Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Nhất Nhật Bất Kiến

Khi bắt đầu vào lớp Đệ Thất trường Trung Học, ở môn Văn, tôi đã học thuộc lòng và nhớ khá nhiều ca dao, trong đó có bài:

Xin đừng ra dạ bắc nam
Nhất nhật bất kiến như tam thu hề
Huống tam thu như bất kiến hề
Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu.

Và sau đó là 2 câu thơ trong truyện Kiều:

Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.

Lúc đó, tôi cũng như một số bạn học đều nghĩ "tam thu" là ba năm.

Sau này mới biết, tất cả các câu thơ trên đều có nguồn gốc từ câu "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề" trong bài thơ "Thái Cát" của Kinh Thi.
Thông thường trong suy nghĩ, hầu hết chúng ta đều cho rằng "Ba Thu" có nghĩa là "Ba năm". "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề" (Một ngày không gặp cũng tựa ba năm!?). Có lẽ vì suy nghĩ này, khi làm thơ hay viết văn, chúng ta cũng ví Ba thu là Ba năm.

Cách giải thích này có đúng chăng?
Để rõ ràng hơn, chúng ta cùng tìm đến bài "Thái Cát"

采葛 Thái Cát
孔夫子 Khổng Phu Tử

彼采葛兮 Bỉ thái cát hề
一日不見 Nhất nhật bất kiến
如三月兮 Như tam nguyệt hề.
彼采蕭兮 Bỉ thái tiêu hề
一日不見 Nhất nhật bất kiến
如三秋兮 Như tam thu hề.
彼采艾兮 Bỉ thái ngải hề
一日不見 Nhất nhật bất kiến
如三歲兮. Như tam tuế hề.
詩經 Kinh Thi

Dịch nghĩa: Hái Sắn Dây

- Đoạn 1: Người đi cắt sắn đay, một ngày không thấy nhau, tựa như ba tháng chưa gặp.

- Đoạn 2: Người đi cắt cỏ tiêu, một ngày không thấy nhau, tựa như 9 tháng (mỗi mùa Thu có 3 tháng) chưa gặp

- Đoạn 3: Người đi cắt ngải, một ngày không thấy nhau, tựa như ba năm chưa gặp.

Dịch thơ:

Người đi hái sắn đay
Vắng nhau chỉ một ngày
Tựa hồ như ba tháng
Người đi hái cỏ tiêu
Không gặp sáng đến chiều
Như 9 tháng xa nhau.
Người hái ngải nơi đâu
Một ngày không thấy mặt
Đăng đẳng ba năm sầu
Quên Đi

Chú Giải Của Chu Hy:

- thái cát: hái dây sắn, dây đay để dệt vải thô, vải mịn. Ấy là nhân thế chỉ người ấy mà nói tưởng nhớ quá sâu đậm, chưa lâu mà tưởng lâu như vậy.
- tiêu: cỏ địch, loại cỏ lau, lá trắng, cọng thô và rỗng ở trong, có mùi thơm, khi cúng tế thì đốt lên cho không khí thơm tho, cho nên mới hái thứ ấy.
tam thu: ba mùa thu, không chỉ là ba tháng mà thôi.
- ngải: loại cây phơi khô, có thể đốt châm cứu, cho nên mới hái thứ ấy.
- Tam tuế: ba năm.

Kết Luận:

Qua ý nghĩa từ bài "Thái Cát", tôi mới nhận thấy trước đây mình đã sai.
Như thế "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề" có nghĩa "một ngày không thấy nhau, dài tựa như 9 tháng chưa hề gặp mặt".

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét