CHƯƠNG II
TRƯNG-VƯƠNG
徵 王
( 40 — 43 )
TRƯNG-VƯƠNG
徵 王
( 40 — 43 )
Các Phần Đã Đăng:
1. Trưng-thị khởi binh
2. Mã Viện sang đánh Giao-chỉ
1. TRƯNG-THỊ KHỞI BINH. Năm giáp-ngọ (34) là năm Kiến-võ thứ 10, vua Quang-vũ sai Tô Định 蘇 定 sang làm thái-thú quận Giao-chỉ.
Tô Định là người bạo-ngược, chính-trị tàn-ác, người Giao-chỉ đã có
lòng oán-giận lắm. Năm canh-tí (40) người ấy lại giết Thi Sách 詩 索 người
ở quận Châu-diên 朱 鳶 (phủ Vĩnh-tường, trước thuộc về Sơn-tây, nay thuộc
về tỉnh Vĩnh-yên).
Vợ Thi Sách là Trưng Trắc 徵 側 con gái quan lạc-tướng ở huyện Mê-linh 麋
泠 (làng Hạ-lôi, huyện Yên-lãng, tỉnh Phúc-yên) cùng với em gái là Trưng
Nhị 徵 貳 nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định phải chạy trốn về
quận Nam-hải.
Lúc bấy giờ những quận Cửu-chân, Nhật-nam và Hợp-phố cũng nổi lên
theo về với hai bà Trưng-thị. Chẳng bao lâu quân hai bà hạ được 65
thành-trì. Hai bà bèn tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê-linh, là chỗ quê
nhà.
2. MÃ VIỆN SANG ĐÁNH GIAO-CHỈ. Năm tân-sửu (41) vua Quan-vũ sai Mã
Viện 馬 援 làm Phục-ba tướng-quân 伏 波 将 軍, Lưu Long 劉 隆 làm phó-tướng cùng
với quan Lâu-thuyền tướng-quân 樓 船 将 軍 là Đoàn Chí 段 志 sang đánh
Trưng-vương.
Mã Viện là một danh-tướng nhà Đông-Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi,
nhưng vẫn còn mạnh, đem quân đi men bờ bể phá rừng đào núi làm đường
sang đến Lãng-bạc 浪 泊, gặp quân Trưng-vương hai bên đánh nhau mấy trận[1].
Quân của Trưng-vưng là quân ô-hợp không đương nổi quân của Mã Viện, đã
từng đánh giặc nhiều phen. Hai bà rút quân về đóng ở Cấm-khê 禁 谿 (phủ
Vĩnh-tường, tỉnh Vĩnh-yên). Mã Viện tiến quân lên đánh, quân hai bà vỡ
tan cả. Hai bà chạy về đến xã Hát-môn 喝 門, thuộc huyện Phúc-lộc (nay là
huyện Phúc-thọ, tỉnh Sơn-tây), thế bức quá, bèn gieo mình xuống sông
Hát-giang (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng-hà) mà tự tận. Bấy giờ là
ngày mồng 6 tháng 2 năm quí-mão (43).
Những tướng của hai bà là bọn Đô Dương 都 陽 chạy vào giữ huyện
Cư-phong 居 封 thuộc quận Cửu-chân. Sau Mã Viện đem quân vào đánh, bọn Đô
Dương đều phải ra hàng.
Hai bà họ Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài-trí người
đàn-bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo
sợ, ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời. Đến ngày nay có nhiều
nơi lập đền thờ hai bà để ghi-tạc cái danh-tiếng hai người nữ anh-hùng
nước Việt-nam ta[2].
Sử-gia Lê văn Hưu 黎 文 休 nói rằng: « Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn-bà
nổi lên đánh lấy được 65 thành-trì, lập quốc xưng vương dễ như giở bàn
tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm,
người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi-tớ người Tàu, mà không biết xấu-hổ
với hai người đàn-bà họ Trưng! »
Huỳnh Hữu Đức sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét