Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Đôi Giày Bata


      Đôi giày đầu tiên tôi mua năm 1954, năm tôi vào Đệ thất công lập sau kỳ thi tuyển khá gay go.  Hai tỉnh Vĩnh Long Sa Đéc gần ngàn thí sinh, trường chỉ chọn một trăm tuyển sinh chánh thức thêm năm người dự khuyết. Ngày tựu trường tôi cũng như bao học sinh miệt vườn khác, quần áo lè phè, guốc vông lộp cộp đứng sắp hàng chọn lớp. Lúc bấy giờ quý vị Giám thị mới cho biết là tất cả học sinh trường Trung học Nguyễn Thông phải đồng phục: nữ áo dài trắng, quần đen hay trắng; nam áo sơ mi, quần tây, áo phải  bỏ “vô thùng” đàng hoàng, chân mang giày cho ra vẻ học trò trung học. Phải nói rõ như thế để quý bạn biết là vì nhà trường bắt buộc nên tôi mới mua giày để đi học chứ không phải là phần thưởng của ba má tôi tặng cho.  Ba má tôi quan niệm giản dị: đi học thì phải thi đậu, rớt đồng nghĩa với việc tự ý nghỉ học do vậy không có gì phải thưởng cả.! 

      Tự lên nhà trọ, với số tiền nho nhỏ trong  túi để vừa mua sách vở, quà bánh, nay thêm đôi giày nữa khiến tôi phải đắn đo không ít. Giày vớ, đối với tôi quá lạ lùng và mới mẻ. Kể từ khi biết đi lững chững không nghe mẹ kể là đã mua giày vớ cho tôi, chắc là không có rồi!  Sáu tuổi bắt đầu đi học thì cứ chân đất như bao trẻ khác trong xóm. Tối đi ngủ tôi mượn tạm đôi guốc của ba, hay bất cứ của ai trong gia đình rửa chân sạch sẽ rồi leo lên giường. Đôi khi quên hay làm biếng, tôi chỉ làm vài động tác lếu láu bằng cách đưa chân ra ngoài chà xát cho sạch đất, cát rồi  chui vô mùng ngủ. Cũng xong.
      Tôi tới lui nhiều tiệm hy vọng tìm đôi giày mình ưng ý mà giá nhẹ nhàng. Có những đôi giày da, giày săng đan rất quyến rũ, nhưng đắt quá nên tôi lủi thủi tìm tiệm bình dân. Kìa một sạp ngoài trời bán đủ đồ học sinh kể cả dép, giày Bata, tức loại giày thể thao. Trong số đó có đôi màu “ dà”( đỏ sậm ) tương đối rẻ. Người bán, anh Chệt, luôn tô hồng chuốt lục: nào là tất cả học sinh đều mang giày loại này vừa tiết kiệm, khỏi phải đánh phấn hay si-ra, lâu lâu chỉ việc giặt phơi khô  rất tiện. Tôi cũng có ý chọn nó vì hợp với túi tiền, mặc dù tôi biết nếu mang vào tôi giống với những ông Bắc Kỳ di cư.  Nhưng thôi kệ, đời ta ba đời nó lo gì!.
      Từ ngày có đôi giày tôi luôn khổ tâm với những bình phẩm của các bạn ngồi gần như: “giống mấy anh Bắc Kỳ thứ thiệt, hơn nữa còn mang dáng vóc của chú chệt bắt heo”. Rồi hắn dẫn chứng là mới hôm qua nhà hắn bán heo, ông chệt mang đôi giày y chang giày của tôi..  Tôi làm thinh chịu trận, nhưng bụng cảm thấy tức, phải chi mình thêm năm bảy đồng nữa bây giờ không bị mấy thằng bạn cà chớn chọc tức thế này.


      Về nhà trọ, giang sơn của tôi là một phần của bộ ngựa vừa làm nơi ngủ, học và làm bài. Nhà chật, đông người, buổi chiều tới lúc đi ngủ, tiếng ồn ào huyên náo giống như cái chợ nho nhỏ mãi chín giờ tối cảnh náo nhiệt mới giảm dần.  Bấy giờ là thời gian để tôi làm bài và học bài. Muốn tiện nghi hơn cũng không thực hiện được. Ở tỉnh nầy gia đình tôi chỉ quen nhà bà dì.  Bà là chị họ của má tôi, nhà nghèo, đông con, nhưng tốt bụng.  Tôi ở trọ chỉ đóng chút ít tiền mua thức ăn, gạo thóc tôi mang đến mỗi tháng. Các anh chị trong nhà ai cũng tốt với tôi. Ông dượng quanh năm đốn củi hoang bên cồn về bán lấy tiền. Bình thường dượng ít nói, chỉ khi nào nhậu hơi xỉn dượng mới lèn èng. Một hôm không biết bực tức điều gì, nhè tôi ông trút giận, ông nói những điều khó nghe.đã vậy ông còn bắt tôi phải xuống ngang Bệnh Viện đội mớ củi me ông bửa sẵn đem về nhà.  Tôi uất ức quá độ, ở trọ có đóng tiền, sao lại bắt tôi làm những việc như người ăn kẻ ở. Tôi toan phản đối, nhưng nghĩ tội nghiệp cho dì nên nhịn.  Công việc không có gì khó, tôi từng xay lúa, giã gạo, nhưng vào lúc nầy, lúc đã nhổ giò, bắt đầu để ý đến bạn khác phái, biết e thẹn khi đứng gần phái nữ. Đội củi khiến tôi mất mặt. Tôi bất đắc dĩ phải làm, bụng ấm ức không vui. Để tránh gặp mặt bạn bè quen biết, tôi vác cần xé củi một bên vai lầm lũi rảo bước, thầm vái van đừng gặp ai quen. Nhưng vừa tới ngã tư Phan Thanh Giản và Võ Tánh trên đường ngược chiều, bên kia lộ, một cô gọi tôi rối rít:
      - Anh Văn, Anh  Văn…
      Tấn thối lưỡng nan, tôi toan giả đò như không nghe đi luôn nhưng tiếng gọi quá quen nên đành dừng lại, để cần xé củi xuống xem ai gọi. Cô gái mừng rỡ:
      - Đúng là anh rồi, vậy mà em ngỡ mình lầm với ai khác.
      Tôi đưa tay áo chùi mặt cho bớt mồ hôi và xiết bao mừng rỡ khi biết người gọi mình là Hương, cô bạn chung lớp ở bậc Tiểu học, đã ra tỉnh gần năm nay. Tôi vừa ngượng nhưng vẫn lộ nét mừng vui, pha chút cà riễu:
      - Hương mà anh cứ ngỡ tiểu thơ nào.
      - Anh ở gần đây không? Em hỏi thăm mấy nhỏ bạn như Xuân, Sương nhưng không ai biết anh ở đâu cả.
      - Anh vào học mấy tháng nay, có ghé chị Ba thăm em nhưng không gặp thành thử không biết em ở đâu mà tìm. Em cho anh địa chỉ nhà trọ để khi rảnh anh đến thăm. 


      Từ giã Hương tôi đi thẳng về nhà như trốn chạy. May là Hương nếu người khác chắc Văn khó xử hơn. Hương từng đến nhà Văn nhiều lần, Hương đã thấu hiểu tình cảnh của chàng. Về tới nhà trọ, Văn quăng cần xé củi trước sân, mặt kém vui, lúc nầy nếu ai trêu ghẹo chắc chắn Văn sẽ không nhịn nữa. Cũng may, mọi người đều đi vắng, bây giờ Văn lờ mờ hiểu: vì không còn ai nên Văn bắt buộc phải làm việc vác củi. Thấu hiểu lý do của sự việc khiến chàng như trút bỏ những ấm ức trong lòng.  Chàng thay đồ, tắm rửa và không quên giặt đôi giày cho sạch sẽ. Văn cẩn thận phơi nó ở phía sau rồi đến nhà Tôn cùng học bài, làm bài và đấu láo. Văn nghe tâm hồn thư thái, những lời săn đón, lo lắng của Hương khiến chàng thấy ấm áp, yêu  đời.
      Tôn ở với ông cậu làm Trắc Họa Viên, nhà rộng mênh mông, Tôn và cậu ăn cơm tháng, cậu Năm của Tôn đi đo đạc suốt ngày, hôm nào không ra ngoài ông cặm cụi vẽ họa đồ. Đến chiều Văn từ giã bạn về nhà. Gần khuôn viên trường Văn thấy chú Năm xích lô, người hàng xóm đang lớn tiếng cãi cọ với ông khách mặc đồ sang trọng, chàng không bỏ dịp may đến tận nơi xem việc gì xảy ra. Chàng nghe một đoạn của câu chuyện như sau:
      - Vào Nam Chính phủ chỉ cấp cho chừng ấy tiền, nhận hay không tùy. Ông khách toan đi thẳng vào cổng trường.
      Chú Năm  thường chuyện trò với Văn mỗi khi rảnh nên chàng biết chú là lính Nhảy Dù trong quân đội Pháp, giãi ngũ không lâu, chú rất tốt, hay giúp đỡ kẻ yếu nhưng phải cái tật “du côn” ai hiếp đáp, chú thường nói chuyện bằng chân tay. Ông khách đi xe chú ăn mặc lịch sự nhưng có vẻ húng hiếp người. Ông vừa đi được vài bước, chú Năm rất lẹ, tiến đến trước mặt ông hỏi gay gắt:
      - Ông trả hay không, nói đi?
      Ông khách vẫn cứng cỏi
      - Số tiền ấy đủ rồi.
      Chú Năm dang cánh tay vạm vỡ nắm chặt áo ông khách tay kia toan tung quả đấm. Bây giờ ông khách  phát hoảng la lên:  Tôi trả …Tôi trả.
      Màn kịch hay kết thúc, chú Năm còn bồi thêm mấy câu cho hả tức:
      - Ê nhớ kỹ, đừng hòng lường gạt thằng nầy. Nghe chưa?!
       Văn về nhà, trời cũng vừa tắt nắng, việc đầu tiên chàng ra phía sau đem đôi giày vô để hôm sau còn mang đi học. Văn tìm khắp mọi nơi mà không thấy chả lẽ gió thổi bay xuống vũng nước đọng sau hai dãy nhà đâu lưng màu đen ngòm, mùi hôi xông lên nồng nặc kia sao? Văn bối rối: tiền đâu mua đôi giày khác, dì đi vắng; nêu có dì ở nhà chưa chắc dì sẵn tiền hay là đến chị Ba Thảnh ở Cầu Lộ, người cùng xóm mượn tạm tuần sau về nhà xin tiền trả. Bất đắt dĩ đành đến tìm Hương mượn tạm ít chục đồng. Văn cảm thấy ngượng ngùng khi nghĩ đến việc hỏi mượn tiền Hương, mặc dù chàng biết Hương rất thông cảm và sẵn lòng.
      Văn vừa ra khỏi nhà thì anh Mười con Dì Năm cũng về tới, mồ hôi nhuễ nhại, anh cho biết là mượn tạm đôi giày của tôi đá banh chiều nay. Tôi vừa mừng, vừa giận, mừng vì khỏi đi mượn tiền, giận vì anh ấy quá ngang tàng, mượn đồ của mình mà không thèm hỏi. Người trong nhà chả lẽ mình hành động giống chú Năm ban chiều?.
          Đôi giày Bata của tôi không còn là đề tài nóng bỏng để các bạn trêu chọc nữa, giả sử không việc gì xảy ra sau đó, có lẽ tôi đã quên mất là tôi từng có đôi giày bata theo kiểu Bắc kỳ. Hôm đó, tới giờ Anh văn, lớp học khá nóng nực, tôi  cởi một chiếc giày cho mát, chẳng may, thầy gọi lên trả bài, tôi loay hoay tìm chiếc giày mang vô, tìm mãi không thấy. Một phút trôi qua, thầy có vẻ giận, ông gọi tên tôi lần nữa. Hoảng quá, tôi xách tập chạy lên, trong trạng thái một chân mang giày, một chân không. Ông thầy không để ý đến bộ dạng của tôi lúc đó. Thầy chỉ hỏi tôi thuộc bài không mà lâu lắc thế. Trả bài xong tôi toan về chỗ, thình lình một tiếng ồ lớn của dãy bàn bên phái nữ. Thầy hỏi chuyện gì?
       Một chị bạn trả lời:
      - Không biết ai quăng chiếc giày vào tụi em
      - Đâu nào? Ai  quăng chiếc giày? Không tiếng trả lời
      Có lẽ thầy biết đây là màn chọc phá của đám  học trò, thầy dịu giọng.
      - Ai mất giày thì đến lấy.
      Tôi  nghi đó chính là chiếc giày của mình. Quả không sai. Tôi thẹn thùng đến nhặt chiếc giày mang vào chân. Thầy nói như giải hòa:
      - Học hành không lo, nếu còn tái diễn tôi sẽ phạt.
      Tôi về chỗ ngồi, mong cho mau hết giờ để tìm cho ra thủ phạm. Tôi hỏi nhưng mấy thằng bạn ngồi gần đều chối leo lẻo. Tôi rủa độc:
      - Thằng nào phá tao có ngày sẽ gãy chân cho hết mang giày. 


      Câu chuyện đôi bata “ Bắc Kỳ “ đi vào quên lãng. Thời gian qua nhanh, mới đó mà chúng tôi đã ra trường, mỗi đứa một ngành nghề tung ra bốn phương tìm sinh kế. Một hôm vào dịp nghỉ Tết, tôi tình cờ thấy trên báo đăng tin rớt máy bay, anh phi công tên Đinh Th. N, tên  giống như tên thằng bạn ngồi bên tôi năm nào, tôi chạy tìm mấy đứa bạn cùng tỉnh hỏi tin tức về N. Đúng là N. bị tai nạn máy bay gãy chân, may mắn sống sót. Mừng cho bạn, nhưng tôi chợt hối hận nhớ lại năm xưa thời còn cắp sách, N. thường đá dép, giấu giày chẳng những của tôi mà còn của các bạn ngồi gần, N. nhận những lời rủa sả độc địa, vẫn cười thoải mái không bao giờ để ý. Phần tôi, tôi hối hận tự nhủ: Chả lẽ những lời rủa sả lại linh ứng như thế sao? Tôi hứa là sẽ cẩn trọng lời nói để khỏi làm hại người khác. Giờ đây gẫm lại tôi chợt phì cười, nếu lời thề thốt rủa sả mà linh ứng chắc ngày nay tôi không có mặt  tại xứ này


Viết xong July 15, 2013 

Nguyễn Thành Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét