Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Sơn Phòng Xuân Sự Kỳ 2 山房春事其二 - Sầm Tham

Sầm người huyện Nam Dương, tỉnh Hà Nam, sinh năm 715, đậu Tiến Sĩ năm 744, đời Đường Huyền Tông. 
Mới đầu, ông được phong là Tham Quân, sau đổi làm Tả bổ khuyết, là một chức quan trong Trung Thư Tỉnh (cùng Thượng Thư và Môn Hạ, họp thành Tam Tỉnh đời Đường) 
Vì tính khí khái, cương trực, hay chỉ trích đại thần, nên bị biếm đi xa, hầu như cả cuộc đời, không được ở kinh đô. Sau cùng, ông làm tùng sự cho Đỗ Hồng Tiệm, trấn thủ Tứ Xuyên. Ông từ chức và mất ở Thục năm 770, hưởng dương 55 tuổi. 



山房春事其二        Sơn Phòng Xuân Sự Kỳ 2 

梁園日暮亂飛鴉, Lương viên nhật mộ loạn phi nha, 
极目蕭條三兩家。 Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia. 
庭樹不知人去盡, Đình thụ bất tri nhân khứ tận, 
春來還發舊時花。 Xuân lai hoàn phát cựu thì hoa. 
                                 Sầm Tham
***
Dịch nghĩa: 

Nét Xuân  Nhà Trong Núi Kỳ 2 

Trong vườn Lương, lúc chiều tà những con quạ bay hỗn loạn 
Cố trông hết tầm mắt cũng chỉ thấy vài ba nhà tiêu điều 
Cây trong sân không biết rằng người ta đà đi hết 
Xuân về lại nở những bông hoa thời xa xưa. 

Dịch Thơ:

Vườn Lương quạ loạn lúc chiều tà, 
Trước mắt tiêu sơ mấy mái nhà, 
Cây sân nào biết người đi hết, 
Xuân về, cành cũ lại nở hoa. 

Chú thích: 

- Sơn phòng là phòng trên núi. Trần Trọng San nói là phòng đọc sách. 
- Lương Viên: Vườn Lương 
Wikipedia giải thích là vườn của Lương Hiếu Vương, con thứ của Lương Vũ Đế Tiêu Diễn, thời Nam Bắc Triều, từ 502 tới 550. Lúc trước, vườn có tên là Đông Uyển, trong thành Thư Dương, về sau mới gọi là Lương viên. Tôi không tin giải thích này vì 2 lý do: 
1- Lương Vũ Đế là ông vua văn võ toàn tài, nhưng lại mộ đạo Phật, xây nhiều chùa, và đời sống rất đạm bạc, không lý gì để con xa hoa, phí phạm. 
2- Quốc hiệu là Lương, thiếu gì chữ mà phải dùng lại chữ này. 

Theo cụ Trần Trọng Kim thì đây là vườn của Lương Hiếu Vương Lưu Vũ, em ruột của Hán Cảnh đế Lưu Khải. Là hoàng đệ, lại có công lớn dẹp loạn, nên được ưu đãi, sống rất xa xỉ, phóng túng. Và vườn Lương một thời là nơi phồn hoa đô hội, đủ các món ăn chơi... 
Bài này đã có rất nhiều người dịch, đại khái cũng na ná, đôi khi phải dùng những chữ không được hay vì kẹt vần... Bản của Bát Sách như sau: 

Bát Sách. 
***
Nét Xuân Ở Nhà Trong Núi Kỳ 2 

Ngày tắt, vườn Lương loạn quạ bay 
Nhướng trông dăm nóc hắt hiu bày 
Cỏ cây nào biết người đi hết 
Xuân tới hoa xưa vẫn nở đầy! 

Lộc Bắc 
***
Dịch Nghĩa: 
Cảnh Xuân Nơi Nhà Trên Núi 

Trong vườn nhà họ Lương lúc chiều tà, quạ bay hỗn loạn
Cố trông hết tầm mắt cũng chỉ thấy vài ba nhà tiêu điều
Cây trong sân không biết rằng người ta đã đi hết
Xuân về lại nở những bông hoa thời xa xưa. 

Dịch Thơ: 
Cảnh Xuân Nơi Nhà Trên Núi 

Quạ bay loạn xạ trong vườn chiều 
Hoang vắng vài nhà cảnh đìu hiu 
Cây cỏ nào hay người bỏ phế 
Xuân về hoa cũ nở thêm nhiều. 

Anh Ngữ:
Spring In A Mountain House 

In late afternoon, crows fly in the disorderly yard 
There are only a few desolated houses to the end of the view 
Plants and trees do not realize that all men have left 
But spring is coming back and lots of old flowers will blossom. 

 Phí Minh Tâm  
 ***
Nét Xuân Ở Nhà Trong Núi Kỳ 2

Vườn Lương chiều xuống quạ la đà. 
Mỏi mắt tiêu điều ba bốn nhà. 
Cây cũ chẳng hay người vắng bóng, 
Xuân về còn cứ nở hoa xưa! 

 Con Cò 

* Sầm Tham mượn vườn Lương để tả nỗi xúc động trước cảnh biến đổi tiêu điều tại miền sơn cước. 
2 câu đầu: 
Ông than rẳng nhìn mỏi mắt mà chỉ thấy lũ quạ bay loạn xạ và vài ba căn nhà thưa thớt! 
2 câu sau: 
Ở một nơi vốn dĩ đã vắng vẻ tiêu điều, dân cư lại bỏ đi hết. Thế mà cái cây mọc trước đình lại vẽ vời nở hoa như xưa! 
Bài thơ muốn nói cảnh vật đã tiêu điều vắng vẻ, người lại bỏ đi hết thì hoa kia còn nở làm gì? 

***
Cảnh Xuân Trong Núi kỳ 2 

Quạ loạn vườn Lương lúc xế tà 
Tiêu sơ đứng đó mấy khung nhà 
Cây sân đâu biết người đi cả 
Xuân tới vườn xưa lại trổ hoa 

Lạc Thủy Đỗ Quý Bái
***
Họa bài Nét Xuân Ở Nhà Trong Núi Kỳ 2 của Lộc Bắc

Vườn Lương chiều xuống quạ tung bay
Dõi mắt nhìn: nhà mấy nóc gầy
Sân trước vắng người cây chẳng biết
Phô màu hoa cũ đón xuân lai

Tuệ Quang TTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét