Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Đất Phương Nam 1 - Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định ( Phần1)


Tổng Quan Về Vùng Đất Gia Định

Là một con dân đất phương Nam, dầu tôi có muốn viết một cách hết sức khách quan về vùng đất khai sinh ra Nam Kỳ, nhưng phải thành thật mà nói không thể nào không phạm phải thiển kiến chủ quan của một người đã từng sinh ra và lớn lên trên vùng đất nầy. Mặc dầu đất Gia Định của miền Nam chúng tôi không có bề dày lịch sử như những vùng đất khác, nhưng đối với chúng tôi, nó là cái nôi sanh ra cả vùng đất trù phú của miền Nam Việt Nam ngày nay. 

Dầu bài viết nầy không phải là một bài biên khảo chuyên đề về lịch sử hay dân tộc học, cũng không phải là một bài luận thuyết với đầy đủ chi tiết nhằm bênh vực cho chủ quyền hay lãnh thổ của quốc gia Việt nam chúng tôi, nhưng thế nào đi nữa thì người viết bài nầy cũng hy vọng rằng ít nhất những tình tiết trong nội dung của bài viết sẽ sưởi ấm được phần nào những cảm nghĩ của những con dân Nam Kỳ còn cất giữ trong thâm tâm mình những kỷ niệm của một thời yêu dấu nào đó trong cuộc đời mình. 

Dầu trong quá khứ đã từng có bao nhiêu bộ tộc hay dân tộc sinh sống trên vùng đất nầy đi nữa, thật tình mà nói, chưa có chứng cớ về sự xác lập chủ quyền của bất cứ dân tộc nào khác, ngoại trừ người Việt Nam. Hơn nữa, theo Châu Đạt Quan trong “Chân Lạp Phong Thổ Ký”, từ thị trấn Chân Bồ(1), đoàn của ông đi dọc theo bờ biển đến các cửa sông. Cửa sông thì có đến hàng chục cửa, nhưng chỉ có thể vào được cửa thứ tư, tính từ Chân Bồ, có lẽ đây là cửa Tiền Giang đi vào Mỹ Tho ngày nay. Khi nhìn lên bờ thì ông chỉ thấy toàn là những đám cây mây quấn vào các cây cổ thụ cao vút, bên dưới thì cát vàng và lau sậy trắng, mà nhìn thoáng qua không dễ gì biết được lối vào. 
Từ cửa thứ tư thuận dòng nước đi về hướng Bắc chừng 15 ngày thì đến vùng Tra Nam(2). Trong chương 18, phần Sơn Xuyên (núi và sông), ông Châu Đạt Quan kể lại rằng từ Chân Bồ đến Tra Nam, hầu hết tất cả các vùng đều là bụi rậm của những khu rừng thấp, những cửa rộng của các con sông dài hàng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú xum xuê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Vào đến nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bị bỏ hoang, không một gốc cây. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy trong vùng nầy.
Ngay từ các triều đầu đời vua Lê, các ngài đã biết vùng đất Gia Định nguyên là của Chân Lạp (Chenla). Theo Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, vào năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Mô Xoài-Bà Rịa, đất Gia Định được thành lập từ đó. Đây là vùng đất đai phì nhiêu mầu mỡ, nhưng chưa được khai phá nên đa phần hãy còn hoang vu. 
Tài liệu lịch sử cho thấy phủ Gia Định do Nguyễn hữu Cảnh thành lập gồm hai huyện Phước Long và Tân Bình, có cương vực rất rộng lớn, bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình Long, Phước Long (nay là Bình Phước), Bình Dương, Tây Ninh, Sài Gòn, Gia Định, và Long An ngày nay. Tuy vậy, theo ước tính của những người đi theo ông Nguyễn hữu Cảnh thì tổng dân số thời bấy giờ chưa đầy 40 ngàn hộ gia đình, khoảng trên dưới 200.000 người. 

Nghĩa là sự phân bố dân cư rất thưa thớt, vì đất đai chưa được khai phá bao nhiêu. Đa số dân cư chỉ co cụm lại tại những bờ sông, bến nước, hay những khu mới vừa được xây đắp những con đường đất nung (đất hầm). Thời đó các ngài chưa để ý đến việc chinh phục vì mỗi năm vua xứ Nam Phiên(3) đều triều cống. Đến thế kỷ XVII, sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên gã công nữ Ngọc Vạn cho Miên vương Chey Chetta II (1620), thì lưu dân người Việt từ Thuận Quảng mới bắt đầu đổ xô vào đây khai phá đất mới theo lời kêu gọi của công chúa. Như vậy trước khi những lưu dân người Việt đến đây khai phá đất hoang thì chủ quyền của cả một vùng đất bao la bạt ngàn nầy thuộc về ai? 
Thời đó, các chúa Nguyễn cho phép người dân được tự nhiên khai phá và chiếm hữu đất đai, lại còn cho họ có quyền thâu nhận những người mọi(4) để làm đầy tớ. Theo các di chỉ khảo cổ từ thời Pháp thuộc đến nay cho thấy văn hóa của các dân tộc cư trú trên vùng đất nầy có liên hệ đến văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo. Như vậy vùng đất nầy đã từng thuộc về người Phù Nam từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ bảy. Về danh nghĩa mà nói thì từ thế kỷ thứ bảy trở về sau nầy nó trực thuộc Chân Lạp. Tuy nhiên, trên thực tế thì mãi đến thế kỷ thứ XIII khi Châu Đạt Quan đi ngang đây và mãi đến thế kỷ thứ XVII khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây, vùng đất nầy vẫn còn là một vùng đất hoang vu vô chủ. Có thể lưu dân người Việt đã đến đây từ rất lâu, trước khi các chúa Nguyễn có chương trình dòm ngó về phương Nam, nhưng công cuộc di dân và khai phá chỉ thật sự bắt đầu được đẩy mạnh tại vùng Đồng Nai-Gia Định kể từ sau khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên vào kinh lược đất phương Nam để lập ra phủ Gia Định(5). 
Chính nhờ vậy mà chưa đầy một thế kỷ sau đó, chính nhờ nơi chính sách sở hữu ruộng đất dễ dàng của các chúa Nguyễn mà vùng đất nầy đã trở thành một vựa lúa lớn nhất cho cả xứ Đàng Trong. 

Như vậy, trên thực tế, thì ‘Gia Định’ đã được khai sanh từ năm 1698. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, hồi đó diện tích của phủ Gia Định là diện tích của toàn cõi Nam Kỳ, rộng khoảng 64.743 cây số vuông. Đến thời kỳ 1790-1802, vùng nầy được gọi là Kinh Gia Định, vì lúc nầy Nguyễn Ánh đang trốn chạy nghĩa quân Tây Sơn, nên ông quyết lấy đất Gia Định làm hậu cứ cho cuộc chiến lâu dài. Vào năm 1790, Nguyễn Ánh đã cho xây thành Bát Quái tại xã Tân Khai, huyện Bình Dương. 

Năm Nhâm Tuất, 1802, vua Gia Long đổi phủ Gia Định ra làm trấn Gia Định. Năm 1808, nhà vua lại đổi trấn ra làm Thành Gia Định bao gồm 5 trấn khác là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trấn Phiên An đất rộng việc nhiều, đường thủy đường bộ thông thương. Về phía bắc giáp với Trấn Biên, phía trên từ sông Đức Giang, tục gọi là sông Thủ Đức đến Bình Giang hay sông Bến Nghé thuộc huyện Bình Dương, rẽ xuống ngã ba cửa Phù Gia, tức là ngã ba sông Nhà Bè, rồi chảy thẳng ra cửa biển Cần Giờ. Bờ nam của sông là địa giới trấn Phiên An hay Phiên Trấn. Phía nam giáp trấn Định Tường, trên từ Quang Hóa, Quang Phong, về phía tây đến Vàm Dừa, Rạch Cỏ, đến sông Bát Chiên, chuyển xuống phía đông đến Vũng Gù, qua Trà Giang rồi ra cửa biển Lôi Lạp (Soi Rạp), lấy bờ bắc của sông nầy làm địa giới trấn Phiên An. Phía Đông trấn Phiên An giáp với biển Đông. Phía tây giáp Cao Miên. Lúc mới thành lập trấn Phiên An được gọi là Phiên Trấn với 1 huyện gồm 4 tổng, lỵ sở đóng tại thôn Tân Lân, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương ngày nay. 

Theo Phủ Biên Tạp Lục(6) của Lê Quí Đôn: “Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Đại, Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm. Khi thành lập phủ Gia Định, quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã chiêu mộ những người có tài sản từ các phủ Điện Bàn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Qui Nhơn đến khẩn hoang, khiến cho đất đai bằng phẳng, rồi cho phép họ tự do chiếm hữu làm vườn trồng cau, hay làm nhà ở. Lại cho thu con trai, con gái người Mọi ở các đầu nguồn đem bán làm nô tỳ... cho chúng lấy nhau, sanh đẻ, nuôi nấng, lớn lên lấy việc cày ruộng làm nghề nghiệp, vì đó mà lúa rất nhiều. Ở các địa phương, mỗi nơi có 40, 50 hoặc 20, 30 nhà giàu, mỗi nhà đều có từ 50 đến 60 điền nô, từ 300 đến 400 trâu bò, cày cấy gặt hái rộn ràng không rỗi, hàng năm đến tháng 11, tháng chạp, giã lúa, sàng gạo, bán lấy tiền để dùng vào lễ chạp, lễ tết, sau tháng giêng trở đi, không làm việc xay giã nữa. 

Bình thời bán ra Phú Xuân để đổi lấy hàng Bắc như lụa, lãnh, áo quần tốt đẹp, ít dùng vải bô.” Trong khi đó, Trịnh Hoài Đức cũng đã ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Lúc ấy đất đai mở rộng ngàn dặm, dân số hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ những lưu dân từ châu Bố Chính trở vô Nam, đến ở khắp nơi, đặt ra phường ấp xã thôn, chia cắt địa phận, cho mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn bị thuế đinh, điền và lập bộ đinh điền. Địa phương Nông Nại nguyên xưa có nhiều ao chằm rừng rú. Khi đầu thiết lập 3 dinh, mộ dân đến ở, có đất ở hạt Phiên Trấn mà kiến trưng làm đất của hạt Trấn Biên, có đất ở hạt Trấn Biên mà kiến trưng làm đất của hạt Phiên Trấn. 

Như vậy cũng tùy theo dân nguyện, không ràng buộc chi cả, chủ yếu là khiến dân mở đất khẩn hoang, chia thành điền, lập thành thôn xã mà thôi.” Quả thật, chính nhờ sự dễ dãi trong việc chiếm hữu ruộng đất do chính mình khai khẩn nầy mà chẳng bao lâu sau đó, toàn vùng đã thành khoảnh rõ ràng. Cũng chính nhờ chính sách ruộng đất dễ dãi nầy mà nông sản vùng Gia Định luôn dư thừa, nên để tránh sự tồn đọng và hư nát, chánh quyền địa phương lại cũng dùng chánh sách dễ dãi cho sự thành hình ngành thương mãi về hàng hóa. Chẳng bao lâu sau đó, rất nhiều Hoa kiều đã thành hình xong một đội ngũ trung gian về mua bán nông phẩm tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, và việc mua bán lúa gạo đã nhanh chóng trở thành một trong những hoạt động chủ yếu trong hoạt động doanh thương ở đây. 

Hàng năm, thường là sau các vụ mùa, nhiều tàu thuyền trong nước và ngoại quốc đến xứ Gia Định thu mua thóc gạo chở ra bán lại tại các vùng Ngũ Quảng và các xứ lân cận, như Hồng Kông, Tân Gia Ba, vân vân. Thật tình mà nói, ngay từ những ngày đầu Nam Tiến, nhiều người đã nghĩ rằng nếu không có nguồn cung cấp nông phẩm từ Gia Định, không biết vùng Ngũ Quảng và Thuận Hóa sẽ sống bằng cách nào. 
Chính giáo sĩ Halbont đã ghi lại trong một bức thư vào tháng 7 năm 1775 như sau: “Mỗi năm từ Đồng Nai, vùng đất phì nhiêu, có hàng ngàn chiếc ghe đến từ vùng nầy mang lại sự đầy đủ và nỗi vui mừng cho dân chúng.” Khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bộc phát tại vùng Qui Nhơn, Lê Quí Đôn đã ghi lại trong Phủ Biên Tạp Lục như sau: “Ngày trước, việc buôn bán với xứ Đồng Nai được lưu thông, thì tại kinh thành Phú Xuân, giá gạo một hộc mười thăng, chỉ có ba tiền đồng, mà có thể đầy đủ cho một người ăn trong một tháng, cho nên nhân dân ở Thuận Hóa chưa hề phải lưu tâm chú ý đến việc làm ruộng. Lúc quân Tây Sơn đang khởi nghĩa, thành Qui Nhơn bị loạn lạc, thành Gia Định bị núi cách sông ngăn, nên nhân dân ở đây lấy việc thiếu ăn làm điều lo lắng.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Links xem tiếp:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét