( Nhân Viên Lao Công của Trường Tống Phước Hiệp)
Ông thương và quý trọng tôi lắm vì tôi đối với ông cũng như vậy. Nhớ lần Má tôi từ quê nhà tận Long An xuống ghé vào trường để biết nơi tôi làm việc, lúc đó tôi mới dạy được một năm, cũng đã hai mươi bốn tuổi rồi. Khi ông vào trước cửa lớp cho hay, tôi hết hồn luôn vì Má không báo trước. Sau khi cho học trò tự làm việc, tôi cùng ông xuống lầu ra cổng đón Má tôi. Cũng vẫn chiếc nón lá với chiếc giỏ xách nhà quê, có điều bộ quần áo tươm tất hơn lúc ở nhà. Má tôi đang ngồi trên ghế của ông Bảy đợi tôi kề bên cổng nhỏ.
Tôi xách giỏ của Má như hồi nào ở nhà theo người đi chợ và cùng bước trên con đường có hai hàng cây mà sau nầy tôi thường nghe học trò ưa nhắc lại, lối đi này để vào phòng hành chánh, giới thiệu cùng Hiệu trưởng và đồng nghiệp, anh chị em văn phòng. Mấy hôm sau những học trò nhìn thấy cảnh đó ưa ghẹo tôi, khi các em nhắc lại hình ảnh "hai mẹ con của thầy cùng đi trên con đường nhỏ vào trường trông giống như ngày đầu tiên trong đời thầy được mẹ dẫn xách giỏ thay vì cắp cặp sách đến trường".
Học trò đã quá yêu quý tôi hơn những gì tôi có. Má tôi lúc ra về đến cổng nhỏ chào ông Bảy rồi quay lại rầy một câu "Sao má thấy trong trường có những người lớn tuổi hơn con, mà chẳng có ai để râu như con hết". Trưa hôm đó về chỗ trọ tôi đã cạo râu, nhưng khi nhìn vào gương tôi lại thấy người nào đó không phải là mình.Thế mà cả tháng sau tôi mới dám soi gương và lúc đó thấy đúng là mình, rồi tôi không nghe lời Má chuyện râu ria nữa.
Có những học trò còn chờ chủ nhà quay gót, để kiếm hoa đặt trên bàn thầy cô hay do thức khuya ôn bài nên đến trường trễ. Các em chờ ông Bảy mở cổng nhỏ cho thầy cô vào là lanh chân cuốn theo chiều gió vào trong sân trường, chưa thấy ông giơ tay chặn lại đứa nào.Vậy mà có đứa lại quên ông, nhưng hầu hết chắc vẫn còn nhớ.
Nhớ mỗi tháng về thăm nhà gởi tiền lương và tiền dạy thêm ở trường Long Hồ, Nguyễn Trường Tộ, Bán Công Nguyễn Thông để phụ nuôi các em cùng với Má, người thường hỏi tôi lúc sống ở Vĩnh Long có ăn thịt chó, mèo, trâu hay không? Tôi đã nói dối là không, trong khi tôi có bạn kết nghĩa là “Bé Chùa” ở Kho Dầu Cũ , món gì các bạn ăn được là tôi sực được ngon lành không thua kém, lại còn nhậu rượu đế nữa. Má tôi giờ đã chín mươi hai tuổi mà còn khỏe và sáng suốt, mỗi ngày 5g30 sáng là tôi chở đến Chùa Tịnh Xá bằng xe Honda hai bánh, trưa 11giờ rước về, công quả như vậy chắc cũng được bớt đi phần nào tội không nghe lời và nói dối và còn nhiều tội khác nữa của tôi đối với người.
Chắc chưa học sinh nào thấy ông Bảy một mình vác trên vai chiếc bàn học dính liền với ghế bằng gỗ to lớn? Chiếc bàn chắc có mặt cùng thời với trường, mang trên đó biết bao nhiêu là kỷ niệm dấu ấn của nhiều thế hệ học trò. Ông mang ra hành lang để sửa chữa hoặc phân phối qua các phòng học khác để chuẩn bị khai giảng niên khoá mới.
Trông ông như tượng đồng nâu sẫm hằn những nếp nhăn trên mặt, lại thêm cặp kiếng dày cui với đôi gọng lặc lìa. Hồi đó tôi cũng có tự rèn luyện Thái Cực Đạo mỗi sáng sớm bằng đường quyền cùng với bao da, bao cát và trụ đấm, thể lực cũng tốt mà không thể nào rinh bộ bàn khỏi mặt đất huống chi tự đặt lên vai như ông Bảy đã làm năm này qua năm khác. Tôi chợt nhớ có lần dạy ở trường Nguyễn Trường Tộ, khi giở tập một nam sinh ngồi bàn cuối để kiểm tra xem có ghi bài hay chưa, chợt em sờ vào mu bàn tay phải của tôi rồi hỏi "Sao tay thầy bị chai đen vậy thưa thầy?". Tôi giật mình giấu tay phía sau lưng và giải thích theo phản xạ "Không biết sao thầy bị hai mụt cóc ở ngay chỗ hai gu bàn tay đó, giờ còn để lại sẹo không hết ".Từ đó tôi rất cẩn thận và thường chỉ đưa lòng bàn tay ra, sợ mấy học trò, nhất là nữ sinh vô tình trông thấy tưởng thầy lớn mà cũng biết ở dơ ít khi kỳ cọ.
Tôi là thầy giáo gần gia đình ông Bảy nhất vì sau khi đã có hai đứa con trai, tôi xin cất căn nhà lá trên nền nhà ăn, chỗ cây xoài trong khuông viên nhà công vụ của Hiệu trưởng, hiện nay là khu tập thể giáo viên. Mỗi chiều sau khi đóng khóa xong mọi phòng học, ông Bảy mang tô canh đầu cá cùng chai rượu đế, còn tôi trải sẵn manh chiếu nhỏ te tua nhưng sạch sẽ trên nền gạch kế bên túp lều của gia đình tôi. Bà Bảy cho tôi biết mỗi ngày khi mua đồ ăn cơm, luôn dành cho ông một phần để ông nhâm nhi vào chiều tối. Sau nầy khi vào ở đây thì có thêm tôi chia bớt tô canh của ông. Bữa nào có món gì nhậu được, vợ tôi cũng cho tôi mời ông để già trẻ hàn huyên. Còn chai rượu của ông mới thật là khó kiếm, bên trong còn độc nhất một trái chuối hột chắc đã quên ngày sinh, nên nó không thể nào trút ra khỏi miệng chai và nó cứ nằm đó tiếp tục đón nhận rượu mới đổ vào.
Ông bệnh và đã mất, dẫu biết đó là quy luật của tự nhiên nhưng sao tôi đã luôn thấy trống vắng khoảng một thời gian dài.Cách đây gần bốn năm, mỗi lần có về thăm lại chỗ ở cũ trong khu tập thể trường, tôi luôn ghé thăm nhà ông và thắp ba cây nhang trên bàn thờ xin Trời Phật phù hộ cho ông được siêu thoát.
Huỳnh Hữu Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét