Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Sinh, Lão, Bịnh, Tử


Chia sẻ về « Sinh, Lão, Binh, Tử » « Sinh, lão, binh, tử » là quy luật ở đời. Ai nấy đều trải qua các giai đoạn này, không sớm thì chầy! Chúng ta giống như những du khách cùng đi một chuyến xe lửa dừng ở nhiều ga, xuống trước hay xuống sau mà thôi! 

1-Sinh Có quan niệm cho « cuộc đời là bể khổ » nên con người sinh ra đã khóc: «Thảo nào khi mới chôn nhau, Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!» (Cung oán ngâm khúc) Nguyễn Công Trứ cũng có tư tưởng như thế: «Thoắt sinh ra thì đà khóc choé Trần có vui sao chẳng cười khì?» (Chữ nhàn) Ki tô giáo cũng nói nhiều về khổ đau, coi cuộc đời như «thung lũng đầy nước mắt» (La vie est une vallée de larmes - Kinh Salve Regina) Đó chẳng qua chỉ là cái nhìn tiêu cực về cuộc đời. Đứa trẻ sinh ra không khóc là có vấn đề, bà mụ phải tìm cách làm cho nó khóc. Hơn nữa tiếng khóc của trẻ thơ là một phương tiện diễn tả để nó cho biết đói hay khó chịu trong người… Huống hồ con cái là sự tiếp nối của thế hệ đi trước, là dòng chảy liên tục của cuộc đời. Ông cha ta xưa kia khá khắt khe với phụ nữ không sinh đẻ, cho là: « Cây độc không trái, gái độc không con » Cuộc đời cũng có thể là « thung lũng đầy hoa hồng » (La vie est une vallée de roses). Sinh ra được làm con người, theo Phật giáo, không phải là dễ, giống như chú rùa mù sống vô lượng kiếp, mới trồi lên biển cả và chui lọt vào được một bọng cây nổi trên mặt nước! Nhìn chung thì hai quan niệm tiêu cực và tích cực tương tức, bổ xung cho nhau: có khổ mới biết sướng và ngược lại! 

Điển hình là trường hợp các Việt kiều, sau biến cố tháng 4 năm 1975, đã kinh qua bao nỗi thăng trầm, chịu đựng nhiều khổ đau, thoát chết sau những ngày lênh đênh trôi dạt trên biển cả trong khi đó một số thuyền nhân bị hải tặc giết hoặc bị hãm hiếp dã man. Hơn nữa họ phải làm lại cuộc đời từ đầu nơi xứ lạ quê người, ngôn ngữ, tập quán bất đồng, nay nhìn lại các thành quả mà con cái đạt được, họ cảm nhận sâu xa niềm vui to lớn, hạnh phúc vô biên, thấy mình may mắn như « tái ông thất mã »! Cũng như Thúy Kiều sau 15 năm truân chuyên mới biết tận hưởng cuộc sống thanh đạm an lạc bên cạnh vãi Giác Duyên ở thảo am, ven sông Tiền Đường: « Một nhà chung chạ sớm trưa Gió trăng lát mặt muối dưa chay lòng Bốn bề bát ngát mênh mông Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau » 

2-Lão Theo thống kê Liên Hiệp Quốc, tuổi thọ trung bình (Average age of death) ở các nước tiên tiến là 7783 tuổi, nữ sống lâu hơn nam, như vậy bây giờ phải nói là « cửu thập cổ lai hy » thay vì « thất thâp cổ lai hy »như xưa. Nhiều người tuổi cao vẫn còn hăng say hoạt động nên già mà không cảm thấy già nhưng cũng có người trẻ hoạt động uể oải, trì trệ lại cho cảm tưởng không già mà lại già! Hơn nửa đời dành cho sự nghiệp, gia đình, con cái, bây giờ thời gian còn lại không nhiều, mình nên quan tâm đến bản thân để sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc, việc gì muốn làm thì làm, việc gì làm không được thì bỏ qua, coi như là một sự giải thoát. Niềm vui lắm khi ẩn chứa trong các việc vụn vặt trong ngày như khi thức dậy còn duỗi chân, duỗi tay, bước xuống giường được, để đi pha một ly cà phê hoặc một bình trà, tự thưởng thức, cám ơn đời đã cho mình hưởng thêm một ngày hạnh phúc! Sống trên đời không thể nào luôn luôn gặp thuận duyên, vạn sự như ý, nếu cứ chăm chăm lo cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm phiền não! Cứ thản nhiên đối mặt với thực tại, rồi mọi sự sẽ qua, cũng xong! Phẩm chất cuộc sống của tuổi già tuỳ thuộc về cách tư duy của mỗi người: tư duy hướng thượng là không vụ lợi cá nhân, làm việc xã hội, nghĩ nhiều đến tha nhân ... làm cho tuổi già thêm sức sống, thêm niềm tự tin, thêm hương vị. Tư duy hướng hạ là thường suy nghĩ tiêu cực, bi quan yếm thế, khiến cho chóng già, chóng chết! 

3- Bịnh Già hay trẻ, ai mà không bịnh! Có người mang bịnh khi còn trong bụng mẹ (maladie congénitale), còn nhiều người mang bịnh vào thân do cách ăn uống (bịnh tùng khẩu nhập) hoặc tự mình gây ra bịnh (hút thuốc, say sưa nghiện ngập ...), người Pháp nói là «mình tự đào mồ bằng hàm răng» (on se creuse sa tombe avec ses dents) nên khi già phải nhận lãnh hậu quả! Người già cần để thì giờ chăm sóc bản thân bằng các hoạt đông thể chất lẫn tinh thần. Theo viện bảo vệ sức khỏe Pháp INPES (Institut national de prévention et d'éducation pour la santé) thì chúng ta nên để nửa giờ hoặc hơn mỗi ngày cho hoạt động về thể chất: nếu nhà có cầu thang thì leo lên xuống nhiều lần hoặc đi dạo, đi bơi, tập tài chi, khí công, càn khôn thập linh, thể dục v.v. Đồng thời cũng nên chọn cho mình một hoạt động tinh thần thích hợp như dịch thơ cổ, làm thơ, viết văn, viết nhật ký, nghe kinh, nghe nhạc, học vẽ, học viết thư pháp… Người xưa quan niệm « một tâm hồn lành mạnh chỉ có trong thể xác lành mạnh » (Mens sana in corpore sano). Người biết buông xả, sống thong dong, thanh thản, có khả năng ra đi nhẹ nhàng! Tuổi già ốm đau trông cậy vào ai? Bạn đời ư? Đệ nhị thân cũng già, chưa chắc đã khỏe hơn mình, nếu muốn giúp đỡ thì cũng lực bất tòng tâm! Trông vào con ư ? Chúng nó cũng có gia đình, con cái, rất bận rộn ở xã hội Tây phương bây giờ, cố gắng lắm thì sắp xếp cuối tuần hoặc chờ ngày nghỉ lễ lại thăm mà thôi! Tốt hơn là mình phải trông cậy nơi bản thân, phải siêng năng hoạt động cả thân lẫn tâm, ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng, đừng chờ khi ốm đau mới đi chữa bịnh thì « hơi muộn màng »: « Chỉ mong sống khoẻ, chết mau, Ốm lâu vợ khổ, thân đau, con buồn!» 


4-Tử Đã là con người, ai cũng không tránh khỏi cái chết: có người chết già, có người chết trẻ . Thần chết không phân biệt tuổi tác hay sang giàu và rất bình đẳng, nếu chôn chỉ chiếm « ba tấc đất » và nếu thiêu cũng ra tro bụi sau vài giờ ! Chúng ta cần học cách ứng xử như người dân Bhutan, một nước nhỏ bên triền núi Himalaya, coi cái chết như một phần của cuộc sống. Nhà hiền triết Khalil Gibran cũng cho là trong sự sống có cái chết, “sống chết là một như nước sông và nước biển khi hòa hợp với nhau” (La vie et la mort ne font qu'un, comme ne font qu'un la rivière et la mer ). Cứ mỗi giây, mỗi phút, có biết bao tế bào trong cơ thể chúng ta chết đi và biết bao tế bào được tạo ra, chỉ khác là nơi cơ thể người già lượng tế bào sinh ra ít hơn tế bào chết đi, có thể nói là “vô thường có mặt trong chúng ta, không cần tìm đâu xa!” Cuộc đời giống như một hành trình du lịch: cha mẹ lo cho lúc khởi hành, còn mình phải sửa soạn lúc kết thúc.Người xưa thường sắm trước áo quan hoặc xây kim tỉnh, ngày nay người ta mua bảo hiểm hậu sự (assurance-obsèques), cũng có người hiến xác để thể hiện ước muốn giúp ích cho y học sau khi đã trở về với cát bụi! Nếu một ngày nào đó, thần chết lên tiếng gọi thì hãy bình thản đón nhận vì coi như mình đã hết duyên với sự sống nên đành giã từ « cuộc chơi » (1): « Đường đời muôn vạn nẻo Không đến cũng không đi Bạn làm gì đó?- Chơi! » |[(1) Sống chết, theo lời pháp của một vị cao tăng, chỉ là « trò chơi cút bắt »; còn duyên thì biểu hiện, hết duyên thì ẩn tàng] Bài này vốn là bản đúc kết các suy tư và việc làm của tôi ở tuổi xế chiều, trước là tự xét lại những gì đã làm, đang làm hoặc chưa làm, sau xin chia sẻ với các thân hữu để đóng góp sự có mặt của mình với các đồng nghiệp và cựu học sinh vì còn tư duy thì còn hiện hữu như lời Descartes (Je pense, donc je suis). Chắc các thân hữu cũng có người suy nghĩ giống tôi, có người suy nghĩ khác, mỗi người hành xử theo hoàn cảnh thích nghi với mình khi phải đối mặt với cái chết. Rất trân kính! 

Hoài Việt DHĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét