Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Quán Báo Bình Minh


“Hỏi xuân có gì vui…xuân làm dáng cho đời…”*.

         Mấy mươi năm qua, xuân xứ người, đến rồi đi. Hỏi cô, rằng xuân có gì vui!?
         Những háo hức mong chờ xuân của thời tuổi trẻ, đã qua. Theo dòng thời gian, xuân vẫn lặng lẽ đến và bây giờ… Hỏi cô, rằng xuân có gì để nhớ?
        Lìa quê hương, xuân trong cô, có chăng chỉ là hồi tưởng. Nhưng lạ sao, những ngày qua, trong đợi chờ xuân đến, cô khoắc khoải nhớ mùa xuân nào của mấy mươi năm trước. Cô nhớ về một nơi chốn. Chốn ấy không còn nữa, nhưng nơi còn vướng víu hình bóng người mình mến thương, nơi ấy sẽ luôn đong đầy kỷ niệm, dẫu tươi vui hay buồn vương mang. Cô muốn nhắc một nơi quá quen thuộc trong suốt thời cắp sách, không cho riêng cô, mà cho rất nhiều người. Đó là Quán báo Bình Minh.

        Quán báo nằm trên một diện tích hẹp, đối diện với trường Tống Phước Hiệp, bên cạnh Tiệm Huệ Hòa, đường Gia Long. Quán báo cung cấp khá đầy đủ các học cụ cần thiết, những tạp chí và nhật báo cho người quanh vùng. Đối với học sinh Tống Phước Hiệp của thời đã qua, nào ai xa lạ gì với Quán báo, mỗi khi ra vào cổng trường.  Nơi đây tuy nhỏ, nhưng đủ sức thu hút người đến. “Người đến”, không hẳn là khách đến mua hàng mà còn những vị khách không mua chi cả, chỉ chàng ràng, nhiệt tình đến vì những lý do riêng. Đó là các anh chàng thường đến lúc trống đổ liên hồi, tự chôn chân cạnh Quán báo, tự nguyện làm cây si và tầm mắt thả rong sang tận bên kia cổng trường. Những “vị khách” đã khiến các nữ sinh, tay chân cuống cuồng e thẹn khi bước ra cổng, lòng mong trốn chạy nhanh nhưng không dám đi mau, sợ “chàng chê tướng gian nan không giàu”.   

      Nữ chủ nhân Quán báo, người không xa lạ với gia đình cô. Nhà dì đối diện nơi cô ở và cùng nằm trên con đường lịch sử của đất Long Hồ mang tên Văn Thánh. Dì hiền lành, điềm đạm, từ tốn, dáng người đến lời nói luôn đi đôi. Đặt biệt, đôi môi dì mang nụ cười hiền và tiếng gọi “con” dành cho các anh chị em cô luôn thân mật, trầm ấm. Anh chị em cô, quen gọi là dì Tư Đức. Ngoài dì, còn có anh Tâm phụ một tay và đôi khi có thêm một hai người bạn của anh Tâm đứng tại quầy, khi vắng bóng dì. Những lúc đó, cô rất ngại ngùng đến Quán báo, không phải vì thuận mua vừa bán, mà bởi anh Tâm cũng là học sinh ở khoảng tuổi cô, thì chuyện “mắc cỡ” âu là bản tính đương nhiên của đa số thiếu nữ, nhất là gái Vĩnh Long.
     Quán báo Bình Minh không những là nơi an toàn cho anh chị em cô gửi tạm xe đạp mỗi khi đi chợ và tối quan trọng hơn, bởi nơi đó là “ hộp thư”. Và dì là cánh én luôn mang “mùa xuân” cho cả bốn mùa. Từ những lá thư thường, thư tình hoặc các điện tín khẩn cấp, đều được đưa về đây trước khi đến tay các anh chị em cô.

        Cô thích nhất vào những buổi chiều, lúc dì dừng xe mà tầm mắt lại hướng sang nhà cô và cất tiếng gọi: “ Phượng ơi con có thư nè”. Trời ơi, còn niềm vui nào hơn cho thời con gái, nơi tỉnh lẻ.
        
        Dì là người mang tin lành đến. Vừa nghe gọi, cô chỉ biết nhanh nhẹn chạy đến bên dì chìa tay đón nhận thư, không giấu che nỗi sung sướng. Không vui sao được, cô nhớ như in trong lần nhận thư. Nhìn tuồng chữ của ai đó lạ hoắc, tên người gửi, cô không biết bao giờ và nơi xuất xứ bức thư cô chưa một lần đến. Hai hôm sau, lại một bức thư khác. Cô đem so đo, lạ thật hai tuồng chữ không khác nhau mấy. Lá thư đầu của chàng chiến sĩ từ tiền tuyến xa xôi gửi về cho người em gái hậu phương, xin được làm quen. Bức thứ hai, của chàng thư sinh tỉnh Kiến Hòa. Thư đến với một lý do chính đáng. Anh chàng cho biết báo Văn Nghệ Tiền Phong bất công về kết quả. Những bài dự thi về Chuyện Vui Cười được đăng trên báo, lẽ ra bài của cô được trúng giải. Anh tự giới thiệu, mình là học sinh ban Toán, Trưởng ban Báo Chí của lớp và đang cùng trình độ với cô. Con gái chúa tò mò “ Phải chăng hai chàng, tác giả của hai lá thư chỉ là một!”. Cô tự hỏi.  Bao câu nghi vấn được đặt ra, nhưng không lời giải đáp, cô vương vấn và tiếp tục thắc mắc hoài.

        Sự tò mò, ngày một lớn dần, cô băn khoăn, vào ra tự hỏi và rồi trong chọn lựa, cô đã hồi âm cho chủ nhân của lá thư thứ hai. Thư được gửi đi, lòng cô hồi hộp đợi chờ. Thư hồi âm đến rất nhanh, cô biết thêm sự đồng cảm nơi người thư sinh này. Anh tự giới thiệu, mình là một người thích đọc sách báo, là độc giả của Tiền Phong, nhưng bất bình về sự chọn lựa bài trúng tuyển, nên anh muốn chia sẻ ý nghĩ với tác giả là cô. Anh còn cho biết, mình là con một của một tử sĩ, hiện sống với mẹ tại Cư Xá Kiến Thiết Kiến Hòa.


        Nhiều lần thư qua, tin lại, sau những trao đổi về việc học, bỗng một ngày… “Mưa có rơi và nắng có phai trên cuộc tình yêu em ngày nào. Ta đã yêu và ta đã mơ …”,** anh muốn kết nghĩa huynh muội. Cô cười thầm, tự nhủ
-   Sao giống Cải Lương Hồ Quảng quá!
        Cái tính ngang bướng lẫn dè dặt của con gái đất Vĩnh, nên điều kiện cô đưa ra, chỉ bằng lòng kết tình huynh đệ, “không chịu thì thôi”. Con gái muốn là ý trời! Mối tình huynh đệ êm ả, phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Rồi một ngày kia mặt hồ lăn tăn gợn sóng, khi lá thư cô nhận được dầy cộm hơn bởi hai tấm ảnh của “huynh”. Người trong ảnh khá bảnh trai với đồng phục học sinh, nhưng trông chững chạc bởi cặp kính đen, gọng to. Từ lúc có ảnh huynh trong tủ bàn học của đệ, là chồng chất nỗi lo âu cho cô, nhất là những lúc anh cô từ Sài Gòn về. Cô phải loay quay tìm nơi giấu biệt.

        Biết mà! Cũng đến ngày “đệ” phải đáp lễ lại. Tính cố hữu và cẩn trọng của phái nữ nên cô chỉ gửi đi tấm ảnh chụp chung với các bạn.  Được như thế là huynh mừng lắm rồi và huynh đã dài dòng tâm sự…mượn lời thơ đầy ẩn ý, bỏ lửng, chép không trọn vẹn, “Tóc em dài em cài hoa thiên lý…Miệng em cười…”.
        Thời gian cứ trôi…đôi bên chỉ biết nhau qua hình ảnh. Tình huynh đệ trao đổi chỉ là những khích lệ để cố gắng học hành vì sắp đến kỳ thi Tú Tài Hai. Vào một ngày đầu xuân năm ấy, Huynh trao tặng món quà. Đó là một bản nhạc với lời: “ Chợt nhìn xuân sang nghe mình lớn rồi. Tuổi thơ ơi! Thức dậy vui tròn cuộc chơi…”***. Phải chăng anh chàng cố ý nhắc nhở cô phải biết… lớn rồi. Ngoài ra, cô còn được một quyển Bích báo của trường Trung học Kiến Hòa, trong đó đôi lời gửi gắm viết tặng… Tuy nhiên, đất Vĩnh hiền hòa, nơi còn giữ gìn nhiều hủ tục, nên cô biết mình đã… lớn rồi, nhưng chưa biết mặt nhau thì dám nào đáp lại những điều mà huynh mơ ước và muốn nói đến.


        Sau Tú tài, huynh đỗ hạng cao, ước vọng thi vào Sư Phạm Sài Gòn và mơ làm thầy người ta. Có một điều đáng tiếc cho huynh, cho cô hay cả hai là cô không liên lạc với huynh nữa. Lý do thật đơn giản và buồn cười, là sau khi thi đỗ, hai lá thư cuối, huynh viết cho cô với tuồng chữ hơi tháo, không nắn nót, chẳng cẩn trọng như lúc ban đầu. Thế là vắng thư từ đấy, mỗi người một phương, không ai buồn biết ai nơi nao.
        Thời gian sau, đường tình cô đi có đôi. Cô bước vào Đại học, những mùa hè tạm nghỉ học, trở về với gia đình, thì … Quán báo Bình Minh tiếp tục là “hộp thư”. Cánh nhạn dì Tư tiếp tục đưa tin. Những bức thư tình từ miền xa xôi, quân trường Hải Quân Nha Trang. Thư mang đến lời yêu thương, hòa chút mặn của biến, thêm nồng nàn gió của miền thùy dương cát trắng. Mấy năm sau, mùa hè bất tử đến trong đớn đau. Bấy giờ, cô giã từ thơ ngây, an phận bên chồng, tay bồng bế con thơ vừa tròn tháng tuổi. Ngày ngồi võng ù ơ vỗ con ngủ, người hàng xóm mang đến trao cho má cô một phong thư: “Cô hai, cô xem có phải là thư của nhà cô không? Không đúng với địa chỉ mới, nhưng là tên của cháu Phượng.” Đã nhiều năm trôi qua,  nhìn lại tên người gửi và tuồng chữ năm nào, nét chữ quen thuộc, nắn nót như ngày đầu. Đọc lại thư một lần nữa và cô… cất đi dĩ vãng học trò. Lá thư cuối cùng của huynh với một câu hỏi thật dễ thương: “Đệ có chồng hay chưa?”
          “Chợt nhìn xuân sang nghe mình lớn rồi…”, huynh mượn lời nhạc nhắn nhủ vẫn còn đó, nhưng đệ của huynh bây giờ đã lập gia đình, không còn là đệ của ngày tháng cũ, nên đành im lặng và xin lỗi, không hồi âm.


         Những mùa xuân xứ người đã trôi qua. Bây giờ mùa xuân mới sắp đến. Những buồn vui thời thơ dại, tuổi học trò, những lời thư trao nhau năm nào như sống lại và kỷ niệm êm đềm xin gửi hết vào đây, một nơi đã mất tích, tên không còn nữa, nhưng vẫn hằn in vết ngày xưa…Quán Báo Bình Minh. Một nơi dấu ái, cho riêng cô và của mọi người đã một thời sống tại Vĩnh Long ...
         Xuân sắp về, lời viễn phương, đệ gửi đến huynh, người hiện bên kia bờ đại dương, nay lưu lạc phương nào, đệ luôn cầu mong huynh được an bình. Mỗi năm biết mình lớn dần…càng lớn dần lại càng nhớ nhiều những chuyện chỉ còn trong ký ức .“Hộp thư”, nay không còn nữa và cánh nhạn đưa tin đã ra người thiên cổ, nhưng dì Tư ơi, con vẫn nhớ dì, nhớ nụ cười ấm áp, đôn hậu mỗi khi “ Phượng ơi con có thư nè”.
        Cổng trường vẫn còn đó, sừng sững, nơi quê nhà. Người Bạn huynh đệ năm xưa chẳng biết phương nào, Quán báo mang tên Bình Minh đã mất, nhưng đang sống lại và tôi, thân viễn xứ, nhưng linh hồn này, mãi mãi chôn chặt trong lòng đất Long Hồ Vĩnh Long.

Kim Phượng
2010
* Lời nhạc Tôi Chưa Có Mùa Xuân của Nhạc sĩ Châu Kỳ
** Lời nhạc Bản Tình Cuối của Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên
***Lời nhạc Mùa Xuân Đi Qua của Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét