Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Ngày Tết Nói Chuyện...Ăn !!!

      Không biết nơi nào trên thế giới mà chuyện ăn lại được đề cập đến nhiều như Việt Nam ta không ?
      Hầu như tất cả mọi sinh hoạt thường ngày hay những dịp đặc biệt đều gắn với chuyện ăn! có phải luôn bị cái đói ám ảnh trong suốt thời kỳ dài của dân tộc, hay...quá rảnh rang nên chuyện ăn uống trở thành câu chuyện hàng ngày, hàng giờ trên đầu môi, chót lưỡi của ta :
      Từ ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối, ăn lỡ, ăn dặm, ăn thêm, ăn khuya với những món xôi, phở, bún, cơm, cháo thường nhật, ta còn ăn tết : tết Tây, tết Ta, tết Thanh Minh (3/3), tết Đoan Ngọ (5/5), tết Trung Thu ....đều gắn liền với ...ăn. Ngoài ra cũng không bỏ lỡ những dịp khác để ...ăn : ăn cưới, ăn dạm, ăn hỏi, ăn giỗ, ăn chạp, ăn đám chay, đám ma, ăn thôi nôi, ăn đầy tháng, ăn đầy năm, ăn tất niên, tân niên... gọi chung là ăn cỗ, là dịp được ăn uống no, say, hoặc ăn mừng từ nhà mới, lên lon, lên lương, ăn khao tốt nghiệp, ra trường, nhận nhiệm sở...
      Người ta cũng phân biệt chia thành ăn chay, ăn mặn, ăn lạt, ăn kiêng, ăn khem, ăn chua, ăn ngọt, ăn sống, ăn chín.


      Người giàu có thì ăn to, nói lớn, ăn trên đầu, trên cổ, trên lưng, gọi chung là ăn người, kẻ có chức có quyền thì ăn chặn, ăn bớt, ăn hết, ăn vô tội vạ, ăn hối lộ, ăn đậm, ăn dày, ăn mỏng, ăn bẩn, ăn kín, ăn hở, ăn lòi họng, ăn ngập mặt, kẻ ăn không hết,người lần chẳng ra... Nhỏ hơn thì ăn chia, ăn theo, ăn hôi, ăn hùa, ăn lẻ, ăn mảnh, mà món chúng thích nhất là ăn vàng, ăn bạc, ăn tiền, cũng như bọn ăn cắp, ăn cướp, ăn trộm chắc hẳn không thích ăn dao, ăn búa, ăn súng , ăn đạn, ăn kẹo ...Nhưng ngoài những tên ăn trội, ăn trùm thiên hạ, còn quyền, còn thế còn kéo dài thời gian, che mắt được mọi người, chứ tất cả đều do ăn lường, ăn gian, ăn càn, mà thường thì lại ăn tham nên trước sau , lâu mau gì cũng ăn...đất, ăn khói, ăn nhang !

      Chỉ tội những người nghèo hèn thì ăn đói, ăn khát, ăn kham, ăn khổ, ăn độn, nên phải ăn nhín, ăn dè, ăn chừng, ăn chừa, đôi lúc phải ăn lén, ăn vụng, ăn cho có bữa, năm thuở, mười thì có khi ăn may, được bữa ăn chùa, ăn thử, ăn thiệt được bữa nào đỡ bữa đó, nhưng chẳng ăn thua gì với cái bụng luôn lép xẹp, có đâu mà ăn tham, ăn tục, ăn dùm.

      Tuy nhiên cũng còn đỡ hơn những kẻ ăn xin, ăn mày, bữa đói, bữa no, lang thang lếch thếch, nay chỗ này, mai chỗ kia, ăn nhờ, ở đậu, có gì ăn nấy, ăn bốc, ăn vã, ăn vội, ăn vàng .
Đó mới chỉ là những gì liên quan đến việc nhai, nuốt, nghĩa là một hành động sinh học thôi, có những thứ chẳng liên quan gì đến việc "ăn" cả, cũng được người Việt dùng một cách thoải mái tự nhiên như : ăn mặc, ăn diện, ăn nói, ăn học, ăn ở, ...
Và đi cả vào ca dao, tục ngữ, phương ngữ, ngạn ngữ, thành ngữ, văn thơ... nữa chứ :

- Ăn vóc, học hay.
- Ăn xổi, ở thì.
- Ăn coi nồi, ngồi coi hướng.
- Ăn cây nào, rào cây ấy.
- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây .
- Ăn chắc, mặc bền.
- Ăn đàng sóng, nói đàng gió.
- Ăn to, nói lớn.
- Ăn ốc, nói mò.
- Ăn tục, nói phét.
- Ăn nói zô diên !!!
- Ăn ngược, nói ngạo.
- Được ăn cả, ngã về không.
- Chắc ăn như bắp.
- Ăn như tằm ăn dâu.
-  Một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp.
- Muốn ăn, thì lăn vào bếp.
- Miếng ăn là miếng tồi tàn .
- Cá không ăn muối cá ươn...
- Ông ăn chả, bà ăn nem.
- Thơ, phú : Thi không ăn ớt, thế mà cay ( Tú Xương ).
-  Thoát trông nhờn nhợt màu da.
- Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao ( Kiều )
- Ăn khế trả vàng...( cổ tích )
- Nam thực như hổ, nữ thực như miêu !
- Xôi hỏng, bỏng không ( không có chữ ăn ).
................


      Nói tóm lại cùng với rất nhiều những món ăn phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, thì cái ăn có mặt trong hầu hết mọi sinh hoạt của người Việt, làm nên nét văn hóa đặc thù gọi là Văn hóa ẩm thực, hay nôm na gọi là Tâm hồn ăn uống, và với thời gian còn được bổ túc thêm cho hợp với thời đại: Ăn thua đủ, ăn sương, Ăn cơm tay cầm, Ăn cơm trước kẻng, ăn dở ( cấn thai ), ăn nên làm ra, ăn ong (nghề lấy mật ong ), ăn trầu, ăn thuốc, ăn than (xe lửa chạy than), ăn hàng ( trộm ) ăn ảnh, ăn đèn, ăn khách....và còn nhiều nữa mà tác giả ...nhớ không hết, hoặc chưa biết hết.

      Để kết thúc chuyện phiếm này, xin kể lại hai mẫu chuyện vui nhỏ cũng liên quan đến việc ăn :
1. Một nhà tư bản nọ bị ung thư bao tử, phải thay, được dẫn sang Tàu, nơi đây có đủ các món nội tạng cần thay thế, đủ hạng, đủ giá tùy túi tiền của thân chủ , sau khi được giới thiệu các loại bao tử của một thể tháo gia cử tạ, một nhà vô địch ăn hotdog, một nhà ảo thuật chuyên nuốt kiếm, đến một tủ chưng bày một bao tử bình thường nhưng giá đắt hơn gấp bội, nhà tư bản thắc mắc hỏi tại sao cái này có gì đặc biệt mà giá lại cao quá vậy ? Vị Bác sĩ bèn nói nhỏ : cái bao tử này là của một viên cán bộ cao cấp bộ xây dựng , nó nhai luôn được cả bê-tông, sắt thép nên giá mới cao vậy đó.
2. Đi tù "cải tạo" đói triền miên, ngày này qua tháng khác, nên lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái ăn. Nhưng lâu dần cũng tìm ra cách để chống lại : có người thì uống nước thay cơm, có người thì xoay xở bằng mọi cách có thể để thêm chút " vitamine" " con gì nhúc nhích là ăn được", cái gì mà chim chóc ăn không chết, là ăn được, có người cố tình kéo dài bữa ăn bằng cách đếm số hạt bắp trong một chén, hoặc bao nhiêu muỗng cơm mỗi bữa, khổ sở nhất là ban đêm, trằn trọc không ngủ được, bụng thì cứ kêu ùng ục vì uống đầy nước, để quên cái đói đang hành hạ bằng cách thi nhau kể chuyện, và chuyện cuối cùng bao giờ cũng là những món ngon vật lạ, cao lương mỹ vị , mọi người khác nghe và ráng nuốt nước bọt . Chúng tôi gọi đó là "ăn hàm thụ ", Nhờ thế mà vẫn sống sót được đến hôm nay hầu chuyện phiếm với quý vị!

Nam Chi

NY, Giáp Ngọ 2014.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét