Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Giòng Sông Tuổi Thơ

 

Tin bà chị dâu bị stroke lần thứ hai, được các con cấp tốc mang lên bệnh viện trên Sài Gòn, khiến Thơ ăn ngủ không yên. Trong điện thoại giọng cô cháu nghẹn ngào:
-Con sợ má con không qua khỏi cô ơi. Lần này bác sĩ nói nặng lắm. Má con vẫn còn hôn mê. Mấy chị em con thay phiên nhau ở trong bịnh viện để săn sóc má. Cầu Trời cho má con mau tỉnh lại.
Thơ vội trấn an cô cháu gái:
- Chắc không sao đâu. Ngày mai cô đi gởi chút đỉnh tiền về để tụi con xoay sở. Lúc này mới bắt đầu mùa thu, học trò đã đi học lại nên tiệm cũng bớt đông. Để cô thu xếp nghỉ hai tuần về thăm má con.
Tiếng cô cháu gái bên kia đầu giây tươi hẳn lên:
-Thiệt hả cô? Nếu má con tỉnh lại, gặp mặt cô bả sẽ mừng lắm đó.

Nói vậy chớ cũng phải mất hai tuần Thơ mới thu xếp xong công chuyện và có vé máy bay trong tay. Thơ làm chủ một tiệm ăn. Nhỏ thôi, nhưng xinh xắn, ấm cúng và nhất là nấu đúng khẩu vị Việt Nam. Không lai căng, chạy theo khẩu vị dân bản xứ. Nhưng chính vì vậy mà tiệm Thơ đông khách. Khách Việt và một số khách ngoại quốc sành ăn. Thơ có khiếu nấu ăn giống mẹ. Bà Tân ngày xưa nổi tiếng là người nấu ăn khéo. Bà đã truyền lại cho Thơ những bí quyết để chế biến thành công những món ăn ngon. Ngoài sự nêm nếm vừa miệng, Thơ còn có tài trình bày những đĩa thức ăn tuyệt đẹp. Nhìn thôi là đã muốn ăn liền, khách nói vậy.

May mắn người phụ bếp tên Vĩnh, tuy tương đối trẻ, nhưng đã có gần mười năm kinh nghiệm. Thơ tự tay pha chế mọi thứ sẵn sàng, như nước sauce để làm món cá kho tộ, gia vị bỏ vào nồi nước súp để làm món canh chua, sauce ướp thịt nướng..vv... nên cũng an tâm giao cho Vĩnh thay nàng trong suốt hai tuần lễ vắng mặt.

Thơ không bận bịu chuyện gia đình gì lắm, vì đã cùng chồng chia tay năm năm rồi. Khương tuy rất hiền lành, nhưng thích đàn đúm với đám bạn ăn nhậu và đam mê trò đỏ đen. Chẳng giúp đỡ gì cho vợ, trái lại nhiều lần Thơ còn phải đứng ra trả những món nợ trời ơi đất hỡi do Khương gây ra. Cuối cùng Thơ đành dứt áo chia tay, mặc cho Khương năn nỉ. Nàng đã cho Khương rất nhiều cơ hội để sửa chữa, nhưng kết quả vẫn là con số không. Thơ nuôi bé Kim, đứa con gái duy nhất của hai người. Bé Kim xinh đẹp giống mẹ và rất ngoan. Ngoài giờ học còn biết ra tiệm giúp mẹ tính tiền, làm sổ sách. Con bé đang học năm thứ hai Đại học, ngành kế toán. 


Bé Kim lái xe đưa mẹ ra phi trường. Thơ hôn con rồi đẩy hành lý vào khu dành cho Air Canada. Nàng bảo bé Kim về ngay cho kịp giờ đi học. Gửi 2 valises xong xuôi, Thơ kéo chiếc valise nhỏ vào sắp hàng để qua trạm kiểm soát. Hành khách đủ mọi quốc tịch đông không thể tả. Xếp hàng rồng rắn, ngoằn ngoèo dám đến cả cây số! Lần này Thơ đi qua ngã Vancouver, Hồng Kông rồi mới vào Việt Nam. Xuống phi trường Vancouver để chờ máy bay đi HongKong, nhìn ra ngoài cửa kính, sau làn mưa lất phất là dẫy núi chạy dài theo bờ biển màu lam nhạt. Bầu trời màu xám chì trông buồn hiu hắt! Thơ không thích mưa. Nàng yêu biết mấy bầu trời xanh lơ, đầy mây trắng và rực rỡ nắng vàng. Nhất là mùa thu Québec. Nắng vàng óng như lụa, trong veo và dịu dàng khiến cho lòng người ngây ngất...Ngay cả những trận mưa thu cũng nhẹ nhàng, thanh thoát. Những sợi mưa nhỏ, mong manh như tơ trời, không làm ướt nổi một mái tóc mây! Vì thế, dù Vancouver là một thành phố có cuộc sống tốt nhất Canada, Thơ cũng không bao giờ ao ước được sống nơi đó.

Sau bốn tiếng chờ đợi ở phi trường Hong Kong, cuối cùng chuyến máy bay Air Cathay cũng đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Thơ đẩy hành lý ra ngoài dáo dác tìm cô cháu gái. Người đi đón đông như cái chợ, nhìn hoa cả mắt. Tiếng Kim Nhung kêu "cô Tư...cô Tư...con đây nè" khiến Thơ mừng rỡ. Dũng, chồng Kim Nhung chạy tới giành đẩy chiếc xe chở hành lý khá nặng cho bà cô. Cô cháu vẫn vậy, từ ngày sinh hai thằng con, Kim Nhung ngày một đẫy đà và tuy ở Việt Nam nắng hừng hực như đổ lửa, nước da cô nàng vẫn trắng nõn. 

Thơ về nhà cháu gái cất hành lý, rửa sơ mặt mũi cho bớt mệt rồi hối vợ chồng Kim Nhung đưa nàng vào bệnh viện thăm chị dâu. Bệnh viện Đại học Y Dược nằm trên đường Hồng Bàng. Bệnh nhân hai người nằm một giường, quay đầu ngược lại. Người nhà nuôi bệnh nhân ngồi la liệt ngoài hành lang, trong phòng bệnh. Trên xe, từ phi trường về nhà, Kim Nhung đã cho Thơ hay chị Thiên đã tỉnh, nhưng đầu óc vẫn còn mơ mơ hồ hồ, ký ức chưa trở về như trước.

Kim Anh, con gái út chị Thiên từ Cao Lãnh lên nuôi mẹ, thấy Thơ vào mừng quá chạy tới nắm tay, miệng cười rạng rỡ. Con bé này chưa lập gia đình, dù rất xinh. Oanh nắm tay Thơ dẫn đến giường chị Thiên. Nhìn thân hình gầy gò, lép xẹp của chị dâu Thơ ứa nước mắt. Thương chị quá đỗi. Cả một cuộc đời làm vợ, làm mẹ của chị vất vả biết bao với đàn con đông đúc. May mà chúng đều ngoan. Ngay từ bé không đứa nào bệnh hoạn để ba mẹ phải lo lắng. Anh Thiên mất đã lâu, giờ chị ở với đứa con gái út. Con bé có tiệm uốn tóc rất khang trang. Tuy bận rộn nhưng cũng hết lòng chăm lo cho mẹ thật cẩn thận. Trước kia chị Thiên thuộc dạng đẫy đà, nhưng tính thích ăn ngọt, ăn béo khiến chị mắc bệnh tiểu đường rất nặng. Bao nhiêu thuốc Thơ gởi về, chị uống rất "dè sẻn" nên bệnh không bao giờ khá! Từ đó sinh ra nhiều chứng khác và cuối cùng chị bị tai biến mạch máu não lần thứ hai. Lần này nặng gấp đôi lần trước.

Thơ cầm bàn tay xương xẩu của chị Thiên bóp nhẹ. Chị mở cặp mắt lờ đờ nhìn Thơ rồi nhắm lại. Có vẽ như chị không nhận ra cô em chồng. Kim Anh nói, giọng lo lắng:
-Má con mới tỉnh lại 3 hôm nay thôi cô. Ngay cả tụi con má cũng chưa nhìn ra. Ăn uống cũng không được, chỉ chuyền nước biển thôi. Bác sĩ nói cứ từ từ má con sẽ nhớ lại, chớ bây giờ họ cũng không làm gì được.
-Thì đành vậy chớ sao hả con. Thơ an ủi cháu. Má con cũng hơn sáu mươi, sức lực đâu bằng hồi trẻ. Để cô nói bác sĩ dùng thuốc nhập cảng tốt nhất cho má con. Hy vọng bệnh sẽ mau lành.


Một tuần sau bệnh tình chị Thiên thuyên giảm rất nhiều. Thơ và các cháu mừng lắm. Vợ chồng Kim Nhung lái xe đưa cả phái đoàn về Cao Lãnh. Đường xá năm nay cũng tốt hơn mấy năm trước. Hai bên đường từ gã ba Trung Lương rẻ về thị xã Cao lãnh được trồng đầy nhãn hột tiêu. Loại này cơm dày và hột nhỏ xíu. Chẳng bù với nhãn hồi xưa cơm mỏng dính, lột ra toàn là nước. Nhưng bù lại ngọt gắt và rất thơm. Có những cây soài đang trổ bông đầy cành. Nhưng cái Thơ mê nhất là hầu như trước sân nhà nào cũng trồng một buội bông giấy màu sắc rực rỡ. Đỏ, hồng, tím, trắng...thỉnh thoảng có cây màu vàng hoàng yến rất lạ. So với những năm trước bảy lăm, thị xã Cao Lãnh lớn hơn gấp nhiều lần. Thơ nhớ đến cái trường tiểu học bên kia bờ sông, đối diện với ngôi chợ cũ. Nơi đó Thơ đã học lớp tư, lúc ba má từ Sàigòn trở về quê sinh sống. Khi Kim Anh ghé chợ mua vài món để về nhà làm cơm chiều, Thơ đi xuống bờ sông nhìn qua bờ bên kia tìm kiếm. Nhưng ngôi trường không còn nữa, thay vào đó là một căn biệt thự khá lớn. Nàng thở dài. Vậy là một phần tuổi thơ của nàng đã vĩnh viễn biến vào hư vô!

Ngôi nhà nền đúc đồ sộ của ông bà nội Thơ đã bị phá bỏ. Thay vào đó là một căn nhà nhỏ, cất trên nền nhà cũ dùng làm phủ thờ. Bên trong chỉ có 3 chiếc bàn thờ bằng gỗ tốt cẩn xà cừ lộng lẫy. Trên bàn thờ bày đầy đủ hình của những người quá cố trong họ, chính giữa là hình ông bà nội. Con cháu ở khắp nơi về, việc trước tiên là đến đây thắp hương và kế đến là đi thăm mồ mả ông bà ở nghĩa trang gia đình. Anh chị Thiên cũng được chia một lô đất gần phủ thờ để cất nhà. Sau bảy lăm, anh chị rất vất vả đưa đàn con từ miền Trung xa xôi về sinh sống tại quê nhà. Dù sao có bà con thân thích cũng dễ thở hơn. Căn nhà ban đầu cất sập xệ, sau nhờ tiền của các em ở ngoại quốc gửi về, anh chị sửa từ từ khang trang hơn lên. Đến lúc tụi nhỏ trưởng thành, lập gia đình rồi tứ tán khắp nơi để mưu sinh, nhà chỉ còn hai mẹ con hủ hỉ. Kim Anh làm ăn khấm khá, căn nhà được thay phòng tắm hiện đại hơn, phòng ngủ có gắn máy điều hòa không khí mát rượi. 

Nằm nghỉ một lát, Thơ bước xuống giường mở cửa sổ nhìn ra khu vườn nhỏ trồng cây ăn trái. Có vài cây soài đang trổ bông trắng xóa, cây mận hồng đào trái màu đỏ bóng lộn, những trái bưởi tròn trịa da màu xanh thẫm ...Buội chuối tiêu ở cuối vườn, trĩu nặng một buồng chuối to, trái đang chín bói. Trong góc vườn có cây mít giống Thái lan chi chít trái. Nghe nói giống này ngon hơn mít Việt Nam rất nhiều. Mà thật lạ, hầu như trái cây nào của Thái Lan, Mã Lai cũng ngon hơn của Việt Nam. Có lẽ tại thổ nhưỡng bên ấy tốt hơn. Có lần đi chơi Mã Lai, Thơ được ăn những trái sầu riêng bản địa nhỏ nhỏ xinh xinh, nhưng ngon tuyệt vời. 
 

Cạnh cửa sổ có trồng cây hoa ngọc lan. Những búp hoa tỏa mùi hương dìu dịu. Hương ngọc lan kéo Thơ lùi về dĩ vãng, những ngày thần tiên hoa mộng của tuổi dại khờ. Thơ chợt mĩm cười, nhớ đến những búp hoa ngọc lan trắng muốt mà Bảo vẫn hái cho nàng. Ôi cái con bé Thơ mới sấp xỉ mười hai tuổi. Ngây ngô và khờ dại. Bảo lớn hơn nàng một tuổi. Ở nhà quê, ảnh hưởng chiến tranh nay tản cư chỗ này, mai chỗ khác nên tuy cùng lớp mà học trò có đủ mọi hạng tuổi. Nhỏ nhất ngồi bàn đầu và những hàng cuối lớp có những anh, những chị ...mười lăm mười sáu tuổi đời! 

Bảo, con Lành và thằng Mạnh là những đứa bạn thân của Thơ ngày ấy. Nhà Bảo chỉ cách nhà Thơ mấy căn. Nhưng ở quê, nhà nào cũng có vườn rộng bao quanh, nên tuy nói mấy căn mà cũng không phải gần. Nhà Bảo có trồng cây hoa ngọc lan nên cứ cách vài hôm là Bảo lại hái cho Thơ cả túi. Thơ đem vào lớp chia cho Hà và Ngọc. Hai đứa bạn ngồi cùng bàn trêu Thơ "nhứt định thằng Bảo thích mày rồi!", nhưng Thơ thì nằng nặc phản đối, tuy trong lòng cũng cảm thấy vui vui. Những lần cả lớp đi dã ngoại, bao giờ Bảo cũng tỏ ra săn sóc Thơ đặc biệt. Bảo đem cho nàng những trái cây tươi nhất, những miếng bánh ngon nhất mặc cho Hà và Ngọc háy nguýt, nhiếc móc...Bảo nhỉ nhe răng ra cười hìhì! 

Đang thả hồn mông lung, tiếng Kim Anh gọi khiến Thơ choàng tỉnh: 
 - Cô ơi, cơm chiều xong rồi. Mời cô ra ăn.
Thơ chải sơ mái tóc rồi đi ra ngoài. Có vợ chồng Kim Nhung, Kim Anh và vợ chồng Thanh, cậu em họ của Thơ. Thanh nghe tin nàng về vội vàng đến thăm và được mời ăn cơm luôn. Cậu ta là người trông coi phủ thờ và chăm sóc nghĩa trang gia đình. Chuyện làng trên xóm dưới gì cậu cũng rành như chuyện trong nhà. Nhìn mâm cơm có món canh chua cá lóc nấu với bông điên điển, cá rô kho tộ với tóp mỡ và dĩa tôm chấy thịt ba rọi Thơ cảm thấy bụng đói cồn cào. Đang ăn, Thanh chợt nói:

- Chị Thơ còn nhớ anh Bảo không? Anh ấy vừa từ Mỹ về thăm bác Năm được 2 tuần rồi. Năm nay bác Năm yếu lắm. May mà có chị Hạnh săn sóc cho bác. Chồng chỉ mới mất cách đây 1 năm, bị ung thư gan.

Nghe tên Bảo, tự nhiên Thơ thấy rất vui. Nàng có cảm tưởng như tìm lại được món đồ quý giá bị mất lâu ngày. Thơ hớn hở hỏi thăm thêm tin tức về Bảo. Thì ra Bảo vượt biên năm tám hai, sau khi đi tù cải tạo 6 năm ròng rã. Đến Thái lan chàng được nhận qua Mỹ ngay sau đó, vì trong quân đội, Bảo có dính dáng đến chiến dịch Phượng Hoàng. Bảo lập gia đình khá muộn nên lúc đi con còn nhỏ. Bảo vượt biên một mình và sau đó bảo lãnh vợ con qua sau. Thanh nói em nghe anh Bảo ở tiểu bang gì đó nóng lắm. Nóng như sa mạc vậy đó. Thư đoán chắc là tiểu bang Arizona. Cơm chiều xong trời bắt đầu sụp tối. Thơ bỗng tò mò muốn biết bây giờ Bảo ra sao. Từ khi theo mẹ ra miền Trung làm ăn, Thơ không bao giờ gặp lại người bạn thời ấu thơ này lần nào nữa. Nghe cô nói muốn gọi cho cô Hạnh, Kim Anh vội bấm số điện thoại. Có tiếng a lô ở đầu giây bên kia. Kim Anh nói:
- Cô Hạnh ơi, con là Kim Anh đây. Chú Bảo ở đó không cô? Có người quen muốn nói chuyện với chú ấy nè.
Kim Anh đưa điện thoại cho Thơ. Tự dưng tim nàng nhảy thình thịch khi nghe một giọng trầm trầm bên kia đầu giây:
- Tôi là Bảo đây. Xin lỗi ai muốn nói chuyện với tôi vậy?
Im lặng một giây Thơ mới lên tiếng, giọng không tự nhiên lắm:
- Thơ đây anh Bảo. 
Bất ngờ đầu dây bên kia có tiếng reo đầy ngạc nhiên và vui mừng:
- Anh Thơ đó hả? Trời ơi, mừng quá!
Thơ cười khẽ, cảm động trước sự biểu lộ tình cảm quá nồng nhiệt của Bảo:
- Dạ, Thơ mới từ Canada về. Không ngờ anh Bảo còn nhớ đến Thơ...

Bảo cắt ngang:
- Quên sao được. Trong đầu Bảo, hình ảnh Thơ ngồi bàn đầu bên tay trái, mảnh mai, trắng trẻo, nụ cười tươi, cặp mắt trong veo không bao giờ phai mờ! Mà Thơ còn nhớ Bảo hả?
Lúc này Thơ đã lấy lại được bình tĩnh, nàng cũng đùa:
- Thì giống như anh. Bảo trong ký ức của Thơ là một anh chàng ốm tong teo, cao ngồng, giọng vịt đực, chỉ được cái mỗi cái núm đồng tiền trên má phải...
- Trời ơi, đến bây giờ Thơ vẫn còn nhớ cái núm đồng tiền trên má anh. Bảo đột ngột xưng anh, nhưng Thơ không thấy bực mà còn thấy...thích. Kỳ ghê! Thơ cười, chống chế:
- Tại anh là đứa con trai duy nhất trong lớp có núm đồng tiền mà. Bây giờ vẫn còn y nguyên chớ hả?
Bảo cười, giọng gạ gẫm:
- Muốn biết thì ngày mai gặp nha. Thơ muốn mình gặp nhau chỗ nào?
Thơ ngẫm nghĩ một chút rồi nói:
- Chỗ cây sung nơi bến đò hồi xưa đó. Anh Bảo còn nhớ không? 
- Dĩ nhiên là nhớ. Nhưng tiếc quá, bến đò xưa không còn nữa, thay vào đó là căn nhà cháu của anh. Con gái chị Hạnh đó. Cháu có cất thêm một nhà mát phía sau nhìn ra sông thơ mộng lắm. Sáng mai 7 giờ mình gặp nhau ở đó nha. Anh mời Thơ ăn sáng. Trời ơi, chắc đêm nay anh mất ngủ quá. Thật tình rất nôn nóng gặp lại Thơ. Lúc này Anh Thơ ra sao? Vẫn trắng trẻo, mảnh mai như xưa?
Thơ cười dòn:
- Thơ mảnh mai chỉ còn trong trí tưởng tượng của anh Bảo thôi. Thơ bây giờ tròn như hột mít. Mai gặp đừng thất vọng nha. Còn anh Bảo có giống cây tre miễu như hồi xưa không?
Bảo trả lời, giọng bí mật:
- Không tiết lộ. Ngày mai gặp sẽ thấy.

Hai người nói chuyện thêm một chút thì Thơ cúp máy. Ở nhà quê mọi người đều đi ngủ sớm. Thơ nằm trăn trở, những kỷ niệm xưa tràn ngập trong đầu. Cuối cùng nàng phải ngồi dậy uống nửa viên thuốc ngủ. Thơ không muốn thức trễ hoặc mất ngủ cả đêm, mặt mày hốc hác, xấu xí. Dù gì cũng là lần đầu... hội ngộ với cố nhân. Rồi thì bản hòa tấu đều đều của lũ ếch nhái ngoài vườn cũng đưa Thơ vào giấc ngủ đầy mộng mị. Nàng mơ hồ nghe có tiếng gà gáy, nhưng ảnh hưởng của thuốc khiến Thơ ngủ luôn tới sáng. Mới 6 giờ mà Kim Oanh và vợ chồng Kim Nhung đã thức. Thơ mở cửa sổ cho ánh bình minh ùa vào phòng. Có tiếng chim hót véo von trong vườn. Buổi sáng trời mát dịu, không khí thơm mùi ngọc lan khiến Thơ nhớ đến cái hẹn với Bảo sáng nay. Đánh răng rửa mặt xong Thơ đi ra phòng ăn. Cả nhà đang ăn sáng. Kim Nhung đang múc từng muỗng cháo đút cho mẹ. Bà Thiên đã hơi tỉnh táo, nhận ra cô em chồng dù chưa nói được. Nhưng ánh mắt bà nhìn Thơ đã có hồn. Thơ cầm hai bàn tay chị dâu bóp nhè nhẹ và dịu dàng chúc bà một ngày bình an, vui vẻ. 

Biết Thơ được mời nên Kim Oanh không chuẩn bị đồ ăn sáng cho cô. Nhưng mùi cà phê thơm phức khiến nàng không nhịn nỗi:
- Oanh cho cô một ly cà phê. Thức dậy mà thiếu thần dược này là cô không làm gì ra trò. Ngày phải đúng 3 ly!
Kim Oanh bưng ly cà phê phin đặt trước mặt Thơ:
- Con biết rồi nên trước khi về đây con đã mua cà phê xay sẵn chánh hiệu Pháp quốc đó cô.
- Con nhỏ này giỏi! Thơ khen - đứa nào có phước mới cưới được cháu cô đó nghe.
- Thôi cô ơi. Con thấy ở vậy sướng hơn, chẳng bị ràng buộc chồng con gì cả. Muốn đi đâu, muốn làm gì cũng chẳng bị ai có ý kiến ý cò phiền phức.
Thơ trêu cháu:
- Nói thì dễ lắm. Cô chỉ sợ lúc gặp người vừa ý con cũng sẽ bất chấp ý kiến ý cò của người chung quanh. Thôi cô đi thay đồ rồi đến nhà con gái chị Hạnh. Kim Oanh chỉ đường cho cô nha.
- Để con dẫn cô tới đó. Gần đây thôi mà. Gặp lại chú Bảo cô nhớ đừng khóc nha cô. hihi
Thơ cười hì hì:
- Cô chỉ sợ chú Bảo khóc vì thất vọng. Cô bây giờ già khằn, xấu xí như ma lem.
Kim Nhung giờ mới lên tiếng:
- Nói thật lòng, con chỉ mong được xấu xí như cô! Nhìn cô ai dám nói cô đã năm mươi. Cô mướt rượt như con gái!

Tuy ngoài miệng nói "mấy đứa chỉ nịnh cho cô vui" nhưng trong lòng Thơ cũng nở hoa. Nàng biết mình không xấu. Tuy nhiên sắc đẹp tùy người đối diện. Người này thấy đẹp, nhưng có thể người kia thấy xấu. Nhưng xấu đẹp thì đã sao? Thơ là Thơ. Bảo thấy nàng đẹp hay xấu cũng không quan trọng. Chàng chỉ là "người bạn thời niên thiếu" thôi mà. 
Thấy cô bước ra, hai đứa cháu đều buột miệng:
- Cô đẹp quá cô ơi. Cháu là đàn ông cũng sẽ mê cô tít thò lò!

Mà thật vậy, trong chiếc quần bó bằng thun đen, chiếc áo ngắn tay màu kem có những nụ hồng hàm tiếu nho nhỏ trang nhã, cổ hở vừa phải làm nổi bật làn da trắng mịn của chiếc cổ thon dài. Gương mặt trang điểm phơn phớt và mái tóc cắt ngắn chấm vai đơn sơ, khiến Thơ như một cô gái mới ngoài ba mươi. Nhờ chăm chỉ tập thể hình nên con người Thơ vòng nào ra vòng nấy. Đôi khi đứng với bé Kim, nhiều người còn không phân biệt được ai là mẹ, ai là con...và dĩ nhiên là từ khi chia tay Khương, ong bướm cũng dập dìu, nhưng Thơ chưa từng rung động trước một ai.


Hai cô cháu đi trên con đường sát bờ sông. Bây giờ hai bên nhà cửa san sát nên không còn nhìn thấy giòng sông như trước. Thuở xưa, mé bờ sông chỉ có cây cối mọc chen chúc chứ không có nhà ở. Từ nhà ông nội đi ra con đường đất, quẹo tay phải là bến đò chú Nhiên. Có cây sung già thân chi chít trái màu xanh ngọc. Cây sung tỏa bóng mát cho những hành khách chờ đò. Dưới gốc sung có cái sạp bán nước uống và vài loại bánh kẹo. Đi xa hơn là ngôi Đình làng cổ kính, tọa lạc gần Vàm sông Cái. Tụi học trò thỉnh thoảng cũng kéo lên đây chơi, vì trong khu vườn có vài cây sa bô chê, lúc chín ai hái cũng được.
Tới trước căn nhà gạch khá đẹp, có cổng sắt kiên cố, Kim Oanh nói:
- Nhà con gái cô Hạnh đây cô. Cô cứ vô chơi. Con phải về vì có khách hẹn. Trưa cô về nhà ăn cơm với tụi con.

Nói xong, Kim Oanh kêu với vào trong nhà. Một cô trạc tuổi Kim Oanh chạy ra mở cổng, tự xưng là Lệ Lan, lễ phép mời Thơ bước vào. Trong nhà bày biện tủ thờ, salon, bàn ăn bằng gỗ quí cẩn xà cừ lộng lẫy, chứng tỏ gia chủ làm ăn khấm khá. Hỏi ra mới biết chồng Lệ Lan buôn bán vật dụng xây cất. Khá là phải, vì lúc này ai cũng thích sửa sang nhà cửa. Lệ Lan đưa thơ đi thẳng ra phía sau. Người đàn ông dáng cao dong dõng, mặc cái áo polo ngắn tay màu xanh dương đậm, đang đứng dựa tay vào lan can, nhìn qua bên kia bờ sông, nghe tiếng bước vội quay lại. Ông ta hoàn toàn xa lạ với cái nhìn đầu tiên của Thơ, tới khi thấy nụ cười khoe núm đồng tiền trên má là Thơ nhận ra ngay người bạn cũ. Bảo bước tới nắm nhẹ hai bàn tay của Thơ, nghiêng đầu ngó nàng giọng đầy cảm xúc:

- Trời ơi gặp lại Anh Thơ mừng quá! Thật không ngờ còn có ngày này. Ngoài sức tưởng tượng của anh!.
Thơ mỉm cười:
- Thơ cũng vui lắm. Hơn ba mươi năm mới gặp lại anh. Cũng vẫn "cây tre miễu" như xưa. Thơ thay đổi nhiều phải không anh?
- Thơ còn đẹp hơn anh tưởng tượng nhiều. Vậy mà tối qua nói giống hột mít. Làm anh cứ tưởng...
- Cứ tưởng sẽ gặp một bà nái xề phải không?
- Nhưng cặp mắt và nụ cười vẫn không thay đổi. Thơ cười là anh nhận ra ngay. Hồi xưa nhiều thằng trong lớp thú thật với anh là tụi nó "mết" nụ cười của Thơ đó. Bé tí mà đã lộ vẻ quyến rũ rồi!
Cả hai cười xòa. Bảo tự nhiên cầm tay Thơ kéo đến chiếc bàn gần đó. Chỉ có hai chiếc ghế mây, với nệm ngồi êm ái. Thơ thắc mắc:
- Chỉ có hai đứa mình thôi sao? Còn vợ chồng Lệ Lan?
Bảo nhìn Thơ với ánh mắt không giấu được vẻ nồng nàn:
- Sáng nay chỉ có hai đứa mình. Vợ chồng Lệ Lan phải ra tiệm.

Bảo cố tình nhấn mạnh "hai đứa mình" khiến Thơ không khỏi đỏ mặt, nhưng trong lòng bỗng nhiên thấy vui vui. Ừ thì hai đứa mình. Vui ít hôm có sao đâu. Rồi ai về nhà nấy, sống nốt kiếp đọa đầy!
Lệ Lan bưng 2 tô bánh canh cua nóng hổi và 2 phin cà phê đặt trước mặt Bảo và Thơ rồi chào:
- Cô Thơ và cậu Bảo cứ ở đây chơi thoải mái. Con phải ra tiệm phụ với chồng con chiều mới về. Thôi con xin phép cô và cậu.
Trong khi ăn Thơ kể cho Bảo nghe hoàn cảnh gia đình mình và hỏi Bảo sao không thấy bà xã về chung. Bảo nhìn ra giòng sông loang loáng nắng, giọng buồn buồn:
- Bà xã anh mất gần bốn năm rồi. Cô ấy bị bịnh tim. Cứ lo làm ăn mãi không chịu đi kiểm tra dù đã thấy sức khỏe không được tốt. Đến lúc bị ngất nhiều lần mới chịu đi khám, thì bệnh đã nặng rồi. Có giải phẩu, nhưng cũng chỉ được hơn một năm thì mất. Anh còn hai đứa con song sinh, một trai một gái. Chúng đang học năm đầu đại học và rất ngoan. Sở dĩ anh về là để thăm má anh. Bà vừa bị trụy tim tưởng chết. Nhưng may quá cơn nguy kịch đã qua. Anh cũng có nghe nói chị hai Thiên bị stroke khá nặng. Chắc bữa nay chị ấy cũng khá rồi phải không Thơ?
Thơ thở dài, giọng đầy xót xa:
- Người lớn tuổi sống trong xã hội này không biết chết nay sống mai ra sao nữa. Thơ từ Canada về là cũng để lo cho chị Thiên. Bữa nay chị ấy hơi tỉnh táo một chút. Chỉ còn một tuần nữa là Thơ phải trở lại Montréal. Bỏ tiệm lâu quá không được. Chừng nào anh Bảo trở về Mỹ?
- Anh cũng còn một tuần nữa thôi. Anh lấy 2 tuần nghỉ thường niên và một tuần nghỉ không lương. Về để còn đi cày nuôi con. Anh bây giờ thân gà trống nuôi con, nhiều khi cũng oải lắm! Mà lạ, càng buồn anh càng nhớ về dĩ vãng. Nói ra không biết em có tin không, nhưng trong rất nhiều giấc mơ, anh thấy mình sống lại thuở còn nhỏ ở đây. Thấy mình tắm lội thỏa thuê trong giòng sông này. Trong giấc mơ có Thơ, Lành và cả thằng Mạnh. Y như ngày xưa. Em có bao giờ mơ thấy giống như anh không Thơ?

Thơ đứng lên tỳ tay vào lan can, đưa mắt nhìn giòng nước lấp lánh dưới ánh mặt trời. Một vài đám lục bình đeo trên lưng những bông hoa tím, lười biếng trôi.
- Không hiểu tại sao em có cảm tưởng như con sông này ngày nay thu hẹp lại rất nhiều. Hay tại ngày xưa mình nhỏ quá nên nhìn vật gì cũng thấy lớn? Em nhớ tụi mình với con Lành, thằng Mạnh lội rất lâu mới tới bờ bên kia. Lội qua đó để hái cây bòng bong mọc dọc theo bờ nước, chà lên người nổi bọt giống như xà bông. Sau đó còn hái trộm mận, bẻ trộm mía rồi lội về bên này ăn với nhau. Vui ơi là vui. 
Bảo cười lớn:
- Có lần thằng Mạnh hái mận nhiều quá, đội cái rổ trên đầu, bơi có một tay suýt chìm theo giòng nước. May có chú Hiến lôi nó lên đò. Hôm đó nó còn bị một trận đòn tơi bời! Giọng chàng bỗng chùng xuống, Mạnh bị mất tích trong trận Hạ Lào. Tội nghiệp nó mới cưới vợ được mấy tháng. May mà chưa có con. Trong thời chiến, sinh mạng con người như chỉ mành treo chuông! Ngày nào cũng có vài ngàn tử sĩ. Anh thật may mắn sống sót cho đến ngày tàn chiến tranh. Tuổi thơ đã qua, nhưng kỷ niệm thì như khắc vào tim không bao giờ phai nhạt.

Thơ cũng cất giọng ngậm ngùi:
- Giòng sông này chứa biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của tụi mình thời thơ ấu. Cũng như anh, Thơ thường nằm mơ thấy nó. Thấy cả cây dừa lửa chú Bảy của Thơ trồng sát bờ sông. Những quày dừa màu đỏ, nước ngọt lịm như pha đường. Cả cái bò thả xuống sông chất đầy chà, cứ hai ba ngày chú bảy kéo lên. Cá tôm cả thúng giạ nhảy soi sói. Thơ còn nhớ những hôm nước ròng, mấy đứa tụi mình chạy đuổi theo mấy con cá nhỏ tí tẹo, có sọc đen rất đẹp. Những con cá này lội nhanh như tên bắn, nên cả bọn vừa chạy theo vừa reo hò vang cả bờ sông mà chẳng bắt được con nào! Nhớ lại vui thật là vui. Thương quá giòng sông chứa đựng cả tuổi thần tiên của chúng mình phải không anh. Dĩ nhiên Thơ chưa bao giờ quên những kỷ niệm đó.

- Sau khi em theo cô chú Tân ra miền Trung, anh cũng mất cả hứng thú đi chơi với bọn thằng Mạnh con Lành. Anh nhớ Thơ rất lâu...rất lâu mới nguôi ngoai. May mà năm sau anh xuống Cao Lãnh học Trung học. Rồi giòng đời cũng trôi như giòng sông. Khi Thơ về đây thăm ông bà nội thì anh lại đang ở Sài Gòn và chúng mình đã không còn cơ hội nào gặp lại nhau nữa. Nhưng chuyện đời bao giờ cũng có những "bất ngờ" thú vị phải không em? Vừa nói Bảo vừa nhìn Thơ, đôi mắt chứa đựng cả một trời thương mến. Tự nhiên Thơ cảm thấy bối rối trước một thứ tình cảm nhẹ nhàng, lâng lâng và ấm áp đang xâm chiếm tim nàng. Thơ cố giữ bình tĩnh, nhưng khi bàn tay của Bảo đặt lên vai nàng Thơ bỗng run lên. Giọng Bảo dịu dàng: 

- Anh chưa bao giờ quên những ngày tháng chúng mình vui đùa bên nhau lúc còn nhỏ. Những kỷ niệm đó nằm thật sâu trong tim anh. Thỉnh thoảng nó lại trồi lên, giống như mình cất một viên kẹo, lâu lâu lấy ra mút. Cảm giác thật là ngọt ngào, hạnh phúc! Anh ao ước chúng mình nối lại tình bạn năm xưa. Biết đâu chừng...Bảo bỏ lửng câu nói, nhưng Thơ hiểu ý của chàng. Thơ im lặng vì không biết trả lời sao cho đúng. 

- Thơ, anh chỉ nói ra tình cảm của riêng anh. Thơ có toàn quyền quyết định. Hai đứa mình còn mấy ngày nữa mới chia tay. Anh muốn Thơ từ từ hiểu anh và nhất là hiểu rõ lòng mình. Chúng ta đã qua cái thời tuổi trẻ bồng bột để có những quyết định vội vàng. Nếu không có gì đi nữa thì chúng mình vẫn là bạn thân, Thơ đồng ý không?

Tất nhiên là Thơ thấy giải pháp này không tệ. Cả hai đã trải qua không ít sóng gió trong cuộc đời. Những hệ lụy đó là những trải nghiệm quý báu. Thứ tình cảm ngây thơ, trong sáng thuở nào dù sao cũng đã trôi vào quá khứ. Thôi thì hai tâm hồn đang cô đơn cứ nối lại tình bạn tưởng đã dứt từ bao nhiêu năm nay cũng tốt thôi. Ít ra là để an ủi nhau, chia xẽ nhau những buồn vui trong cuộc sống. Bắt đầu từ hôm đó Bảo và Thơ đã cùng nhau đi thăm lại tất cả những nơi mà thuở xưa cả bốn đứa thường lui tới vui đùa. Tới chỗ nào hai người cũng nhắc lại đã chơi những trò gì nơi đây, đã ăn những thứ gì ...vv...rồi cười vang, thoải mái và hạnh phúc.


Chỉ còn hai ngày nữa là Thơ phải lên máy bay trở về Montréal. Nàng rủ Bảo đi viếng lại ngôi đình cổ, nơi mà bốn đứa trước kia thường đến hái sa bô chê, vì sáng mai Thơ phải lên Sàigòn sớm. Con đường đất dẫn vào Đình làng bây giờ được lát gạch sạch sẽ. Ngôi đình cũng được tu bổ khang trang, nhờ tiền ở ngoại quốc gửi về cúng đình. Khu vườn sa bô chê ngày xưa nay được trồng thêm nhãn và chôm chôm... Sau khi bước vào trong chánh điện thắp ba nén hương trên bàn thờ Thần, cả hai ra ngoài đi dạo loanh quanh. Không khí mát rượi, yên tĩnh. Chỉ có tiếng chim hót trong các tán cây rậm. Thật bất ngờ, khi đến gần cây sa bô chê già cỗi gần miễu Thần Hổ, Bảo chợt nhớ ra một điều, vội chạy lại khom người quan sát kỹ thân cây. Chàng lặng người đi vì xúc động. Bốn tên Bảo, Thơ, Mạnh và Lành mà chàng đã dùng cái dao nhíp nhỏ xíu khắc vào thân cây ngày nào nay vẫn còn đó. Chẳng những vậy nó còn lớn lên theo sự tăng trưởng của thân cây. Bảo quay lại gọi Thơ đến xem. Nàng cũng không dấu được sự xúc động. Thơ đưa tay sờ lên bốn cái tên mà có cảm tưởng như sờ được tuổi thơ của mình. Nàng rưng rưng nhìn Bảo, muốn nói rất nhiều mà sao cứ nghẹn ngào. Bảo úp bàn tay mình lên tay Thơ, mắt nhìn nàng đắm đuối:
- Thơ không thấy đây là dấu hiệu của định mệnh hay sao? Tên hai đứa khắc ở đây, bao năm qua vẫn còn đó. Anh cho rằng cuộc đời hai đứa mình không nên chia lìa nữa.
Thơ cười, cố giấu vẻ bối rối:
- Anh giải thích có lợi cho mình quá há!
- Không phải sao. Tự nhiên Thơ và anh về cùng một lúc. Cả hai đứa mình cùng ray rứt nhớ đến giòng sông của tuổi thơ đầy kỹ niệm... Đang nói, Bảo bỗng choàng tay ôm Thơ sát vào lòng, dịu dàng hôn lên trán rồi thì thầm ... mấy ngày qua anh thấy Thơ cũng không đến nỗi lạnh nhạt với anh, phải không?

Thơ bất ngờ bị ôm hôn không khỏi giật mình bối rối, nhưng hơi ấm từ người Bảo khiến nàng cảm thấy thật dễ chịu, ngất ngây. Thơ chỉ còn đủ sức đưa mắt nhìn Bảo và...gật đầu. Không để mất một giây, môi chàng đã gắn liền môi Thơ đang hé mở. Nụ hôn dài, nồng nàn khiến cả hai trái tim đập rộn ràng. Lúc Bảo buông ra, Thơ phải tựa vào cây sa bô chê mới đứng vững, đôi má đỏ hồng. Bảo cười khẽ, ngón tay vờn trên đôi môi của Thơ:
- Chưa bao giờ anh thấy Thơ đẹp như lúc này. Thơ ơi, anh có đang nằm mơ hay không? Nếu là mơ thì chính là giấc mơ đẹp nhất đời anh. Được em yêu là hạnh phúc lớn nhất mà anh chưa bao giờ có.

Trước những lời tỏ tình chân thành của Bảo, Thơ vừa cảm động vừa thẹn thùng, chỉ biết ngước cặp mắt đầy thương yêu nhìn chàng. Hai người cứ đứng như thế, tay trong tay, lắng nghe tiếng lòng dạt dào, tựa như giòng sông ngoài kia đang êm đềm chảy. Bảo và Thơ phải nhớ ơn giòng sông, dù có sống cách xa vạn dậm...Nhờ nó mà hai người có với nhau biết bao kỷ niệm đẹp.

Kim Oanh mời Bảo đến dùng bữa cơm chiều với gia đình. Suốt bữa cơm, dù cố che dấu nhưng vẫn không qua mắt được một ai, vì hai chữ hạnh phúc hiện lồ lộ trên mặt hai người. Kim Oanh nói tỉnh bơ:
- Cô ơi, khi nào cô và chú Bảo làm đám cưới nhớ báo tin cho tụi cháu biết đó nha.
Thơ mắc cở, vói tay qua giả bộ cốc đầu Kim Oanh "Con nhỏ nhiều chuyện!" nhưng mắt lại nhìn Bảo đầy âu yếm.
Bảo cười cười và chậm rãi nói:
- Dĩ nhiền rồi. Các cháu không đợi lâu đâu. Phải không Anh Thơ?

Tiểu Thu
Mùa hè 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét