Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Phú Lãng Sa Vào Hạ

Tuy mùa hè bắt đầu vào ngày 21 tháng 6 và chấm dứt ngày 21 tháng 9, nhưng đối với những người đi làm và đi học ở Pháp, mùa hè thực sự chỉ có 2 tháng, từ đầu tháng 7 và kéo dài đến cuối tháng 8. Người Pháp có thông lệ đi nghỉ hè, thói quen này không thể thiếu đối với dân tộc con cháu nhà vua Louis XIV. Nếu những ngày nắng đẹp mà dân Pháp không đi chơi ở nơi này hay nơi khác để hưởng thụ những ngày nhàn hạ thì kể như « Ça va mal… ! Tout est raté..ééé… ! » (Xấu quá ! Tất cả đều hỏng hết rồi ! ) Họ sẽ buồn não ruột và than thở dằng dai như vậy.


Nhìn lại, từ năm 1982, với 5 tuần được nghỉ lãnh lương (Tổng Thống Đảng Xã Hội Mitterrand đã rộng rãi đưa ra luật này), từ đó Pháp là quốc gia có số lượng ngày nghỉ ăn lương cao nhất thế giới. Rồi với 35 giờ làm việc trong tuần, áp dụng từ năm 2000,( cũng do Đảng Xã Hội bày ra) dân Pháp gần như “được“ xem là những người lười biếng, vì tính kỹ ra họ chỉ đi làm có 4 ngày rưỡi mỗi tuần (với 8 giờ mỗi ngày), 2 ngày rưỡi còn lại thì được nghỉ ngơi ! Thật không có dân tộc nào “vương giả “ hơn công dân Pháp! (Tuy nhiên đối với những người làm việc có trách nhiệm và có lương cao, thì không áp dụng 35 giờ mỗi tuần. Những người này phải làm sao cho xong công việc mà hãng giao phó.)

Nhưng người Pháp được voi thì đòi tiên, họ đã sung sướng có ngày nghỉ hè nhiều, có chế độ bảo hiểm sức khỏe gần như 100%, càng bịnh nặng càng được chửa trị miễn phí. Đi làm thì ít giờ, khế ước làm việc bất khả xâm phạm, chỉ khi phạm lỗi rất nặng chủ nhân mới sa thải được nhân viên (và trường hợp hãng bị khó khăn về tài chính gần như phá sản). Có đủ thứ quyền lợi như vậy, nên người làm việc tại Pháp trở nên ích kỷ, họ không muốn chính phủ đụng chạm đến những gì họ được hưởng. Nên mỗi khi có một đạo luật mới, vừa đem ra bàn thảo ở Quốc Hội nhằm sửa đổi những « lợi lộc » quá mức trong việc làm, là 10 lần như 1, các công đoàn (syndicat) đẩy dân xuống đường, rầm rộ phản đối. Rồi đình công … và bọn phá hoại trà trộn gia nhập để đốt phá. Đúng là quá tự do nên có lạm dụng và thông thường, việc gì đã « cho hưởng » rồi thì khó mà « lấy lại », ngay khi đó là những lãnh vực của chính phủ. 

Khi nắng hè ấm áp vừa ló dạng là dân Pháp thay phiên nhau ngưng việc để đi hè. Dù có đến 5 tuần nghỉ ngơi , nhưng thường thường người làm việc chỉ lấy 3 tuần vào dịp hè, 2 tuần còn lại họ sẽ nghỉ vào dịp khác, Noël, Tết Tây… Khi vào hè, đa số dân Pháp đi xuống vùng biển để phơi nắng và tắm lội trong dòng nước xanh dương. Một phần ít đi vùng núi, hay xuất ngoại. 

Cách đây hơn 150 năm, vào năm 1853, thói quen nghỉ hè ở Pháp đã bắt đầu xuất hiện dưới thời của Hoàng Đế Napoléon Đệ Tam, nhưng lúc đó, chỉ những công chức, làm việc cho chính phủ mới được phép nghỉ ăn lương 2 tuần.

Nghỉ hè được hưởng lương ở Pháp chỉ chính thức bắt đầu vào năm 1936 cho tất cả những ai đi làm thì được 2 tuần hè ( lúc ấy người dân làm việc 40 giờ cho một tuần lễ ). Dần dần những ngày nghỉ hè được tăng lên, năm 1956 chính phủ Pháp cho người dân có quyền nghỉ 3 tuần, rồi 4 tuần vào năm 1969 và 5 tuần từ năm 1982 đến nay.


Khi ngày hè đã đến, các thành phố vắng hoe vì người dân đã cùng nhau đi xuống biển. Paris vào tháng 7 và tháng 8 chỉ dành cho du khách, người dân địa phương đã hành lý lên đường đi “vacances“, thành phố vì vậy vắng vẻ cả người và xe cộ, không còn cảnh kẹt xe như bình thường, các cửa hàng nhỏ cũng đóng cửa, còn khi vào các công sở thì thưa thớt người làm việc. Tất cả nước Pháp hoạt động chậm lại cũng y như nước Việt Nam chỉ lo chuẩn bị vui chơi, lễ lạc, cúng kiến vào dịp Tết.

Paris vắng vẻ không còn bao nhiêu người ngoài đường phố.

Nhìn vào bản đồ, Pháp có một vị trí địa lý đặc biệt, được bao bọc bởi gần 2/3 là bờ biển. Phía bắc với bờ biển Manche, có những nơi nổi tiếng để tắm như Touquet, đi dọc xuống là Trouville, Deauville, Cabourg (vùng này thuộc Normandie với những bãi được nhắc đến nhiều từ khi quân Đồng Minh đỗ bộ trong cuộc thế chiến thứ hai, chống Đức Quốc Xã ). Ở đây nước biển lạnh nên người ta đến chỉ để ngắm cảnh, đi dạo, đổi gió... còn tắm thì phải rất là “can đảm” vì nước biển chỉ khoảng 16°C, nóng lắm thì lên 20°. 
Bờ biển phía Đại Tây Dương với đầy những bãi tắm.

Tiếp đến là vùng Bretagne với những bãi biển như Saint Malo... Tuột xuống dưới, là biển Đại Tây Dương trải dài cả một phần bờ phía tây nước Pháp với những địa danh Les Sables d’Olonne, la Rochelle, Royan. Rồi qua khỏi Bordeaux là các bãi Cap Ferret, Arcachon. Và đi xuống nữa, gần biên giới Tây Ban Nha có các bãi biến Biarritz, Saint Jean de Luz …

Vùng Côte d’Azur

Nhìn qua phía biển Địa Trung Hải, thuộc miền Nam nước Pháp, phía trên bờ biển dính liền với Ý, phía dưới với Tây Ban Nha. Có những thành phố ven biển mà mọi người đều biết như Monaco, Nice, Antibes, Cannes, Saint Tropez. ( Đây là vùng gọi là Côte d'Azur)
Đi xuống cực Nam nước Pháp có Toulon, Marseille. Và qua gần Tây Ban Nha là các bãi tắm Grande Motte, Frontignan, Sète, Cap d’Agde, Narbonne, Perpignan. 

(Những bãi này chỉ mới được thành lập từ năm 1960, nên không nổi tiếng như bên Côte d’Azur, nhưng lôi kéo được người Pháp trung bình muốn có nắng ấm và bờ biển dài, với giá tiền tương đối rẻ. Bên phía này gọi là Côte Languedoc-Roussillon.)

Những bãi biển của vùng Languedoc-Roussillon.

Tuy có nhiều bãi biển đẹp để tắm, nhưng vào hè trên nước Pháp, nơi nào cũng đông nghẹt người, nhất là các bãi tắm ở vùng phía Nam thuộc Địa Trung Hải. Một phần là do du khách các nơi đổ về vì là các địa danh nổi tiếng ( Monaco, Nice, Cannes, Saint Tropez ) nơi các tài tử, các minh tinh màn bạc, các ca sĩ “siêu sao”, các nhà tỉ phú hay triệu triệu phú đến để vui chơi, vung tiền đổi lấy một trận cười. Và phần khác, dân Pháp thượng lưu cũng đến đó vì khung cảnh đẹp, kiến trúc cao cấp tiện nghi và được phục dịch chu đáo. Như vậy, tùy theo túi tiền mà người Pháp chọn nơi đi nghỉ hè. 

Ở bãi biển có những người bán dạo, họ hóa trang khi thì là « người Mễ », khi thì là « cướp biển » và họ rao hàng như ca hát, làm đủ trò rất vui.
Ngoài ra, sở dĩ có nhiều người ngoại quốc đến Pháp vào mùa hè để hưởng các thú vui ở bờ biển là vì chung quanh nước Pháp, các quốc gia Bỉ, Đức, Hòa Lan, Thụy Sĩ và bên kia bờ biển Manche là Vương Quốc Anh, các nước này nếu có bờ biển thì nước lạnh buốt, khó mà tắm lội hoặc là kẹt trong đất liền không có biển. Nên cư dân của các nước lân cận Pháp khi muốn hưởng nắng đẹp, nước biển ấm áp thì lái xe đổ về phía Nam là Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha (nếu họ không muốn đi xa hơn nữa). Riêng Pháp có nhiều thắng cảnh đẹp, các địa danh nổi tiếng, nghệ thuật ẩm thực cao, rượu ngon danh tiếng, di tích lịch sử mà người mộ điệu phải ghé xem cho biết... Tất cả các yếu tố đó khiến người nước ngoài thích ghé Pháp để vừa tắm biển vừa viếng thăm, như là một cuộc du lịch văn hóa chứ không phải chỉ thuần đi tắm biển và phơi nắng. Vì vậy vào mùa hè ở Pháp, trên các bãi biển, người ta còn nghe cả tiếng Đức, tiếng Anh… xen lẫn với tiếng Pháp, lung tung cả lên.

Nếu là người Việt mà mang cờ vàng trưng trên bộ bikini, chắn chắn là bị « đốn ».
Nhưng từ khi có những vụ khủng bố, số lượng du khách đến viếng danh lam thắng cảnh trên nước Pháp giảm đi. Tuy nhiên, người dân trong nước vẫn sinh họat gần như bình thường, nhờ vào sự làm việc tích cực của cảnh sát và quân đội. Người dân vẫn đi hè, đi tắm biển, đi xem ciné, dự các buổi trình tấu nhạc… Phải công nhận là dân Pháp rất can cường, họ cho rằng : « không sợ bọn khủng bố thì mới thắng được chúng » và họ thường nói to với vẻ thách thức « Même pas peur ! », Chẳng có sợ ! Nghĩ kỹ thì họ rất có lý, nếu khiếp sợ bọn khủng bố thì khác nào bó tay đầu hàng chúng, trái lại phải đối đầu và tìm biện pháp chống lại nhằm tiêu diệt bọn dã man ác ôn đó. 

Người Pháp khóc thương, tưởng niệm các nạn nhân ; chính phủ có quỹ bồi thường rất hậu hỷ cho gia đình những người xấu số hay những người bị thương tật. Nhưng phần ai … người ấy lãnh, đến khi « tới số » thì ngồi tại nhà, ông « thần chết » cũng đến điểm danh… Vừa rồi trận động đất ở Ý làm thiệt mạng hơn 200 người đang say giấc nồng. Thật thương tâm. Chỉ biết cầu xin Thượng Đế che chở cho nhân loại và cho người Pháp vẫn đi nghỉ hè hàng năm.

Thanh Vân
Cap d’Agde, 26 tháng 8 năm 2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét