Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Đào



Lỡ chân trót đã vào đây
Khóa buồng xuân để đợi ngày ĐÀO NON.

Đó là câu nói an ủi để trấn an Thúy Kiều của Tú Bà: Đợi ngày ĐÀO NON là đợi ngày vu quy, đợi ngày xuất giá về nhà chồng. ĐÀO NON là YÊU ĐÀO 夭桃, lấy ý trong chương Chu Nam của Kinh Thi bài ĐÀO YÊU 桃夭 như sau:

桃之夭夭, Đào chi yêu yêu,
灼灼其華. Chước chước kỳ hoa.
之子于歸, Chi tử vu quy,
宜其室家. Nghi kỳ thất gia.

Có nghĩa:
Cành đào non mơm mởn, nở rực rỡ trên cành. Như cô gái gả về nhà chồng, nên nhà nên cửa:

ĐÀO NON mơn mởn trên cành,
Như cô gái nhỏ xuân xanh đương thì.
Nhà chồng cô sẽ vu quy,
Nên nhà nên cửa vui khi lấy chồng.

Nên...
ĐÀO NON là cô gái trẻ, là một đóa YÊU ĐÀO, như cô Kiều đã tự ví mình với Kim Trọng là: 

Vẻ chi một đóa YÊU ĐÀO, 
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh. 

YÊU ĐÀO 夭桃 còn được nói thành ĐÀO YÊU cũng cùng một nghĩa, như trong truyện Nôm khuyết danh Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng : 

Nàng rằng :" Từ thuở tượng kỳ, 
ĐÀO YÊU vẹn ước, kịp thì nghi gia". 

ĐÀO NON cũng chỉ cô gái trẻ đi lấy chồng, như khi Kim Kiều tái hợp. Sau khi "Tàng tàng chén cúc dở say" Thúy Vân đã nói với Thúy Kiều rằng : 

Qủa mai ba bảy đương vừa, 
ĐÀO NON sớm liệu xe tơ kịp thì. 

ĐÀO NON còn được gọi là ĐÀO TƠ. Ta hay nghe nhóm từ "Đào Tơ Liễu Yếu" để chỉ các cô gái đẹp mới lớn chân yếu tay mềm. Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã gọi thời kỳ mới lớn nầy của các cô là "Sen Ngó Đào Tơ" khi Kim Kiều "Cùng nhau giao bái một nhà, Lễ đà đủ lễ đôi đà đủ đôi", và khi " Động phòng dìu dặt chén mồi, Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa" thì cụ lại hạ câu : 

Những từ SEN NGÓ ĐÀO TƠ, 
Mười lăm năm mới bây giờ là đây! 

ĐÀO NON cũng còn được gọi là THƠ ĐÀO, như lời của Thúy Kiều than vãn với Vương Bà trước lúc lên đường theo Mã Giám Sinh. Khi " Bề ngoài chủ khách dập dìu, Một nhà huyên với một Kiều ở trong" thì nàng đã than rằng : 

Hổ sinh ra phận THƠ ĐÀO, 
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong?! 
Lỡ làng nước đục bụi trong, 
Trăm năm để một tấm lòng từ đây! 

... và lời gởi gắm Thúy Kiều của Vương Viên Ngoại với Mã Giám Sinh là :

Chút thân liễu yếu THƠ ĐÀO,
Dớp nhà nên phải giấn vào tôi ngươi.
Từ đây góc bể ven trời,
Nắng mưa thui thủi quê người một thân.
Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân,
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng...

Ngoài Yêu Đào, Thơ Đào, Đào Non ... để chỉ các cô gái đương độ xuân thì ra, ta còn có từ ĐÀO LÝ 桃李 là cây đào và cây mận cũng dùng để chỉ hình vóc mảnh mai của các cô gái, như khi Thúy Kiều bị Khuyển Ưng bắt về giao cho Hoạn Bà phải chịu ba mươi hèo gia pháp. Cụ Nguyễn Du đã thương tiếc bằng câu:

Xót thay ĐÀO LÝ một cành,
Một phen mưa gió tan tành một phen !


Ngoài ra ĐÀO LÝ 桃李 còn thường dùng để chỉ học trò giỏi hoặc những người tài giỏi. Theo " Tư Trị Thông Giám đời Đường Võ Tắc Thiên Cửu Trị Nguyên Niên : Tể Tướng Địch Nhân Kiệt trước sau đã tiến cử cho triều đình mấy chục người tài giỏi bao gồm cả các quan viên và tướng lãnh. Vì thế, nên người đời xưng tụng ông ta là :"Thiên hạ ĐÀO LÝ tấc tại công môn hĩ 天下桃李,悉在公门矣". Có nghĩa :" ĐÀO LÝ trong thiên hạ, đều ở cửa của ông mà ra cả !". Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có câu :

Sân ĐÀO LÝ mây lồng man mác,
Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng.

Còn trong Lâm Tuyền Kỳ Ngộ (Bạch Viên Tôn Các) thì viết rằng :

Cửa chen ĐÀO LÝ người sum họp,
Nhà chật trân châu của đãi đằng.


Về ĐÀO NGUYÊN 桃源 thì theo "Đào Hoa Nguyên Ký" của Đào Tiềm đời Tấn kể rằng:

Năm Thái Nguyên của Hiếu Võ Đế đời Đông Tấn, có một người ở đất Võ Lăng, làm nghề đánh cá độ nhật. Một hôm, ông ngược theo dòng sông đi về phía đầu nguồn. Không biết đi được bao lâu, bỗng thấy hai bên bờ sông toàn là rừng hoa đào ngào ngạt hương thơm trên những thảm cỏ xanh bát ngát. Khi đến đầu nguồn là một tòa núi lớn, nguồn nước từ trong hang núi chảy ra, và có ánh sáng thấp thoáng ở phía bên kia hang động. Ông bèn bỏ thuyền, men theo hang động mà đi độ vài mươi bước, thì thấy hang động mỗi lúc một rộng ra và sáng hơn lên. Khi ra đến bên ngoài thì như là lạc vào một thế giới khác. Đất lành đường rộng, ruộng lúa phì nhiêu, nhà cửa khang trang sạch sẽ. Gái trai già trẻ ăn mặc tươm tất chỉnh tề, gặp nhau chào hỏi cười nói vui vẻ. 

Họ trông thấy người đánh cá khác hơn những người trong thôn, đều rất ngạc nhiên mà đến thăm hỏi đủ điều. Rồi thay phiên nhau mời về nhà mà đãi đằng cơm nước. Họ kể cho người đánh cá biết rằng : Tổ tiên của họ vì muốn lánh chiến tranh loạn lạc của đời Tần mà dắt díu nhau tìm đến chốn nầy để lánh nạn. Thấy đây là mảnh đất lành yên ổn nên định cư và cắt đứt luôn liên lạc với người bên ngoài đã nhiều đời nay rồi. Họ hỏi người đánh cá bây giờ là triều đại nào, họ không biết gì đến nhà Đông Hán Tây Hán gì cả, đừng nói chi đến đời Ngụy đời Tấn. Người đánh cá bèn kể lại diễn tiến của mấy trăm năm lịch sử cho họ nghe. Mọi người đều tỏ ra rất cảm khái. Họ thay phiên nhau chiêu đãi để nghe người đánh cá kể chuyên bên ngoài đời. Được mấy hôm, người đánh cá bèn từ biệt ra về. Người trong thôn Đào Nguyên đều căn dặn là đừng nói sự hiện diện của họ cho người bên ngoài biết. 

Có người tên Lưu Tử Ký ở quận Nam Dương, là một người thanh cao thoát tục, nghe được chuyện nầy, bèn dự tính tìm cách để đến cho được Đào Nguyên, nhưng không thành. Ít lâu sau thì bị bệnh mà chết. Từ đó về sau không còn có người hỏi đến chuyện Đào Hoa Nguyên nữa. 

ĐÀO NGUYÊN là thế đấy, chỉ là một làng quê yên lành với đời sống mộc mạc không đòi hỏi cao sang, không tranh danh đoạt lợi... Nhưng đối với thế giới bên ngoài đầy lòng tham lam, nhiểu nhương, chiến tranh, chết chóc... thì đây quả thật là cảnh tiên mà mọi người dân hằng ao ước ! Trong Truyện Kiều tả lúc Thúy Kiều nằm mơ thấy Đạm Tiên đến báo mộng. Vì là một hồn ma, nên "Sen vàng lãng đãng như gần như xa" làm cho Thúy Kiều lầm tưởng không biết là tiên ở chốn nào đi lạc đến đây, nên mới:

Chào mừng đón hỏi dò la,
ĐÀO NGUYÊN lạc lối đâu mà đến đây ?! 

Trong văn học văn chương thi vị và lý tưởng hóa ĐÀO NGUYÊN thành một nơi như là Thiên Thai Tiên Cảnh. Nên trong bản nhạc THIÊN THAI, nhạc sĩ Văn Cao đã viết lời nhạc mở đầu cho bài hát là: 
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng... 
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên... 

Lời nhạc đã viết SAI mà... ĐÚNG. SAI vì Lưu Thần Nguyễn Triệu đi lạc vào THIÊN THAI chớ không phải lạc vào ĐÀO NGUYÊN. ĐÚNG vì trong tâm tưởng của quần chúng nhân dân qua văn chương thì THIÊN THAI hay ĐÀO NGUYÊN gì thì cũng như nhau mà thôi, vì đều cùng là chỗ Tiên ở, chỗ ở lý tưởng mà mọi người hằng ao ước ! Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du còn thi vị hóa THIÊN THAI là chỗ ở của người yêu, là chỗ ở của Kim Trọng, khi Thúy Kiều " Lần theo núi giả đi vòng, cuối tường dường có nẻo thông mới rào ", nên mới bạo gan : 

Xắn tay bẻ khóa động ĐÀO, 
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai! 

Khi đã yêu thì con gái cũng "bạo" như con trai vậy! 

Trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện cũng có nhắc đến ĐÀO THÔN 桃村 là Xóm Hoa Đào trong Đào Hoa Nguyên Ký của Đào Tiềm với câu : 

ĐÀO THÔN điểm điểm ngấn trần, 
Sào Ngư mường tượng cắm gần đâu đây. 

Sau ĐÀO THÔN 桃村 ta còn có ĐÀO VIÊN 桃園 là Vườn Đào. Ta có "2 Vườn Đào" sau đây :

1. ĐÀO VIÊN là Vườn Đào Tiên của bà Tây Vương Mẫu trong Thần Tiên Truyện mà ta thường biết qua truyện Tây Du Ký với vườn đào 3 ngàn năm mới trổ hoa, 3 ngàn năm mới có trái và 3 ngàn năm trái đào mới chín để mở Hội Bàn Đào. Trong truyện Nôm khuyết danh "Hoa Điểu Tranh Năng" của ta với các câu mở đầu như sau :

Nhớ xưa ở chốn ĐÀO VIÊN,
Bà Vương Mẫu mở thọ diên vui mừng.

2. ĐÀO VIÊN là Vườn Đào trong Tam Quốc Chí diễn nghĩa, nơi mà bà anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi kết nghĩa thề sống chết có nhau để khôi phục lại nhà Hán. Thường dùng để chỉ cái nghĩa khí của tình bạn gắn bó không bao giờ dời đổi như trong tác phẩm Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng của ta:

Dù ai hiển đạt biến dời,
ĐÀO VIÊN vi ước, gươm trời đừng dong. 

ĐÀO 桃 ngoài nghĩa là Cây Đào, Hoa Đào, Trái Đào, Vườn Đào ra, ĐÀO 陶 còn có nghĩa là Đồ Gốm do đất nặn nên và nung thành, đi liền với CHÚ 鑄 là các thứ đồ được đúc bằng kim loại. Nên ĐÀO CHÚ 陶鑄 là Nặn nên Đúc nên, cũng có nghĩa tạo dựng nên, như trời đất tạo dựng nên con người và vạn vật vậy. Theo sách Trang Tử chương Tiêu Dao Du có câu :" Thị kỳ trần cấu tỉ khang, tương do ĐÀO CHÚ Nghiêu Thuấn giả dã.是其塵垢秕糠,將猶陶鑄堯舜者也." Có nghĩa : "Đó chỉ là những bụi bặm cám trấu, nhưng vẫn có thể nung đúc nên những bậc Nghiêu Thuấn đó vậy". Trong Cung Oán Ngâm Khúc Nguyễn Gia Thiều Ôn Như Hầu muốn cho nàng Cung Nữ của mình bức phá những lẽ thường của tạo hóa như chính bản thân ông muốn bức phá, nên mới hạ câu :

Ý cũng rắp ra ngoài ĐÀO CHÚ,
Quyết lộn vòng phu phụ cho cam.
Ai ngờ trời chẳng cho làm,
Nở đem dây thắm mà giam bông đào.

Bậc thánh nhân Nghiêu Thuấn, là những đế vương nhân đức được đời sau ca tụng. Vua Nghiêu thuộc ĐÀO ĐƯỜNG THỊ 陶唐氏 là dòng họ Đào Đường, một trong Ngũ Đế thời Trung Hoa cổ đại, là con trai thứ hai của Đế Cốc. Trước được phong ở đất ĐÀO, sau chuyển về đất ĐƯỜNG, lập nên bộ lạc ĐÀO ĐƯỜNG, được Đế Chấp nhường ngôi lên làm vua. Nên ĐÀO ĐƯỜNG, ĐƯỜNG NGHIÊU đều chỉ vua Nghiêu (Sau vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, là NGU THUẤN. Thuấn lại nhường ngôi cho HẠ VŨ lập nên nhà Hạ. Chấm dứt dòng chính trị tốt đẹp thời thượng cổ). Trong Thiên Nam Ngữ Lục, một bản trường ca lịch sử của ta ở thế kỷ XVII có nhắc đến vua Nghiêu để so sánh với Quốc Tổ Hùng Vương như sau:

Kể từ Hùng Tổ trị dân,
Lên ngôi sánh với thánh nhân ĐÀO ĐƯỜNG.

Ngoài ra, ĐÀO濤 còn có nghĩa là BA ĐÀO 波濤 là Sóng Nước. Ta có BA 波 là Sóng Nhỏ, LÃNG 浪 là Sóng Vừa, ĐÀO 濤 là Sóng Lớn. Như lời của Thúy Kiều than thở với Thúc Sinh khi hai người gặp gỡ nhau ở Quan Âm Các:


Nàng rằng: Chiếc bách sóng ĐÀO, 
Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may! 

... hay như khi Kim Kiều sum họp, Thúy Vân đã kể lể rằng :

Gặp cơn bình địa BA ĐÀO,
Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.
Cũng là phận cải duyên kim,
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao !

... hay như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện cũng có câu :

Bốn phương hồ thỉ dậy vang,
Nhảy tầng ĐÀO LÃNG, bắc thang vân cù. 


BA là Sóng, ĐÀO cũng là Sóng, ta không có từ kép để chỉ Sóng, nên BA ĐÀO phải hiểu là SÓNG GIÓ, vì có Gió mới có Sóng được, như trong vế đối "Sắc bất BA ĐÀO dị nịch nhân 色不波濤易溺人", ta phải hiểu là :" Sắc đẹp không có Sóng Gió gì cả, nhưng lại rất dễ nhấn chìm con người". Vế đối trên có xuất xứ từ một Giai thoại Văn Chương Việt Nam như sau :

... Một hôm, khi vừa tan lớp học, thì trời đổ mưa, học sinh không về được. Cụ đồ Đàm Thận Huy mới ra một vế đối như sau để cho các học trò đối lại cho vui :

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, 雨無鈐鎖能留客,

Có nghĩa:

Mưa không cần phải cầm cọng gì cả mà vẫn giữ được khách ở lại ( Kiềm là Cây Kềm. Tỏa là Khoá. nên KIỀM TỎA là Kềm khóa lại, ý chỉ hết lòng giữ khách lại, Miền Nam nói là CẦM CỌNG ).
Một người học trò tên là Nguyễn Chiêu Huấn đối lại rằng:

Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân 月有彎弓不射人.

Có nghĩa:

Trăng có vành cong như cung, nhưng không bắn người.

Cụ đồ khen:
- Con người tài hoa phúc hậu, sẽ có hậu vận tốt về sau !

Một anh học trò khác bộp chộp đối là :
Phân bất uy quyền dị sử nhân 糞不威權易使人.

Có nghĩa:

Cứt không có quyền uy gì cả mà dễ sai khiến con người ( ý nói khi "mắc đi cầu" thì không ai có thể cưởng lại được cả !).
Cụ đồ Huy cười mà phán:
- Thứ đồ thô lậu, có tài nhưng chỉ đáng là trọc phú mà thôi !

Lúc bấy giờ, anh học trò Nguyễn Giản Thanh mới thủng thỉnh đối lại rằng:

Sắc bất ba đào dị nịch nhân 色不波濤易溺人.

Có nghĩa:

Sắc đẹp không có sóng gió gì cả nhưng dễ làm cho con người bị chìm đắm.
Cụ đồ Huy vổ bàn đánh đét một tiếng, khen:
- Thật tuyệt ! tài hoa sắc sảo đáng bậc Trạng Nguyên, nhưng e hậu vận sẽ bị lụy vì nữ sắc.

Lời nhận xét của cụ đồ Đàm Thận Huy đã thành lời tiên tri trong mấy năm sau đó. Nguyễn Giản Thanh thi đỗ thủ khoa, rồi đỗ Trạng Nguyên đời Vua Lê Uy Mục (1508), làm quan đến chức Lễ Bộ Thượng Thư, nhưng vì say đắm một cô gái đẹp ở kinh thành mà đến nỗi phải ô danh bại tiết. Còn Chiêu Huấn chỉ đỗ Bảng Nhãn nhưng làm quan và sống yên ổn đến già. Riêng người học trò kia sau cũng vào hàng hào phú trong vùng, nhưng ai cũng chê là hạng thô lỗ, bỉ lậu.

Nguyễn Giản Thanh, người làng Ông Mặc (làng Me), huyện Ðông Ngàn (nay là Từ Sơn), Bắc Ninh. Ông sống vào khoảng đầu thế kỷ XVI, sinh năm 1482, mất năm nào không rõ. Lúc nhỏ ông rất thông minh, mới 16 tuổi đã thông hiểu rất nhiều sách vở, sau đỗ Trạng Nguyên, nên tục gọi là Trạng Me.

Đây là Giai thoại Văn chương Việt Nam, nên người Hoa không biết đến hai câu đối trên.

Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét