Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Viết Về Núi



1. Dẫn nhập

Viết về đề tài núi, liên tưởng ngay đến câu ca dao:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Núi cũng gặp trong nhiều ca dao khác:

Chim bay về núi Biên Hòa
Chồng đây vợ đó ai mà muốn xa
Việc này cũng tại mẹ cha
Cho nên đũa ngọc phải xa mâm vàng
Chim chuyền nhành ớt líu lo
Mảng sầu con bạn ốm o gầy mòn. 
Rủ nhau lên núi hái chè,
Hái dăm ba mớ xuống khe ta ngồi.
Ta ngồi cho ráo mồ hôi,
Xuống sông tắm mát thảnh thơi ta về.
Chim bay về núi tối rồi
Chị em toan liệu xách nồi nấu cơm
Con gà bươi rác, bươi rơm
Con em chèo chẹo đói cơm tối ngày 

Núi có sườn dốc và độ cao thường từ 500 mét trở lên, còn chỗ độ cao thấp hơn gọi là quả đồi. Tục ngữ Việt khuyên ta nên thực tế, không nên ‘đứng núi này trông núi nọ’. Người vợ lính trông chồng nhắc đến núi trong Chinh Phụ ngâm:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp lại về buồng cũ gối chăn
Ðoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh

Ta gặp núi trên trái đất, nhưng ngay dưới đại dương sâu thẳm cũng có nhiều giãy núi với sống núi mang đặc điểm của một trung tâm tách giãn đáy đại dương, hình thành bởi hoạt động kiến tạo mảng. Còn trên vỏ Trái Đất cũng có một số khu vực gãy lún hình máng, hẹp dài quy mô to lớn mà trong địa chất hoc quen gọi là lũng rift, hay gọi bằng địa hào, có thể kéo dài đến hàng trăm kilômét. Các ngọn núi được tạo thành từ quá trình kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm về trước. Phần lớn các núi có sườn dốc hai bên, đỉnh thường nhọn.

Phân bố các sống núi giữa đại dương trên thế giới; USGS 

Núi là dạng địa hình phổ biến của Trái Đất, vì có mặt ở mọi châu lục: ta gặp ở Châu Mỹ với dãy Appalachian, dãy núi Andes; ở châu Phi với rặng núi thượng nguồn sông Nil, sông Zaire, với đỉnh núi Kilimanjaro cao nhất; ở Châu Á với dãy núi Himalaya có đỉnh Everest cao nhất thế giới, dãy Trường Sơn ở Đông Dương, ngọn núi Thái Sơn ở Trung quốc. Hầu như phần lớn các quốc gia trên địa cầu đều có núi . Môi trường núi, bao phủ 33% của Âu Á, 19% Nam Mỹ, 24% Bắc Mỹ và 14% Phi châu . Nói tổng quát thì 24% mặt đất của Trái Đất là núi non. Sống núi là một đặc điểm địa lý bao gồm một chuỗi các ngọn núi hoặc đồi tạo thành một chỏm cao liên tục trong một khoảng cách nào đó. Các sườn núi nghiêng dần từ đỉnh hẹp của sống núi sang cả hai bên. Các đường dọc theo chỏm được hình thành bởi các điểm cao nhất, với địa hình thấp dần xuống ở hai bên, được gọi là các đường sống núi (ligne de crête). Các sống núi thường được gọi chung cho cả đồi và núi, tùy thuộc vào kích thước và chiều cao.

2. Khí hậu núi 

Vùng núi có khí hậu khác với miền đồng bằng . Ví dụ : vùng núi MONTREAl có mùa đông tuyết rơi nhiều hơn và khí hậu lạnh hơn còn mùa thu lá cây nhuộm vàng sớm hơn miền đồng bằng . Chính cao độ làm biến đổi các thông số khí hậu:

-nhiệt độ hạ thấp khi cao độ tăng. Vì ở trên vùng cao, không khí loãng hơn và hấp thụ nhiệt mặt trời ít hơn . Trung bình, nhiệt độ giảm từ o,5 độ đến 1 độ cứ mỗi 100 mét cao độ . Triền núi hướng về phía Bắc thường lạnh hơn triền hướng Đông hay hướng Tây .

-vũ lượng nhiều hơn khi cao độ tăng. Vì không khí lạnh nên làm hơi nước dễ ngưng hơi hơn và do đó nhiều mưa hay tuyết hơn.

Và cũng chính vì nhiệt độ và vũ lượng biến thiên theo cao độ nên thực vật miền núi cũng khác nhau.


Bản đồ ghi nhiều loại khí hậu 

(khí hậu Địa Trung Hải, khí hậu hàn đới, khí hậu ôn đới, khí hậu sa mạc, khí hậu nhiệt đới, khí hậu xích đới, khí hậu đại dương, khí hậu núi)

3. Những ngọn núi nổi tiếng

Tại Viet Nam, có dãy núi Trường Sơn dọc theo miền Trung; miền Bắc có đỉnh núi Fan Si Pan, cao nhất Đông Dương; miền Nam, có Núi Bà Đen ở Tây Ninh cũng như Thất Sơn ở An Giang; miền Cao nguyên có núi Ngoc Linh ở Kontum với loài nhân sâm rất nổi tiếng.Tại Nepal, có dãy núi Himalaya với đỉnh núi Everest là đỉnh cao nhất thế giới; Trung Quốc có núi Thái Sơn; Nam Mỹ có dãy Andes là dãy núi dài nhất châu Mỹ; châu Phi có đỉnh núi Kilimanjaro là đỉnh núi cao nhất; Châu Âu với dãy Pyrénée, dãy núi Alpes.

Mặt phía bắc của Everest nhìn từ trại ở Tây Tạng 

4. Các loại núi

Núi thường được hình thành do sự di chuyển của các mảng thạch quyển, hoặc là chuyển động tạo núi hoặc chuyển động trồi do nén ép. Các lực nén ép, nâng , và các lực của vật liệu xâm nhập làm cho bề mặt đá nâng lên, tạo nên một địa hình cao hơn xung quanh. Độ cao của chúng có thể là đồi, nếu cao hơn và dốc hơn thì gọi là núi.

4.1. Núi uốn nếp. Các lực nén ép khi va chạm lục địa có thể gây ra các khu vực bị nén ép làm cho chúng dày hơn và tạo ra nếp uốn, theo đó các vật liệu chuyển động theo hướng lên hoặc xuống.


Dãy núi uốn nếp lớn nhất ở Nam Australia nhìn từ không gian 


4.2. Núi khối tảng. Núi khối tảng được tạo ra khi các khu vực rộng lớn bị tách ra theo các đứt gãy có sự chuyển động theo phương thẳng đứng. Các loại này khá phổ biến. Các khối được nâng lên tạo thành các núi khối tảng. Các khối sụt lún tạo thành các địa hào(rift) thường gặp các dạng địa hình này ở Đông Phi.
Hanging Hills, Connecticut (dãy Metacomet Ridge); phần nhô lên (địa lũy) nhìn từ phải sang trái. 

4.3. Núi lửa. Các núi lửa được hình thành khi một mảng này bị hút chìm bên dưới mảng khác hoặc hình thành ở các sống núi giữa đại dương hoặc điểm nóng (hot spot). Ở độ sâu khoảng 100 km, các đá bị nung chảy và tạo thành mácma sau đó dòng mácma này tràn lên trên bề mặt. Khi macma lên đến bề mặt, nó thường tạo thành các núi lửa. Ví dụ như Núi Phú Sĩ ở Nhật Bản và núi Pinatubo ở Philippines. Cũng có thể macma không lên đến bề mặt để tạo thành múi mà chúng có thể hóa đá bên dưới bề mặt vẫn có thể tạo thành các núi dạng vòm như Núi Navajo ở Hoa Kỳ.

Núi Phú Sĩ 

Trong và sau khi nâng lên, các núi phải chịu sự tác động của các tác nhân gây xói mòn như nước, gió, băng và trong lực. Xói mòn làm cho bề mặt của núi trở nên trẻ hơn so với các đá cấu thành nó. Các hoạt động của sông băng tạo ra các đặc điểm của địa hình như các đỉnh kim tự tháp, phân thủy sắc nhọn, địa hình trũng dạng cái bát có thể bao gồm các hồ.

5. Núi và tâm linh 

Trong Phật giáo, có ngọn núi Linh Thứu hay Linh Sơn, Tôn Túc Sơn là nơi Đức Phật Thích Ca an trú và thuyết giảng những bộ kinh quan trọng như Kinh Bát Nhã, kinh Pháp Hoa, kinh Di Lặc. Linh Thứu Sơn cách Bồ Đề Đạo Tràng 70km là một trong những Phật tích quan trọng . Đỉnh núi do vua Bimbisara (Tần Bà Sa La) cúng dường Phật và Tăng đoàn.

Trong Công giáo, nhiều ngọn núi được liệt kê trong Thánh kinh: núi Sinai, núi Thabor, núi Moriah, núi Carmel, núi Ararat là núi Noé ẩn trú lúc xảy ra cơn đại lụt (déluge). Bài giảng trên núi, là bài thuyết giáo được Chúa Giêsu giảng cho các môn đệ và đám đông lớn trên một ngọn núi vào khoảng năm 30 CN (Mt 5:1; 7:28). Có lẽ phần được biết đến nhiều nhất của bài giảng là Tám mối phúc thật ở đầu bài giảng. Bài giảng trên núi chứa đựng những nguyên lý trung tâm của giáo lý Kitô giáo. Đối với nhiều người, gồm cả những nhà tư tưởng tôn giáo và đạo đức như Tolstoy và Gandhi, Bài giảng trên núi chứa đựng những nguyên lý trung tâm của giáo lý Kitô giáo.

Thái Công Tụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét