còn tại thế thì ngày nay dân chúng Miền Nam cũng vô cùng hãnh diện và may mắn có vị thần bảo hộ hết sức hiển linh như Đức Tả Quân. Tiếc rằng dân Việt Nam nói chung không được cái may mắn đó vì triều đình Minh Mạng cũng như đa số các đại thần của triều đình này không có được cái khôn ngoan nhân đức và lòng thương nước thương dân của Ngài Chưởng Tả Quân Bình Tây Tướng Quân Quận Công. Nếu như triều đình và các đại thần của triều đình này cũng khôn ngoan, thấy xa, hết lòng vì dân vì nước, áp dụng chính sách cai trị khôn khéo, cởi mở của Đức Thượng Công đã áp dụng trong Miền Nam thì cả nước Việt Nam đã sớm trở thành một nước tiến bộ hùng cường như Nhật Bản từ đầu thế kỷ XX rồi, và người dân Việt Nam đã được ấm no hạnh phúc như những người dân trong các xã hội tiến bộ khác từ lâu rồi. Người đời sau nếu thật lòng thương dân thương nước, nếu thật lòng muốn cho xã hội tiến bộ, dân chúng ấm no hạnh phúc, thì nên học hỏi chính sách cai trị khôn ngoan sáng suốt cởi mở của Đức Thượng Công cũng như tấm lòng nhân và tinh thần nhân bản của Ngài. Ngài thật vô cùng xứng đáng làm tấm gương cho người làm chính trị sau này, xứng đáng được sự nhớ ơn đời đời cũng như sự tin tưởng phụng thờ và sùng bái ngàn năm của người dân Nam Việt.
Nhằm biểu tả tình luyến lưu cũng như lòng mang ơn nói trên một cách chân thực hơn, anh em chúng tôi xin phép thành lập Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation. Hội này sẽ cố gắng xúc tiến xây dựng một đền thờ Đức Tả Quân Lê văn Duyệt ở tại đây. Trong đền thờ này chúng tôi cũng sẽ dành một nơi để thờ chung những anh hùng liệt sĩ có lòng yêu nước nồng nhiệt, đã hy sinh thân mình cho núi sông, có công bảo vể, phát triển Miền Nam từ xưa đến giờ như Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Pétrus Ký, Trương công Định, Nguyễn trung Trực, Nguyễn an Ninh, Phan Văn Hùm, Trần Văn Hương, Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Ngọc Huy, v.v...Bên cạnh đền thờ chúng tôi cũng mong thiết lập một trung tâm sinh hoạt văn hóa để một mặt nghiên cứu theo dõi bước tiến của tổ tiên trong việc thành hình xã hội/văn hóa Đồng Nai Cửu Long, và mặt khác tổ chức những sinh hoạt bảo tồn và phát huy những nét đặc thù của nền văn hóa đó. Tờ Đặc San Đồng Nai Cửu Long cũng như tờ đặc san “Tiền Giang Hậu Giang là hai cơ quan văn hóa nói lên nỗ lực chung của anh em chúng tôi trong mục đích trên. Chúng tôi hết sức mong mỏi sự tận tình cũng như sự yểm trợ mạnh mẽ của quý đồng hương trên tất cả mọi phương diện cho các tập san ĐNCL, TGHG và cho sự hình thành đền thờ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt.
Trân trọng kinh chào
Nguyễn Thanh Liêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét