Túc Tấn Xương Đình Văn Kinh Cầm
Ky tự quan quan dạ cảnh xâm
Cao song bất yểm kiến kinh cầm
Phi lai khúc chử yên phương hợp
Quá tận nam đường thụ cánh thâm
Hồ mã tê hòa du tái địch
Sở viên ngâm tạp quất thôn châm
Thất quần quái mộc tri hà hạn
Viễn cách thiên nhai cộng thử tâm
Cao song bất yểm kiến kinh cầm
Phi lai khúc chử yên phương hợp
Quá tận nam đường thụ cánh thâm
Hồ mã tê hòa du tái địch
Sở viên ngâm tạp quất thôn châm
Thất quần quái mộc tri hà hạn
Viễn cách thiên nhai cộng thử tâm
Lý Thương Ẩn (813 - 858)
***
Ngủ Đỗ Ở Đình Tấn Xương Nghe Tiếng Chim Hót Hoảng
Trời tối dần , lòng kẻ ngủ đình nơi đất khách, ngổn ngang trăm mối
Qua cánh cửa sổ trên gác không khép, nhìn thấy một con chim bay hoảng
Bay lạc lõng xuyên qua đám khói vừa tụ lại ở đầu bến sông
Rồi mất dạng, khuất vào bụi cây rậm trên bờ đê ở phía nam
Văng vẳng nghe như tiếng ngựa Hồ hí, xen với tiếng sáo từ ải Du
Tiếng vượn Sở hú, lẫn trong tiếng chầy giặt quần áo ở thôn Quất
Lạc bầy ,lìa tổ , đêm phải ngủ treo ở trên cành cây, cho đến bao giờ đây
Chim ạ , ven trời xa cách , thân ta lúc này cũng như chim mà thôi
Một Tối Ngủ Đình
Chiều tối, ngủ đình, dạ vấn vương,
Cánh chim lẻ bạn, thoáng trong sương.
Xuyên quàng đám khói thưa đầu bến,
Chúi lủi bụi cây rậm cuối đường.
Khúc sáo ải xa, sầu viễn xứ,
Tiếng chầy thôn vắng, hận tha phương.
Lạc bầy, đất lạ, đời phiêu bạt,
Vò võ ven trời, ôi cố hương.
Phạm Khắc Trí
Ngủ Đỗ Ở Đình Tấn Xương Nghe Tiếng Chim Hót Hoảng
Trời tối dần , lòng kẻ ngủ đình nơi đất khách, ngổn ngang trăm mối
Qua cánh cửa sổ trên gác không khép, nhìn thấy một con chim bay hoảng
Bay lạc lõng xuyên qua đám khói vừa tụ lại ở đầu bến sông
Rồi mất dạng, khuất vào bụi cây rậm trên bờ đê ở phía nam
Văng vẳng nghe như tiếng ngựa Hồ hí, xen với tiếng sáo từ ải Du
Tiếng vượn Sở hú, lẫn trong tiếng chầy giặt quần áo ở thôn Quất
Lạc bầy ,lìa tổ , đêm phải ngủ treo ở trên cành cây, cho đến bao giờ đây
Chim ạ , ven trời xa cách , thân ta lúc này cũng như chim mà thôi
Một Tối Ngủ Đình
Chiều tối, ngủ đình, dạ vấn vương,
Cánh chim lẻ bạn, thoáng trong sương.
Xuyên quàng đám khói thưa đầu bến,
Chúi lủi bụi cây rậm cuối đường.
Khúc sáo ải xa, sầu viễn xứ,
Tiếng chầy thôn vắng, hận tha phương.
Lạc bầy, đất lạ, đời phiêu bạt,
Vò võ ven trời, ôi cố hương.
Phạm Khắc Trí
03/15/2014
***
Thưa Thầy,
Cảm ơn Thầy đã gởi cho em một bản dịch hay.
Bài thơ này em đã từng đọc được bản dịch của dịch giả Lê Nguyễn Lưu trên mạng như sau:
Trọ đình Tấn Xương, nghe con chim e sợ
***
Thưa Thầy,
Cảm ơn Thầy đã gởi cho em một bản dịch hay.
Bài thơ này em đã từng đọc được bản dịch của dịch giả Lê Nguyễn Lưu trên mạng như sau:
Trọ đình Tấn Xương, nghe con chim e sợ
Lữ khách đêm thâu dạ sắt se
Cửa cao chẳng đóng thấy chim e
Bay về bến ngoặt sương mù toả
Qua đến ao nam cây rậm che
Sáo ải ngựa Hồ xen lẫn vọng
Chày quê vượn Sở nhịp hoà nghe
Lạc bầy nương cội lênh đênh mãi
Lưu lạc lòng ta cũng rụt rè
Trong đó em để ý mấy câu:
1. Cửa cao chẳng đóng thấy chim e
2. Sáo ải ngựa Hồ xen lẫn vọng
3. Chày quê vượn Sở nhịp hòa nghe
4. Lạc bầy nương cội lênh đênh mãi
5. Lưu lạc lòng ta cũng rụt rè
Em thấy dịch giả gieo vần và đối khá chặt chẽ nhứt là trong các cặp Thực và Luận, nhưng vẫn cảm thấy đôi chút gượng ép (chữ "chim e" và "hòa nghe" ý ngô nghê; chữ "rụt rè" diễn tả sự e dè nhút nhát, đâu phải tâm trạng "viễn cách thiên nhai cộng thử tâm", vì trong lòng tác giả đang chung tâm trạng thê lương với con chim lạc đàn ở nơi cách biệt ngàn trùng). Dù không bị "thất đối" nhưng toàn bài ý tứ chưa lột tả được tâm trạng u uất thương đau của thi hào Lý Thương Ẩn.
So với bài của Thầy, mấy câu này là:
1. Cánh chim lẻ bạn thoáng trong sương
2. Khúc sáo ải xa, sầu viễn xứ
3. Tiếng chày thôn vắng, hận tha phương
4. Lạc bầy, đất lạ, đời phiêu bạt
5. Vò võ ven trời, ôi cố hương
Rõ ràng vần gieo chắc mà âm điệu tràn ngập nét u buồn, ý tứ có hơi thoát nhưng quan trọng nhứt là "cái thần", vì lột tả được tâm trạng buồn thương của Lý Thương Ẩn, một người tài hoa nhưng định mệnh khiến xui cả đời lận đận nơi chốn quan trường, bất đắc chí lại thêm lúc nào cũng da diết nỗi nhớ quê xưa...
Các cặp đối "sầu viễn xứ, hận tha phương", "đời phiêu bạt, ôi cố hương" khá chặt chẽ, khiến cho người đọc dồn dập như sóng lớp sau lớp trước trào dâng nỗi niềm u ẩn của nhà thơ một đời lưu lạc...
Thưa Thầy, em thường viết văn xuôi chớ thật sự không rành về Đường thi cho lắm, em thường chỉ "thấm" một bài thơ bằng cảm nhận đơn giản về mặt âm điệu, tính văn chương và sự cảm thụ.
Em nghĩ cũng như một ca sĩ diễn tả bài hát bằng giọng xuất thần khi người ấy biết đặt mình vào linh hồn của bài hát và tâm tình của người soạn nhạc, cho nên nếu muốn dịch được bài thơ ngoại ngữ cho có hồn, chắc chắn Thầy đã đặt mình vào cuộc đời long đong và tâm sự ngổn ngang của Lý Thương Ẩn, và cũng như Thầy nói ở trên, đã trở về tuổi thơ tao loạn, nhớ đến thời gian trôi dạt đó đây, trải qua đôi lần ngủ lại nơi xa lạ, mới có thể "cảm" được tâm tình đó, mới có thể xúc động đến vậy khi nhìn cánh chim lạc bầy kêu xao xác hay nghe tiếng sáo vọng xa xa để dịch được những vần thơ này... Phải chăng đó cũng là phần nào tâm sự của Thầy trong "Khúc hát tha hương":
Vò võ một thân nơi xứ lạ
Vẫn còn đôi lúc được nhớ nhà
Làm người khách lạ trên quê cũ
Nước mắt còn không cho xót xa...
Em cũng có một kỷ niệm buồn tương tự, đó là mấy chục năm trước gia đình em bỏ thành phố lên rừng lập trại, khi đến nơi trời cũng vừa chập choạng. Em nhúm mãi không xong bếp lửa, vì củi ướt và vì bàn tay học trò vụng về. Nước mắt tuôn ràn rụa, vì khói mịt mù, và vì... đủ thứ... Lúc đó em chợt nhớ đến nhân vật khốn khổ của Jack London trong truyện ngắn "To build a fire" quờ quạng nhóm lửa với những ngón tay tê dại rồi cuối cùng cũng chết âm thầm giữa đồng tuyết mênh mông, làm mồi cho lũ sói hoang, rồi bật khóc vì liên tưởng tới phận mình... Khi đó có con chim gì bay ngang đập cánh nặng nề và kêu lên giọng buồn thê thiết, như một tiếng than vãn:
Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai,
Con sông nước sâu sao cứ chảy hoài,
Thương người xa xứ lạc loài tới đây...
Giờ đây tất cả đã thuộc về dĩ vãng, cái dĩ vãng mà khi nhớ lại chỉ thấy có tan tác, mất mác, và tử biệt sinh ly... Có lẽ cũng phần nào đồng chung cảnh ngộ nên em luôn đồng cảm với tâm tình u ẩn của nhà thơ yểu mệnh Lý Thương Ẩn.
Một lần nữa em cảm ơn Thầy đã nhớ tới "đứa học trò ngang hông" mà gởi cho những vần thơ đẹp. Kính chúc Thầy dồi dào sức khỏe, tinh thần luôn minh mẫn phấn chấn như bây giờ, để em còn được thưởng thức thêm các tác phẩm dịch của Thầy.
Em Quỳnh Như
-----------------
PS. Thưa Thầy, mail này viết xong em đắn đo cả ngày không dám gởi, vì hậu bối xa lắc mà dám cả gan luận bàn chuyện thơ ca với bậc trưởng thượng kiến thức thâm sâu. Nên em xin phép dùng lại câu nói của Thầy trong bài "Trai Trung Xuân Vọng" để tự cười mình:
"Thật là... tôi hết chỗ nói nổi cho tôi rồi" !!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét