Cuốn thơ song ngữ có tên là “Các Bài Thơ Việt Nam Khó Quên – Unforgettable Vietnamese Poems” của Hương Cau Cao Tân đến với tôi vào những ngày đầu Xuân giữa mùa đại dịch. Sách khá dầy, khoảng 300 trang, trình bầy trang nhã, mỹ thuật, những trang thơ Việt-Anh in song hành dễ dàng đối chiếu.
Sách gồm 100 bài thơ Việt và 100 bài thơ chuyển dịch sang Anh ngữ. Tác giả đã chọn ra 16 nhà thơ nổi tiếng và lựa ra những bài mà tôi chắc rằng nhiều độc giả đã từng ưa thích. Tôi tạm chia các nhà thơ ra từng thời kỳ để dễ cảm nhận những dòng thơ này:
Thời kỳ Tiền Chiến: Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, T.T. Kh., Vũ Đình Liên, Xuân Diệu.
Thời kỳ Kháng chiến: Hữu Loan, Quang Dũng.
Thời kỳ Đất nước chia đôi: Nguyên Sa, Phùng Quán.
Những bài thơ của các nhà thơ trên đây có những bài đã được làm ra trên thế kỷ, gần một thế kỷ hay đã trên nửa thế kỷ qua. Trong thời gian đó, thế giới đã thay đổi quá nhanh ảnh hưởng mọi mặt về ngoại cảnh và ý nghĩ tư tưởng của con người, nhưng những bài thơ này vẫn được truyền tụng nhắc đến, chưa quên và vẫn được tìm đọc hay những khi được dùng để trích dẫn.
Sách dịch từ ngoại ngữ như Anh, Pháp sang Việt ngữ thì nhiều, nhưng sách được dịch từ Việt ngữ sang ngoại ngữ thì rất hiếm, đó cũng là cảnh mang chuông đi đánh xứ người của văn chương chúng ta.
Chuyển dịch một bản văn ngoại ngữ sang Việt ngữ đã là một vấn đề, chuyển từ Việt ngữ sang ngoại ngữ sẽ có nhiều vấn đề hơn. Chuyển thơ việt ngữ sang ngoại ngữ lại còn khó khăn nhiều nữa. Chuyển các văn thơ cận đại hay hiện tại mà hình ảnh và tình cảm vẫn còn sống động, chưa phai dễ cho người đọc hình dung liên tưởng được. Chuyển thơ cổ, thơ xưa mà hình ảnh và tình cảm xưa đã phai lạt không còn nữa sang ngoại ngữ thì thiết tưởng sẽ không dễ dàng chút nào. Người dịch phải tìm những từ ngữ, ngôn ngữ, câu văn thích hợp để làm sao phải kéo được người đọc về sống lại hay cảm nhận được cái ý và tứ thơ trong khung cảnh và thời gian trong một quá khứ đã xa của bài thơ.
Làm sao mà chuyển sang Anh ngữ được những bài của Bà Huyện Thanh Quan từ hơn một thế kỷ, khi mà không còn những bức tường thành rêu cổ, chú tiều phu lom khom… Làm sao chuyển được những của Bàng Bá Lân, Huy Cận, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp…của thời Tiền Chiến, khi không còn những lũy tre xanh, cây đa đầu làng, xóm giếng ngày xưa, cô lái đò chờ khách sang sông.. . Làm sao chuyển được Hữu Loan, Quang Dũng cùng những quán nước sơ xác bên đường của người thiếu nữ Hà thành long đong trong thời lửa đạn, những chiều hành quân qua đồi hoa sim …trong thời kháng chiến hay của Nguyên Sa màu áo lụa năm nào...
Tôi nghĩ đến các vị thâm nho trước đã dùng một kỹ thuật dịch thơ Đường, thí dụ như trong cuốn “Đường Thi Trích Dịch” của Đỗ Bằng Đoàn và Bùi Khánh Đản, một bài thơ chữ Hán được dịch sang thơ Việt ngữ, thường gồm ba phần: phần đầu là nguyên bản chữ Hán, phần thứ hai là diễn nghĩa, phần thứ ba là thơ bằng tiếng Việt. Ngoài ra nhiều bài còn có phần phụ chú về những điển tích hay địa danh.
Tôi đã có một cảm tưởng là Cao Tân đã gộp lại hai bước, phần dịch và phần làm thơ làm một, và đã thực hiện được một cách suông sẻ, nhưng phải dùng nhiều chữ hơn cho một câu thơ. Với cách này độc giả ngoại quốc hay những người trẻ Việt Nam sinh ra chưa bao giờ thấy mặt quê hương, cái tình tự nguyên thủy ngày xưa đó sẽ có thể hình dung thêm được khung cảnh và tình ý của bài thơ
Hãy đọc lên những câu thơ dịch của Cao Tân, ta sẽ thấy sẽ có những âm điệu và những chữ cuối câu được thận trọng reo vần với nhau để nối các câu thơ thành một bài thơ.
Những câu thơ phải dịch dài thêm chủ ý làm thoát ý, không làm sai lạc, mà còn giúp cho câu thơ nguyên bản được hiểu thêm. Sau đây, hãy thử đi vào những đoạn thơ và phần chuyển dịch sẽ thấy rõ .
Bài “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư:
Bài “Áo Lụa Hà Đông” của Nguyên Sa:
Tôi còn muốn trích thêm nhiều đoạn thơ nữa để chứng tỏ Cao Tân đã hoàn thành được cái kỹ năng dịch thơ riêng biệt của mình.
Tôi với Hương Cau Cao Tân quen biết nhau qua mối duyên tao ngộ qua một mạng văn chương. Mỗi người một nước, chưa từng gặp mặt, cũng chưa biết hình ảnh của nhau, tôi chỉ biết qua Cao Tân qua một đoạn tiểu sử sau:“Đã di-cư hai lần trong cuộc đời, lần đầu từ miền Bắc Việt-Nam đến miền Nam Việt-Nam trong đợt di-cư năm 1954, và lần thứ hai từ miền Nam Việt-Nam sang Gia-nã-đại, là nơi Hương Cau Cao Tân đã được may-mắn định-cư kể từ năm 1975. Hương Cau may-mắn được đi học chút ít tại quê-hương sau khi hoàn-tất bậc trung-học, đã hoàn-tất chương-trình kỹ-sư tại Phú Thọ, và sau khi đã định-cư tại xứ người, lại được may-mắn đi học lại và cũng hoàn-tất lại chương-trình đại-học trong ngành nghề máy-móc chẳng liên-quan gì đến sự đam-mê văn-chương của mình. Có lẽ vì sự đam-mê nên cho dù không phải là có khả-năng viết lách, Hương Cau cứ vẫn đua-đòi ...viết, nhưng chỉ là viết lại những gì Hương Cau ... bị đam-mê thôi-thúc, và viết ra có thể là trong tiếng mẹ đẻ, hoặc là trong tiếng Anh khó đọc, vốn là thứ ngôn-ngữ đã giúp Hương Cau được sinh-sống rất thăng-trầm trong những ngày tha-phương cầu-thực của đời hậu tỵ-nạn. Hiện-tại Hương Cau đã vượt qua số tuổi hưu-trí, nên mới có thời-gian và cơ-hội... “múa rìu qua mắt thợ” trong một vài bài viết cỏn-con của mình. Mong rằng các bậc tiền-bối và hậu-bối tài-hoa trong lãnh-vực văn-chương thông-cảm cho sự đam-mê.”
Tôi cũng cố tìm đọc một vài cuốn thơ dịch của các tác giả khác , mỗi
người có một cách dịch riêng, khác nhau. Không có một tiêu chuẩn nào,
qui luật nào là đúng nhất, nhưng mọi dịch giả đều cố gắng dịch sao cho
đúng với ý nguyên bản. Dịch thơ không những chỉ là dịch thuật, mà tôi
nghĩ cũng phải là người có chất thơ và lãng mạn đôi chút của riêng mình.
Tôi tin rằng Cao Tân ít ra cũng có những điều kể trên.
Dịch giả Cao Tân với phong thái giản dị, khiêm tốn không đề cao công việc mình làm, nhưng với lòng đam mê và nỗ lực đã âm thầm thực hiện được những công trình, hoài bão tôi cho là lớn lao, đáng ghi nhận. Cho dù không nói đến khía cạnh văn hóa mà chỉ nói đến sự đam mê, nhưng trực tiếp hay gián tiếp cũng đã giúp cho sự lưu truyền văn chương và là cây cầu nối với thế hệ trẻ hay với người không cùng ngôn ngữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét