Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Cái Tai


Sao Khuê có một con bé cháu bốn tuổi. Con Anh-Thư láu lỉnh, bướng bỉnh và nghịch ngợm vô cùng. Một hôm để chỉnh cái tội nó nói nhiều, hét om sòm, Sao Khuê bèn bắt chước ngườì xưa… mà: 

- Thư! người ta có mấy cái tai?
- Hai cái ạ!
- Mấy cái miệng
- Một cái ạ!
- Tai và miệng để làm gì?
- Dạ, tai để nghe và miệng để ăn.
- Vậy chớ nãy giờ Thư nói bằng cái gì vậy?
- Dạ, bằng miệng, miệng để ăn và để nói.
- Tốt! 

Vậy chỉ có một cái miệng mà dùng tới hai việc: ăn và nói trong khi có tới hai cái tai chỉ để mà nghe, điều đó có nghiã là sao ? 

- Dạ, ăn ít, nghe nhiều. Thư ăn có chút xíu hà… mà mẹ cứ bắt Thư ăn nhiều đấy chứ !
A ! con nhỏ này láu cá !
- Chưa đủ, phải nói ít, nghe nhiều. Vậy Thư tốp tốp cái miệng lại và phải nghe người lớn nói. ...
Con bé tốp lại… nhưng còn hậm hực. 

Sao Khuê bèn thừa thắng xông lên : 

- Thư! người ta có mấy con mắt và mấy cái mũi?
- Dạ, hai con mắt và một cái mũ, và không đợi Sao Khuê hỏi, bé Thư tiếp luôn:
- Mắt để nhìn và mũi để ngửi.
- Mũi để thở nữa, nên Thư phải nhìn nhiều và thở.... 

Sao Khuê chợt sựng lại vì không lẽ thở ít ! Sao Khuê vội vàng " cả vú lấp miệng em "…thở thì…tự nhiên nhưng Thư phải tốp bớt cái miệng lại vì mình chỉ có một cái miệng, một cái mũi, hai cái tai, hai con mắt nên phải nghe nhiều, nhìn nhiều mà nói ít, hiểu chưa? 

- Dạ ! 

Tuy dạ vậy nhưng bé Thư hãy còn ấm ức lắm thì phải. Nhìn cái mặt nó là biết liền!… nên chỉ một lúc sau khi Sao Khuê đang thả hồn theo bản nhạc.....suối mơ, bên rừng thu vắng. ...dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng.... thì nàng ta nhè nhẹ khều Sao Khuê: 
- Bác ơi ! người ta có hai cái lỗ mũi và hai cái môi bác ạ. 

Bé Thư vừa nói vừa bĩu môi ra, cứ làm như bác đây không biết vậy. ... 

À...Ừ... thì... nhưng quí vị đã biết Sao Khuê là người sáng trí mà, nên sau khi à..ừ...Sao Khuê bình tĩnh tiến tới: 
- Ừ, nhưng hai cái lỗ mũi mới làm thành một cái mũi, và hai cái môi mới làm thành một cái miệng. Người ta có thể nhìn với một mắt, nghe với một tai, thở hay ngửi với một lỗ mũi nhưng không ai có thể ăn, cười hay nói với một cái môi, ngoài ra thở bằng một lỗ mũi lâu thì bị ngộp.... 

Sao Khuê tiếp tục chặn họng con bé…lắm điều: 
- Hiểu chưa ? nếu chưa hiểu thì phải đi học, phải ăn nhiều cho mau lớn mà đi học. ... 

Nhưng mà chưa kịp lớn để đi nhà trẻ thì cô ả Thư đã đòi mẹ dẫn đi xỏ lỗ tai để đeo bông. 

Vậy thì cái tai để nghe và để. ...đeo bông tai như Sao Khuê nè: 

Ngày xưa đi hỏi hay cưới vợ phải có đôi bông tai :
Cưới em quan tám tiền treo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau
Cưới em đôi chiếu em nằm (chứ bộ anh không nằm?)
Đôi chăn em đáp, đôi tằm em đeo.


Đôi tằm hay đôi chằm tức đôi bông tai đó thưa qúi vị. Bông tai có nhiều kiểu, bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng. ..nhựa. Bông tai có nhận hột trai, cẩm thạch, đá đỏ, hột xoàn v…v... Bông tai mà nhận hột xoàn, nhất là hột bự tổ chảng thì càng được vợ yêu. Ngày xưa các cụ đi cưới vợ cho trưởng nam cứ muốn con dâu sinh nhiều cháu nhất là cháu trai nên ngày cưới các cụ đeo cho con dâu cặp bông ‘ nhất mẫu cửu tử ’ nghĩa là một mẹ chín con với cái bông tai có 9 cái tua rua. Thời bây giờ thì dẫn bông tai có nhận mỗi bên một hột ý nói ít nhất thì phải sản xuất lấy hai tí nhau cho có cháu bồng đấy các cô dâu ạ. 

Tai có nhiều hình dạng khác nhau. Mũi và tai tượng trưng cho "phú quí" tức giàu và sang. Tai đẹp nhất là tai của Phật : tai to, dài và rủ xuống tận gáy. Nếu để ý quí vị sẽ nhận ra là tai của các nhà làm chính trị thường ép sát vào hai bên thái dương (vì hay nghe lén). Tai nhỏ thì ví như tai chuột. Sinh ra đứa nhỏ có tai chuột là lúc đó vận mình không khá và đứa nhỏ cũng khó mà sang trọng sau này. Người có tai dơi, vểnh ra đằng sau là hay hóng chuyện thiên hạ rồi đem nói qua nói lại cũng khó mà giàu nhưng có thể cho làm công an khu vực để nghe thiên hạ sự. 

Người giàu sang phú quý có đôi tai tròn hình quân cờ. Tai gọi là đẹp phải to, đầy đặn, bóng và sáng vì người ta vẫn nói " tai to mặt lớn ". Đàn ông mà tai to mặt lớn, mũi bự, miệng rộng là người giàu sang mà rộng rãi, trừ phi có phá tướng thì không kể. 

Tai dùng để nghe. Âm thanh lọt vào tai ngoài - gồm có vành tai và dái tai - rồi vào tai giữa, tới tận tai trong làm rung màng nhĩ. Rung động được truyền bởi thần kinh thính giác nên người ta nghe được các âm thanh. Âm thanh cứ tự động lọt vào lỗ tai dù muốn hay không muốn nghe trừ khi bị điếc. 

Có nhiều người khôn lắm thường giả bộ như không nghe thấy những điều họ không muốn nghe mà chỉ nghe rõ những điều họ muốn nghe. Họ là những người " Sáng tai ọ - Điếc tai cày " như con trâu nghe rõ lúc được nghỉ ngơi hay gọi đi ăn nhưng bảo đi cày là trâu ta điếc đặc. Nếu bà vợ nỉ non : "bao giờ anh đưa em đi chùa Hương " hay "anh ơi! chị bác sĩ Nguyễn mới mua cái áo lông nhẹ và đẹp quá... đang sale anh à." hay chẳng may lỡ ngồi bên cạnh một ông tài xế xổ tiếng Đức liên chi hồi điệp: cái lão già đằng trước lái xe như ... Á! con mẹ già quẹo bậy !... lái chậm như rùa lại vượt đèn đỏ nữa chứ... khi đó thì người ta đâu có muốn nghe mà chỉ muốn bịt tai lại phải không quí vị. 

Sao Khuê nhớ ngày còn nhỏ, nghe mấy đứa nhỏ chửi lộn, gặp đứa nào chửi hăng quá, bậy quá hay dai quá thì đứa kia bèn lấy hai tay bịt chặt hai lỗ tai bỏ đi nhưng chưa chịu thua, vừa đi vừa nói s: "bịt lỗ tai cài lỗ nhĩ đứa nào nói đứa ấy nghe" hay dễ sợ hơn là" Đứa nào nói Bố đứa ấy nghe ". Kinh! 

Cũng có những người tuy nghe thấy mà không nghe thấy. Đó là các vị sư đầu đội mũ ni đi khất thực giữa chợ. Các thày cứ lặng thinh mà đi, vừa đi vừa giữ chánh niệm,vừa niệm Phật, mắt nhìn thẳng, chân bước đều, coi thiên hạ sự như "ne pas" nên từ đó có câu "lấy mũ ni che tai " để chỉ những người không điếc mà lại không nghe thấy gì hết chỉ vì không muốn nghe. Một số ông có tính phớt tỉnh như Ăng- Lê, vợ có đói, con có khóc, có gào thì cũng mặc (!) cho bu mày lo, ta đây. . còn mắc lo chuyện lớn khiến bà vợ phải hét lớn " vểnh tai lên mà nghe tôi nói đây nè" nhưng các ông vẫn làm thinh vì nghe như gió thoảng ngoài tai nhưng nếu có ai "..lẳng lặng mà nghe tôi nói đôi lời... ở đầu làng Ngũ xá có một cô nàng, một cô nàng bán nước chè xanh, người đâu trông mà duyên dáng. .."..thì dù có cách xa mấy các ông cũng nghe thấy … Cũng có những bà đang binh xập xám thì thì chồng có réo con có gọi cũng để ngoài tai. 

Không phải chỉ có người lớn tuổi mới lãng tai mà ngay các đấng nhi đồng nhiều khi nói mãi nói hoài mà vẫn không nghe hoặc chưa kịp vào lỗ tai này đã ra lỗ tai kia mất tiêu tức là nghe tai nọ sang tai kia: Thật đúng là nước đổ đầu vịt hay nước đổ lá môn, đổ đến đâu thì cứ trôi tuốt luốt đến đó, nói gì cũng chẳng cho vào tai, vào lỗ tai này đã chui ra lỗ tai kia bởi vậy mới bị ba má xách tai (tức béo tai hay nhéo tai) nhất là những nhi đồng tai ngược thích làm chuyện trái khoáy lạ đời. Người lớn cũng nhiều người tai ngược lắm cơ, mấy người này tất nhiên hay gặp tai nạn hay tai bay vạ gió vì khi họ tai ngược, từ trường chung quanh họ cũng có những làn sóng điện từ nghịch thu hút những làn sóng ngược ngạo khác mang tai nạn, tai ương đến gần. 

Khổng Tử có câu: Ngô thập hữu ngũ chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ: 

Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học" có nghĩa là khi tới 15 tuổi, ta mới có thể tự-mình chuyên-tâm vào việc học. 
"Tam thập nhi lập" có nghĩa là khi người ta tới 30 tuổi thì sức tự-lập mới có thể chắc-chắn và vững-vàng 
Tứ thập nhi bất hoặc" có nghĩa là khi người ta tới 40 tuổi mới có thể hiểu thấu mọi sự-lý trong thiên-hạ, phân biệt được việc phải hay trái 
"Ngũ thập nhi tri thiên-mệnh" có nghĩa là khi người ta tới 50 tuổi mới có thể thông-suốt chân- lý của tạo-hoá, tức là hiểu được mệnh của trời 
Lục thập nhi nhĩ-thuận" có nghĩa là khi người ta tới 60 tuổi thì mới đạt đến mức độ để khi nhìn hay nghe thấy điều gì, người ta không những không cảm thấy chướng-ngại mà còn hiểu thấu ngay mọi lẽ. Muốn đạt được trình-độ này, con người cũng phải có căn-bản giáo-dục, đạo-đức, kiến-thức, và kinh-nghiệm từng-trải về sự đời. 
Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ" có nghĩa là tới 70 tuổi, con người sẽ đạt đến tình- trạng rất hoàn-hảo về cách xử-sự và xử-thế. 
Tuy vậy không chịu trau dồi học hỏi, tu tâm dưỡng tính thì e đến bách thập vẫn còn u mê!


Tai chẳng những thông với nhau mà còn thông với miệng, nên chuyện từ cái tai này lại lọt qua cái miệng kia là thường đã vậy lại còn cứ thế mà tiếp tục lan truyền nữa chứ ! Nếu như bạn muốn một câu chuyện "kín" được lan truyền đi thật nhanh thì hoặc đưa vào internet hoặc kiếm một bà nào có cặp môi mỏng như sợi chỉ rồi bỏ nhỏ vào tai bà ấy "này.........." sau đó dặn dò: " cái này tôi chỉ nói riêng với bà thôi nhé, bà chớ có nói với ai đấy nhé... " là bạn yên chí, nội ngày hôm đó nhiều người được nghe với lời nhắn tương tự. 

Bạn có nhớ chuyện vua Mi Đi mọc tai lừa không? Ngày xưa ở bên Ả Rập có ông vua nọ không chịu nghe lời hay lẽ phải, cứ ý mình mình làm, lỳ lợm như con lừa nên bị Trời phạt khiến tai ông ta cứ dài ra như tai lừa. Ông vua rất xấu hổ nên lúc nào cũng phải đội mũ để che đôi tai lừa này nhưng mỗi tháng khi cắt tóc thì phải lột mũ ra và dĩ nhiên ông thợ cắt tóc là người biết được cái bí mật đó của nhà vua. Nhà vua đe ông thợ cắt tóc : "khanh mà tiết lộ thì Trẫm chặt đầu". Ông thợ cắt tóc càng nín thì càng tức mình, tới lúc chịu không nổi ông ta bèn vào rừng, đào một cái hố sâu rồi ghé sát miệng hố mà hét cho đã đời cái ấm ức bấy lâu: Vua Mi Đi mọc tai lừa! vua Mi Đi mọc tai lừa! 

Cây cối và chim chóc bắt được tin này thì thích quá bèn rì rào truyền đi khiến toàn dân đều biết là vua Mi Đi đã mọc tai lừa rồi. Thế mới biết giữ kín một chuyện bí mật còn khó hơn giữ một kho vàng và cũng từ câu chuyện này mới có câu "tai vách mạch rừng"; đó là câu chúng ta dặn dò nhau thời còn ở thiên đàng XHCN ở nơi đó mọi người phải hết sức cẩn thận kẻo đi học tập mút mùa vì đến cái vách cũng biết nghe mà đi mách công an ! Vách làm bằng cây, mà cây thì có tai, bạn bảo cây làm gì có tai à, vậy thì mộc nhĩ là gì, chẳng phải là tai cây à. Đùa bạn tí chơi, chứ mộc nhĩ là một loại nấm có hình như cái tai, mầu nâu đen mọc trên thân cây, một món rất quan trọng cho chả giò nhưng nếu người ta bảo bạn có lỗ tai cây hay lỗ tai trâu là người ta chê bạn không biết nghe đó nhé vì nghe là một nghệ thuật. Nghe mà chẳng hiểu gì ví như đem đàn mà gẩy tai trâu. Người biết nghe lời hay lẽ phải là hiền nhân, vua biết nghe lời phải là minh quân, vua nghe lời gian thần sàm tấu là hôn quân (nên chồng nghe lời vợ nhỏ nỉ non là ...hôn phu !). 

Nghe cũng như thở, hoàn toàn…tự động, không muốn nghe cũng không được, âm thanh cứ lọt vào tai có khi đi luôn ở người có lỗ tai cây nhưng thường thì được giữ lại dù không muốn vì vậy có người nghe xong phải đi rửa tai; đó là ông Hứa Do ở bên Tầu. Hứa Do nghe vua Nghiêu nói có một câu thì phải ra sông rửa tai, đang vục nước rửa tai thì gặp Sào Phủ dẫn trâu ra uống nước. Sào Phủ hỏi Hứa Do: 

- Ông bịnh gì phải rửa tai ? 
- Vua Nghiêu cứ đòi nhường thiên hạ, đã chối từ đi ở ẩn, nay lại mời ra làm tướng quốc nên phải đi rửa tai. 
Sào Phủ nghe xong vội dẫn trâu đi khúc sông khác mà uống nước. 

Hứa Do hỏi thì Sào Phủ trả lời: 
- Tôi sợ trâu tôi uống nhằm nước mà ông đã rửa tai! 
(Lời bàn nhảm của Sao Khuê: Sào Phủ sợ Hưá Do mắc bệnh hoang tưởng, cứ tưởng mình tài cao đến nỗi được vua nhường ngôi, sợ nước rửa tai có nhiễm vi trùng hay vi khuẫn hoang tưởng, trâu uống vào lại đòi dẫn chủ đi cày thì…bỏ bu ). 

Để tránh… hoang tưởng chúng ta cũng cần phải rửa tai hàng ngày: 
Nào ta cùng chải răng răng. .răng.. 
Lau mặt mũi tay chân, tai.. tai.. (Bảo Vân) 

Ông bạn Sao Khuê có một đàn con sàn sàn bằng nhau nên mỗi tối đều nghe: 
- Uống sữa, đánh răng, rửa mặt, đi đái, đi ngủ. 

Rửa mặt bao gồm rửa tai, gáy, cổ, lỗ mũi. Rửa không sạch thì ghét đọng lại dơ lắm, chưa kể lâu lâu còn phải lấy ráy tai để nghe cho rõ. Quý ông ngày còn ở Việt nam mỗi khi đi hớt tóc rất thích cái mục lấy ráy tai này, khi đó ông nào ông nấy cứ tơ lơ mơ trông hay đáo để. Ráy tai mà để lâu không lấy thì cứng ngắc lại, bịt chặt tai, hết nghe được, lúc đó bạn phải nhỏ vào tai vài giọt dầu "minéral oil" hay vài giọt eau oxygéné 10%, lưu ý là 10% thôi nhé, loại 30% là để tẩy mầu cho tóc, nhỏ ngày 2, 3 lần cho ráy mềm ra rồi khều nó ra, sang hơn thì bạn ra pharmacy mua một hộp thuốc có tác dụng làm mềm ráy tai (ở xứ lá phong Canada của Sao Khuê tên thuốc là Cérumenex hay Cérumol ). 

Tai rất quan trọng vì tai cũng mắc bệnh: lãng tai, nặng tai, tai điếc, tai thối, tai bị sưng, tai bị nhiễm trùng v…v… nên tai cần có một bác sĩ chuyên môn săn sóc, đó là bác sĩ tai mũi họng (ORL). 

Một chứng bệnh của tai là thối tai, tai chảy mủ và có mùi hôi hay tai bị đau nhức, cả hai là do tai bị nhiễm trùng. Hồi xưa, chưa có trụ sinh các cụ dạy đem nướng nóng một củ hành nhỏ rồi nhét vào lỗ tai nhiều lần, làm liên tục đến khi khỏi. Mới nghe thì tức cười nhưng thật ra trong củ hành có chất trụ sinh có tác dụng diệt khuẩn nên trị lành được bệnh. Chứng đau tai thường sảy ra ở trẻ em và thường bị nhiễm đi nhiễm lại nhiều lần nhất là các cháu gửi ở nhà trẻ hoặc là hay đi bơi ở hồ tắm công cộng vì chứng bệnh này rất dễ truyền nhiễm. Vị nào có chứng đau tai do đi bơi thì trước, sau khi bơi nhớ nhỏ vài giọt buro-sol, nếu bị nước vào tai thì nghiêng đầu qua một bên, lắc mạnh cho nước chảy ra ngoài, hết bên nọ đến bên kia. Buro-sol cũng được dùng để trị chứng ngứa tai ngoài (tai có tai ngoài, tai giữa và tai trong ) nhưng không trị nổi chứng ngứa lỗ nhĩ nếu chẳng may bị nghe người khác nói ngang (chắc quí vị cũng đang ngoáy tai nãy giờ dù Sao Khuê đâu có nói ngang ). 

Củ hành là chuyện ngày xưa nhưng khi nướng chớ để nóng quá kẻo lại bị phỏng, tốt nhất là đi bác sĩ kiếm cái toa để bác sĩ kiểm soát xem tại sao đau, đau làm sao. Ở nhà thuốc có một trụ sinh mà bạn có thể mua không cần toa, đó là polysporin. Tự mình trị bệnh cho mình tuy đỡ mất công chờ bác sĩ nhưng đôi khi không tốt ví lỡ bệnh nặng, cần thuốc mạnh hơn thì polysporin có thể làm cho bác sĩ khám khó khăn hơn, thôi thì cứ không sốt, không đau lắm hãy dùng thử polysporin 3 ngày, ngày 3 đến 4 lần mà không thuyên giảm thì bạn nhớ đi bác sĩ nhé, khi có thuốc rồi thì bạn vẫn phải nhớ dùng đúng theo lời dặn, dùng đủ liều, đủ ngày kẻo bị tái lại, lờn thuốc nữa thì mai sau khó trị. Những thuốc thường được bác sĩ kê toa để nhỏ tai khi tai đau nhức là ciprodex, garamycine, garsone, dexaméthasone, bétaméthasone v..v.. có khi phải vừa uống trụ sinh vừa nhỏ thuốc. Trẻ em nhất là trẻ em gởi nhà trẻ hay bị chứng sưng tai, có em một năm bị tới mấy lần thì phải đi bác sĩ, lúc đó thường phải uống trụ sinh, bạn nhớ cho uống đúng liều, đúng hạn, thường là 10 ngày để tránh bệnh bị tái lại nhé. 

Nặng tai, lãng tai, tai điếc là khả năng nghe bị giảm, phiền lắm vì đôi khi chẳng nghe thấy gì hết. Điếc thì thường đi đôi với câm, vừa không nghe vừa không nói được và thường là tật bẩm sinh. Những trẻ câm điếc phải theo học trường câm điếc để có thể hiểu được dấu hiệu hay ra dấu hiệu khi muốn giao thiệp chuyện trò với người khác. Khi về già, hầu như khả năng nghe của mọi người đều giảm, người ta than là mình bị điếc, thật ra là mới bị nặng tai tí thôi. Lãng tai hay nặng tai khiến người khác cứ phải hét thật to mới nghe thấy... đôi khi hét rồi mà còn nghe không rõ, cỡ này thì phải đi khám bác sĩ, đi thử tai rồi phải đeo cái máy có tính làm khuếch đại âm thanh. 

Có cụ ông kia bị điếc, càng ngày càng nặng nên bác sĩ quyết định cho cụ cái máy nghe. Lần sau trở lại khám, bác sĩ hỏi: 
- Sao ? cụ nghe rõ rồi chứ ? 
- Cám ơn bác sĩ, tôi nghe rõ lắm nhưng từ hôm đó đến nay tôi đã phải sửa chúc thư đến 5 lần!... 

Cu Tí đi học về thấy ông đeo sợi dây ở tai mới hỏi: 

- Ông ơi! ông đeo cái gì vậy 
- À, ông bị điếc, ông đeo máy nghe. 
- Nhưng cái này là écouteur cũ để nghe nhạc của cháu mà ông, sao ông lại cắt ngắn dây đi thế ? 
- Cháu chẳng hiểu gì cả, đeo máy điếc khổ lắm, lúc nào cũng nghe ầm ầm, điếc cả tai. Ông đeo cái này, mọi người biết là ông nặng tai sẽ nói lớn hơn thì ông nghe thấy được! 

Sao Khuê cũng đang kiếm cái ecouteur cũ đây… 

Có bốn bà nặng tai đi chợ trên đường quê. Một bà nói: 
Trời mưa lắm ễnh ương 

Bà thứ nhì tưởng bạn chê là hay bênh con bênh cháu, bèn nói: 
Con cháu ai chẳng thương 

Bà thứ ba thì: 
Hôm nay trời nhiều sương 

Bà thứ tư thì: 
Còn tôi thì mua tương 

Tai rất nhạy cảm nhất là khi trời lạnh. Ở Canada về mùa đông người ta phải đội mũ che đầu, che tai. Tai ở lâu ngoài trời lạnh quá có thể làm cho tai bị phỏng lạnh có khi bị chết cứng, phải cắt đi mà mất tai thì cũng xấu, cũng buồn như cô con gái ngày xưa bị chú rể cắt mất tai con heo quay của ngày nhị hỉ; may quá ngày nay người ta bỏ tục lệ này nếu không thì nhiều heo quay bị cắt tai lắm. 

Vì tai nhạy cảm nên thày giáo ngày xưa cũng thích béo tai mấy trò lười biếng nghịch ngợm. .. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma có bài giảng, đại ý là khi ghét nhau rồi người ta cãi nhau, khi đó ai cũng cố hét cho thật to vào tai người khác còn khi yêu nhau người ta thì thầm bên tai nhau, có nghĩa là người ta phải hét to với nhau đến đỏ mặt tía tai do khi ghét nhau hai trái tim ở xa nhau nhưng khi thương nhau, hai trái tim xích lại gần nhau thì dù nói nhỏ mấy cũng vẫn nghe thấy, đôi khi chả cần nói cũng hiểu nhau… 

Từ ngày nước Việt mình bị tai trời ách đất thì đến vách cũng có tai vì nhà nước phát huy tinh thần mình rình mọi người, mọi người rình mình để báo cáo lập công. Thiên tai!.... Thiện tai!.... 

Sao Khuê ráng bóp trán để nhớ câu thơ hay bài hát nào có cái tai mà nhớ không ra bèn phóng tác từ bài "con voi" mà : 

Cái tải cái tai
Tai ngoài ở trước
Tai giữa ở trong
Còn tai trong ở sau rốt
Tôi ngồi tôi kể nốt câu chuyện cái tai
Cái tải cái tai....
- Tốp! tốp! điếc con ráy !
- Dạ 

Sao Khuê xin ngừng làm khổ tai quí vị kẻo có người đang bịt tai mà :" biết rồi, khổ lắm nói mãi !" 

(Thật đúng là uổng công nãy giờ… đàn gẩy tai trâu !) 

Sao Khuê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét