Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

"Gió Đưa Cây Cải Về Trời..." Và Những Câu Chuyện.


        Trong kho tàng ca dao việt Nam chúng ta, không thiếu gì những câu mang tính thời sự, lịch sử...

Nói về lính thú có:                             
Thùng thùng trống đánh ngũ liên,
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa ...
Làm xâu :
Lấy chi mà trả ái ân,
Lấy chi mà nộp công ngân cho chàng ?
Phần thì quan bắt đắp đàng
Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu ...

Hay tiếc cho người con gái đẹp như Huyền Trân Công chúa
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng mán thằng mường nó leo  ...

Mỗi khi nhìn thấy những câu ca dao thế này, tôi luôn nhớ đến đến câu:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
Câu ca dao mà cách nay hơn 50 năm, vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, có lần tôi được thầy dạy  kể lại câu chuyện liên quan, có thể nói là nguyên nhân hình thành câu ca dao này. Trong thời gian gần đây tôi được biết thêm vài câu chuyện về nguồn gốc của câu trên.

1 / Câu chuyện thứ nhất:

Đây là câu chuyện tôi nghe kể từ thuở còn đi học
:

     
        Dựa vào thế lực của người Pháp và Xiêm La, Nguyễn Ánh đánh tan triều đình Tây Sơn, lập nên triều đình nhà Nguyễn.
        Một cuộc trả thù tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam được bắt đầu.
        Tất cả người trong gia đình từ vua đến quan cũng như bà con thân tộc bất kể già trẻ bé lớn của Tây Sơn bị bắt, hay bị chiêu dụ ra hàng, đều bị hành hình một cách man rợ, như lăng trì ( gọi nôm na là tùng xẻo, cứ một tiếng trống thì cắt một miếng thịt, cứ như thế cho đến khi tù nhân chết mới thôi), hay ngũ voi phân thây ( giống như ngũ mã phân thây, cột tứ chi và cái đầu vào 5 con voi, sau đó đuổi voi chạy 5 hướng, thân thể bị xé làm 5 mảnh).
         Đối với người đã chết như vua Quang Trung, Thái Đức...Gia Long cho đào mồ đốt tan xương cốt, cho vào súng đại bác bắn để không còn vết tích.
         Chỉ duy nhất có Hoàng phi Lê Ngọc Bình vợ của vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) vốn là công chúa con vua Lê Hiển Tông nên được tha chết. Tuy nhiên cũng bị bắt phuc thị cho vua Gia Long nơi hậu cung.
        Có lẽ thương cho hoàn cảnh của Bà nên mới có câu ca dao:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
        Ý ví vua Quang Toản là cây cải còn thân bà Hoàng phi như rau răm.
x X x

2 / Câu Chuyện Thứ Hai ( theo http://e-cadao.com ) 

        Ông Bút Chì ở tòa soạn đã giải thích (Làng Văn 26, trang 94), tôi xin đi sâu vào chi tiết hơn nữa:
Sách Việt Nam Phong Sử của Nguyễn Văn Mại (tủ sách Cổ Văn, phủ Văn Hóa, Sài Gòn 1972, trang 126), do Tạ Quang Phát phiên dịch, ghi như sau:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

 "Thơ phong sử này thuộc tỷ. Cải rau cải có thể làm dưa, tháng mùa đông bắt đầu gieo hột mà trồng. Trời, thiên triều, triều nhà Thanh bên Tàu. Nước ta trải các đời đều chịu triều đình Trung Quốc phong cho, cho nên gọi Trung Quốc là thiên triều. Răm, thứ rau có vị cay, mọc ở chỗ đất thấp. Theo Sử ký, Nguyễn Thị Kim, người ở làng Tỳ Bà, huyện Lương Tài, là cung phi của vua Lê Mẫn Đế.

Lúc ấy quân Tây Sơn chiếm cứ thành Thăng Long, vua Lê Chiêu Thống và Hoàng Thái Hậu với cung phi chạy lên Cao Bằng, nếm mọi nỗi đắng cay.

"Đến khi vua Chiêu Thống sai người sang cầu cứu với nhà Thanh thì trước hết bí mật khiến người hộ tống Thái Hậu và Nguyên Tử (con trai trưởng của vua) đi sang Tàu.

"Còn Cung Phi Nguyễn Thị Kim đi theo không kịp, phải buồn hận trở về, âm thầm ẩn tránh trong dân gian lo việc làm ruộng nuôi tằm, dệt vải để sống bằng sức lực của mình.

"Ngày xưa sống với phấn sáp cung trang, ngày nay nàng trở thành người đàn bà quê với áo vải hoa gai, vua thì chạy đi, nước thì tan mất, nỗi đắng cay không xiết được, cho nên làm thơ phong dao để tự ví mình.

 Cải, là thứ rau có vị đắng, ví với Thái Hậu

Rau răm cũng có vị đắng, ví với Cung Phi

 “Ý nói là Thái Hậu đi xa sang Thiên Triều chưa biết kham khổ ra sao. Một mình Cung Phi ở lại trong đất giặc chiếm đóng phải chịu những nỗi cay đắng ấy. Đấy cũng là lời than thở.

“Về sau vua Chiêu Thống ở Yên Kinh bị bịnh mà chết.

Sau khi lấy được nước và định quốc đô, Triều Nguyễn ta xin nhà Thanh đưa linh cữu vua Lê Chiêu Thống về nước.

"Cung Phi Nguyễn Thị Kim đến trước linh cữu lạy khóc rồi uống thuốc độc mà chết. Thương thay! Trung thần liệt nữ từ xưa đều thế” (trích dẫn nguyên văn).

3 / Câu Chuyện Thứ Ba:
 

        Tôi có một người bạn trong dịp đi du lịch ngoài Côn Đảo, khi về  kể lại câu chuyện liên quan đến nguồn gốc câu ca dao:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay
        Câu chuyện đó nói về bà vợ của Nguyễn Ánh là bà Răm và đứa con trai tên là Cải. Thật ngạc nhiên, tôi không đồng ý vì cho rằng Nguyễn Ánh không hề ra Côn Đảo thì làm gì có chuyện này.
        Anh bạn quả quyết những ai đã có dịp ghé thăm Côn Đảo, đều được hướng dẫn vào thăm một ngôi miếu, ở đó, các hướng dẫn viên kể một câu chuyện và giới thiệu nơi đây đang thờ một bà vợ của vua Gia Long. Một  câu chuyện bi thương của một người phụ nữ tài sắc tên là Răm !. 
        Tức mình, tôi lên mạng internet để tìm hiểu. Quả thật, có rất nhiều trang web kể câu chuyện tương đối giống nhau như sau:

        Đó là vào năm 1783, sau khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh mang cả vợ con cùng  đoàn tùy tùng của mình chạy ra đảo Côn Sơn ( Côn Đảo) . Nguyễn Ánh dự định gởi con cả là Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm là vợ thứ của Nguyễn Ánh đã can ngăn chồng, đừng làm việc “ cõng rắn cắn gà nhà”. Nguyễn Ánh chẳng những không nghe lời khuyên của bà mà còn tức giận nghi bà thông đồng với Tây Sơn nên định giết bà, nhưng nhờ quân sĩ can xin ( !) nên Nguyễn Ánh nhốt bà vào một hang đá trên đảo; về sau ngọn núi tại đây  được gọi là núi Bà . Ít lâu sau, Nguyễn Ánh rời Côn Sơn, bấy giờ có một hoàng tử tên là Cải, còn  có tên là hoàng tử Hội An, con của bà Răm mới 4 tuổi đòi mẹ đi theo cùng. Trong cơn tức giận, Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ông.,  được dân làng mang  chôn cất tử tế.  Bà Phi yến sau đó được một con vượn và một con hổ cứu  ra khỏi hang và về  chung sống với dân làng . Một lần, sau khi bị kẻ xấu xúc phạm, bà đã tự tử để thủ tiết với chồng…! (*)

Kết Luận.
 


 Miếu bà Lê thị Răm ở Côn Đảo, một cái miếu trông rất tầm thường. Cũng như câu chuyện hoàn toàn sai lệch. Sử sách đã chứng minh Nguyễn Ánh không hề đến Côn Đảo hay có bà phi nào như bà Răm trong câu chuyện trên.
        Mặc dù đã có rất nhiều bài báo cải chính về giai thoại này, nhưng hướng dẫn viên du lịch vẫn say sưa kể lể cho du khách nghe, cũng như nhiều trang web dùng câu chuyện này chứng minh cho sự ra đời của câu ca dao trên.
        
Chưa biết còn có câu chuyện nào khác hay không? Nhìn lại ba câu chuyện trên, nếu được phép chọn lựa hay bỏ thăm xem mẫu chuyện nào hợp lý nhất, tôi sẽ đồng tình và ủng hộ câu chuyện của công chúa Lê Ngọc Bình. Thứ nhất vừa khớp với lịch sử, thứ hai đúng với tình lẫn ý của câu ca dao.   
        Một câu ca dao thể ví thật sâu sắc, đậm đà tình cảm. Khi đọc đến, mọi người đều mường tượng đến cảnh người chồng chẳng may xa lìa nhân thế, bỏ lại người vợ chịu đựng với muôn ngàn khó khăn, cay đắng.


Huỳnh Hữu Đức
---------

(*)         Theo sách Nguyễn Phúc Tộc thế phả, Nguyễn Ánh có tất cả 21 bà vợ và 18 hoàng tử và 18 hoàng nữ, nhưng không thấy ai có tên là Răm hay Cải (Hội An) cả . Hơn nữa, Nguyễn Ánh sinh năm 1762, năm 1775 theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Nam  trước  sự truy đuổi của quân Trịnh, lúc ấy Nguyễn Ánh mới chỉ là cậu bé 13 tuổi !Không có tài liệu nào nói Nguyễn Ánh đem theo một bà vợ nào trong khi chạy trốn cả.  Trong thời gian bôn tẩu, Nguyễn Ánh chưa ban tên thụy cho một ai, bởi lý do đơn giản là ông chưa phải là vua, vì thế không thể có chuyện ông đã ban tên thụy là Phi Yến cho bà Răm  được. Theo tác giả Đinh Văn Hạnh, nguyên Giám đốc Sở VHTT- BRVT trên một bài viết cũng phổ biến trên tạp chí Xưa và Nay đã chứng minh rằng: Nguyễn Ánh chưa bao giờ đặt chân đến Côn Đảo, mặc dù sự kiện Nguyễn Ánh đến tá túc tại Côn Đảo đã được các nhà viết sử nhà Nguyễn chép lại nhưng lại ghi thêm  là “ chỉ nghe kể chép lại “ !:

      “Sự nghi ngờ về sự kiện lịch sử ghi trong "Đại Nam thực lục" đã có từ những năm 40 của thế kỷ trước. Thời điểm đó tạp chí Tri Tân đặt ra tranh luận và giải quyết ( số 67-7 Octobre 1942)…Họ đã đưa ra được những chứng cứ thuyết phục, kể cả việc phủ nhận tên gọi núi Chúa ở Côn Đảo không liên quan gì đến Nguyễn Ánh cả. Nhưng các tác giả trên tạp chí Tri Tân cũng chỉ là người  đi sau. Sự nhầm lẫn của các sử gia triều Nguyễn chép lại quá trình bôn ba của Nguyễn Ánh đã được sử gia người Pháp Ch. Maybon đính chính rất rõ ràng trong cuốn Histoire moderne du pays d’Annam, 1582-1820 ( Paris. Plon, 1919 ), rằng đảo Côn Lôn vốn chỉ được "nghe kế chép lại" trong "Đại Nam thực lục" chính là đảo Cổ Long ( Koh Kong ), một hòn đảo nhỏ nằm phía biển Campuchia, gần vùng biển Hà Tiên – Phú Quốc chứ không phải đảo Côn Lôn - Côn Đảo mà mọi người đã biết- đây chỉ là sự nhầm lẫn khi chuyển chữ Koh Kong sang Hán tự. Trong gần 10 năm bị Tây Sơn truy lùng gắt gao nhất, Nguyễn Ánh chưa từng và cũng không thể đủ sức chạy ra Côn Đảo. Đến khi binh lực lớn mạnh thì ông lại bận rộn với việc truy kích quân Tây Sơn đến tận Phú Xuân và ở đó làm vua cho đến lúc qua đời mà chưa một lần đến Côn Đảo…” (http://sachxua.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét