Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Hồi Ức Về Thời Sinh Viên

Đường trần chưa dứt


      Thầy Không Văn chắp tay sau đít đi dạo trước sân chuà Linh Khánh Tự. Trời muà Thu hơi lạnh, lá vàng rơi đầy trước sân. Chú Tiểu Tịnh Tâm đang quét lá quanh chân tượng Quan âm (hình như đó là cái “mode”, bây giờ chuà nào cũng quyên tiền xây tượng Quan âm hay Phật A Di đà đứng trước sân chuà). Chú nhanh nhẹn quơ chổi bên trái rồi bên phải để gom lá lại thành đống, định hốt thì thầy Không Văn  ngoắc chú lại gần và bảo: “ Con à, bắt đầu ngày mai thầy phải nhập thất tĩnh tu một tháng, con đừng  cho thí chủ nào gặp thầy”. Kể từ hôm đó, mỗi khi có khách thập phương quen biết. ghé qua chùa xin gặp thầy chú đều khoát tay: “Mô Phật! Thầy con nhập thất một tháng không tiếp ai, xin thí chủ đến gặp dịp khác”. Thầy Không Văn dặn dò, xếp đặt công chuyện cho các đệ tử giống như những lần thầy vắng mặt đi hành hương  lâu ngày. Thầy “bế quan nhập thất”, quanh quẩn một mình trong phòng riêng, hết tụng kinh tới ngồi thiền cho qua ngày giờ. Thầy nhất định “đoạn tuyệt” với cái cell phone vì  bất cứ  ai  cũng có  thể  gọi thầy bất kể  ngày đêm, đủ thứ chuyện, nào là “thỉnh” thầy tới tụng kinh đám tang, hoặc có khi nhờ thầy cố vấn giải quyết một chuyện buồn trong gia-đình, họ coi thầy như một chuyên gia tâm lý “gỡ rối tơ lòng”, dùng Phật pháp để gỡ những vướng mắc cá nhân. Riêng cái laptop thì vẫn là vật bất ly thân vì dù sao thầy vẫn cần nó để viết lách và liên lạc email. Thời gian nầy thầy chỉ trả lời email cuả Giáo hội, còn những email khác thì thầy tạm gác qua một bên.
Mấy năm qua, ngoài việc tu hành, kinh kệ, và giảng giáo lý cho đại chúng, thầy còn viết nhiều bài đăng trên website cuả các chuà. Đề tài có nhiều thể loại, có khi là một bài bút ký về chuyến đi hành hương ở Ấn độ, Trung quốc, Đài loan, có khi là bài về Phật pháp, có lúc là những vần thơ. Lâu lâu các chuà lại hối thúc thầy viết thêm. Ngày Tết Nguyên Đán sắp đến, một nữ thí chủ gởi email cho thầy: “Thầy ơi, làm sao thầy cũng phải ráng viết một bài về Xuân cho trang web cuả con nghen...”.

      Tụng xong thời kinh buổi tối, Thầy Không Văn ngồi vào bàn viết trầm ngâm nghĩ về đề tài cho một bài mới thì bổng dưng ngôi chùa rung chuyển như có đông đất, ly tách thầy để trên bàn rơi xuống đất loảng choảng, chiếc kệ sách trên bàn viết cuả thầy đổ ập xuống cái “ầm”, thầy ngã xuống theo, và bị chôn vùi dưới bao nhiêu kinh kệ, sách vỡ. Thầy thấy nghẹt thở tưởng như ngọn Ngủ hành sơn mà Phật tổ Như Lai trấn áp trên lưng Tôn Ngộ Không để trừng phạt con khỉ ngông cuồng, náo loạn Thiên cung. Thầy cố hét lớn để mọi người nghe chạy vô cứu thầy, nhưng miệng thầy cứng ngắc, không mở được. Thầy xuôi tay thấy mình bồng bềnh nhẹ tênh, bay bổng lên lưng trời....
      Thầy Không Văn giựt mình tỉnh dậy, mồ hôi uớt đầm. Bên ngoài trời vẫn chưa sáng. Thầy mở đèn, bên trong thiền phòng vắng lặng, đồ đạc vẫn y nguyên, kệ sách vẫn còn đó. Thì ra đó chỉ là giấc mơ. Thầy thắp nhang quì sám hối trước bàn Phật, vì thấy lòng mình dường như vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa được thanh-tịnh. Sư phụ thầy là Trí Viễn dường như đoán trước những hệ lụy mà thầy phải gặp nên đặt cho thầy pháp danh “Không Văn” như nhắc nhỡ thầy phải tránh xa cái nghiệp văn chương. Vì không hiểu thâm ý cuả sư phụ mà giờ nầy thầy bị “ cuốn theo chiều gió”, đành.... phải viết. Thầy không rõ đó là cái “duyên nợ” với văn chương, hay là cái “nghiệp” mà thầy phải trả....

       (Thưa quí độc giả: trên đây là một truyện ngắn bonus mở đầu cho câu chuyện mà tôi sắp viết dưới đây. Nó như món khai vị (appetizer) trong một bửa tiệc trước khi chờ đợi món ăn chánh được dọn lên. Cũng có thể gọi là kiểu viết đưa đẩy “câu giờ” trong lúc bí đề tài, tỉ như như cậu bồi bàn kia đem ra cho khách dĩa salad, ổ bánh mì, vài cục bơ để khách nhai cho vui miệng để khỏi kêu réo quấy rầy hắn trong lúc hắn lo chạy tới chạy lui bưng bê món ăn).
 *** 
      Sau khi đậu Tú Tài 2 năm 1969, tôi phân vân chưa biết phải đi Saigòn hay Cần thơ để học Đại học. Học sinh ở tỉnh cũng có nhiều bất lợi so với học sinh ở Saìgòn vì nếu muốn tiếp tục học ĐH thì phải đi xa, việc ăn ở rất tốn kém. Nhiều học sinh vì hoàn cảnh gia- đình nghèo phải bỏ cuộc, không thể tiếp tục con đường học vấn mà phải ra đời đi làm, đi lính  hoặc học các chương-trình Trung cấp ngắn hạn . Tôi có may mắn là được Ba Má khuyến khích tiếp tục học ĐH mặc dù gia-đình không khá giả gì. Một hôm người bạn thời trung-học là NV. Siêng rũ tôi qua Cần thơ dọ thám tình-hình. Ba của Siêng là một Trung sĩ già, đích thân dẫn 2 đứa qua Cần thơ gởi gấm nhà người quen ở tạm 2 hôm. Tới Cần thơ, hai đứa tới Viện ĐH Cần thơ xem các giảng đường, rồi dọ hỏi tình hình mướn nhà thấy hơi khó-khăn, vã lại tôi không quen ai ở Cần thơ, nên hai ngày sau, hai đứa trở về Vĩnh-Long. Tôi quyết định lên Sàigòn học vì có người anh cả làm việc trên đó. Tôi nộp đơn thi tuyển vô hai trường: Trường Kỹ sư Công Nghệ và Nông Lâm Súc ở Saìgon. Ý định tôi là chọn một trường khó và một trường dễ để phòng hờ “rớt sàng còn nia”. Bài thi vào trường KSCN năm đó là đề Toán về Lượng giác rất dài, tra bảng Lượng giác muốn ná thở (nếu có được cái Scientific calculator như bây giờ thì quá khoẻ). Tôi làm xong thì vưà hết giờ, nhiều thí sinh phải bỏ dỡ làm không kịp. Tôi nghĩ người ra đề thi năm đó có lẽ la một Giáo sư ngành Công chánh chứ không phải Điện hay Công nghệ. Còn đề bên Nông Lâm Súc thì tôi đã quên, cố nhiên vì tôi không phải là dân ban A nên làm bài Vạn vật rất “ẹ”, nhưng gỡ gạc lại bằng những môn khác. Đến khi niêm yết kết quả thì tôi đậu vào trường KSCN, còn bên NLS thì đậu dự khuyết. Khi chuẩn bị ghi danh nhập học trường KSCN thì nhận được thư cuả Trường NLS báo tin là tên tôi được đôn lên danh sách chính thức, họ gọi ghi danh nhập học. Nhưng đã có ý định từ trước nên tôi bỏ NLS. Nếu như thi rớt vào trường KSCN, thì có lẽ tôi không có chọn lưạ nào khác và phải nhập học NLS, thì nghề nghiệp cuả tôi đã đi vào một hướng khác. Cũng cần nói thêm là các trường Kỹ sư ở Phú thọ chỉ có danh sách thí sinh đậu chính thức chứ không có dự khuyết. Ngày nhập học, 50 người trúng tuyển cuả khoá KSCN-14 hiện diện đầy đủ, không ai bỏ nhảy qua ngành khác cả.


      Danh từ Phú Thọ làm người ta nghĩ ngay đến trường đua ngựa, là chốn cờ bạc, cá độ, chứ ít ai nghĩ đến gần đó là một trung-tâm đào tạo Kỹ sư ngành kỹ-thuật duy nhất cuả miền Nam thời VNCH. Thi đổ vào trường KSCN năm đó có 3 người ở Vĩnh Long: tôi , N.T.Lâm và L.P.Diễn. Lâm và Diễn xuất thân từ trường Kỹ thuật VL, còn tôi là từ trường TPH. Số thi sinh nhập học năm thứ nhất cuả khoá 14 KSCN là 50 người , chia đều cho 2 ban: 25 sinh-viên xuất thân từ trường trung-học Phổ thông và 25 SV từ trường trung-học Kỹ thuật.
      Lần đầu tiên đi học xa nhà cũng có nhiều bâng khuân, lo lắng. Anh Hai tôi làm việc và có nhà cửa ở Sàigon và một người anh rể cũng sinh sống ở đó từ lâu nên cũng bớt lo về chuyện ăn ở. Vợ chồng anh Hai tôi có 5 đứa con, nhà ở trong hẻm Trần-Quang-Diệu, gần trường ĐH Vạn Hạnh, nhà nhỏ, khá chật chội nên tôi không muốn ở đó, sợ làm phiền anh chị. Anh rể thì mướn một phòng ở chung cư gần chợ Bến Thành, ở một mình anh (chị Năm tôi thì có nhà cửa ở VL nên không theo anh lên Sàigòn), đo đó tôi về ở với anh để có chỗ yên tỉnh, tiện cho việc học cuả tôi. Chung cư 8 tầng lầu đó hiện nay vẫn còn, gần công trường Phù Đổng Thiên vương, kế bên khu “Tây ba-lô” Phạm-ngũ-Lão. Sau 1975, chị Năm tôi về Sàigon sinh sống với anh để nhập chung hộ khẩu.

      Ngày ngày đi học, chạy xe gắn máy từ nhà ở trung-tâm Sàigon đến Trung tâm QG Kỹ thuật Phú Thọ ở đường Nguyễn-văn-Thoại, mỗi bận mất 20 phút, buổi trưa được nghỉ 2 giờ, có hôm tôi về nhà ăn cơm, hôm nào làm biếng thì đi ăn cơm bụi với các bạn rồi trở vô lớp nằm ngủ một giấc chờ đến giờ học buổi chiều. Vì chỉ có hai anh em nên buổi chiều phải tự lo nấu ăn lấy, thường chỉ nấu một món chứ không bày vẽ chi nhiều. Cũng nhờ làm cook từ thời sinh viên mà tôi trở thành một người “nội trợ đảm đang” lúc nào không hay, cở “đai đen” chứ không phải chuyện đuà, cho nên bây giờ bà xã rất “nể” về tài nấu ăn cuả tôi, đi vắng lâu ngày bả cũng yên tâm, không sợ tôi ăn uống cực khổ, bửa đói, bửa no, lân la đầu đường, xó chợ. Có khi đang ngồi làm việc trong phòng mà nghe tiếng cuả bả từ dưới bếp vọng lên “Anh ơ.. ơi! xuống đây em nói nầy nghe nè, có chuyện nầy hay lắm ” (giọng ngọt ngào êm ái như Đắc Kỷ vuốt ve Trụ Vương), thì biết có “công tác” khẩn cấp. Bả nói vòng vo: “ Trong nhà nầy em biết chỉ có một người làm nổi việc nầy thôi, đố anh biết việc gì?” Đã quen với những câu “nịnh” như vậy rồi, tôi nói lẹ: “Đánh vảy mấy con cá phải không?”- “Ừa, sao hay vậy ta”. Thiệt với cái giọng êm ái như vậy thì đến Trụ Vương cũng phải móc trái tim chín lỗ cuả Tỉ Cang Hoàng thúc đem dâng cho nàng chứ nói chi việc nhỏ là cạo vảy mấy con cá. Chưa hết, những việc hơi nặng nhọc một chút là bả cầu viện: từ việc nhồi bột làm bánh pizza, làm bánh bao, nấu chè trôi nước, quết cua nấu bún rêu (người ta mua hộp rêu cua về nấu cho lẹ, còn bả cầu kỳ bắt tôi bỏ cua sống vô cối quết như dân Bắc kỳ ở VN giã cua bằng nón sắt, công chuà mà!), tới việc gói bánh chưng, bánh tét dịp Tết. Ôi thôi, hằm bà lằng, trăm công ngàn việc từ mấy chục năm nay! Tôi nghiệm ra một điều là đàn ông càng giỏi, càng biết nhiều thì càng khổ thân, bị mấyquí bà sai vặt đủ thứ chuyện. Ông nào lơ tơ mơ chẳng biết gì, làm biếng chảy thây vậy mà khoẻ, được vợ cưng, cơm dưng, nước rót.

Chương-trình học cuả trường KSCN 


      Năm thứ nhất học Khoa học cơ bản gồm những môn như Giải tích, Đại số, Kỹ thuật học Đại cương, Kỹ nghệ hoạ, Hoá, Mạch điện, Cơ học, Phòng thí nghiệm, Thực tập xưởng v.v..
Môn Giải tích, Calculus do thầy Võ-thế-Hào phụ trách. Thầy nổi tiếng vì có viết sách giải toán luyện thi Tú tài 2, thầy dạy hay, dễ hiểu. Sang năm thứ hai thầy dạy tiếp Phương trình vi phân (Differential equations). Hồi đó có một nhân vật khá nổi tiếng trong ngành giáo dục là ông Đặng-sĩ-Hỷ, một người chỉ có bằng Tú tài 1 mà đã viết sách Toán Lý Hoá lớp Đệ Lục, Đệ Ngũ. Điều buồn cười là sách cuả ông lại bán chạy hơn sách cuả các Giáo sư nổi tiếng. Rồi đến khi ông Hỷ đi thi Tú tài 2, đến phần vấn đáp môn Toán, xui xẻo gặp thầy Hào. Là một Tiến-sĩ Toán, thầy hỏi một câu khó để đánh rớt ông Hỷ. Chuyện nầy thì tôi không biết có thật hay không, vì chúng tôi cũng không có hỏi thầy Hào để kiểm chứng. Hiện nay ông Hỷ ở Toronto và là một tu sĩ Phật giáo, tôi cũng không có cơ duyên được gặp ông để mà hỏi cho rõ về lời đồn trên.
      Thầy Nguyễn-Trọng-Ba, cũng là một Tiến sĩ Toán, dạy môn Đại số. Lúc nào thầy cũng mang kính đen dù giảng đường tối om. Vô lớp thầy cầm cours giảng, giọng đều đều, nghe rất buồn ngủ. Có lần thầy đang viết bài giảng trên bảng, lúc quay lại, thấy một con chó vàng ( cuả ông Lâm, lao công trường, nhà nằm phía sau giảng đường) lững thửng đi vô lớp, thầy bực mình đá nó một cái, con chó hoảng hồn chạy mất. Cả lơp cười cái rần, “tỉnh ngủ”. Tôi chỉ sợ nó táp cho thầy một cái thì lại mất công đi chích ngừa chó dại. Hiện nay thầy Ba ở Sydney (Australia), còn thầy Hào ở Pháp.

      Môn Kỷ thuật học Đại cươngMachine Design do thầy Vũ-trọng-Khởi phụ trách , thầy tốt nghiệp Master ở ĐH Cornell (Mỹ), thầy có viết sách “Kỷ thuật học đại cương”dầy cở 500 trang làm giáo trình giảng dạy. Thầy vừa đi dạy, vừa làm bên ngoài vì thầy có một công-ty cố vấn kỹ thuật, lãnh thầu nhiều công trình cuả quân đội Mỹ. Ngày xưa, việc tính toán kỹ-thuật, design mất nhiều thì giờ và cực nhọc vì không có máy tính cầm tay và computer như bây giờ, chúng tôi phải dùng thước kéo (slide rule) để tính. Thầy Khởi lúc ở Mỹ về có mua một cái máy tính cầm tay hiệu Texas Instrument, công dụng còn thua xa cái máy tính $10 bây giờ, thế mà rất “le lói” vào thời đó, nghe nói giá khoảng 3-4 trăm đô, nếu tính ra thời gía bây giờ chắc cũng lên đến vài ngàn đô.
      Môn Kỷ nghệ hoạ thì lớp được chia làm hai, nhóm SV xuất thân từ trường Kỹ thuật như Cao thắng, Đà Nẳng, Vĩnh Long vốn đã có học KN Họa rồi nên học ít hơn, những SV từ trường phổ-thông lên như tôi thì phải học nhiều hơn.



      Năm thứ hai bắt đầu đi sâu vào chuyên môn với những môn như  Cơ học Lưu chất (Fluid mechanics) và Sức chịu vật liệu (Strength of materials), Truyền nhiệt (Heat transfer), Nhiên liệu và Động cơ Diesel,  Điện Kỹ nghệ, Động cơ nổ. Thầy Nguyễn-hoàng-Sang, tốt nghiệp Master ở Úc, dạy môn Cơ học lưu chất, đến năm thứ tư thầy bảo trợ project tốt nghiệp cuả tôi, vậy mà tôi không biết thầy cũng là người quê ở Vĩnh Long. Mãi cho đến năm 2011, nhân đọc một bài viết cuả tôi đăng trên Đặc san cuả Hội aí hữu KSCN thì từ London , Anh quốc, thầy email cho tôi cho biết quê thầy cũng ở VL. Nghĩ cũng buồn cười, học với thầy bao nhiêu lâu, rồi lại làm project ra trường với thầy nữa mà không biết người cùng quê. Bởi vì ngày xưa , học trò gặp thầy chỉ hỏi han bài vở, chứ không có vụ dẫn thầy đi ăn nhậu, điếu đóm như bây giờ nên không biết nhiều về đời tư lẫn nhau. Khi qua London, thầy Sang làm cho đài BBC, nay đã về hưu.

      Môn Dynamics, và Mechanical Vibration là hai môn khó, đòi hỏi ứng dụng toán vi-tích phân, do thầy Lê-mạnh-Hùng dạy. Thầy tốt nghiệp Master trường MIT (Massachusetts Institute of Technology), là Viện kỹ-thuật hàng đầu cuả Mỹ. Những Giáo sư ở trường KSCN đều công nhận Thầy Hùng là người có tài. Thầy làm Giám đốc Trường KSCN từ năm 1968-1971, sau đó làm Trưởng khối Viện trợ, Tổng Nha Kế hoạch trong chính phủ VNCH. Thầy là người ghiền thuốc lá nặng. Bước vô lớp là thầy bắt đầu mồi thuốc. Tay trái cầm diếu thuốc, tay phải cầm phấn và bắt đầu giảng, thỉnh thoảng lại mồi thêm điếu khác. Lúc thi, thầy ra đề thật khó, tên nào giải được 70% kể là giỏi. Sau giải phóng, thầy bị đi cải tạo ở Hàm Tân cho đến năm 1982. Thơì gian ở tù, thầy tự học chữ Hán với những người bạn tù. Thầy là tiêu biểu cho những người không bao giờ bỏ phí thì giờ, biết chuyển hoá mà trong đạo Phật gọi là “nghịch duyên” thành “thuận duyên”, hay một cách mà người Mỹ thường hay nói là "When life gives you lemons, make lemonade" ( Khi đời cho anh những chua cay thì hãy biến nó thành dịu ngọt). Rời VN sang định cư ở Úc năm 1990, thầy dạy ở Victoria College,Melbourne cho đến năm 1992 thì cùng gia-đình sang nhận việc ở đài BBC, London. Lúc đó dù đã lớn tuổi, thầy cũng chưa chịu ngừng học hỏi, ghi danh theo học Lịch-sử tại SOAS (School of Oriental and African Studies, tức Trường Đông-phương và Phi-châu-học), University of London. Tại đây, thầy đã lấy xong bằng Tiến-sĩ Sử-học năm 2000 với luận-án ‘Kinh tế VN trong Thế-chiến thứ II.’

      Từ một người xuất thân ngành Engineering thế mà thầy lại nhảy sang lĩnh vực Sử học quả là điều hiếm có vì trên phương-diện nghiên cứu, hai ngành rất tương phản, không dính líu gì với nhau. Khả-năng chữ Hán học được trong tù đã giúp thầy nghiên cứu những sử liệu quí giá cuả Trung-hoa và của Việt-nam lưu trử ở British Library, một trong những thư-viện bề thế về lịch sử Đông phương. Công trình nghiên cứu cuả thầy được thể hiện qua bộ sách “ Nhìn lại sử Việt ”, với những suy luận mới, viết sử dưới nhãn quan một nhà khoa-học. Bộ sách“ Nhìn lại sử Việt ” đã ra được 4 tập:
       Nhìn Lại Sử Việt I (Từ tiền-sử đến tự chủ)
       Nhìn Lại Sử Việt II (Tự chủ I: Từ Ngô Quyền đến thuộc Minh)
       Nhìn Lại Sử Việt III (Tự chủ II: Từ thuộc Minh đến thống nhất)
       Nhìn Lại Sử Việt IV (Nhà Nguyễn:1802-1945 )
      Sau đây là video ghi lại nhân buổi ra mắt Nhìn Lại Sử Việt Tập III :
                  
(Ông Lê Mạnh Hùng trong buổi ra mắt sách)

     Vợ cuả thầy là bà Phan-Lâm-Hương, là con gái cuả cựu Thủ-tướng VNCH Phan-Huy-Quát (năm 1965). Sau giải-phóng, cụ Quát cũng bị ở tù và chết vì bệnh gan trong khám Chi Hoà năm 1979. Bà Hương là cựu phóng viên đài BBC. Nay thầy cô đã về hưu va thường xuyên viết bài bình luận thời-sự trên báo Người Việt ở Cali dưới bút hiệu Lê-mạnh-Hùng và Lê Phan. Đây là một bài báo cuả bà PL Hương ghi lại thời làm phóng viên đài BBC:

      Lúc tôi vô học năm thư nhất thì có một số thầy được học bổng trở qua Mỹ để lấy bằng Tiến-sĩ, đó là thầy Nguyễn-đôn-Phú và Đào-Kim. Đến khi tôi lên năm thứ tư thì cả hai thầy tốt-nghiệp trở về. Thầy Phú phụ trách môn Machine design, còn thầy Kim phụ trách môn Thermodynamics Refrigeration. Thầy Kim có lối giảng rất rõ ràng và dễ hiểu, có thể nói là có khiếu về sư-phạm. Thập niên 1980, thầy Phú định cư ở Toronto, sau đó thầy qua Texas (Hoa kỳ) làm việc, nay đã về hưu, năm nào thầy cô cũng qua Toronto họp mặt với anh em KSCN chúng tôi.

      Năm thứ ba, tôi có học môn Kinh-tế học (môn phụ) vói Giáo sư Châu-tâm-Luân. Ông là một nhà chính-trị nổi tiếng thời đó, thuộc thành phần thứ ba (chủ trương hoà giải, hoà hợp dân tộc), nhóm cuả Đại tuớng Dương-văn-Minh. Ông tốt nghiệp PhD về Kinh-tế Nông nghiệp ở Mỹ. Vì là bạn học cùng trường Đại học với thầy Trần-Kiêm-Cảnh ( Giám đốc trường KSCN) lúc hai người du-học ở Illinois (Hoa kỳ), nên thầy Cảnh mời ông phụ trách môn Kinh-tế với tư cách giáo sư thỉnh giảng. Lúc đó ông Luân còn rất trẻ, chỉ mới ngoài 30 tuổi, ăn nói nhỏ nhẹ, chứ không phải là người làm chính-trị “ăn to nói lớn” cùng thời, kiểu như bà Ngô-bá-Thành, Ngô-công-Đức, Hồ-ngọc-Nhuận...Vô lớp ông chỉ giảng bài chứ không bàn về chính-trị. Sau giải phóng, ông là thành-viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và được TT.Võ-văn-Kiệt tin dùng một thời-gian, nhưng rồi cái học cuả ông không thể áp-dụng được với kinh-tế XHCN, rồi lần lần khoảng cách tư-tưởng càng ngày càng xa, cuối cùng ông cũng phải chọn con đường ra đi. 

      Trường KSCN thành lập năm 1956, qua viện trợ kỹ thuật cuả chính phủ Pháp. Họ cung cấp Giáo sư giảng dạy và viện trợ máy móc để lắp đặt trong xưởng thực tập. Ngay cả cái tên cũng dich từ tiếng Pháp, với chương trình giảng dạy mô phỏng từ trường École nationale supérieure d'Arts et Métiers (ENSAM) ở Paris, thực chất chương trình giảng dạy là “l’enseignement du génie industriel et mécanique  (kỹ nghệ và cơ khí). ENSAM  cũng là một trong những Grandes écoles ở Pháp như Ponts et Chaussées, École nationale supérieure des mines, v.v ... nhưng không hiểu sao ngày xưa ít có người  VN nào tốt nghiệp trường nầy, mà đa số tốt nghiệp trường Cầu Cống, có lẽ theo quan niệm ngày xưa chỉ muốn học ngành sạch sẽ như Y khoa, Công chánh chứ không muốn đụng tới dầu mở, máy móc ?. Khi dịch qua tiếng Việt, cái tên Công Nghệ đã gây nhiều ngộ nhận. Một thằng bạn cùng lớp kể lại một câu chuyện ra mắt ông già vợ tương lai thiệt là gai góc. Nó có một cô bồ, sau một thời-gian quen nhau thân mật, cô nàng dẫn nó về ra mắt cha mẹ cuả cô. Khi nghe nó nói là sinh-viên Trường KSCN, ông già mới hỏi: “Bộ cháu học cái nghề làm đồ gốm, đan rổ rá gì hả...”, thằng nhỏ sượng trân, ngồi vuốt mặt than thầm trong bụng “Thôi rồi! Phen nầy mất người yêu như chơi. Thằng Tây hại tui rồi !”. Chưa chi mà ông gìa dường như nhắn nhủ với nó : “Con gái tao là cành vàng lá ngọc nghe mậy, không gả cho mấy đứa lao đông chân tay đâu…”. Nó bối rối không biết giải thích ra sao trước câu hỏi “phủ đầu” có phần thiếu thiện-cảm cuả ông già, trong khi cô nàng ngồi cười chúm chím, không chịu lên tiếng “cứu bồ”. Trong đầu ông già cứ nghĩ Công nghệ có nghĩa là nghề thủ công nghệ, làm dồ bằng tay chân như những nghệ nhân. Về sau, khi hiểu rõ ngành học, ông già mới hối thúc nó làm đám cưới cho lẹ, bởi vậy nó là thằng lấy vợ sớm nhất, mới học năm thứ ba mà đã lấy vợ rồi. Rõ là “Tiền hung hậu kiết”. Bây giờ , danh từ Công nghệ trở nên thông-dụng trong nước, nào là Công nghệ Thông tin, Công nghệ Sinh-học, Công nghệ Nano, v.v... nhưng nó lại có một nghĩa khác, chẳng dính dáng gì đến Cơ khí.

      Vì có gốc “Tây”, nên khi trường mới thanh lập, ban giảng huấn đa số là người Pháp, hoặc nếu là người Việt thì cũng tốt nghiệp bên Pháp. Từ năm 1965 trở về sau, khi có nhiều giáo sư tốt nghiệp từ Mỹ, Úc, Canada về dạy thì trường được “Mỹ hoá” lần lần. Lúc tôi học chỉ còn sót lại hai thầy người Pháp giảng dạy, đó là thầy Paul Granotier dạy về Đúc kim loạiMẫu khuôn, nghe thầy giảng chỉ nắm được chừng 50%, mặc dù sinh ngữ chính cuả tôi hồi học trung-học là tiếng Pháp. Mình học chương-trình Việt, thì chỉ học về văn-phạm chứ đâu có được luyện nghe va nói hằng ngày như học sinh trường Pháp (Marie Curie, Chasseloup Laubat) bao giờ. Cũng may môn cuả thầy ứng-dụng nhiều hơn lý thuyết, còn phần lý thuyết môn Metallurgy thì do thầy Trần-minh-Giám, PhD ở Canada về giảng dạy, nên gở kẹt cho tụi tôi. Một thầy người Pháp nửa là Jean Porteil, dạy về Động cơ nổ, ông nầy thì rành tiếng Việt quá xá (chắc có lẽ lấy vợ VN), giống như anh chàng Luật sư Tom Treutler trong video Thúy Nga Paris, do đó thầy giảng thẳng bằng tiếng Việt luôn cho học trò đở “mệt” lỗ tai.

      Tôi không phải con nhà lao đông cho nên khi bước vào ngưỡng cửa một trường Kỹ sư mà bàn tay cũng chưa có một vết chai, chưa từng cầm một cái kềm, cái buá, đến đổi bạn Tuyến thời Trung-học có lần cầm bàn tay tôi săm soi như thầy bói : “ Chà! lòng bàn tay ông đỏ như son, giống như tay con gái, số ông sướng à nghe ....”. Để rồi khi khoác lên chiếc áo màu xanh đậm trong giờ thực tập xưởng, tôi thấy có hơi ngỡ ngàng, lạ lẫm. Ngày đầu, ông Du và ông Chính coi thực tập ở xưởng, quăng cho mỗi đứa một cục sắt, chỉ dẫn cầm cái duã cho đúng cách, phải dũa một cục sắt thành một khối chữ nhật cho đúng kích thước, thấy khó khăn giống như người mới bắt đầu tập chạy xe đạp, té lên té xuống. Lâu lâu mấy ổng cầm cục sắt lên ngắm tới ngắm lui rồi nói “Cái nầy chưa được, cũng còn “mô” ở giữa chớ chưa phẳng, cạnh bị méo, không thẳng góc...”, lại hì hục duã, mồ hôi lã chả. Khi các cạnh đã thẳng góc, mặt láng coóng như kiếng, hí hửng đem tới khoe, thì mấy ổng lại chê “Cái nầy chưa đúng kích thước, làm lại”. Thiệt là trần ai khoai củ, giống như tuần lễ huấn nhục trong quân trường. Rồi chuyển qua tập xử dụng những máy tiện, phay, bào để tinh chế những cục thép thô thành những dụng cụ... Vài tuần sau bàn tay “thư sinh” bắt đầu có những vết chai, đen đúa vì bụi kim loại, dầu mở. Lời đoán mò cuả “thầy” Tuyến chẳng thấy ứng nghiệm chút nào. Có nhiều toán cùng thực tập trong xưởng , từ năm thứ nhất tới năm thứ ba, cho nên những khoá đàn anh thường chỉ dẫn cho khoá đàn em, từ đó có sự gần gủi, khắn khít giữa các khoá với nhau. Năm thứ ba, thực tập ở xưởng đúc mới là cực nhọc nhứt: làm khuôn cát, nấu một mẻ gang và đổ khuôn dưới sự hướng dẫn cuả thầy Granotier. Rồi thực tập đo độ cứng sắt thép, nhìn mẫu kim loại qua kính hiển vi trong phòng thi-nghiệm Sức chịu vật liệu. Tập tháo ráp động cơ một máy xe hơi. Ngoài ra còn phải qua trường Điện thực tập đo điện đông cơ AC, DC. Đến phòng thí nghiệm Hoá trên lầu trường Công chánh để làm những phản ứng về Hoá. Ôi những khám phá mới lạ mà từ trước tới nay mình chưa từng trải nghiệm! Từ đó tôi thấy mình càng trưởng thành và tự tin hơn.

Chương trình huấn luyện Quân sự học đường.

      Từ lúc bắt đầu Hoà đàm Paris, chiến trận càng ngày càng khốc liệt, gây tổn thất nặng nề cho cả đôi bên. Hè năm 1971, nam sinh-viên bị bắt buộc lên TTHL Quang Trung dự khoá huấn luyện căn bản Quân sự học đường một tháng, để chuẩn bị tổng động viện khi cần. Tất cã sinh viên cuả Trung tâm QGKT Phú Thọ đều được xếp chung một liên đội. Ngày đầu tiên ở quân trường phải đi tắm tập thể, cả chục mạng “phơi mình” đứng quanh hồ nước ngoài sân doanh trại, thấy ngượng vô cùng. Dần dà rồi cũng quen. Cơm nấu bằng chảo to tổ bố, ăn trường kỳ với cá mối lăn bột chiên dòn, loại cá tạp mà chiên lên thấy cũng ngon. Sống tập thể, người nào tánh tình ra sao đều lòi ra hết. Có vô số biệt danh, nhớ không hết, như trường Điện có Thắng lác, có ``Phương Hồng Quế ``vì mặt hao hao giống ca sĩ Phương Hồng Quế.

      Một đêm nọ, tôi bị nóng sốt li bì, sáng sớm tới giờ tập hợp mà tôi vẫn chưa dậy nổi. Lúc đó lại có dịch đau màng óc khắp nơi, giống như dịch heo tai xanh, cúm gà như bây giờ, bệnh xá sợ tôi bị “dính” nên cấp tốc cho xe Hồng thập tự đưa về Tổng y viện Công Hoà cứu cấp, bởi vì nếu tôi “ngã” xuống thì biết đâu cả quân trường sẽ nhốn nháo bỏ học, hậu quả không lường (Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ). Bạn bè thấy tôi nằm trên băng ca, được đưa lên xe cứu thương, nhìn theo ứa nước mắt, tưởng phen nầy tôi “một đi không trở lại”. Trên đường đi , tôi bổng lo sợ, chẳng lẽ đời mình kết thúc một cách lãng xẹt, phải “hy sinh vì tổ quốc” một cách oan uổng hay sao.Vô bệnh viện quân y hàng đầu cuả VNCH tôi được nằm ở khu sĩ quan, chung phòng với các thương binh thứ thiệt, người thì Thiếu úy, Trung úy, sư đoàn nầy binh chủng nọ, chỉ có tôi là sĩ quan “dởm”, chẳng lẽ bịa ra là mình thuộc Lực lượng đặc biệt hoặc Tình báo nên không có cấp bậc và số quân. Khỏi hỏi, mọi người cũng biết tôi thuộc loại “lính kiểng” vì mặt mày chưa rám nắng. Mỗi ngày, Y sĩ Thiếu tá Phan-Trần-Đạo xuống khám bệnh cho tôi. Sau khi xét nghiệm chẩn đoán thì chẳng phải bị đau màng óc gì ráo  (mạng còn dài) mà chỉ bị sốt mà thôi. Có lẽ đời tôi chưa từng trải qua sương gió, nắng mưa nên gặp thử thách ở quân trường thì đổ bệnh. Nằm dưỡng bệnh ở đó cũng sướng, ăn uống rất tươm tất (chế độ sĩ quan mà), chỉ có hơi buồn là thương binh nào cũng có vợ con, em gái hậu phương vô thăm viếng, an ủi, cam quit chất đầy bàn, còn “bệnh binh” thì trơ trụi, chẳng có ai thăm. Khoảng 4 ngày sau thì tôi bình phục trở lại, có giấy xuất viện, xe cuả Tổng y viện CH đưa tôi trở về Quang Trung. Đó là lần duy nhất trong đời, tôi được nằm nhà thương. Cho đến nay sau hơn 40 năm, tôi cũng chưa được hân hạnh trở lại nằm nhà thương lần nữa để coi việc điều trị, chăm sóc trong nhà thương ở Canada như thế nào. Dù có tốt hơn nhưng chắc cũng không ai muốn vô đó.

      Phần cuối cuả chương trình huấn luyện càng gian nan: lội mấy cây số hành quân ban đêm, Đại đội trang bị đầy đủ súng ống kể cả súng cối, đại liên.  Ra bãi tập vượt qua đoạn đường chiến binh với nhiều chướng ngại vật. Có một màn rất nguy hiểm là “bò hoả lực”: ở một bãi tập, họ giăng kẻm gai cách mặt đất chừng 50 cm, khoá sinh phải ôm súng bò dưới đó như ngoài trận địa, trong lúc phiá trên đại liên nổ dòn dã, nghe ớn lạnh (đạn thật), trườn qua bãi sình muốn ngất ngư mà không dám ngất đầu lên ( sợ bể gáo). Hôm đó trở về trại mọi người như cái mền rách, quần áo lấm lem bùn sình, mệt muốn đứt hơi. Trong thời-gian huấn luyện, họ  cũng có  cho về  phép: sáng thứ  Bảy, có  xe GMC đưa khoá  sinh về  tới Ngã Tư Bảy Hiền, rồi mỗi  người tự  túc tìm phương tiện về  nhà, chiều hôm sau thì trở ra địa điểm cũ lên xe trở về Quang Trung. Lúc về phép mặc quân phục, đội nón tai bèo, coi cũng oai phong lắm, tưởng như lính thứ thiệt.Tôi thấy huấn luyện quân sự coi vậy mà hay, mỗi sinh viên nên trải qua một lần để quen với nếp sống tập thể và rèn luyện thể lực. Ngày nay. ở những nước bị đe doạ bởi chiến tranh như Do Thái, Hàn Quốc, mỗi công dân trên 18 tuổi  phải qua khoá huấn luyện quân sụ bắt buộc từ 1 tới 3 năm.

Tốt nghiệp & Làm việc.



      Sau bốn năm học tập vất vã rồi cũng đến ngày tốt-nghiệp năm 1973. Lúc đó hoà đàm Paris đã được ký kết vào tháng giêng năm 1973, tuy nhiên viễn ảnh hoà-bình còn rất xa vời. Chúng tôi tốt nghiệp trong nỗi hoang mang,lo lắng, không biết tương-lai mình sẽ ra sao. Khoá cuả tôi có 46 người tốt nghiệp. Lúc ra trường thì một vài bạn lớn tuổi phải nhập ngũ SQTB Thủ Đức, nhưng khi ra trường cũng được biệt phái về các đơn vị không chiến đấu như Lục quân công xưởng (Quân cụ), Công binh. Phần lớn đều đi làm rải rác khắp các xí-nghiệp công cũng như tư, cụ thể như Công ty Điện lực tuyển dụng 10 đứa ( trong đó có tôi, phần lớn về làm ở nhà máy nhiệt điện Trà Nóc,Cần thơ), số còn lại đi làm cho DAO, Viện bào chế thuốc, Xưởng đóng tàu CARIC, Hoả xa, bộ Công chánh, Công-ty Đường, v.v.... Có hai người không làm việc về kỷ thuật mà lại chọn ngành giáo dục là P.H.Hải, sau nầy là giáo sư Toán nổi tiếng ở Sàigòn và H.C.Sanh dạy ở ĐH Tiền Giang. Tôi có một người bạn còn hay hơn mấy tên nầy nữa, đi dạy cấp ba từ hồi còn học Đại học chứ không phải chờ ra trường mới đi dạy như hai thằng nầy. Tôi đem chuyện nầy ra hù tụi nó: “Nè, tao có một cô bạn đi dạy từ hồi còn học Đại học chứ không phải chờ ra trường mới đi dạy như tụi mầy đâu, mà dạy ở trường trung-học đàng hoàng chứ không phải đi kèm trẻ em ở tư gia à nhe” . Tụi nó “kinh hãi”, phục sát đất, hỏi tới: “Đâu đâu! Sao cả chục năm nay không nghe mầy nói tới, bây giờ bổng nhiên khai ra”. Tôi an ủi tụi nó:  “ Người ta đã có đôi rồi...bạn ơi. Đâu còn chi nữa mà mong ...mà chờ... (bài hát tên gì tôi quên rồi ta). Bấy lâu không nói cho mầy nghe là sợ mầy thất vọng, buồn  chứ có ích gì... He.. he”.

      Sanh rất giỏi, học cùng lúc 2 trường, cho nên khi tốt nghiệp KSCN thì cũng có bằng Cử nhân Toán bên ĐH Khoa học. Sanh hơi ốm, có cốt cách cuả một người tu-hành, cho nên bạn bè đặt cho biệt danh là “Ông đạo Hoài Sanh” (đó là một nhân vật có thật ngoài đời). Sau nầy qua Nhật, Sanh lấy bằng Master một cách dễ dàng và trở về VN làm việc. Sanh là một người giản-dị, không phô trương, có nhiều lần đi xe gắn máy Ở Sàigòn bị Công an giao thông chận lại kiếm chuyện phạt. Thấy bộ vó cuả “ông già” có vẽ nghèo khổ, công an thương tình có khi tha cho, không lấy tiền. Có ai ngờ đó là Giám đốc chi nhánh cuả một công ty cuả Nhật tại Sàigòn, với hơn 50 nhân viên. Làm việc ở Sàigòn, “độc thân” tại chỗ, vợ con ở Cali, Sanh cứ nhìn thẳng, chứ không “đi ngang về tắt” như nhiều ông Việt kiều khác. Đúng là một người hiền.
       Có hai bạn được học bổng qua Thái Lan học ở Viện kỷ thuật Á Châu (Asian Institute of Technology, AIT) để lấy bằng Master, vì lúc đó cả Trung tâm chưa có chương trình đào tạo Master degree. AIT lúc đó chỉ có ngành Công Chánh, chứ chưa có Điện và Cơ khí, cho nên hai bạn Hưng và Vân qua đó phải chuyển qua học Công chánh. Sau 1975, từ AIT ở Bangkok, bạn NV Thanh Vân qua Canada học tiếp chương trình Tiến sĩ rồi đi dạy Đại học, bây giờ là Khoa trưởng ngành Civil Engineering and Applied Mechanics cuả trường Đại học McGill, Montréal, Canada.
( Ông Nguyễn Văn Thanh Vân)

      Những bạn làm cho DAO (Defense Attché Office), cơ quan trực thuộc Toà Đại sứ Mỹ thì rời VN ngày 30 tháng 4, 1975. Được qua Mỹ  sớm khi còn trẻ  nên nhiều bạn đi học lại và rất thành-công. Khoá tôi có 5 bạn lấy bằng Ph.D, chưa kể một số lấy Master degree và Professional Engineer.
 Trong số 46 người tốt nghiệp cuả khoá 14 thì có 31 người hiện sống ở nước ngoài, coi như hơn phân nửa. Đa số ở Mỹ, Canada và Úc. Với những bạn còn ở lại VN, có nhiều người làm doanh nghiệp rất khá. Có bạn giữ những chức vụ quan trọng trong các công-ty lớn như T,Q.Thuấn làm Tổng GĐ trung-tâm Nhiệt-điện Phú Mỹ (gần Vũng tàu). P.H.Hạnh làm Chủ-tịch HĐQT Nhiệt điện Bà rịa. Thủ khoa cuả khoá là H.V.Tâm, đi làm cho CARIC một thời-gian rồi trở về trường giảng dạy. Các khoá sau 1975 có lẽ biết nhiều về “thầy” Tâm, dạy môn Thermodynamics (Nhiệt đông học) và Fluid Mechanics (Cơ học lưu chất) năm thú nhất và năm thứ hai. Qua Mỹ, Tâm làm kỹ sư cho hãng máy bay Boeing, sau chuyển qua làm doanh nghiệp.

      Trung tâm QGKT Phú thọ gồm 5 trường: Điện, Công chánh, Công nghệ, Hoá học và Cao đẳngThương mại. Ngoại trừ trường Hoá và Thương mại có khá nhiều  nữ  sinh viên, còn các trường khác thì rất hiếm hoi. Bóng hồng thì có đấy nhưng “giai nhân” thì không thấy. Chúng tôi “ganh tị” với trường Luật, Văn khoa với nhiều tài tử, giai nhân nổi tiếng như Thanh Lan, Hoàng Oanh; với con đường Duy Tân “cây dài bóng mát” đã được đưa vào thi ca. Trong suốt 19 khoá KSCN, chỉ có 2 bông hồng là sư tỷ Quách-thị-Thu và Bùi-ngọc-Hảo cuả khoá 1. Có lẽ vì là khoá đầu tiên, mấy chị chưa biết “đá vàng” nên thi vào. Chắc là khi ra trường hai chị rỉ tai “hù” đám nữ sinh đàn em: “Thôi mấy em ơi, đừng có vô trường đó. Học cực, quần áo lọ lem, tay chân đen đúa, chai sạn, nhan sắc héo uá. Học Luật, Văn khoa, Sư phạm sướng hơn...”, bởi vậy từ đó về sau các trường Kỹ sư ở Trung tâm QGKTPH trở thành nơi “đồng khô cỏ cháy”.

      Sau 1975, Trường Kỹ sư Công Nghệ  không còn nữa, nó đã đổi tên thành Khoa Cơ khí, Đại học Bách Khoa TPHCM. Tuy vậy, cựu sinh viên KSCN từ khoá 1 đến khoá 19 vẫn hãnh diện về ngôi trường cũ cuả mình, cho nên những tờ Đặc san và những kỳ đại hội vẫn giữ tên Hội ái hữu KSCN. Nó giống như tên của một người, khi cha mẹ trìu mến gọi là Cu Tèo hay Cu Lì..., và khi lớn lên dù có đổi thành tên Tom hay Bill gì đi nữa thì mình vẫn thấy có cái gì thân thương, đầy kỷ-niệm, đâu ai muốn bỏ cái tên cũ mộc mạc kia.
      Miền Nam hồi đó nghèo hơn bây giờ nhiều nhưng suốt 4 năm Đại học tôi nhớ là không có trả một đồng học phí, chỉ tốn tiền mua sách vở, tiền mua cours mà thôi. Nếu nói bệnh viện công là “nhà thương thí” thì có lẽ chúng tôi cũng học “Đại học thí”. Bây giờ nghe nói tiền bạc thấy ớn lạnh: mỗi năm VN xuất khẩu nông,  hải sản thu về hàng tỷ Mỹ kim, chưa kể Việt kiều gởi về cho thân nhân ( thống kê mới nhất cho biết kiều hối năm 2013 là 4.8 tỷ Mỹ kim), thế mà cha mẹ phải đóng đủ thứ tiền cho con đi học, dù là trường công, ngay từ lớp tiểu học. Thật là oái oăm!

      Nhiều bạn bè trở về thăm trường cũ có kể lại là cơ xưởng thực tập cũng y như ngày xưa , máy móc cũng là những gì còn lại cuả thời chúng tôi học, dĩ nhiên là củ kỹ, xuống cấp sau hơn 40 năm. Tôi ngậm ngùi nghĩ:  sao nền giáo dục cuả nước mình nó lạc hậu đến như vậy. Việt Nam hiện nay tự hào là nước xuất khẩu gạo, café nhứt nhì thế giới, nông sản, hải sản cũng có mặt trên thị trường Âu Mỹ, mỏ dầu cũng có. Nguồn ngoại tệ dồi dào hơn ngày xưa gấp trăm lần. (...). Đầu tư vào giáo dục và khoa học kỹ thuật hiệu quả gấp trăm lần những hình thức đầu tư khác. Hàn quốc đâu có xuất khẩu gạo, nhưng một một cái TV nhẹ hều xuất khẩu trị giá hơn 1 tấn gạo, một cái xe hơi thì bằng biết bao nhiêu tấn gạo ? Thành quả đó từ đâu mà có, phải chăng là có chủ trương, chính sách đúng đắn về giáo dục?  Cứ nhìn vào 2 lãnh vực  giáo dục và y tế thì có thể đánh giá được tương-lai cuả một nước.
      Bốn mươi năm trước, tôi đã rời ngôi trường sau cùng trên con đường học vấn để bước vào đời gầy dựng sự nghiệp ở tuổi đời còn rất trẻ, mới có 22, lúc đó vẫn còn phảng phất nét thư sinh. Đến nay sau 40 năm trải qua bao thăng trầm, vui buồn trên đường sự nghiệp cả trong lẫn nước ngoài, tôi sắp đi hết con đường, gần đến tuổi hưu. Thời gian trôi nhanh thật, mọi kỷ niệm ở chốn xa xăm ngút ngàn mà tưởng chừng như mới xảy ra hôm qua.


      Cũng may, con đường sự nghiệp cuả tôi cũng không có nhiều trắc trở: bảy năm với ngành Điện lực ở VN rồi qua Canada làm gần như liên-tục, chỉ gián đoạn vài lần, mỗi lần chừng 1-2 tháng lúc thay đổi hãng. Tôi thấy có lẽ mình hên, được “trời thương” chứ chẳng phải giỏi dang gì. Tôi nghiệm ra là mỗi người đều có số mệnh, chớ nên cậy tài, vì “Thằng thời đi khỏi, thằng giỏi cũng không làm gì”. Chẳng hạn nhiều ông lãnh đạo ở VN hiện nay, ngày xưa ở trong bưng, có ai ngờ bây giờ đổi đời giàu sang, uy quyền tột bực. Lúc tôi còn nhỏ, khi kể lại những tích trong truyện Tàu, Ba tôi thường hay nói: “ Nếu không có cái loạn nhà Tùy thì Uất Trì cũng cày ruộng, Trình Giảo Kim cũng đi bán muối lậu, chứ có được làm vuơng làm tướng gì...” (Tùy Đường diễn nghĩa)
      Ngoài những bạn bè quen biết sau nầy khi ra đời đi làm, tôi có 2 nhóm bạn với nhiều thân tình và kỷ niệm đó là nhóm bạn thời học Trung học và thời học Đại học. Với những người mới quen khi ra đời thì mình cũng cần phải dè dặt, có phần khách sáo, không thể trải hết lòng. Còn đối với bạn bè đã từng học chung trường, đã hiểu tánh ý nhau, thì mình không ngại khi nói chuyện, thâm chí nói giỡn chơi cũng không sợ mích lòng. Tôi chỉ cầu mong những bạn bè thân thiết cuả tôi mãi mãi khoẻ mạnh ít ra là vài chục năm nữa để tâm tình, chia xẻ những vui buồn trong lúc về hưu.


Canada- Xuân Giáp Ngọ 2014
L.T.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét