Thơ vốn là những rung động thầm kín, tuyệt vời, là những giao cảm của từng tế bào trong tâm não.
Vì thầm kín nên Thơ rất êm ả, lãng mạn, dịu dàng nếu tình cảm thăng hoa hay cõi lòng an tịnh. Nhưng nếu tình cảm bị cách ngăn, tâm hồn trăn trở, thì Thơ lại mãnh liệt khôn cùng. Thơ gào thét với thiên nhiên, thở than cùng số mệnh. Người thơ thường cô đơn mà nàng thơ thì lãng đãng như gió, như mây, như sương khói và luôn chập chờn trong cõi mộng.
Vì thế, Thơ vượt trên cả thời gian lẫn không gian, để trở thành một tổng hợp của cực tiểu với cực đại, của con người nhỏ bé với trăng sao xa vời. Thơ đi vào lòng ta qua từng cảm xúc đôi khi rất bất chợt, rất nhẹ nhàng, khi buồn, khi vui, khi yêu đương và cả lúc...cô đơn. Thơ có mặt trong tận cùng đời sống của nhân loại, từ giọt lệ hạnh phúc đến khổ lụy triền miên, từ nụ cười trẻ thơ đến máu đào chinh chiến. Thơ là nguồn sống của thi nhân, là vườn hoa của tình ái. Đôi khi Thơ cũng là chén phiền được tuôn chảy qua những giận hờn, khổ lụy hay tức tưởi, thở than của những phút yếu lòng. Thơ là vườn mộng của suy tư, là phiêu du của tâm tưởng, vì thế Thơ rất vô cùng và miên viễn.
Nhạc cũng thế! Từ nguyên thủy, Âm Nhạc vốn xuất phát từ tiếng động của thiên nhiên, của vũ trụ đang hình thành. Nếu Thơ bắt nguồn từ nội tại chuyển ra ngoài cảnh giới thì Âm Nhạc ngược lại, đã đến với con người thật ngẫu nhiên bằng tiếng gió gào, sóng vỗ, suối reo và từ đó tác động vào tâm hồn của mọi người, mọi nơi, qua mọi thời đại.
Hằng mấy ngàn năm trước khi các tu sĩ Thiên Chúa Giáo hệ thống hóa Âm Nhạc bằng chuỗi âm thanh 7 Nốt, đã có tiếng tù và độc âm gọi đàn, họp nhóm. Có những tiếng trống thúc quân, thu quân, báo động, truyền tin của những bộ lạc định canh hay du mục trên các thảo nguyên thượng cổ.
Trong chiều hướng đơn giản ấy, đôi khi Âm Nhạc không cần những giai điệu, phức điệu, hay tiết tấu hiện đại hay cổ điển, và cũng không cần nhạc cụ bao gồm bộ đồng, bộ dây, bộ gõ, bộ hơi... mà chỉ cần một tiếng vang, một hơi thở cũng làm con người cải tiến được tâm thân.
Đó là tiếng OHM của Thiền môn Tây Tạng, là tiếng mõ liên hồi trong tụng niệm của Phật gia. Âm Nhạc làm người ta vui, khiến người ta buồn, buồn đến mức có thể hủy đi sinh mạng của mình. Âm nhạc làm cho con người đến gần nhau, xa rời nhau, thù hận nhau, yêu thương nhau... và cũng là phương tiện đưa ta về quá khứ, mang ta đến tương lai. Âm nhạc nói giùm ta những muộn phiền, ưu tư, hạnh phúc hiện tại, đã qua, và sắp đến. Nhạc gần gũi hơn Thơ vì người ta có thể hát, hát bất cứ lúc nào, bất cứ ở nơi đâu.
Nghe xong một bài hát là ta có thể nhớ ngay vài giai điệu đơn giản, trong khi đó Thơ phải mất thêm nhiều thời gian để thẩm thấu và tồn đọng trong tâm hồn. Tuy vậy trong Thơ thường có Nhạc và Nhạc cũng có những đặc tính căn bản giống như trong Thơ. Đó là là Tình, Ý, Cảnh...
Tóm lại, Thơ và Nhạc dù có nhiều khác biệt, vẫn có thể cộng hưởng để mang lại cho con người những hạnh phúc nội tại, hoặc trở thành một nguồn sống tinh thần và tình cảm thật dạt dào trong sinh hoạt của đời sống hằng ngày. Không có Thơ và thiếu cả Nhạc thì cuộc sống trần gian này sẽ buồn tẻ biết bao!
Huy Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét