Từ
bên kia bờ đại dương, “cánh én” bay về…báo tin. Đó là một tấm thiệp
mừng xuân. Thật xúc động và tôi xem như món quà nhận được trong Năm Mới.
Phải chăng bưu điện Bến Tre thay gió đưa hương xuân quê nhà sang tận
đây, lục địa Úc châu. Tấm thiệp đã mang niềm vui với những lời chúc lành
tới, từ một người bạn. Người bạn chỉ một lần gặp gỡ, trong chuyến họp
bạn thường lệ hàng năm, tổ chức vào Chúa Nhật, tuần lễ cuối tháng Mười
Một. Đây là lần họp thứ 15, tại Bến Tre, của các Cựu Giáo sinh Lớp 6
Khóa 8, Trường Sư Phạm Vĩnh Long. Người bạn mà tôi muốn nhắc đến là anh
Nguyễn Hữu Tài, sinh quán tại Bến Tre.
Buổi sáng hôm ấy, Chúa Nhật 27.11.2011, chuyến xe buýt 30 chỗ ngồi, đậu
trên lề đường ngay Kho Bạc Nhà Nước Vĩnh Long. Theo dự định, mọi người
sẽ tề tựu nơi đó và sẽ khởi hành lúc 6:30 sáng. Tuy nhiên, vì trở ngại
vào giờ chót, người tổ chức đến trể, nên 7 giờ xe mới lăn bánh. Người
đến đúng hẹn và sớm nhất, có thể đưa vào kỷ lục là chị Lê Ngọc Điệp.
Hai mươi chín người trên chuyến xe này, được lo chu đáo từ A đến Z. Để
tranh thủ với thời gian và bớt gánh nặng cho gia chủ, bữa điểm tâm được
tổ chức ngay trên xe. Thức ăn gồm có bánh mì thịt, các loại trái cây với
chôm chôm, quit, tha hồ ăn., nước uống và có cả khăn lau mặt, không
thiếu thứ chi.
Trong nhóm, đa số là người Vĩnh Long. Ngoài ra có các bạn ở nhiều địa
phương khác đến như Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Mỹ Tho, Sài Gòn và
sau cùng là các bạn đang định cự nơi tổ chức, tỉnh
Bến Tre. Sự sắp xếp của ban tổ chức, luôn nghĩ đến sự tiện lợi cho các
bạn cùng khóa. Những anh chị từ Châu Đốc, Cần Thơ, đến Vĩnh Long trước
một hôm. Qua hôm sau, trên con đường đi về hướng Mỹ Tho, xe dừng, rước
thêm anh Lượm. Khi xe vào địa phận Mỹ Tho, còn rước thêm chị Hạnh và
cháu. Cuộc hành trình xuôi Bến Tre, trạm dừng chân là siêu thị của tỉnh.
Nơi đây, chúng tôi được nhập nhóm chung với xe 7 chỗ ngồi của anh Đẹp.
Để thoải mái hơn 4 thành viên trong nhóm được chuyển sang xe của anh
Đẹp.
Xe
trực chỉ đến nhà gia chủ là chị Dương Thị Anh thuộc huyện Ba Tri. Tại
nơi đây có thêm sự hiện diện của anh Xiêm, anh Tài ( Tài Sài Gòn). Hai
anh đi xe gắn máy từ Sài Gòn đổ xuống. Tại Bến Tre có chị Anh, người đầu
bếp trứ danh, anh Chánh, anh Tài (Tài Bến Tre) và anh Vinh. Các bạn
trong nhóm và đoàn thê tử, vị chi 39 vị. Trong số 39 người này, hai
người ngoài nhóm, nhưng may mắn được tham gia là chị Nhung và tôi. Âu
cũng là duyên, chúng tôi về Việt Nam đúng lúc. Chị Nhung từ Mỹ, còn tôi
từ lục địa lẻ loi Úc châu. Mặc dù làm người “ăn ké”, nhưng tôi có háo
hức vì được gặp lại ba người bạn cùng lớp Đệ Nhất A3 là Lê Ngọc Điệp,
Hoàng Thị Thơ và chị Nhung. Hôm ấy, tôi còn có dịp nhìn lại một người
thời áo trắng mà tôi rất ái mộ ngày xưa là cô Tào Xíu Xương, em của Tào
Xíu Châu, người bạn cùng thời Trung học của tôi. Một người khác cũng rất
quan trọng đối với tôi là Anh Huỳnh Hữu Đức, vị ân nhân đã giúp tôi tìm
được người bạn Tiểu học bé dại, hơn hơn 40 năm lưu lạc. Ngoài sự háo
hức gặp lại những người năm cũ, những người bạn mới vừa quen. Trong dịp
này, tôi được viếng tỉnh
Bến Tre, có những hàng dừa xanh bát ngát. Nơi tôi chưa từng đến nhưng
rất quen thuộc với tên gọi trước đây là Kiến Hòa. Nơi có người bạn thân
quen, nhưng chưa hề biêt mặt mà tôi đang kiếm tìm.
Trên
đường đi, thả tầm mắt, nhìn lại quê hương, thu lại những hình ảnh. Có
chút xót xa…nhìn thấy những trẻ thơ lam lũ, kẻ gồng người gánh bán bưng.
Không bao lâu, chúng tôi đến nơi muốn đến. Sau thủ tục chào hỏi gia
chủ, bạn bè nói lời thăm nhau trong rộn rã thâm tình. Chúng tôi cùng đi
thăm viếng đền thờ và lăng cụ Nguyễn Đình Chiểu, nơi ghi lại những di
tích xa xưa một thời. Thôi thì bao nhiêu là máy chụp hình, bao nhiêu là
“nhiếp ảnh gia” tha hồ ghi lại kỷ niệm, lưu lại cho mai sau. Khí trời
hôm ấy hơi oi, nhưng có lẽ những hàng dừa cùng hòa lòng với người Bến
Tre đón khách, nên chúng tôi chẳng mệt chút nào. Tạm đủ những hình ảnh
lưu niệm, đoàn người trở về nhập tiệc. Người gia chủ với nụ cười thật
tươi, không theo… “ Tiên chủ hậu khách”. Chị không ngơi đi tới, chạy
lui, mang món này, tiếp theo món nọ. Thức ăn cứ thế mà tuần tự được mang
ra, màu sắc vừa trông đẹp mắt và quá lạ lẫm với tôi. Nào là cá khoai
lăn bột, chiên giòn. Gà nấu cá mòi dùng với bánh mì, món ăn lần đầu mà
tôi được thưởng thức qua. Rất đặc biệt với tô cháo vịt nấu đậu xanh,
nhắc đến mà tôi còn thèm thuồng nữa đây. Đặc sắc nhất là món cơm hấp với
màu lá dứa xanh xanh, trộn nước cốt dừa beo béo, thêm vào chả trăng
trắng cắt hạt lựu, trông rất bắt mắt. Ôi chao ơi là ngon! Món nào cũng
ngon cả, chị Anh ơi! Thức uống thì chị lo chu tất cho cả nam lẫn nữ là
nước nấu đậu đen và rượu đế hay còn gọi “nước mắt quê hương”. Món tráng
miệng, nào là bưởi, xoài tứ quí cùng chén muối ớt cay cay.
Trong
buổi họp mặt hôm ấy, có điều đặc biệt mà không thể không nói ra. Đó là
một chiếc bánh khá to, được mang từ Vĩnh Long để mừng sinh nhật của hai
anh có cùng tháng sinh Mười Một. Lý thú thay là cả hai anh có cùng tên
họ là Nguyễn Hữu Tài. Có lẽ từ đó, nên một được gọi là Tài Sài Gòn và
một kia là Tài Bến Tre. Nhìn, nghe mọi người cùng hát mừng sinh nhật, hò
reo, hát xướng, lòng tôi vui vui, xao xuyến như đang trở về thời áo
trắng. Không ngờ, mấy mươi năm qua, những con người đang hiện diện nơi
đây, đã từng là những vị…Vi Sư, giờ đây đang sống lại tuổi trẻ hồn
nhiên, khơi lại một thời Giáo Sinh chập chững vào đời.
Cuộc
vui nào rồi cũng tàn! Phải kết thúc nhanh thôi, hầu đủ thì giờ cho các
bạn nơi phương xa trở về nhà, nội trong ngày. Chỉ khi nào, chỉ có ai
nhìn tận mắt giờ phút chia tay tạm biệt, mới hiểu được “cái tình” muốn
họp mặt, ai đi xa rồi cũng muốn quay về. Hình ảnh lúc chia tay cũng được
chụp lưu niệm lại trong luyến lưu. Ai cũng cười để “ăn ảnh”, đẹp, vui,
nhưng đàng sau nụ cười đó, làm sao tránh khỏi bùi ngùi.
Trước
khi chia tay…một lời mời cho lần họp mặt tới, khiến tôi vừa xúc động,
ngạc nhiên lẫn cảm phục vì sự mời gọi quá ư là mộc mạc mà chắc chắn,
không đổi thay… Kỳ họp tới, lần thứ 16 ở Châu Đốc tại nhà
chị Nguyễn Kim Cúc. Ngày hôm đó cũng sẽ là Chúa Nhật, tuần cuối của
tháng Mười Một và tên người tổ chức được nêu ra, chịu trách nhiệm liên
lạc trong năm tới. Lời mời thật đơn giản, gia chủ không cần nhắc nhở
nữa, không bao thư, giấy mời, chỉ chừng ấy thôi mà thâm tình lắm rồi,
khiến tôi ngẫn ngơ.
Rời
Việt Nam, tính ra từ ngày họp mặt đến nay, cứ tưởng đã quên, nhưng có
người vẫn nhớ. Tôi vẫn còn được luyến lưu bởi người trong nhóm, qua tấm
thiệp đầu xuân mà tôi vừa nhận được. Nhìn trên bì thư với con mộc tem ấn
của bưu điện Bến Tre, ghi ngày 5 tháng 12 năm 2012. Một chút gì xao
động khiến tôi rưng rưng. Mấy mươi năm ly hương, nay đất mẹ tìm về, gặp
tình người chân chất đã để lại trong tôi chút gì để nhớ, khó quên.
Rồi
mai đây, trong những giờ đứng trước lớp, với những em học sinh Việt Nam
tại hải ngoại, đang theo học tiếng mẹ đẻ, nhưng lại được xem là ngôn
ngữ thứ hai. Chắc chắn rằng, tôi quyết sẽ truyền đạt lại cho các em cái
tình người mà tôi đã nhận từ một người, người ấy đã một thời từng làm
thầy, anh Nguyễn Hữu Tài cũng như những người bạn khoá 8 Cựu Giáo sinh
Trường Sư Phạm Vĩnh Long hiện còn đang sinh sống nơi quê nhà. Tôi yêu
thích sự quê mùa chân chất mà tấm lòng rất thật. Hãy thử nghĩ mà xem. Kể
từ lúc chọn mua thiệp, viết lời chúc vui, ra bưu điện, dán tem vào và
gửi đi. Để rồi phó thác “cánh én”… bay
xa. So ra trong thời buổi chọn vật chất, phương tiện truyền thông quá
nhanh chóng và tiện lợi, thì việc viết thiệp, gửi đi…Tôi chọn lối nhà
quê này hơn! Làm sao không cảm nhận hạnh phúc có được, khi cầm tấm thiệp
trong tay.
Về
lại quê hương, có người thích đi chỗ này, chọn lựa chỗ kia để nhìn thấy
cái đẹp đẽ, hùng vĩ của quê hương. Riêng tôi, tôi chỉ loanh quanh Sài
Gòn, Vĩnh Long, rồi trở lên Sài gòn, về lại Vĩnh Long, nhưng may
mắn, tôi gặp được những con người chân tình. Có được sự chân tình, thâm
tình kia, thì không thể quên công lao và tấm lòng của những ai nhận
lãnh trách nhiệm tổ chức. Cám ơn thay! Cám ơn anh Tài Bến Tre với lời
chúc lành và qua Tấm Thiệp Đầu Xuân của anh, anh đã để lại trong tôi cả
trời hạnh phúc với từng khuôn mặt, nụ cười của tất cả các anh chị Cựu
Giáo Sinh Khóa 8.
Thế cũng quá đủ cho đời người còn lại của tôi!
Kim Phượng
Xuân 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét