Nói về cuộc Nam tiến thì ngoài quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ra, Nguyễn cư Trinh là người có công rất lớn trong việc đánh dẹp cũng như bình định lãnh thổ. Về phía người Minh Hương ngoài 2 ông Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ ra, còn có các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng có công rất lớn.
Về cương vực của toàn thành theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, phía đông nam Gia Định giáp với biển, có tất cả 17 cửa biển lớn: Xích Ram, Tắc Ký, Cần Giờ, Đồng Tranh, Lôi Lạp (Soai Rạp), cửa Đại, cửa Tiểu, cửa Ba Lai, Băng Côn, Ngao Châu, Cổ Chiên, Ba Thắc, Mỹ Thanh, Hào Bàn (Gành Hào), Long Xuyên, Kiên Giang và Hà Tiên. Các cửa nhỏ thì nhiều gấp đôi. Tuy vậy, các cửa nầy do bùn cát nên khi mở khi lấp, khi cạn khi sâu, dời đổi bất thường. Ở đây sông ngòi chằng chịt như mắc cửi, nếu không phải là dân địa phương quen thuộc ắt không biết đường đi.
Về vị trí thời đó phía tây bắc Phiên Trấn giáp với Cao Miên, phía đông bắc giáp với phủ Bình Thuận. Và thành Gia Định có nhiệm vụ trông coi các việc binh dân cho toàn miền Nam, bao gồm thuế dịch và hình án của 5 trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên, đồng thời cũng trông coi luôn trấn Bình Thuận ở phía Bắc. Phàm việc binh thì do thành Gia Định chỉ huy, còn các việc khác thì các trấn tự sắp đặt lấy.
Nhìn lại lịch sử mở cõi về phương Nam, chúng ta mới thấy công lao chẳng những của những bậc tiền nhân vô danh, mà công lao của các chúa Nguyễn cũng không nhỏ. Khởi đi từ Tiên chúa Nguyễn Hoàng, đến chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn, chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát, vân vân. Chính những chính sách khôn khéo của các ngài đã tuần tự đưa cả miền Nam Kỳ Lục Tỉnh vào sổ địa bạ của xứ Đàng Trong.
Vì hiện tại chưa có tài liệu lịch sử chính xác nào về những lưu dân Việt Nam đã đến đây khai hoang lập ấp, nên không ai biết họ từ đâu đến và đến đây từ hồi nào. Có thể họ đã đến đây trước khi hoặc ngay từ lúc chúa Tiên Nguyễn Hoàng đi vào Thuận Hóa. Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí, các lưu dân Việt Nam đã đến vùng Mô Xoài Bà Rịa từ thời các tiên hoàng đế, tức là ngay từ thời các chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên.
Nhưng đây chỉ là những cuộc di dân lẻ tẻ, không có qui mô, không có kế hoạch của các chúa. Mãi đến năm 1620, khi Miên vương Chey Chetta II cưới công nữ Ngọc Vạn, con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên thì lưu dân người Việt bắt đầu đổ xô đi vào khai phá vùng đất mới nầy. Về phương diện ngoại giao giữa hai xứ Cao Miên và Đàng Trong, thì cuộc hôn nhân nầy chẳng những là bước mở đầu cho sự can thiệp triền miên của xứ Đàng Trong trên đất Cao Miên, mà còn là khởi điểm của công cuộc mở cõi chính thức về phương Nam.
Nghĩa là kể từ năm 1620 trở về sau nầy, vùng đất bao la bạt ngàn với toàn là rừng rậm hoang vu “Thủy Chân Lạp” đã trở thành vùng đất “ước mơ” cho dân Việt, nhứt là dân các vùng Thuận Quảng. Chỉ 3 năm sau khi công nữ Ngọc Vạn trở thành hoàng hậu Sam Đát của Cao Miên, chúa Nguyễn sai phái bộ xứ Đàng Trong qua Cao Miên yêu cầu nhà vua cho xứ Đàng Trong thiết lập hai đồn thu thuế, một ở Prei Nokor và một ở Kas Krobei(7).
Hai đồn nầy cũng còn là điểm nghỉ chân của các thương nhân từ Việt Nam qua Chân Lạp. Từ khi có các đồn thu thuế, vùng Sài Gòn Gia Định đã trở nên một vùng thị tứ sầm uất, còn hơn cả những vùng thị tứ trong nội địa đất Chân Lạp thời bấy giờ. Năm 1658, đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Thọ, đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, vua Chân Lạp là Nặc Ong Chân đem quân xâm phạm vùng Trấn Biên(8), nên chúa Nguyễn sai Phó Tướng quân Yến Vũ, Tham Mưu Minh Lộc Hầu và Tiên Phong Cai Đội Xuân Thắng Hầu đem 3.000 quân chinh phạt và bắt Nặc Ong Chân đem về Quảng Bình.
Tuy đã chiến thắng quân Chân Lạp nhưng tình hình chưa cho phép nên mãi đến năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu mới sai Thống Suất Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất nầy, lấy đất Nông Nại lập ra phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn đặt làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, đặc các chức giám quân, cai bạ và ký lục. Như vậy quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh nghiễm nhiên là vị quan Kinh Lược đầu tiên ở miền Nam. Kể từ đó đất Gia Định được chính thức khai sanh vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử của vùng đất nầy, Gia Định được ghi danh vào sổ bộ của xứ Đàng Trong. Nghĩa là quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức tuyên bố xác lập chủ quyền của xứ Đàng Trong trên vùng đất mới nầy.
Từ năm 1698, dinh Phiên Trấn chia ra làm một phủ và một huyện. Đó là phủ Gia Định và huyện Tân Bình. Huyện Tân Bình chính là vùng đất mang tên Kas Krobei ngày trước hay là vùng Sài Gòn ngày nay, trong khi phủ Gia Định là một vùng đất rộng lớn chạy dài từ Tây Ninh, xuống Hậu nghĩa, Tân An, Chợ Lớn... Đây là vùng đất mà cha anh chúng ta đã từng làm bàn đạp để mở cõi về phương Nam, vùng đất nổi tiếng với hào khí Đồng Nai, mà bây giờ là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa cho cả miền Nam. Dinh Phiên Trấn, thành Gia Định, tỉnh Gia Định... hay vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là vùng Sài Gòn-Gia Định là một vùng có lịch sử cư dân lâu đời, chứ lưu dân Việt Nam không phải là những cư dân đầu tiên của vùng đất nầy.
Vào thời đó vùng Biên Hòa có tên là Trấn Biên, trong khi đất Gia Định xưa là một vùng rộng lớn bao gồm cả Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An và một phần của tỉnh Định Tường bây giờ. Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, chúa Nguyễn chỉ nhận trên danh nghĩa, nhưng vẫn để cho dòng họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng như vậy vào thời nầy thì cương vực của xứ Đàng Trong đã nhảy vọt thêm một bước xa lắm rồi.
Mùa Đông năm 1735, đời Lê Cảnh Hưng thứ 14, triều đình xứ Đàng Trong sai Cai Đội Thiện Chánh Hầu làm Thống Suất, Ký Lục Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh làm Tham Mưu điều khiển tướng sĩ 5 dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ đi kinh lược đất Cao Miên, quan quân đồn trú ở xứ Bến Nghé, lập nên dinh trại, gọi tên là Đồn Dinh(9), lo luyện tập binh sĩ tính kế mở mang vùng biên địa. Năm 1753, nhân cơ hội vua Chân Lạp là Nặc Ong Nguyên lấn hiếp người Côn Man, chúa Nguyễn bèn sai Nguyễn Cư Trinh lo dàn xếp và lãnh lệnh chúa Nguyễn ở lại tiếp tục khai khẩn đất hoang và lập khu dinh điền mới. Năm 1754, quân Gia Định chia làm hai đạo, Nghi Biểu Hầu đem kỵ binh từ sông Bát Đông tiến phát, quân Nam đi đến đâu quân Chân Lạp thua đến đó. Sau đó quân của Nghi Biểu Hầu hợp cùng với binh của Thiện Chánh Hầu tại vùng Tiền Giang. Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Ong Nguyên xin nhượng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp(10) cho xứ Đàng Trong để tạ tội, đồng thời xin cống nạp lễ vật còn thiếu ba năm trước đó. Từ đó coi như phần lớn đất đai của xứ Thủy Chân Lạp đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam.
Trong khi đó Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn những vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Long Xuyên(11), Rạch Giá, Trấn Giang(12) và Trấn Di(13). Năm 1757, Nặc Ong Nguyên băng hà, chú của Nặc Nguyên là Nặc Ong Nhuận dâng thêm các phủ Trà Vang và Ba Thắc để được chúa Nguyễn phê chuẩn cho lên ngôi. Sau đó, cũng cùng năm 1757, vua Nặc Tôn lại dâng luôn phần đất còn lại là phủ Tầm Phong Long cho xứ Đàng Trong để được lên ngôi quốc vương Cao Miên. Như vậy, tính đến năm 1757, vùng đất mà người dân vùng ngoài thời mở cõi thường gọi là đất Gia Định đã liền một dãy từ Mô Xoài-Bà Rịa xuống Cà Mau rồi bọc lên đến tận Hà Tiên.
Vùng Đất Gia Định Và Nguyễn Ánh Thời Bôn Tẩu:
Năm 1776, quân Tây Sơn đánh chiếm toàn vùng và truy đuổi Nguyễn Ánh ra khỏi thành Gia Định. Tuy vậy, Nguyễn Ánh vẫn được các cựu thần phò giá và che chở. Bằng chứng là dầu trong lúc bôn tẩu, năm 1780 Mạc Thiên Tứ vẫn dâng những vùng đất thuộc trấn Hà Tiên mà ông mới vừa khai khẩn xong, bao gồm các vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ. Cùng năm đó, Nguyễn Ánh được các tướng sĩ tôn làm Đại Nguyên Soái, ông đã xưng vương và quyết định chọn đất Gia Định làm ‘Kinh Gia Định’.
Tuy nhiên ông vẫn dùng niên hiệu của vua Lê và chỉ dùng ấn ‘Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo’ mà thôi. Kể từ ngày đó đến năm 1783, đại quân Tây Sơn đã năm lần đem quân vào Gia Định và cả năm lần quân Nguyễn Ánh đều bị đánh bật ra khỏi đất liền. Nguyễn Ánh và tàn quân phải lẩn trốn trên các hải đảo xa xăm như Côn Sơn hay Thổ Châu. Phải nói, Gia Định là vùng đất đã từng chứng kiến những trận đánh lịch sử giữa nghĩa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh trong những năm hậu bán thế kỷ thứ XVIII. Kỳ thật, tên gọi dinh Phiên Trấn đã có từ khi nghĩa quân Tây Sơn chiếm thành Gia Định. Nguyễn Lữ đã đổi Gia Định ra làm Phiên An Trấn và cắt đặt chức quan cai trị.
Sau đó Nguyễn Ánh tiến quân tái chiếm và cho thiết lập bản dư đồ ở miền Nam, phân định địa giới dinh Phiên Trấn, tức là toàn vùng Gia Định, Sài Gòn, Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Long An ngày nay. Năm 1782, đại quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ kéo vào đánh tan quân Tôn Thất Cốc và Võ Di Nguy của Nguyễn Ánh trên sông Bến Nghé. Nguyễn Ánh bèn rút tàn quân về vùng Tam Phụ(14), rồi sau đó chạy xuống Hậu Giang để lẩn trốn sức mạnh như vũ bão của nghĩa quân Tây Sơn.
Cuối cùng Nguyễn Ánh phải trốn ra Phú Quốc. Tuy nhiên, nghĩa quân Tây Sơn lại phải rút về Qui Nhơn để đối đầu với quân chúa Trịnh đang hà hiếp vua Lê ở Bắc Hà, nên Châu văn Tiếp kéo quân từ Phú Yên về giúp Nguyễn Ánh chiếm lại thành Gia Định. Năm 1783, Nguyễn Huệ lại kéo đại quân vào tái chiếm Gia Định. Nguyễn Ánh lại phải trốn ra Phú Quốc lần nữa. Năm 1784, theo lời cầu viện của Nguyễn Ánh, vua Xiêm cử hai tướng Chiêu Sương và Chiêu Tăng sang hợp cùng binh của Nguyễn Ánh đánh phá các vùng phía Nam Gia Định, nhưng đã bị quân của Nguyễn Huệ đánh tan tác ở Rạch Gầm Xoài Mút. Nhưng một lần nữa nghĩa quân Tây Sơn phải kéo ra Bắc để đánh đuổi quân Thanh đang tràn vào Thăng Long (1788), Nguyễn Ánh nhân cơ hội nầy vừa gởi 500 xe lương ra giúp quân Thanh, mặt khác chuẩn bị kéo quân về đánh phá và tái chiếm Gia Định.
Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, trong khi nghĩa quân Tây Sơn đang quyết tử với quân Thanh ở Thăng Long thì Nguyễn Ánh kéo quân về chiếm thành Gia Định vàcho khởi công xây thành Gia Định. Sau khi xây thành Bát Quái, tức thành Gia Định, tại thôn Tân Khai, huyện Bình Dương vào cuối năm 1790, Nguyễn Ánh cho tái lập Kinh Gia Định, tức là nơi đóng đô của nhà Nguyễn. Như vậy Kinh Gia Định tồn tại 22 năm, kể từ năm 1780 đến năm 1802, nghĩa là sau khi Nguyễn Ánh dời đô về Phú Xuân(15).
Lịch sử Việt Nam đã trải qua những năm tháng cay nghiệt sau năm 1792, nghĩa là sau khi vua Quang Trung băng hà. Tưởng cũng nên nhắc lại, vua Quang Trung là một vị tướng bách chiến bách thắng, một vị hoàng đế có đầu óc canh tân đất nước. Tài võ nghệ thao lược của ngài những tưởng chúng ta không cần phải nói nhiều, nhưng rất tiếc ngài đã mất quá sớm, nên chưa có cơ hội thi thố được tài kinh bang tế thế, đem lại vinh quang cho đất nước Việt Nam. Vua Quang Trung băng hà, không chỉ triều đại Tây Sơn phải yểu mệnh, mà kể từ đó vận mệnh đất nước Việt Nam cũng trôi nổi theo dòng lịch sử đen tối của vương triều nhà Nguyễn. Thôi thì chuyện nầy hãy để cho các sử gia bàn luận, trong bài nầy chúng ta chỉ gói gọn trong phạm vi Phiên Trấn và tỉnh Gia Định mà thôi.
Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Links xem tiếp:
Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương Phần 6(Gồm 40 phần)
1/Đất Phương Nam 1-Từ Đất Phiên Trấn - Tỉnh Gia Định ( Phần1)
2/ Đất Phương Nam 1-Từ Đất Phiên Trấn-Tỉnh Gia Định(Phần 2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét