Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Hoa Gạo Năm Nay


Tôi về thăm thân nhân ở Việt Nam và đến Hà Giang vào đầu tháng ba.
Chị Hảo là chị họ của tôi từng là dân Hà Giang, chị đưa tôi trở lại nơi này khi biết tôi muốn thăm những phong cảnh núi đồi vùng đông bắc.

Chúng tôi thuê khách sạn ở huyện Mèo Vạc. Chuyến viếng thăm đầu tiên chúng tôi về một thôn xã cách huyện cả giờ đồng hồ đi xe gắn máy và đi bộ
Năm nay hoa đào nở muộn, hoa đào rừng phơn phớt hồng cùng với hoa Gạo đỏ đầu mùa đang tưng bừng khoe sắc trên các lối đi, trên vách đá, trên những rẻo núi cao..

Tôi theo chân chị Hảo trèo ngược con đường dốc càng lên cao càng nhỏ hẹp gồ ghề và ngoằn ngoèo, trời khô nên đường còn dễ đi, chị bảo nếu ngày mưa thì con đường đất này sẽ nhão nhẹt bùn sình làm người ta chùn chân khi muốn bước tới con đường dẫn lên chốn thiên thai mây núi chập chùng, hoa bay trong gió….
Chị Hảo cũng mơ màng:
- Mưa ướt đường, bẩn đường, nhưng nhìn màn mưa xuân mờ non cao, mờ cả rừng hoa đào, mờ hàng cây hoa gạo lại thấy lòng thổn thức thương mưa và …cứ mong mưa mãi.

Hai bên con đường dốc lên thôn là những cây xoan trồng thưa, là hoa dại và vách đá xám đen pha sắc trắng, những tảng đá to xù xì và tảng đá nhỏ chen nhau lởm chởm, tạo thành những hình thù kỳ dị. Xa xa thấp thoáng vài căn nhà cũng một màu tối xám của vách tường của mái nhà và hàng rào đá xung quanh nhà.

Lên tới một thôn xã trên ngọn núi tôi đã phải năm lần bảy lượt dừng chân ngồi nghỉ rồi mới đi tiếp. Tôi say sưa ngắm cảnh núi mây hùng vĩ , núi xa mây xa phủ lớp sương mờ như chiêm bao, như ảo ảnh. Thấp lưng chừng núi là những thửa ruộng bậc thang chưa được cầy xới vào mùa trồng trọt vì nông dân còn đợi mưa về cho ướt đất, là màu xanh biếc thăm thẳm của một khúc sông Nho Quế dịu dàng uốn lượn giữa hai khe núi cao ngất ngưỡng.

Chị Hảo và tôi đến trước ngõ dốc dẫn lên một căn nhà. Tôi chợt rộn ràng với sắc đỏ rực rỡ, thân cây gầy gò chìa ra những cành mảnh khảnh nhỏ bé mang trên mình những chùm hoa xinh đẹp, sừng sững nhô lên khỏi mái hiên nơi đầu nhà. Màu hoa đỏ làm tươi sáng cả một góc trời. 

Tôi thốt reo lên:
- Hoa Đào đẹp quá.

Chị Hảo nói:
- Không, hoa Gạo đấy em. Hà Giang tháng ba có hoa Gạo

Tôi hào hứng vì hoa Gạo và muốn dừng chân ở đây lâu hơn. Đó là một căn nhà nhỏ bằng gỗ khá khang trang. Trước sân có một phụ nữ trẻ đang vừa địu con vừa khuân những ôm củi trước cửa vào trong nhà. Chị Hảo kể:
- Chị có chút quen biết với nhà này. Chị cùng một nhóm bạn làm từ thiện đã đến nhà họ cách đây hai năm, giúp đỡ tiền bạc và quần áo đồ dùng cho những gia đình nghèo vùng cao. Cặp vợ chồng này còn rất trẻ, họ lấy nhau khi cô vợ tuổi 15 và chồng 18. Em đừng ngạc nhiên, phong tục họ là thế người kinh chúng ta không dễ dàng hay nhanh chóng thay đổi được họ.

Tôi tò mò:
- Mình ghé vào nhà được không chị?
- Chị dẫn em đến đây cũng là muốn ghé vào thăm họ xem cuộc sống hiện nay thế nào. Mình vào đi em.

Cả hai vợ chồng trẻ đều ở nhà, họ là người H’mong, anh Phừa biết nói tiếng kinh nên chị Hảo không cần phải bập bẹ nói vài tiếng dân tộc với họ.
Vợ chồng anh Phừa rất đẹp đôi, anh đẹp trai, cô xinh gái rực rỡ như những hoa Gạo đỏ ngoài sân. Anh Phừa thật diễm phúc, có đóa hoa Gạo trong nhà luôn tươi thắm và thêm cây hoa Gạo ngoài sân mỗi tháng ba mùa xuân về cũng rất thắm tươi. 
Anh Phừa mời chúng tôi ở lại ăn cơm, anh sẽ thịt một con gà xào măng đãi khách. Hôm qua vợ anh đã xuống núi đi chợ thị xã mua muối, dầu ăn, bột nêm và mấy khúc măng tươi để sẵn trong nhà.

Chúng tôi từ chối ăn cơm vì không muốn làm mất thì giờ của vợ chồng anh, người H’mong thật hiếu khách, anh Phừa nhiệt tình lấy bánh dày ra nướng trên bếp đang đỏ lửa để mời chúng tôi cho bằng được, chiếc bánh dày màu trắng, nướng hơi vàng cả hai mặt bánh, mùi nếp thơm mùi than lửa ăn thật ngon miệng.

Anh nói bánh dày do anh làm bằng nếp nương. Từ khâu nấu nếp giã nếp và làm bánh anh đều học được khi ở nhà với cha mẹ.
Anh Phừa ra dáng là một người đàn ông trụ cột trong gia đình. Anh yêu cô vợ trẻ bé bỏng nên muốn làm tất cả những gì anh có thể, dù anh cũng trẻ chẳng già dặn hơn vợ bao nhiêu, nhưng anh là một người đàn ông mạnh mẽ cho vợ con nương tựa.
Qua những câu chuyện trò thăm hỏi của chị Hảo và anh, tôi đã nhanh chóng hiểu anh Phừa giỏi giang biết làm đủ thứ. Anh biết sửa nhà, làm nhà, anh biết cày cấy, làm nương và anh cũng biết nấu cơm làm bếp….

Trước kia vợ chồng anh ở trong một căn lều nát tồi tàn, nay được các nhà hảo tâm giúp đỡ tiền bạc làm nhà mới. Anh đã phá giỡ căn lều bằng tre mái phủ tấm bạt nhựa để dựng nên căn nhà vách gỗ lợp mái fibro xi măng vững vàng khang trang với sự chung tay giúp đỡ của hàng xóm. 
Vợ chồng anh Phừa nghèo, không có ruộng có đất, Anh theo bạn bè làm nghề thợ xây, khi không có việc anh ra đồng cày cấy và lên núi làm rẫy trồng ngô khoai luân phiên hay ăn công với cộng đồng trong thôn xã. Hai vợ chồng cùng chăm chỉ làm kiếm cái ăn và đồng tiền chi tiêu cho cuộc sống. 

Tôi đã hình dung ra anh Phừa, chàng trai H’mong đeo dao quắm bên hông, chàng trai của núi cao, của nương rẫy, người chồng của cô vợ trẻ, đã đi bộ cả giờ từ nhà để lên núi làm rẫy. Anh đi qua những bờ bụi, những vách đá màu trắng, màu xám màu đen bí hiểm cheo leo, chọn chỗ đất phẳng nhất, rộng nhất khi cắm những gốc khoai mì. Anh len lỏi cuốc xới đất hiếm hoi giữa từng khe đá để gieo hạt ngô giống và rải phân bón. Màu xanh sẽ vươn lên trên triền núi khô, củ khoai sẽ lớn dần dưới lòng đất cứng…

Đến khi thu hoạch cũng chính anh với đôi tay mạnh mẽ nhổ cây khoai mì lên, anh rút con dao quắm sắc bén chặt củ khoai lìa thân lìa gốc và chất khoai thành đống. Vợ anh vai địu con, cùng chồng sẽ cho khoai mì vào bao và chuyển dần xuống núi để bán. 
Những đứa trẻ con H’mong nằm trong địu theo cha mẹ ra đồng lên nương từ khi còn bé, chúng đã quen với mưa rừng gió núi, quen với mồ hôi vất vả mẹ cha và chúng cũng sớm học hỏi những công việc lao động khó nhọc bằng tiềm thức vô hình từ lúc còn ngoẹo đầu ngoẹo cổ thức ngủ trên lưng cha lưng mẹ.

Thu hoạch ngô cũng thế, cả nhà anh Phừa cùng làm việc. Những quả ngô bẻ ra chất thành đống, cho vào bao mang về nhà phơi khô để dành làm lương thực.

Hiện giờ vợ chồng anh đang ước mơ để dành đủ tiền mua hai con lợn về nuôi.

Tôi cảm kích trước tình yêu và hạnh phúc của hai vợ chồng trẻ.

Trước khi từ giã họ tôi tặng vợ chồng anh Phừa hai trăm đô la để mua lợn và chúc họ sẽ đạt được ước mơ, hai con lợn sẽ đẻ ra thành một đàn lợn và vợ chồng anh sẽ đẻ thêm đứa con nữa. Vợ chồng con cái anh sẽ xum vầy hạnh phúc trong căn nhà này. Ước mơ đang ở trong tầm tay họ.

*** 


Tháng ba năm nay tôi lại về Việt Nam và muốn đến Hà Giang. Tôi nhớ cây hoa Gạo đỏ trước nhà anh Phừa và nhớ đôi vợ chồng trẻ. Không hiểu sao một cây hoa Gạo đỏ rực lẻ loi giữa những gam màu xám tối của căn nhà ấy lại làm tôi cảm xúc đến thế.

Đã hai năm rồi chắc vợ chồng anh Phừa đã bán được mấy lứa heo con, và chắc cô vợ đã đẻ thêm đứa nữa, đứa lớn đã gần 3 tuổi, đứa nhỏ lại địu trên lưng. Họ vẫn còn quá trẻ, anh năm nay 23, cô vợ mới vừa tròn 20 tuổi xuân xanh

Tôi và chị Hảo lại đi bộ ngược con đường dốc lên cổng trời, tôi háo hức bước vội khi nhìn thấy cây hoa Gạo đỏ nhà anh Phừa xa xa, dường như nó biết tôi yêu nó nên nở nhiều hoa đẹp chào đón tôi về ngắm nghía.

Tôi đứng dưới gốc cây hoa Gạo. Gió từ những đỉnh núi cao, gió từ chân mây hay từ mênh mông thung lũng thấp lồng lộng thổi về làm một vài cánh hoa Gạo rơi xuống, đủ lãng mạn khi tôi đứng làm kiểu cho chị Hảo chụp vài tấm hình.

Lần này không thấy bóng cô vợ địu con đứng trước sân. Chúng tôi bước vào nhà, cảnh nhà một thoáng lạnh vắng khi bếp không đỏ lửa, chỉ có anh Phừa và thằng con trai quần áo bẩn thỉu nhếch nhác, mũi dãi quệt nhoèn ra hai bên má, đứng nép vào lòng bố khi thấy có người lạ. Chắc cô vợ đi chợ xa ngoài thị xã chưa về?
Anh Phừa thì tiều tụy trông thấy, khi anh đứng dậy chúng tôi mới biết anh bị thương tật ở chân trái. 
Anh bị tai nạn khi đang làm xây cất.

Bức tường đã xây cao hơn đầu người, thợ xây phải đứng trên giàn giáo kê sơ xài bằng hai khúc cây thông để xây tiếp. Anh đã bị trượt chân ngã xuống đất, may mà không chấn thương đến cột sống hay động đến não, anh chỉ bị thương ở chân trái cấp độ 6/10
Lợn lớn lợn nhỏ đều bán hết trong khi anh nằm bệnh viện giải phẫu chân.
Anh không thể tiếp tục làm nghề thợ xây được nữa, dù anh vẫn cố lê bước lên nương làm rẫy ngô khoai nhưng không đủ nuôi ba miệng ăn dù là rau cháo.
Cô vợ trẻ nghe theo lời người ta sang Trung Quốc xin việc làm để kiếm thêm thu nhập. Chẳng biết cô làm công việc gì mà vài tháng đầu còn mang tiền về nhà với chồng con. Sau đó cô bặt tin cho đến bây giờ.

Hàng xóm cùng sang làm bên Trung Quốc đồn nhau rằng cô đã …lấy một người đàn ông Trung Quốc và ở lại với nó.
Anh Phừa đã mỏi mòn trông mong tin vợ, đã có lần anh cõng thằng con nhỏ vượt sang biên giới Trung Quốc tìm kiếm vợ nhưng hỏi ra chẳng ai biết. Bố lại cõng con về.
Anh kể đôi mắt buồn rưng rưng. Tôi tưởng như đằng sau đôi mắt ấy là một vực sầu nước mắt sẵn sàng tuôn rơi.
Tôi xin phép anh khi đi ra bếp mở chiếc vung nồi nguội lạnh, bên trong còn lưng nồi mèn mén đã khô, có thể anh nấu từ chiều qua và để hôm nay ăn tiếp.

Tôi bước ra cửa sau để nhìn chuồng lợn, trống không hoang phế. Cái chuồng do chính anh Phừa làm nên, những lá khô và rác từ đâu bay về nằm vướng quanh chuồng thành một lớp lá khô mục vì đã lâu không ai bén mảng đến và không ai quét dọn..
Bên trong chuồng vẫn còn chiếc máng lợn bằng gỗ mà anh Phừa đã nâng niu đóng khi bắt lợn về chuồng. Bên ngoài hai chiếc xô nhựa cũ rách mẻ miệng vẫn thường dùng để múc cám cho lợn ăn nằm lăn lóc tự bao giờ. 
Chỉ vì vắng đi một người phụ nữ. Chỉ vì không còn một người thương.
Cuộc sống của cha con anh chênh vênh và buồn bã.

Tôi và chị Hảo lựa lời an ủi và khích lệ anh cố gắng làm lụng nuôi con. Anh khẳng định dù thế nào anh vẫn tin và đợi vợ trở về vì không ai có thể yêu cô bằng anh đã yêu. Cô đã từng yêu anh và thương thằng con lắm. Nhất định một ngày nào đó vợ anh sẽ trở về.
Tội nghiệp đứa bé thiếu mẹ. Tôi nghiệp người chồng trẻ chung tình. Tôi cũng cầu mong cô vợ sẽ trở về 
Tôi tặng anh Phừa 200 đô trước khi từ giã.

Bước ra khỏi cửa, đi xuống con ngõ dốc nhà anh Phừa tôi chạnh lòng quay đầu nhìn lại. Cây hoa Gạo khẳng khiu vươn mình trong gió khoe sắc đỏ rực rỡ giữa mây núi lửng lơ, giữa trời xanh bao la như cách đây hai năm lần đầu tiên tôi đến. Nhưng năm nay trong sắc hoa Gạo đỏ ấy tôi thấy có cả nỗi mong chờ và nỗi buồn rưng rưng như đôi mắt anh Phừa lúc nãy..

Nguyễn Thị Thanh Dương.
( March 12, 2020)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét