Chùa Vàm Rây
Hàng năm chú Uy về thăm quê mỗi lần như thế đều có đi thăm quan một vài nơi là thắng cảnh hay di tích lịch sữ, ở Miền Nam chỉ còn vài tỉnh chưa đến trong đó có Trà Vinh (Tỉnh Vĩnh Bình cũ trước năm 1975).
Cô con gái nuôi Ngọc Bích, con trên tinh thần thôi chứ không có nuôi ngày nào nay đã trưởng thành vừa lập gia đình, cô là một Họa sĩ, Thư Pháp, hiện là Giám đốc ArtLight Cần Thơ là trường dạy vẽ cho mấy em nhỏ. Cô đề nghị:
- Bố, kỳ này con mời Bố về thăm quê con nha, Bố chưa đi Trà Vinh mà, con ở thị trấn Duyên Hải là vùng biển Ba Động đó.
Nghe nhắc đến Ba Động nơi mà sau năm 75 chú Uy đi ghe đốn cây gía làm cừ bán cho mấy vựa vật liệu xây cất, anh nhớ ra là từ xã An Thạnh 3, huyện Long Phú, cuối cù lao Dung nhìn qua phía bên kia sông Hậu thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh ngày nay):
- Bố có đến đây lâu lắm rồi, ở mé biển Long Toàn, Long Vĩnh toàn cây giá, cây mắm, cây chà là và ô rô, cóc kèn, … mọc nhóc nhoi dầy đặc hết.
- Bây giờ ở dưới thị trấn Duyên Hải phát triển lắm! Đi đi Bố! Xuống dưới con sẽ đãi Bố hải sản tươi sống, nhiều món đặc sản ngon ghê đi, trên đường đi có nhiều chùa Miên cổ kính phong cảnh chung quanh thanh tịnh, rất đẹp, nhất là Ao Bà Om là nỗi tiếng nhất. Tỉnh Trà Vinh có 140 ngôi chùa, rất nhiều chùa cổ từ thế kỷ 15 của người Khmer, còn Công Giáo của người Việt cũng vậy nhiều nhà thờ họ Đạo lập từ đời vua Minh Mạng hơn 150 năm.
- Okay, vậy vợ chồng con sắp xếp chuyến đi, có thể Bố mời thêm gia đình bác Ba cùng đi để ổng thăm lại chốn xưa nơi nhiều kỷ niệm ở đó, quận Cầu Ngang và Càng Long. Mình đi trong ngày được không?
- Được Bố, nhưng phải đi sớm mình mới đủ thời gian đi thăm quan nhiều nơi, nếu không uổng chuyến đi.
- Thì con làm hướng dẫn viên mà, cứ sắp xếp chương trình đi.
- Con tính đi như vầy nè, thăm quan thứ tự theo tuyến đường ghé chùa Vàm Rây ở Trà Cú trước, rồi đi xuống biển Ba Động và Thiền Viện Trúc Lâm ở Duyên Hải. Sau đó đi Trà Vinh ghé qua nhà thờ Vĩnh Kim và Ao Bà Om rồi trở về Cần Thơ.
- Okay, vậy đi.
Thấy chuyến đi có thể tìm hiểu thêm về một địa danh của đất nước, Ao Bà Om nghe thiên hạ đồn đẹp lắm. Trà Vinh còn nhiều di tích cổ và đặc biệt là văn hóa người dân tộc Khmer (Vietnamese-Cambodian). Chú Uy có nhiều bạn thân người dân tộc này như Nghệ sĩ Khánh Minh (Thạch Chính), cô con gái nuôi (tinh thần) Stapany Pich (American-Cambodian, trưởng nhóm Arizona Cambodian Dancer Group), các anh Tia Dinh, Thạch Khen, … nên anh thấy mình có cảm tình với vùng đất Trà Vinh có nhiều người Khmer, hứa hẹn chuyến đi sẽ có nhiều lý thú.
Sáu giờ sáng chúa nhật khởi hành từ Cần thơ, theo quốc lộ 54 đến quận Cầu Kè ăn sáng rồi tiếp tục đi ngang qua quận Tiểu Cần. Đến quận Trà Cú nơi có ngôi chùa cổ Vàm Rây.
Chùa cổ Vàm Rây
Chùa Vàm Rây tọa lạc tại ấp Vàm Rây, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Chùa được trùng tu toàn diện chính thức khánh thành vào năm 2010. Đây là ngôi chùa Khmer Phật Giáo Nam Tông lớn nhất Việt Nam. Cổng uy nghi to lớn, ngôi chánh điện và các dãy điện khác sơn vàng hoặc mạ vàng rực rở. Ông Trầm Bê một thương gia giàu có người Việt gốc Hoa lâu đời ở Trà Vinh tài trợ phục chế và cải tạo trong 3 năm với kinh phí lên đến hơn 20 tỷ VNĐ (khoảng 1 triệu USD) để nâng cấp và bảo tồn di tích có hơn 600 năm này. Điểm đặc biệt trong nghệ thuật kiến trúc của Angkor Khmer như tượng Kabil Mohaprum (tượng thần 4 mặt tiền thân của Brahma, vị thần sáng tạo thế giới). Nữ thần Kayno nửa người nửa chim, hay chim thần Marakrit là những tượng chống đở mái chùa mà ta thường thấy ở các chùa Khmer.
Trong khung viên rộng lớn đó còn có tượng Phật nằm ngoài trời lớn nhất Việt Nam, dài 50m, đặt trên bệ và cao bằng ngôi nhà 2 tầng. Ông Trầm Bê cũng đã tài trợ trùng tu cho gần 10 ngôi chùa cổ khác như thế tại tỉnh Trà Vinh.
Rời chùa Vàm Rây, tiếp tục đi qua phà kinh Láng Sắt. Đây là con kinh Quan Bố Chánh củ được nạo vét và mở rộng từ sông Hậu ra biển để tàu hàng 20,000 tấn lưu thông dễ dàng từ biển vào giang cảng Cần Thơ. Sau đó chúng tôi đổi qua quốc lộ 53 để đến Thị trấn Duyên Hải.
Biển Ba Động
Có hàng bờ kè chắn sóng dài 1600 m, dọc theo bờ biển có hàng dương luôn rì rào reo vui trong gió. Nơi đây là điểm du lịch của nhiều quan khách trong nước và có cả người ngoại quốc. Biển cát có lẫn bùn nên nước không trong như Vũng Tàu hay Nha Trang.
Chúng tôi ghé khu Resort Ba Động ăn trưa với mấy món đặc sản mà cô con gái Ngọc Bích giới thiệu như:
- Mực và bạch tuộc tươi nướng.
- Tôm xú Cồn Cù hấp bia cuốn bánh tráng. Cồn Cù là nơi nổi tiếng với tôm xú.
- Con “chù ụ” rang me, con chù ụ là loại như con cua nhưng có hình dáng rất đặc trưng. Nghe tiếng “cái mặt chù ụ” thì bây giờ mới biết nó xuất xứ từ đâu.
- Cá kèo lẫu chua với rau đắng và kho gợt. (Cá kèo làm nhiều món như nướng, kho tộ, kho lạt rau răm, nấu lẫu chua, nấu cháo rau ngò om, v.v… nhưng kho gợt lại là một món chưa từng biết, chắc cũng có nhiều người chưa biết luôn! Kho gợt phải là cá kèo tươi kho với nước dừa xiêm. Đun lữa riu riu hớt bọt cho đến khi nước trong, nêm nếm cho vừa ăn thêm gia vị gồm lá gừng, hành lá, vài lát ớt và tiêu xay. Cá kèo vào mùa có rất nhiều, giá tại chợ lại rẻ mạt nên người ta ví vé coi hát hạng bét là “hạng cá kèo” là vậy!
- Lẫu chua hay canh chua là chấm với nước mắm không pha chế, kỳ này biết thêm được nước mắm rươi là ngon như thế nào!
- Ngoài ra còn món đuôn chà là, nhưng thấy ghê quá nên không chọn món này.
Có cô con gái nuôi là “thổ địa” trước đây sinh sống tại địa phương hướng dẫn nên không sợ lạc đường, đi tiếp tục.
Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh
Cổng Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh
Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh tại xã Trường Long Hòa, thị trấn Duyên Hải, là một Thiền viện mới lập gần đây khánh thành năm 2016, cũng có kết cấu tương tự như các Thiền viện khác, tuy nhiên có cái cổng phong cách đời Lý Trần khác với cổng của hầu hết Thiền viện Trúc Lâm nhiều nơi. Mặt hướng ra biển khơi lồng lộng gió, chung quanh trồng nhiều hàng cây dương.
Nhà thờ họ đạo Vĩnh Kim
Đến khoảng 2 giờ chiều chúng tôi trở lên theo quốc lộ 53, còn cách thành phố Trà Vinh 17 km, ghé qua chiêm ngưỡng nhà thờ Vĩnh Kim, di tích có tuổi hơn 150 năm. Đây là nhà thờ cổ xưa nhất vùng Trà Vinh, nghe người trong họ đạo kể rằng từ khi vua nhà Nguyễn bách hại giáo dân khắc nghiệt nên họ từ miền Trung lên ghe bầu theo biển xuôi nam đến đây lập nghiệp. Họ đạo Vĩnh Kim có từ trước năm 1852, vào khoảng năm 1870-1875 ngôi thánh đường được dựng lên bằng tre lá, đầu tiên là cha sở Jean Favier, đến năm 1920 ngôi thánh đường được xây dựng tôn nghiêm, nguy nga theo phong cách Tây phương và còn đến như ngày nay.
Nhà thờ Vĩnh Kim
Quần thể khu di tích dân tộc Khmer Nam Bộ: chùa Âng, viện bảo tàng dân tộc Khmer và di tích Ao Bà Om.
Chùa Âng, tên Khmer đầy đủ là Angkorajaborey, Phật Giáo Nam Tông, nằm cách thành phố Trà Vinh 5 km. Chùa Âng là ngôi chùa tiêu biểu nhất cho hơn 140 ngôi chùa trong tỉnh Trà Vinh, có từ năm 990, đến năm 1695 tu sửa lại. Năm 1842 chùa được xây cất lại cột bằng gổ quý, xây tường và trùng tu vài lần nữa nên mới được như ngày nay. Chùa có kiến trúc đặc trưng của người Khmer trên mái có thần rắn Naga đuôi dài cong vút, đầu cột có tượng người chim thần Krũd hai tay chống đở mái nhà, chung quanh có rào và có các tượng đầu người 4 mặt thần Kabil Mohaprum và tượng chằng Yeak mặt áo giáp dữ dằn.
Bên cạnh đó là Bảo tàng dân tộc Khmer, là 1 trong 2 nhà bảo tàng ở Nam Bộ, một cái khác ở Sóc Trăng. Chưng bày vật dụng trong sinh hoạt phát triển đời sống của người Khmer. Các hiện vật thể hiện văn hóa riêng của dân tộc Khmer như nhạc cụ, nghi lễ và y phục truyền thống.
Chùa Angkorajaborey
Ao Bà Om là một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh
Nhắc đến Trà Vinh người ta sẽ nghĩ đến thắng cảnh Ao Bà Om, cũng là một di tích nổi tiếng. Một cái ao, đúng ra là một cái hồ ngang 300m dài 500m. Chung quanh ao có giồng đất thịt pha cát, trồng nhiều cây sao và cây dầu trong số đó có hàng trăm cây cổ thụ trên trăm năm tuổi tạo nên khung cảnh mát mẻ, thanh tịnh. Độc đáo nhất là những gốc cây cổ thụ trồi lên khỏi mặt đất có đến 1m – 1,5m, tạo hình dáng kỳ lạ, ngoạn mục.
Khi xưa đào ao nhằm mục đích tích lũy nước ngọt để sinh hoạt và tưới tiêu cho dân. Truyền thuyết nói rằng khi đào ao nam nữ chia thành 2 nhóm để thi đua, nhóm nữ bà Om thắng nên mới có tên ao Bà Om.
Ao Bà Om - Gốc cây cổ thụ rể nổi lên cao
Lễ hội dân gian đồng bào dân tộc Khmer
Khu di tích Ao Bà Om là nơi đồng bào Khmer tổ chức các lễ hội truyền thống đặc biệt:
. Mừng Tết, người Khmer gọi là ngày Chol Chnăm Thmay, vào giửa tháng 3 âm lịch (khoảng tháng 4 DL, dựa theo trăng Lễ diễn ra vào các ngày 12, 13, 14 tháng 3 âm lịch, nếu tính theo dương lịch thì không có năm nào giống nhau). Có ca, nhạc, múa, trò chơi dân gian, không thể thiếu các điệu múa Răm Vong, Lăm Leo, Saravan gọi chung là múa Lâm Thôn. Thả đèn trời, đèn nước, ở các nơi có điều kiện còn có tổ chức đua ghe Ngo.
. Lễ Ok Om Bok, gọi là Lễ cúng Trăng vào ngày rằm tháng 10 âm lịch. Lễ cúng tạ ơn thần mặt trăng bảo hộ mùa màng trong năm sung túc và cầu mong phù hộ sang năm mới. Cũng giống như lễ Thượng điền của người Việt xuất phát từ nền văn minh lúa nước. Có ca, nhạc, múa chằng, múa Lâm Thôn và các trò chơi dân gian.
Tỉnh Trà Vinh nằm giửa hai bờ sông Tiền và sông Hậu, mé biển có những giồng đất cao ráo, từ xưa đã có người Thủy Chân Lạp (Khmer Krôm) sinh sống. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1757) giúp vua Chân Lạp là Ang Tong phục hồi vương quyền nên nhà vua nhượng đất Tầm Phong Long (trong đó có Trà Vinh) để đền ơn.
Nhà Nguyễn có chính sách khuyến khích dân Miền Trung vào Nam khai quang lập ấp. Thời Gia Long lập quốc, nhà vua cũng từng đến Trà Vinh để lại nhiều địa danh do Người ban. Món đặc sản nước mắm rươi dâng lên nhà vua nên còn có tên là “nước mắm ngự”.
Đến năm 1680 sau khi triều đình nhà Thanh sụp đổ, Dương Ngạn Địch được chúa Nguyễn cho phép khai thác vùng trấn Đinh Tường (Mỹ Tho) từ đó người Hoa cũng có mặt tại Trà Vinh.
Đồng bào dân tộc Khmer ở Việt Nam có khoảng 1,6 triệu dân, sinh sống khắp nơi tại các tỉnh miền đồng bằng sông Cữu Long, sống tập trung đông đảo ở tỉnh Sóc Trăng (khoảng 350 ngàn người) và Trà Vinh (có hơn 320 ngàn người), chiếm trên dưới 30% dân số toàn tỉnh.
Người Khmer rất tôn sùng đạo Phật, thuộc hệ phái Nam Tông. Theo tục lệ trai tráng phải đến chùa tu học 2 năm trước khi vào đời, thấm nhuần triết lý nhà Phật nên họ thường rất hiền hòa, chân thật.
Chuyến đi thăm quan tỉnh Trà Vinh thật thú vị, mặc dù thời gian có hạn, đi trong ngày, chỉ đến tìm hiểu một vài địa điểm tiêu biểu nhưng cũng có thể hình dung được vùng đất Trà Vinh qua một số di tích cổ kính tại các Chùa, Thiền viện, Nhà thờ, thắng cảnh Ba Động và Ao Bà Om. Biết thêm một vài món ăn đặc sản mà từ trước chưa biết.
Và với ba nền văn hóa Việt (người Kinh), Khmer và người Hoa hài hòa sau mấy trăm năm tạo nên nét văn hóa đặc thù Nam Bộ, để mỗi khi người con xa quê luôn luyến lưu, man mát nhớ về!
Trà Vinh
Trà Vinh ngày ấy anh đi
Em che vành nón thầm thì bên nhau
Nụ hôn say đắm ngọt ngào
Hành trang anh mãi cất vào trong tim
Nhớ về vùng đất êm đềm
Trăng khuya soi bóng bên thềm vấn vương
(…)
(Bài thơ trích từ tác phẩm “Diễn ca Việt Nam quê hương tôi” của KLG – Võ Văn Hải)
Lê Hữu Uy
Arizona, May 17, 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét