1- Gió reo lên âm điệu rì rầm / hàng cây như bàn tán thì thầm vẻ xinh xinh của mầm xanh duyên dáng /
Ngàn hoa thắm thi nhau đua nở / cỏ cùng cây say đắm ngất ngây / tất cả đều say sưa trong vũ khúc mơ huyền để đón chào ngày Mầm Xanh xuất hiện
[Mầm xanh xuất hiện, SG 56]
[Mầm xanh xuất hiện, SG 56]
2- Em ạ/có bao giờ em nằm yên lặng/để khung trời khép nhẹ trong bờ mi/đưa tầm mắt theo dõi con tàu về miền quê hẻo lánh/
Dư ảnh cuộc đời vui chập chờn trong đợt khói / thanh âm cuộc sống động văng vẳng trên bánh xe / tất cả mất đi rồi...khi con tàu dừng lại một bến nào xa xăm /
[Thư cho người đi xa, SG 58]
3- Gió đại dương rời rợi thổi về / len lén sẽ uốn mình qua kẽ lá / Khúc nhạc tấu rung lên ngàn tiết điệu / bản trường ca giao động vạn âm thanh /
Nghe hay chăng tiếng thông reo lên âm điệu mơ hồ / xa xăm từ lòng đất / thì thào qua hơi thở / một trời sao êm đềm say nhịp chuyển / và sương đêm thầm lắng giữa u huyền /
Mây trắng lững lờ trôi / hương gió miên man rung động lá cành / phấn thông vàng rơi lả tả / nụ thông cái nở môi cười.
Say đắm men đời thơm ngát / phấn thông vàng cùng nụ cái / tay vòng tay ắp ủ mộng ngày xanh.
[Tiếng thông reo, Phan Rang 59]
4- Nếu Tràng-Lớn được định nghĩa là một vùng lòng chảo bao la, trũng trũng dưới chân núi Bà-Đen thì nơi đây gồm những đồi thấp trập trùng bên ngọn Chứa-Chan. Nếu là thi sĩ chuyên sáng tác những thiên anh hùng ca vĩ đại thì anh sẽ ưa thích Tràng-Lớn hơn bởi vì từ dưới vùng đất trũng nhìn lên ngọn Bà-Đen ôi sao hùng vĩ ! Còn nếu là nhà tiểu thuyết đường rừng, anh sẽ chọn vùng này vì bên đồi chuối xanh tươi, có một giòng suối mà đêm đêm tiếng nước chảy ào ào vọng vào bên giường ngủ đã thêu dệt cho anh vài hình ảnh chuyện tình sơn nữ.
Ở đây, mỗi buổi sáng sớm anh thường nhìn về phía núi Chứa Chan, thấy vòm trời hửng sáng đẹp tuyệt vời bên kia núi. Mỗi khi đi bên bờ suối, anh thường để tầm mắt trôi theo giòng nước chảy xiết cho tới chỗ suối bị che khuất sau những lớp cỏ ngút ngàn. Vậy Em, hỡi Nàng Tiên yêu dấu của tôi ơi! Hãy chắp cho tôi đôi cánh tự do để tôi bay đến vùng ánh sáng bên kia núi, để được nhìn thấy bên đó có cái gì? Hay biến tôi thành chiếc lá trôi về miền đất trũng để tôi được biết nơi đó là đâu? Biên cương của trí óc tôi là núi đó, lãnh vực của trí óc tôi chỉ kéo dài từ đây tới miền đất trũng hẻo lánh nào đó, chắc chắn nó hiện hữu nhưng chính tôi cũng không được biết nó ở nơi nào.
[ TCNTVTTTCT, Xuân Lộc 75]
ChinhNguyen / H.N.T.
7/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét