Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

Y Học Thường Thức - Điều Cần Biết Về Da (Bác Sĩ Đinh Đại Kha)


Y HỌC THƯỜNG THỨC

Các Điều Cần Biết Về Da 


Chức năng

Da là cơ quan của xúc giác nghĩa là của sự sờ mó khiến cho chúng ta cảm nhận được hình thể và trạng thái của mọi vật tiếp xúc với làn da. Trong cơ thể loài người, da là cơ quan lớn hơn hết. Ngoài chức năng về sờ mó, da còn có nhiều nhiệm vụ quan trọng khác đối với thân thể con người:  Nhiệm vụ che chở chống chấn thương,  Nhiệm vụ điều hòa nhiệt độ cơ thể,  Da là nơi tiếp nhận cảm giác đau đớn hoặc thoải mái,  Da là nơi tổng hợp sinh tố D.  Da giữ cho các hóa chất quan trọng trong máu không bị thất thoát ra ngoài cơ thể, đồng thời che chở không cho các chất độc hại xâm nhập vào máu. Da còn che chở cơ thể chống tác hại của tia tử ngoại. Mọi rối loạn chức năng hoặc thay đổi hình thể của làn da đều có ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát của con người kể cả về thể chất lẫn tâm thần. 

Cấu tạo 

Làn da chia ra làm 3 lớp, mỗi lớp đều có chức năng riêng biệt. Phía ngoài cùng là lớp biểu bì, rồi tới lớp bì và lớp mỡ, theo hình ảnh ở bên cạnh đây. Lớp biểu bì mỏng hơn hết nhưng đủ cứng mạnh để che chở cơ thể chống chấn thương. Biểu bì gồm nhiều tế bào sừng sinh ra chất kê-ra-tin cứng như sừng động vật. Các tế bào sừng khởi đầu xuất hiện tại đáy biểu bì và liên tục sinh sản tại đó. Các tế bào mới sẽ đẩy tế bào cũ di chuyển dần dần lên tới mặt da. Những tế bào sừng mới sinh ra có rất ít kê-ra-tin, càng lên gần tới mặt da lượng kê-ra-tin càng tăng. Ngay trên mặt da, các tế bào sừng kết hợp lại thành lớp sừng, vừa cứng vừa không ngấm nước. 
Trên bề mặt của lớp sừng liên tục có nhiều tế bào chết bị tróc và rớt ra ngoài rồi được thay thế bằng tế bào khác từ đáy biểu bì đưa lên. Lớp sừng cứng và không ngấm nước nên có chức năng chống chấn thương và ngăn chặn không để cho vi trùng và hóa chất lạ xâm nhập cơ thể. Trong thân thể người ta, lớp sừng của da bàn tay và bàn chân đặc biệt dày thêm lên để che chở những nơi này vì là nơi thường tiếp xúc với ngoại vật nên dễ bị chấn thương. Tại phần sâu nhất của biểu bì có một lớp tế bào sinh ra sắc tố. Lượng sắc tố trong các tế bào này có nhiều hay ít tùy theo tính di truyền của mỗi người khiến cho màu da có đủ loại, từ đen đậm tới trắng bóc. 

Chức năng của sắc tố là lọc bớt các tia tử ngoại để phòng bệnh ung thư da. Lớp bì: ngay dưới lớp biểu bì là lớp bì. Bì dày hơn biểu bì, mô biểu bì có chất xơ và có tính đàn hồi nên vừa mềm dẻo vừa vững chắc. Lớp bì chứa các bộ phận phụ thuộc của da gồm có: chùm cuối dây thần kinh, tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn, chân lông và mao quản. Chùm cuối dây thần kinh có chức năng về xúc giác và cũng là nơi tiếp nhận cảm giác đau đớn. Các chùm cuối dây thần kinh tụ lại nhiều nhất tại các múp đầu ngón tay và đầu ngón chân. Tuyến mồ hôi tiết ra mồ hôi khi thân thể bị nóng hoặc khi thần kinh bị căng thẳng, có chức năng làm giảm thân nhiệt. Mồ hôi chứa nước, chất Nat-ri và chất Ka-li. Mồ hôi tại nách và chung quanh bộ sinh dục gặp vi trùng ở các nơi đó sẽ bị phân hóa rồi phát ra mùi đặc biệt của mỗi người. Tuyến bã nhờn tiết ra chất nhờn chạy vào chân lông và lan tràn ra ngoài da giữ cho da ẩm và mềm. Chất nhờn này không ngấm nước khiến cho các hóa chất tại môi trường không thể ngấm qua làn da mà xâm nhập cơ thể được. Chân lông giống như một ống dài, sinh ra lông và tóc. Chức năng của lông và tóc là điều hòa thân nhiệt và làm thành một lớp đệm để tránh bớt chấn thương. Chân lông cũng còn chứa một số tế bào gốc để sinh ra biểu bì mới trong trường hợp biểu bì bị hư hại. Mao quản có 2 chức năng: mang ô-xi tới nuôi dưỡng da và điều hòa thân nhiệt. Khi trời nóng, mao quản nở lớn hơn, máu chạy lên gần mặt da để tỏa nhiệt ra ngoài. Trái lại, khi trời lạnh thì mao quản co lại, máu chạy sâu hơn để giữ nhiệt lại trong cơ thể. Lớp mỡ: dưới lớp bì là tới lớp mỡ có đặc tính cách nhiệt và làm đệm để tránh bớt chấn thương. Lớp này bao gồm các tế bào mỡ và mô xơ. Trong cơ thể, lớp mỡ của làn da có chỗ rất mỏng như tại mí mắt và có chỗ rất dày như tại bụng và mông. 

Bệnh lý thông thường về da 

Làn da có thể tổn hại vì nhiều lý do. Các bệnh thông thường ngoài da mà người không ở trong nghề y khoa cũng có thể nhận xét được gồm có:  Bệnh viêm da do dị ứng (chàm) khiến cho da bị ngứa và nổi đỏ hoặc biến đổi khi tiếp xúc với những tác nhân cảm ứng,  Nhiễm trùng da do vi trùng hoặc vi khuẩn gây ra,  Chấn thương da do tai nạn hoặc bạo lực,  U và nang sẽ mô tả trong đoạn dưới,  Ung thư da là những khối u có hình dạng khác thường. Nguyên nhân thông thường gây ung thư da là tác dụng của tia tử ngoại.  Da lão hóa nhăn nheo và nổi vết nám. 

Phòng bệnh 

Phòng ngừa bớt viêm da do dị ứng: hạn chế dùng xà bông và nước. Giữ vệ sinh ngoài da để tránh bớt nhiễm trùng. Không cần dùng hóa chất gì đặc biệt khi tắm rửa, nước và xà bông đủ để giết vi trùng trên mặt da kể cả vi trùng bệnh cùi (hủi). Chấn thương do bạo lực không đề phòng được. Đề phòng chấn thương do tai nạn: chú ý khi làm công việc về chân tay, nhất là khi dùng dụng cụ cơ khí, dùng bao tay dày hoặc giầy có lót kim loại dưới mũi giầy. U là một khối tế bào dày đặc nổi lên ngoài da, nang cũng nổi ngoài da nhưng giống hình một cái túi trong đựng chất lỏng hoặc chất nhờn. U và nang không đề phòng được nhưng cần theo dõi. Ung thư da đề phòng bằng cách bớt tiếp xúc với tia tử ngoại: hạn chế ra nắng, đội mũ rộng vành, thoa kem chống nắng, không dùng dịch vụ gây rám nắng nhân tạo vì loại dịch vụ này dùng đèn chiếu tia tử ngoại lên da khách hàng. Lão hóa do thiên nhiên không tránh được. Tuy nhiên tia tử ngoại có tính cách làm làn da lão hóa mau hơn. Vậy nên tránh đừng phơi nắng để đề phòng da lão hóa quá sớm do tia tử ngoại của ánh nắng gây ra. Cũng nên tránh sử dụng dịch vụ gây rám nắng nhân tạo. 

Tóm tắt 

Ngoài phần việc là cơ quan về xúc giác, làn da còn có nhiều chức năng quan trọng khác. 

Da gồm có 3 lớp là biểu bì, lớp bì và lớp mỡ. Biểu bì có lớp sừng để che chở thân thể. Biểu bì thường xuyên thải bớt tế bào chết và sinh ra tế bào mới. Lớp bì có chức năng về cảm giác, điều hòa thân nhiệt, chống hóa chất lạ xâm nhập và nuôi dưỡng da. Lớp mỡ có chức năng cách nhiệt và có tác dụng như một thứ đệm để tránh bớt chấn thương. Các bệnh ngoài da thông thường liên quan tới dị ứng, chấn thương, nhiễm trùng, u và nang, ung thư da, lão hóa quá sớm. Các bệnh ngoài da khó đề phòng. Các điều cần chú ý là giữ vệ sinh ngoài da, đề phòng chấn thương khi làm việc chân tay (dùng bao tay, giầy đặc biệt), theo dõi các triệu chứng bất thường của làn da và tránh bớt tia tử ngoại. Giữ gìn da: dùng chất giữ ẩm khi da khô, hạn chế dùng nước và xà bông khi bị viêm da do dị ứng. Các bệnh ngoài da không cần điều trị khẩn cấp. 

Bác Sĩ Đinh Đại Kha 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Biểu bì Epidermis 
Lớp bì Dermis 
Lớp mỡ Fat layer 
Tế bào sừng Keratinocyte Kê-ra-tin Keratin 
Lớp sừng Stratum corneum 
Tuyến bã nhờn Sebaceous gland 
Tế bào tạo sắc tố Melanocytes 
Chân lông Hair follicle 
Tuyến mồ hôi Sweat gland 
Bệnh viêm da do dị ứng (chàm) Eczema (atopic dermatitis) 
Bệnh cùi (hủi) Leprosy 
Lão hóa Aging

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét