Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Rừng Trong Văn Học Việt


Rừng là một phần của thiên nhiên, của tạo vật và là một tài nguyên vô giá. Nó là nguồn rung cảm của
thi nhân, là nguồn năng lượng xanh, tái tạo được, tạo công ăn việc làm từ trồng rừng, quản trị rừngđến kỹ nghệ làm giấy, kỹ nghệ cưa xẻ, kỹ nghệ đóng đồ mộc. Rừng tạo ra kỹ nghệ du lịch sinh thái, đem thêm công ăn việc làm.

    Con người từ thời cổ đại cách đây mấy trăm ngàn năm  cũng phải dựa vào rừng mà sống: rừng đã là nơi cung cấp chỗ trú ẩn, chỗ nương tựa, chỗ săn bắn, vật liệu làm nhà… Do đó con người tôn thờ  cây như một cái gì linh thiêng, chứa đựng những linh hồn. Có thể nói rừng liên hệ đến con người qua.

4 Khía Cạnh Chính sau đây:


1- Cung Cấp:

- Rừng cung cấp gổ củi: gổ làm bàn ghế giường tủ; củi nấu ăn, nung trong lò gạch, làm than.  

- Rừng cung cấp các sản phẩm ngoài gỗ củi như nấm, mật ong, măng tre, mây, hoa lan, dược thảo, trầm v.v. Người lính thú đời xưa ở các đồn hẻo lánh cũng chỉ dựa vào rừng mà sống:

Ba năm trấn thủ lưu đồn

Ngày thời canh điếm tối dồn việc quan 

Chém tre đẵn gỗ trên ngàn

Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai

Miệng ăn măng trúc măng mai 

- Rừng cung cấp thuốc trị bệnh

Xưa kia, con người nhờ các loại cây cỏ trong rừng để chữa bệnh vì cây cỏ có chất làm lành vết thương, giải nhiệt, giải độc, mụn nhọt, trị cảm cúm, trị ho. Ngày nay, dù khoa học có tiến bộ nhưng rừng vẫn là nơi các thực vật cung cấp nguyên liệu để khảo cứu, trích các tinh dầu. 

    Nạn sốt rét gây tàn phá làm chết rất nhiều sinh mạng. Cây quinquina (Cinchona sp) cho chất quinine và các thuốc trị sốt rét như chloroquine, quinacrine, primaquine đều từ quinine mà ra.

    Trong quãng 3000 cây chứa các đặc tính chống ung thư thì có đến hơn 2000 cây từ rừng nhiệt đới.  

- Rừng cho nhiều loại trái cây ăn được. Nhiều loài cây trong rừng có trái ăn được: sim, mồng quân, dâu rừng, trái giẻ (noyer; walnut), trái mơ. Trái sim có nhiều miền duyên hải Trung Việt:


Đói lòng ăn nửa trái sim

Uống lưng bát nước đi tìm người thương

    Trái mơ cũng có trong thơ Nguyễn Bính:


Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ.
Khí trời êm ả và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.


2- Điều Hoà: Rừng hút được chất CO2 và nhả ra oxy; rừng cản dòng nước lũ, giữ lại một phần lượng nước mưa và như vậy, giảm xói mòn, lũ lụt, giúp nước ngầm  phong phú hơn. Trong thời kỳ biến đổi khí hậu như hiện nay mà thủ phạm là các khí thải CO2 do sự sử dụng các nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu hoả và hơi đốt thì rừng giúp giảm các khí đó vì với hiện tượng quang hợp, cây rừng có thể hút được các loại khí CO2. Thực vật rừng cũng có khả năng bốc và thoát hơi nước nên trong khí quyển có nhiều hơi nước bốc lên cao làm nguồn nước mưa. Nếu phá rừng thì mỗi khi mưa to, gió, bão, lại càng dễ bị lụt hơn. Lý do là vì nhờ cây rừng có thể giảm được sức mạnh của dòng chảy. Tại nhiều miền duyên hải nhiệt đới, có loại rừng ngập mặn với cây bần, cây đước. Loại rừng này giúp chận lại các trầm tích phù sa và cũng giúp cản trở dòng nước mặn ngoài biển vào nội điạ. Rừng ngập mặn che chở cho cả một hệ sinh thái đa diện dưới chân nó: cua, tôm, cá, cá sấu và chim cò, khỉ, ong trên cây.

Trong bài Lời nguyện của rừng, có những câu sau, đề cao vai trò điều hoà:


Để ta sống, ta điều hòa mưa nắng, hoa xinh tươi cây cối nẩy thêm tươi. 

Để ta sống, ta ngăn luồng vũ bão; chận cát bay làn gió bốc tung trời. 

Để ta sống, ta đùn mây quyện gió, gieo mưa tuôn đầm ấm cõi trần gian. 

Để ta sống, ta cản dòng nước lũ, cứu nhân dân cơn thủy nộ lầm than. 



3- Rừng đóng góp vào các giá trị văn hoá, như tâm linh, thẩm mỹ, giải trí, sức khoẻ và giáo dục.

    Rừng không phải chỉ là tài nguyên hay môi trường vật lý mà rừng là tâm linh, là cõi vĩnh hằng, là cõi sâu thẳm của nội tâm, là 'một cõi đi về'.Các tôn giáo lớn luôn luôn nhắc nhở đến cây: cây bồ đề trong Phật giáo, rừng trúc ở đó Phật Thích Ca truyền đạo; cây sồi trong Thánh Kinh.

    Rừng có vai trò to lớn trong đời sống tinh thần của con người, và nhất là con người thời đại ngày nay. Với dân số tăng nhanh, với công nghiệp hoá, đô thị hoá, loài người đã mất đi không gian thiên nhiên, chỉ sống với cao ốc bêtông, chung đụng với ô nhiễm, với tiếng động nhà máy, tiếng động xe cộ, máy bay v.v. Do đó, muốn lấy lại thăng bằng, con người ngày nay lại càng cần đi tìm những khu rừng, những ngọn núi cao vì chỉ ở đó, họ mới cảm thấy mình tan biến trong cái tĩnh lặng uyên nguyên:


Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao. 

    Lắm khi con người ngày nay sống hối hả ở đô thị cũng chỉ muốn những niềm vui đơn giản như đi dạo dọc theo hàng me xanh lướt thướt như trong câu thơ: Con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về, tìm lại chút bình yên thư thái. 

    Vào rừng, thở không khí trong lành, nhìn sao ban đêm, nhìn suối, nghe nước róc rách, bướm lượn nhởn nhơ, chuồn chuồn, nghe côn trùng rỉ rả, mặt trăng lên, sao đêm nở đày trời, giúp ta tránh được các căng thẳng của cuộc sống máy móc đô thị, giúp ta quên đi những nôi nhọc nhằn của thể chất và của tâm linh, ngỡ lòng mình là rừng, ngỡ hồn mình là mây (thơ Hồ Dzếnh),  tạo điều kiện giúp con người thoát tục dễ dàng hơn, buông xả được các bụi bặm phù du phiền muộn của cái tôi để hoà mình vào nhịp sống bao la của vũ trụ, giúp ta dễ đồng nhất với vũ trụ, cảm nghiệm lẽ trời trong tĩnh lặng để buông xả, để phá chấp. 

    Ta cũng thấy trước cảnh vật bao la của vũ trụ rằng con người chỉ là một thành phần nhỏ bé và từ đó cảm thấy khiêm tốn hơn. Mà khiêm tốn giúp cho con người đến đức tin chân thật và đức tin chân thật mới hướng dẫn con người đến được nơi có Thượng Đế ngự trị dễ đi vào nội tâm hơn, cõi lòng lắng xuống.

Hãy đọc Bà Huyện Thanh Quan:


Dừng chân đứng lại: trời, non, nước

Một mảnh tình riêng ta với ta

    Chỉ có hai câu thơ cổ điển trên mà bao gồm mọi yếu tố môi sinh: nào là dừng chân trên đất (thổ quyển), nhìn trời tức mây trôi, gió thổi (khí quyển), nhìn non tức là núi có đá là căn nguyên của đất (thạch quyển), nhìn nước tức sông suối, biển (thủy quyển) và sinh vật, tức tác giả bài thơ (sinh quyển).

    Ở đây, bầu trời, sông nước, tác giả, đồng ruộng hoà hợp, gắn bó mật thiết như hoà tan vào trong một thể thống nhất hùng vĩ của Thiên-Địa-Nhân.

    Sự hoà hợp thống nhất như vậy rất rõ rệt trong thơ trữ tình sơn thủy, trong đó mọi cái liên quan đến nhau, gắn bó, thâm nhập vào nhau, từ một cái ao thu trong thơ Nguyễn Khuyến:


Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

đến những nương dâu bát ngát trong cảnh khi người vợ lính chiến xa chồng:


Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai!

    Trong văn học dân gian, cũng nhiều ca dao tục ngữ đề cập đến rừng.

Tình yêu trai gái cũng sử dụng thiên nhiên để so sánh:


Chim xa rừng thương cây nhớ cộí

Người  xa người tội lắm người ơi

Nỏ thà không biết thì thôi

Biết nhau rồi mỗi đứa một nơi, răng đành

    Tình yêu trai gái đôi khi cũng mãnh liệt như trong hình ảnh này:

Yêu người như suối cuộn rừng sâu, như con tàu say gió v.v 

(bài Phượng Yêu)


YouTube Phượng Yêu của NS Phạm Duy, CS Ngọc Lan trình bày


    Một môi trường hài hoà, êm ả giúp con người thảnh thơi trí óc để có thể có tư duy sáng tạo, tư duy thiền: 


.. Thu ăn măng giá, đông ăn trúc

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắm

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao


    Chúng ta đang ở Quebec, thấy mùa thu với lá nửa vàng nửa đỏ, sau đó từ đầu tháng 10 trở đi là lá bắt đầu rụng: Thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đám cưới về

    Lá rụng vào thu cũng là cảm xúc cho bao nhiêu nhạc sĩ, thi sĩ viết lên nhiều bài thơ, bài nhạc để đời:

 

Rừng thu thay lá mưa bay buồn rầu

Rừng đông buốt giá mưa bay dạt dào

Rừng thu lá úa em vẫn chưa về

Rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ


    Kiếp người cũng được ví như mùa thu với những chữ quên lãng, chết, rất ngắn, nhạt phai trong bài Nhìn những mùa thu đi  “Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng/ Và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng/ Nghe tháng ngày chết trong thu vàng (…) Đã mấy lần thu sang / Công viên chiều qua rất ngắn / Chuyện chúng mình ngày xưa, anh ghi bằng nhiều thu vắng, đến thu này thì mộng nhạt phai”. 



    Thơ của Hoàng Ngọc Ẩn Rừng lá thay chưa cũng nói đến sự vô thường của kiếp người:

Anh đi rừng chưa thay lá

Anh về rừng lá thay chưa

Phố cũ bây chừ xa lạ

Hắt hiu đợi gió giao mùa


YouTube Rừng Lá Thay Chưa của Hoàng Ngọc Ẩn


Khi nàng Kiều tiễn chân Thúc sinh về quê vợ, cụ Nguyễn Du đã lồng vào cảnh mùa thu:

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi 

    Cũng khi trời vào thu thì nhiệt độ hạ thấp, nước ngầm trong đất bị đông, lại nên thực vật phải thích nghi với sự thay đổi khí hậu bằng cách rụng lá, nhưng trước đó, lá cây từ từ chuyển màu từ xanh sang màu vàng, màu đỏ, -nhuốm màu quan san - như mọi rừng ôn đới có lá rụng (temperate deciduous forest) ở Canada.

    Loại rừng này có ở các vùng miền hạ lưu sông Dương Tử, sông Hoàng hà, nghĩa là các vùng khí hậu ôn đới. Loại rừng này cũng có nhiều bên Âu Châu (Pháp, Đức) và ngoài cây phong (tên Latin là Acer, họ Aceraceae), còn có nhiều loại cây khác như  cây sồi (chêne; oak),  cây sồi rừng (hêtre), cây tần bì (frêne; ash), cây lê đá (sorbier), cây đào gai (aubépine), cây hồ đào (noyer; walnut); cây dẻ (chataignier; chestnut); cây dương (peuplier; poplar); cây du (orme; elm), cây dẻ (marronnier; common-horse chestnut). Loại rừng này hiện diện ở các vùng núi phía Montreal, Sherbrooke, Hull, Trois Rivieres ...Gần mặt đất, trong loại rừng ôn đới này có nhiều loài dương xỉ, thảm cỏ tươi, thảm cỏ mục. Động vật thì gặp các loài chồn, chim, sóc.

    Tưởng cũng cần nói thêm là trên thế giới, tùy theo khí hậu, ta có những loại rừng khác nhau. Vài ví dụ: tại Việt Nam, Indonesia, Mã Lai cũng như vùng Amazone bên Brésil, có rừng mưa nhiệt đới (tropical rainforest), có nhiều tầng cây con chằng chịt. 

    Cũng có loại rừng khô nhiệt đới (tropical seasonal forest) khi có mùa khô kéo dài như các rừng Đông Bắc Ấn độ, Đông Bắc Thái Lan. 

    Trên kia là nói về rừng ôn đới trong đó có cây phong là cây chiếm dạng ưu thế. Nhưng ở ven sông, thường có nhiều đất ẩm thì thực vật cảnh hay quần xã thực vật  thường gặp là một loại rừng khác, có tên là rừng ở bờ nước (riparian forest) với những rặng liễu:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng 

(thơ Xuân Diệu) 

hoặc cây liễu như trong câu Kiều:

Sông Tần một giải xanh xanh/Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan

4- Rừng có vai trò hỗ trợ như giúp tạo ra đất, làm nhiều khối đá đầu tiên vỡ ra. Thực vật với rễ cây có thể xuyên qua các khe nứt của đá và dần dà làm đá bể ra, tạo điều kiện dễ dàng cho đất hình thành; rễ cây và vi sinh vật thải vào môi trường chất CO2 và các acid khác nhau để huỷ hoại các khoáng chất trong đá, giúp sự phong hoá dễ dàng hơn.


Kết Luận

Với sự biến đổi khí hậu toàn cầu do sự phát thải các khí độc của các nhà máy, xe cộ, kéo theo nhiều hệ quả như băng hà tan, nước biển dâng, bão lụt tăng thì vai trò bảo vệ môi trường lại càng quan trọng hơn.

Do đó, giáo dục môi sinh trong văn học cũng rất cần thiết; những thơ văn, ca dao, tục ngữ đề cao vai trò cûa môi sinh, từ sông ngòi đến thác nước sẽ giúp trẻ em học sinh hiểu nhanh hơn vai trò của con người trong các hệ sinh thái nhằm bảo vệ chung trái đất. Giáo dục cho mọi người về sự cần thiết của niềm thông cảm giữa người và vũ trụ, tình gắn bó giữa con người với thiên nhiên về con người yêu thêm thiên nhiên, tạo vật, tìm lại mây trời hiền hoà, màu xanh của nước và của núi rừng, nói theo danh từ thời đại là green awareness và từ đó thấy sự cần thiết có một sự hài hoà giữa dân số và thiên nhiên, hài hoà giữa thiên nhiên và phát triển kinh tế, một sự hài hoà mà chính hệ thống triết học Á Đông luôn luôn đề cao.

Thái Công Tụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét