Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

Bài Thơ Kỳ Diệu Tặng Người Đẹp Gặp Trên Đường Nhỏ

Mạch Thượng Tặng Mỹ Nhân là con yêu tinh quái dị nhất trong những con yêu tinh thất ngôn tứ tuyệt của Lý Bạch. Mỗi năm nó hớp hồn hàng vạn độc giả giao hoan với nó. Mỗi lần được độc gỉa giao hoan là nó tăng thêm nội lực. Hiện thời nó đủ công lực để sống ngàn năm. Trong ngàn năm sắp tới, nó sẽ hấp tinh của hàng triệu độc giả nữa! Và cứ như thế, nó sẽ trường sinh bất tử.


Nguyên tác Dịch âm

陌上贈美人           Mạch Thượng Tặng Mỹ Nhân

駿馬驕行踏落花   Tuấn mã kiêu hành đạp lạc hoa
垂鞭直拂五雲車   Thùy tiên trực phất ngũ vân xa
美人一笑褰珠箔   Mỹ nhân nhất tiếu khiên châu bạc
遙指紅樓是妾家   Dao chỉ hồng lâu thị thiếp gia
李白                               Lý Bạch

Dịch thơ: 
Tặng Giai Nhân Trên Đường Nhỏ 

Ngựa qúy kiêu căng đạp hoa rơi 
Xe mây năm sắc phẩy đầu roi 
Mỹ nhân nhoẻn miệng rèm châu vén 
Xa chỉ lầu hồng: “Ghé thiếp chơi!” 

Chú giải: Mạch: con đường ruộng, con đường nhỏ; Kiêu: kiêu ngạo; Thùy tiên: dơ cái roi gõ xuống; Phất: phẩy nhẹ; Ngũ vân xa: xe sặc sỡ có 5 sắc mây; Khiên: vén lên. Châu: ngọc, cái rèm có gắn hạt châu; Diêu (dao): xa xa. 

Lời bàn của Con Cò: 

Bài thơ này đã được mọi thế hệ của mười ba thế kỷ ưa thích, ngày nay vẫn còn được giới tu mi nam tử mến chuộng. 
Nó không cao siêu, không thâm thúy, không cảm động. Vậy thì tại sao người đời lại ưa chuộng như thế? 
Theo thiển ý của Con Cò, gía trị của bài thơ nằm gọn trong cái biệt tài dùng từ ngữ của Lý Bạch. Ý thơ giản dị và tầm thường, vỏn vẹn chỉ tả một gã phong lưu, cỡi một con ngựa bảnh, ve một cô gái giang hồ, trên một con đường làng. Vậy thì nó siêu việt ở điểm nào? Xin tóm tắt trong một câu ngắn gọn: nghệ thuật dùng ngôn từ độc đáo và lối hành văn đầy ẩn ý, dùng lời thơ trang trọng để riễu một màn phong lưu. 

Dịch nghĩa xuôi: 

Trước tiên, hãy nhìn vào 4 chữ của đầu đề: Mạch Thượng Tặng Mỹ Nhân. 
- Tặng: biếu (cho một cách trang trọng, lịch sự). 
- Mỹ nhân:(danh từ lịch sự, trang nhã để chỉ) người con gái đẹp. 
- Mạch thượng: (trên con) đường nhỏ (ngụ ý ngẫu nhiên gặp nhau trên con đường này, chứ không phải hẹn trước ở đây như thằng nhóc nhào vào quán rượu trong bài Thiếu Niên Hành). Hãy tạm ngừng ở đây, cuối bài sẽ bàn tiếp về số ẩn ý trong 4 chữ này.
Câu 1: 
- Tuấn mã: ngựa qúy, ngựa tốt. Ngựa này thường được cỡi bởi những công, hầu, khanh, tướng. Nay Lý Bạch để cho một gã phong lưu cỡi đi ve gái mãi dâm. Một ẩn ý đầu tiên. 
- Kiêu hành: từ kiêu thường được ghép chung với nhiều từ khác như kiêu hùng, kiêu dũng, kiêu hãnh, kiêu ngạo, kiêu căng…Trong câu này nó có nghĩa là kiêu hãnh (ngựa sẽ kiêu hãnh đạp lạc hoa). Kiêu hành trong câu này nghĩa là: đi một cách kiêu hãnh (để đạp lên hoa rơi). Đó là ẩn ý thứ nhì. 
- Lạc hoa: Từ lạc có nhiều nghĩa: rơi rụng, lặn (như nguyệt lạc: trăng lặn). Hoa rơi (Sau này sẽ hiểu là có liên hệ tới cô gái giang hồ về lầu xanh) ẩn ý thứ ba. 
Một câu chỉ có 7 chữ mà nêu được 3 ẩn ý thì chưa ai làm được ngoài Lý Bạch. 
Câu 2: 
- Thùy tiên: gõ nhẹ (cái roi) từ trên xuống. 
- Trực: trực chỉ (ở đây có nghĩa là không do dự). 
- Phất: phẩy nhẹ. 
Ngũ vân xa: cái xe có 5 màu mây của Tây Vương Mẫu. Lý Bạch dùng điển này để chỉ cái xe sặc sỡ, diêm dúa, không giống những xe của các vương tôn công tử nhưng đắt tiền. Thường dân, dù nhà giầu, cũng không có. 
Câu này, ngoài điển tích ngũ vân xa thì những từ thùy tiên, trực, phất đều là những từ thông thường của dân gian. Tất cả những từ này đã được dùng thật khéo trong một câu 7 chữ để tạo thêm 4 ẩn ý nữa. 
Câu 3: 
- Mỹ nhân: người đẹp. (Sau này sẽ biết là gái mãi dâm, nhưng nàng đẹp như bao nhiêu người đẹp khác nên cứ gọ̣i nàng là mỹ nhân. Không kỳ thị. Không khinh rẻ). 
- Nhất tiếu: cười một nụ. 
- Khiên châu bạc: (Sau này sẽ biết là gái giang hồ) vén màn có gắn hạt châu. 
Thêm 3 ẩn ý nữa. 
Câu 4: 
Mỹ nhân dùng ngón tay chỉ lầu hồng (hồng lâu cùng nghĩa với thanh lâu) ở xa xa (dao), mỉm cười mà nhắn rằng: “nhà thiếp ở đó”. Câu này chỉ có một ẩn ý duy nhất nhưng lại là thứ ẩn ý vô địch: nó ngụ ý: tuy em là gái bán dâm nhưng em thuộc hạng sang trọng, qúy phái. Em không lôi kéo khảch hàng xàm xỡ như loại gái điếm rẻ tiền. Em vừa chỉ cho chàng địa chỉ của em rồi đó. Nếu biết thưởng hoa thì tới nhà em. Câu này giải mật cho 3 câu trên, nó cho biết rằng người đẹp là một cô gái bán dâm hạng sang và người kỵ mã là một gã phong lưu (Thế là, trong 4 câu thơ, đã lộ ra 11 ẩn ý). Khéo vô cùng. 

Bây giờ xin trở lại cái đầu đề: Đọc hết câu 4 mới biết mỹ nhân là cô gái giang hồ. Vậy thì trong 4 chữ của đầu đề đã có 3 ẩn ý mà bây giờ ta mới biết: không ai tặng thơ cho gái giang hồ, ngẫu nhiên gặp trên đường nhỏ, mà lại xưng tụng là mỹ nhân. Thêm 3 bí ẩn nữa.
Một bài thơ chỉ có 4 câu 28 chữ, cộng thêm 4 chữ của đầu đề chữ mà nêu được 14 ẩn ý, và gài được một cô gái điếm lộng lẫy vào vườn thơ thế giới. Tôi trộm nghĩ không có từ nào cao hơn từ siêu việt để xưng tụng nó. Không thể tìm được bài thứ hai. 

Kết luận: 
Bài thơ này đã được dịch bởi hàng chục thi nhân, học gỉa, trong suốt thế kỷ 20 nhưng chưa tìm được bài dịch nào hoàn hảo, được điểm này thì mất điểm khác. Có bài xa lạ với đề tài, không phản ánh một chút Lý Bạch nảo. 
Tôi tưởng bở, nghĩ rằng mình là kẻ lội nước đi sau, thấy họ hụt chân ở chỗ nào thì tránh chỗ đó, hy vọng có thể dịch được một bài tương đối khá. Nhưng loay hoay cả tuần lễ mới dịch xong câu đầu mà cụm từ kiêu căng chưa dịch hết nghĩa của kiêu hành. Câu 4: Cụm từ ghé thiếp chơi thiếu vẻ kín đáo. Người đẹp cho biết địa chỉ của mình chứ không trực tiếp chào mời như vậy. 
Xin đề nghị các bạn đừng hoài công đọc bất cứ bản dịch nào của bài Mạch Thượng Tặng Mỹ Nhân (kể cả bài dịch của Con Cò), dành thì giờ mổ xẻ nghĩa của từng chữ trong nguyên bản để thưởng thức bài thơ nguyên bản. 

***
Góp ý của Phí Minh Tâm

Thưa anh Cò,
Tôi có đọc bài thơ này vài lần trước đây, nhưng không thấy gì hào hứng lắm cho đến khi đọc lời bình của anh. Bài thơ châm biếm đức hạnh của con ông cháu cha cũng như bài Thiếu Niên Hạnh. Hai bài đều có nói đến chà đạp hoa rơi, bài này ngựa đạp, bài kia người đạp. Hai “đào bông” đều tìm cách quen/gặp mỹ nhân bán rượu hoặc buôn hương. Cái hay của thi nhân là chỉ châm biếm khách tìm hoa mà vẫn tôn trọng phụ nữ làm nghề thường bị khinh chê.
Về hình thức, một bài Thất Ngôn Tứ Tuyệt rất chỉnh của Lý Bạch về luật, niêm, vận.

Phiên Âm:

Mạch Thượng Tặng Mỹ Nhân
Tuấn mã kiêu hành đạp lạc hoa
Thùy tiên trực phất ngũ vân xa
Mỹ nhân nhất tiếu khiên châu bạc
Dao chỉ hồng lâu thị thiếp gia

Dịch Nghĩa: 
Mạch Thượng Tặng Người Đẹp
Ngựa bước kiêu hãnh dậm lên hoa rụng
Lấy roi đánh ngựa gõ vào xe mây năm màu
Người đẹp mỉm cười vén màn ngọc
Chỉ hồng lầu xa xa và nói "nhà thiếp ở đấy".

Dịch Thơ: 
Tặng Người Đẹp

Hoa rụng nát tan dưới vó câu
Nhẹ êm roi gõ xe năm màu
Mỉm cười người đẹp vén màn ngọc
"Nhà thiếp nơi kia", chỉ hồng lâu.

Phí Minh Tâm
***
Góp ý của Lộc Bắc Nguyễn Trọng Lộc

Thưa các anh chị,
Cách đây không lâu trong lúc kiếm vài bài Đường thi để tập dịch tiêu sầu, LB đã đọc bài này nhưng không chọn vì đọc thoáng qua nên thấy cũng bình thường : chuyện gặp gỡ bên đường giữa tài tử giai nhân của giới thượng lưu trí thức. Nay được đọc bài phân tích của Con Cò mới thấy mình hời hợt quá, không chú ý đến chi tiết màu sắc hoa hòe, hoa sói của xe cộ, xe của người đàng hoàng đâu có vậy; thêm nữa nhà cửa lại sơn mầu hồng không đứng đắn với người xưa, gợi nhớ đến các xóm yêu hoa. Sự lựa chọn đề tài của Con Cò kỳ này hợp lý: hết trai tứ chiếng tiếp gái giang hồ!
Viết nhăng cũng đã dài xin vô đề:

Vô Đề

Hết trai tứ chiếng; gái giang hồ
Chí dị thời nay chẳng kém Bồ
Tán dọc, bàn ngang vung xích thố
Tiêu hao tinh lực, khổ Con Cò!!!

Vô đề không theo nghĩa của 17 bài thơ cùng mang tên Vô Đề của Lý Thương Ẩn, mà chỉ có ý là nói liên miên dài quá rồi nay là lúc Vào Đề chính: bài Mạch Thượng Tặng Mỹ Nhân của Lý Bạch. Bài này Lộc Bắc có 2 bản dịch nhưng chỉ gởi bản phỏng dịch theo trường phái Con Cò!

Trên Đường Tặng Người Đẹp

Ngựa chiến kiêu hùng dẫm nát huê
Xuôi roi phất nhẹ sắc mây xe
Giai nhân cười mỉm nâng rèm ngọc
Xa chỉ lầu hồng, ghé thiếp nhe!

Lộc Bắc
***
Góp ý của Mõ Lại Mạnh Cường

Mõ tôi có một vài góp ý sơ khởi:
1/ Tuấn mã: ngựa đẹp, chứ không phải ngựa quí, càng không phải ngựa chiến. Lý Bạch cho ta thấy một tay ăn chơi thích chưng diện lố lăng, không thực chất. Đi đứng nghêng ngang, qua cách phi ngựa kênh kiệu, ra vẻ ta đây có khí phách.

2/ Câu chót trong bản dịch của Con Cò thật hay, rất Việt Nam. Đắc địa nhất là chữ cuối CHƠI, vốn lắm ý nghĩa! "Ghé thiếp (em) chơi" nghe thật ... đã hai lỗ nhĩ :):)! Các từ ngữ "rèm châu", "lầu hồng" cũng rất khéo ở đây.

BRAVO & CHAPEAU anh Cò. Nhờ anh mà Mõ mê say Đường thi. Đúng như cô em nuôi bảo: Thất ngôn Tứ tuyệt "vẽ mây nảy trăng"!

3/ Cũng như bài thất ngôn tứ tuyệt Thiếu niên hành kỳ1, Mõ không cảm nhận sự khôi hài, mà chỉ thấy châm biếm sâu cay những cảnh rởm đời thời đó, mà thực ra thời nào cũng có.

Trong thư trước anh Bình (Bát Sách) gửi cho anh Bảo (Cò) cũng góp ý tương tự như thế (1).
Theo Mõ, Lý Bạch bản chất lang bạt kỳ hồ, thích xông xáo vào nơi phồn hoa đô hội. Ông là con sâu rượu, hầu như ngày nào cũng đều la cà nơi trà đình tửu điếm. Chính vì thế ông có nhiều cơ hội chứng kiến, hay chung đụng với đủ hạng người trong cái xã hội ăn chơi đàng điếm xô bồ nơi thị tứ.
Có tài cao nhưng túi thường xuyên rỗng tuyếch, nên ông không khỏi bực bội, thậm chí đố kỵ với đám trưởng giả học làm sang quanh mình.
Ông lấy làm gai mắt trước cảnh một anh nhà giàu sấn sổ chim gái điếm ngay giữa đường làng. Em gái giang hồ cũng bất cần thiên hạ dị nghị, vén rèm đưa mặt ra chỉ chỗ hẹn hò! Cả hai phục sức hết sức diêm dúa, chàng cỡi ngựa đẹp, nàng đi xe che ngựa rèm ngọc ... Nhìn chung, chúng xem nhẹ luân thường đạo lý, coi thiên hạ như "ne pas" !

Ở ta có Tú Xương nổi tiếng về loại thơ châm biếm (satire) này. Điển hình qua bài thơ Năm mới chúc nhau.
Thời Mỹ đổ quân vào Việt Nam không thiếu gì loại thơ văn bình dân châm biếm. Mõ còn nhớ một số bài, câu vè như sau:
Rớt tú tài anh đi trung sĩ./ Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con. / Bao giờ hết chuyện nước non./ Anh về anh có Mỹ con anh bồng!
Nước ta nhất đĩ, nhì sư, tam cha, tứ tướng!

Lại Mạnh Cường
***
Góp ý của Bát Sách Nguyễn Thanh Bình

Cám ơn anh Bảo, chỉ vì Bình hỏi khơi khơi mà anh đưa ra bài Mạch Thượng Tặng Mỹ Nhân với lời bàn rất dài. Anh lúc nào cũng thấy vẻ khôi hài, dí dỏm trong thơ, mà Bình thì không thấy. Bài Mạch Thượng Tặng Mỹ Nhân cũng vậy, chỉ thấy cậu bé hung hăng, ra vẻ ta đây là tay chơi, và không hiểu sao, Bình có cảm tưởng là cậu này còn trẻ hơn cậu bé trong Thiếu niên hành.

Anh đưa bài ra, bắt góp ý, bình luận và dịch, kẹt một nỗi là Bình không thuộc loài "Mắc Dịch " (chữ của sư đệ Nguyễn Hoài Vân ở Pháp) nên cứ phải đánh vật với mấy câu thơ, mặt nghệt ra, làm vợ cứ tưởng là đang nhớ đào.
Vì có nhiêu cuốn Đường thi, đọc quá nhiều bài dịch, bị ảnh hưởng, nên đôi khi, có những câu tưởng của mình, lại là thơ của người khác.

Đồng ý với Mõ. Tuấn mã là ngựa đẹp, ngựa tốt. Bèn dịch như sau:

Nghênh ngang ngựa tốt, đạp hoa rơi,
Xe mây năm sắc, phất nhẹ roi,
Mỹ nhân cười nụ, rèm châu vén,
Lầu hồng xa đó, chính nhà tôi.

Nghênh ngang để dịch chữ kiêu hành, coi cũng được.
Vì kẹt vần, phải dùng chữ tôi, mất chữ thiếp, vừa nhu mì, vừa duyên dáng, đầy nữ tính, mà đành chịu.

Nguyễn Thanh Bình
***
Góp ý của Đặng Phương Trạch

Kính thưa quý vị,
Một người đàn anh của tôi ở Trường ĐHYKSG gởi cho tôi đọc các bài viết rất thú vị về bài thơ Đường "Mạch Thượng Tặng Mỹ Nhân" của Đại Thi Hào Lý Bạch . Nhân lúc ngẫu hứng tôi có viết một số ý kiến thô thiển của tôi về đề tài đó.
Hôm nay đọc kỹ lại các bài viết, tôi chú ý đến phần góp ý của Thi sĩ Bát Sách Nguyễn Thanh Bình với bài dịch và lời phàn nàn của ông.

Tôi ít khi dám dịch Đường thi vì không biết chữ Tàu, chữ Hán, chỉ hiểu nghĩa qua lời dịch của người khác . Tuy tôi cũng có tập tễnh làm thơ qua bút hiệu Thiên Tâm, nhưng dịch Đường thi rất khó vì Đường thi rất cô đọng về chữ nghĩa nên dịch ra thơ Việt rất khó có bài thơ Việt nào chuyên chở tương đương ý nghĩa với nguyên tác qua số chữ tương đương , như Thi sĩ Con Cò đã viết :
"Xin đề nghị các bạn đừng hoài công đọc bất cứ bản dịch nào của bài Mạch Thượng Tặng Mỹ Nhân (kể cả bài dịch của Con Cò), dành thì giờ mổ xẻ nghĩa của từng chữ trong nguyên bản để thưởng thức bài thơ nguyên bản". 

Tuy biết rằng sự thật là như vậy, nhưng tôi vẫn muốn thử góp ý với Thi sĩ Bát Sách như sau, nếu có gì thất thố xin Thi sĩ Bát Sách rông lòng bỏ qua .

Nghênh ngang ngựa tốt, đạp hoa rơi,
Xe mây năm sắc, phất nhẹ roi,
Mỹ nhân cười nụ, rèm châu vén,
Lầu hồng xa đó, chính nhà tôị

Thử góp ý:

Nghênh ngang ngựa tốt, đạp hoa rơi,
Xe mây năm sắc, gõ roi chơi .
Mỹ nhân cười nụ, rèm châu vén,
Lầu hồng, nhà thiếp đấy chàng ơi

Chỉ xin góp ý cho vui trong trò chơi chữ nghĩa rất thú vị nầy.
Nếu có gì thất thố, xin quý vị tha thứ.

Đặng Phương Trạch
***
Lời bàn của Hoàng Xuân Thảo

Cụm từ GÁI GIANG HỒ trong đầu đề BÀI THƠ KỲ DIỆU TẶNG GÁI GIANG HỒ làm cho bài thơ nguyên bản giảm vẻ đẹp tuyệt vời. Đề nghị thay GÁI GIANG HỒ bằng NGƯỜI ĐẸP. 

Hoàng Xuân Thảo
***
Góp Ý của Huỳnh Hữu Đức

Để đáp lại sự ưu ái với trang nhà, Hữu Đức thay mặt Ban Biên Tập xin góp vui với đôi dòng thô thiển:

Ngựa có đẹp có khôn mấy, cũng chẳng biết thương hương tiếc ngọc, đạp bừa lên những cánh hoa rơi. Còn người cỡi mới đúng là kẻ ngang tàng, cố ý vung roi làm động đến xe tiên, để mong nhìn được người đẹp. Và đúng như Lý Bạch nghĩ, trong xe là một giai nhân. Nhưng tác giả không ngờ lại là một gái hồng lâu. 
Tất cả kết hợp nhau thành một sự khôi hài cố ý.

Dịch Thơ:

Vó đạp hoa rơi ngựa chẳng kiêng
Vung roi cố động đến xe tiên
Tươi cười người đẹp rèm châu vén
Thiếp ở lầu hồng đợi nối duyên.

Huỳnh Hữu Đức(Bút Hiệu Quên Đi)
***
Phản ứng của Đỗ Quân Đỗ Hữu Tước

Sau khi bài LTCD thế kỷ 21 số 30 được đăng trên diễn đàn qyhd thì bác sĩ Đỗ Hữu Tước của diễn đàn này có phản ứng như sau:
Anh Bảo,
Cám ơn anh đã mở măt tôi với lời bình và phân tích bài thơ. Cũng giống như xưa nay mình nghe nhạc mà không có người dẫn giải nên đúng là "đàn gẩy tai trâu"... Như anh nói, đã biết bao người dịch nên tôi xin hàng vì làm sao nói được hết ẩn ý..được nọ mất kia..
Có lẽ tôi thiên lệch nhưng tôi thích bài dịch Đỗ Bằng Đoàn-Bùi Khánh Đản (tôi cũng họ Đỗ..):

Nghênh ngang tuấn mã đạp hoa bay
Roi chạm vào xe năm sắc mây
Người đẹp cuốn rèm cười sẽ..trỏ
Lầu hồng nhà thiếp ở nơi đây.


Tôi nghĩ cứ để nguyên tuấn mã ai cũng hiểu, loay hoay tìm dịch tuấn mã khó chuẩn và gượng ép. Tôi thán phục anh phân tích. tìm ra biết bao ẩn ý nên càng thấy cái hay.

Đỗ Hữu Tước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét