Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2022

Cầu Lầu Và Rạch Cầu Lầu

Mô hình thứ nhất là của Cầu Lầu trước khi người Pháp chiếm Vĩnh Long lần thứ 2 vào năm 1867. Bên trên là 2 tháp canh ở hai đầu cầu (ảnh sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1955—Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1955).

Cách tỉnh lỵ Vĩnh Long về phía đông nam chừng một cây số có một con rạch chảy bên dưới Cầu Lầu cũng có tên là rạch Cầu Lầu. Ngày nay, con đường dọc theo bờ sông Long Hồ, từ chợ Vĩnh Long tới Cầu Lầu chính là con đường đi từ trong thành ra ngoài lúc trước. Rạch Long Hồ nằm bên phía trái của bờ thành Vĩnh Long. 

Khi vua Nặc Tha dâng phủ Long Hồ lên cho chúa Nguyễn vào năm 1732, thì rạch Cầu Lầu rất nhỏ hẹp, từ vàm rạch nối với sông Long Hồ, dòng nước chảy về hướng Tây để chảy vào rạch Cá Trê, thuộc địa phận phường 3 ngày nay. Đến khi Nguyễn Cư Trinh vâng mệnh chúa Nguyễn dời lỵ sở dinh Long Hồ từ Cái Bè về thôn Long An vào năm 1757, ông đã khuyến khích lưu dân đến đây khẩn đất. Theo các vị kỳ lão địa phương kể lại thì lúc này có một lưu dân họ Huỳnh đã khai khẩn được một số ruộng trong vùng rạch Cá Trê và ông cũng có một số tá điền giúp ông trong việc vét nạo con rạch Cầu Lầu cho nước sông Long Hồ chảy mạnh vào vùng rạch Cá Trê, nên người dân trong vùng thời này còn gọi nó là kinh “Ông Huỳnh Và Tá Điền” (?), lâu ngày về sau này người ta chỉ gọi ngắn gọn là rạch Huỳnh Tá. Lúc này lỵ sở dinh Long Hồ còn đóng tại Cái Bè, nhưng ngay tại vùng Tầm Bào cũng có một đội quân triều đình trấn đóng, nên Trần Đại Định cho vét con rạch Cầu Lầu cho sâu, để vừa làm hào sâu phòng thủ mà cũng vừa lấy đất đắp lên bờ đồn lính. Rạch Cầu Lầu dài khoảng 2.600 mét, rộng khoảng từ 40 đến 50 mét, sâu khoảng 4 đến 5 mét. Đầu vàm rạch là sông Long Hồ, bên trái là xóm Lò Rèn ngày xưa, nay là khóm 2, phường 4; bên phải có con đường Đồng Khánh chạy song song thuộc phường 1. Ngày trước rạch Cầu Lầu là một thủy lộ quan trọng để đi vào thành Vĩnh Long, nhưng bây giờ phương tiên giao thông đường bộ đã phát triển; hơn nữa, rạch Cầu Lầu ngày nay đã cạn và bị hẹp dần nên chỉ có ghe tàu nhỏ là có thể lưu thông được.

Mô hình thứ hai là Cầu Lầu có một tháp canh ở giữa (ảnh sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1955—Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1955).

Như trên đã nói cây cầu có tên gọi Cầu Lầu vì nó có một trạm canh được cất ngay trên giữa cầu và được bắt trên rạch Cầu Lầu (có sách viết là có hai trạm canh ở hai đầu cầu như trong hình số 1). Điều này cho thấy sau khi binh lính bên đồn canh nạo vét kênh để đắp đồn lũy, bắt cầu, thấy hình dáng cầu giống như một cái lầu, liền gọi là Cầu Lầu, rồi đặt tên cho con rạch bên dưới là rạch Cầu Lầu, chứ trước đó không biết tên con rạch bên dưới là rạch gì, có thể là rạch “Ông Huỳnh Và Tá Điền”, rạch Huỳnh Tá hay có thể có một cái tên nào khác (?). Ngày nay dầu Cầu Lầu ngày xưa đã không còn mà thay vào bằng một cây cầu đúc, nhưng danh từ Cầu Lầu vẫn là danh từ thân thương đặc biệt của người dân đất Vĩnh vì nơi đây đã từng có cây Cầu Lầu bằng ván ghi lại dấu vết của thành Vĩnh Long thuở xa xưa. Đây cũng là chòi canh chính dòm ra dòng sông Long Hồ. Ngày xưa, cột cầu được làm bằng gỗ căm xe, bên trên cũng lót bằng ván căm xe. Cầu có chiều rộng khoảng từ 6 đến 7 thước tây, có hai tầng, bên dưới cho khách bộ hành, khoảng giữa có 4 cây cột cao khoảng khoảng 3 thước, bên trên là chòi canh, lợp bằng ngói âm dương, bốn vách đều có lỗ châu mai. 

Cầu bắc cao theo kiểu hình thang, hai bên dốc lên khoảng 40 độ, khoảng giữa sông cách mặt nước rất xa cho ghe thuyền qua lại dễ dàng. Phía bên kia đầu cầu, bên phải là chợ Cầu Lầu mà người dân địa phương còn quen gọi là Chợ Chiều, từ đầu chợ có một con đường chạy dọc theo bờ rạch Cầu Lầu đi vào xóm Lò Rèn, nơi mà khi xưa chuyên làm binh khí cho quân lính đóng trong thành Vĩnh Long. Cầu Lầu và Cầu Lộ bây giờ dưới thời nhà Nguyễn là hai cửa của thành Vĩnh Long, là những nơi quan yếu nhứt trong thành. Cầu Lầu có nhiệm vụ canh phòng mặt sông Long Hồ; trong khi Cầu Lộ có nhiệm vụ canh phòng mặt sông Cổ Chiên. Chính vì vậy mà cả ngày lẫn đêm, đều có lính canh gác. Vọng gác cao hơn mặt đất khoảng 15 thước tây nên lính canh có thể thấy dòm thấy mọi di chuyển trên bộ từ hướng cua Long Hồ đi ra cũng như tất cả mọi di chuyển bằng đường thủy trên dòng sông Long Hồ. Bên kia rạch Cầu Lầu là rạch Cá Trê chảy vào làng Phước Hậu, nhờ vậy mà ruộng vườn cả vùng này từ khoảng đập Cá Trê chạy xuống Ông Me qua Cua Long Hồ lúc nào cũng tốt tươi thạnh mậu.

Rạch Cầu Lầu, đứng từ trên cầu chụp về hướng cầu Khưu Văn Ba (nay là Phạm Thái Bường), hình 2011.

Ngay đầu Cầu Lầu và con đường dọc theo bờ sông đi về xóm lò Rèn là ngôi chợ Chiều. Chợ chỉ nhóm vào buổi chiều nên gọi là chợ chiều. Ông bà già xưa kể lại, chính tại xóm lò rèn này là nơi mà cựu trào dùng để đúc binh khí cho binh lính trong thành Vĩnh Long. Nhưng khi người Pháp chiếm Vĩnh Long, họ đã phá hủy Cầu Lầu và làm lại bằng cầu bê tông cốt sắt. Sau đó họ cho triệt hạ xóm Lò Rèn, không cho dân chúng trong vùng rèn đúc binh khí nữa. Trước khi người Pháp chiếm Vĩnh Long thì con đường thủy duy nhất từ vùng Phước Hậu ra cửa tiền (Cầu Lầu) thành Vĩnh Long là rạch Cá Trê. Sau khi chiếm thành Vĩnh Long, người Pháp muốn xóa bỏ hình ảnh của khu vực một thời sung túc của Nam Triều, đó là khu vực Cửa Tiền của thành Vĩnh Long, nên họ cho triệt hạ hết mọi thứ, từ Cầu Lầu đến xóm Lò Rèn... Thay vào đó, khoảng năm 1870, họ cho đào những con kinh như Bảo Kê (Bocquet), kinh Phó Tế, kinh Ruột Ngựa, và kinh Cụt... để cho dân chúng vùng Phước Hậu có thể đi bằng đường thủy ra chợ Vĩnh Long bằng đường thủy qua ngã kinh Cụt tới cửa Hữu. Ngày xưa con đường từ Cầu Lầu đi về ngã ba Long Hồ, là huyết mạch chính nối liền Vĩnh Long Trà Vinh nên xe cộ đông đúc và sinh hoạt tấp nập, nhưng ngày nay đã thưa thớt xe chạy vì đã có lộ cầu Vồng lớn hơn nối liền Liên Tỉnh Lộ Vĩnh Long Trà Vinh.
Cầu Lầu 2018.


Người Long Hồ 
Trích trong Chương 51, Tập II bộ DINH LONG HỒ NGÀY ẤY & BÂY GIỜ của tác giả Người Long Hồ + Video của trang VỀ MIỀN TÂY


1 nhận xét:

  1. Cảm ơn anh Ngọc Trân (Người Long Hồ) đã chuyển tiếp Video này.

    Trả lờiXóa